Giáo viên Mầm non ngậm đắng nuốt cay đóng tiền biếu xén lãnh đạo

03/08/2017 07:00
XUÂN QUANG - HỮU LÊ
(GDVN) - "Cả quận người ta đều đóng, mình không đóng thì họ sẽ "liệt" mình vào cái loại gì", một giáo viên Mầm non trên địa bàn quận Hải An chia sẻ.

Lương hơn 3 triệu, phải đóng 2 triệu lấy gì để sống? 

Sau thông tin sự việc "nhiều giáo viên ở Hải Phòng bị gợi ý nộp tiền triệu để chống trượt viên chức", được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục Mầm non trên địa bàn quận Hải An (Hải Phòng) tiết lộ thêm, khoản đóng góp 2 triệu đồng/người để đi cảm ơn lãnh đạo sau khi kết thúc xét tuyển viên chức vào tháng 8/2014 là do họ bị ép đóng. 

"Trước khi xét tuyển đặc cách viên chức, Hiệu trưởng phổ biến mỗi giáo viên đóng 6 triệu đồng/người, nhưng sau đó bị chúng tôi phản đối nên họ trả lại tiền.

Trường Mầm non Đằng Hải (quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Ảnh tư liệu đăng trên haian.edu.vn.
Trường Mầm non Đằng Hải (quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Ảnh tư liệu đăng trên haian.edu.vn.

Sau khi xét tuyển xong thì họ tiếp tục thông báo mỗi người đóng góp 2 triệu đồng/người để đi cảm ơn lãnh đạo. 

Bây giờ tất cả mọi người đều đóng thì chúng tôi buộc phải đóng. Cả quận người ta đều đóng tiền, mình không đóng thì họ sẽ "liệt" mình vào cái loại gì.

Nếu nói giáo viên thích đóng tiền để đi cảm ơn thì chẳng ai thích đóng đâu. 

Thu nhập của giáo viên Mầm non thời điểm đó chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng thì chẳng có ai cam tâm, bỏ 2 triệu đồng để đi cảm ơn rồi sau đó lại nói là tự nguyện đóng góp cả.

Trong khi đó, tiền lương giáo viên làm quần quật hằng tháng may ra mới đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt gia đình", một giáo viên Mầm non (đề nghị giấu tên) trên địa bàn quận Hải An phản ánh.

Giáo viên này chia sẻ thêm: "Tôi không chắc việc mỗi giáo viên đóng góp 2 triệu đồng/người để đi cảm ơn lãnh đạo có phải là chủ trương từ trên xuống hay không, nhưng cũng không ngẫu nhiên mà Hiệu trưởng các trường đều phổ biến cùng một nội dung như nhau và cũng chẳng ai dại gì tự dưng bỏ tiền ra đóng góp cả.

Nếu đi cảm ơn thì cá nhân người đó phải tự nguyện. Người có nhiều thì cảm ơn nhiều, người có ít thì cảm ơn ít và cùng lắm số tiền ấy chỉ dừng lại ở con số 500 nghìn đồng.

Sao lại có chuyện lạ lùng đến mức Hiệu trưởng đứng ra phổ biến chung và chia đều mức đóng góp mỗi người 2 triệu đồng. Như thế còn gì là tự nguyện nữa", giáo viên này phân tích.

Giáo viên Mầm non ngậm đắng nuốt cay đóng tiền biếu xén lãnh đạo ảnh 2

Nhiều giáo viên ở Hải Phòng bị gợi ý nộp tiền triệu để chống trượt viên chức

Cô giáo này còn cung cấp thêm thông tin, trước đó mỗi giáo viên phải nộp 4 triệu/người để được vào hợp đồng không xác định thời hạn tại một số cơ sở giáo dục Mầm non trên địa bàn quận Hải An.

Số tiền này được nộp cho Hiệu trưởng.

Thông tin giáo viên tại nhiều cơ sở giáo dục Mầm non bị ép nộp tiền đi cảm ơn lãnh đạo càng được củng cố khi lãnh đạo trường Mầm non Nam Hải thẳng thắn nêu rõ số tiền mà giáo viên phải đóng góp, tại cuộc họp nhà trường.

"Thực ra thống nhất của toàn quận là 3 triệu/người, nhưng đến ngày hôm qua, tôi chốt mức cuối cùng là 2 triệu đồng/người", đoạn ghi âm dẫn lời Hiệu trưởng trường trường Mầm non Nam Hải đề nghị giáo viên đóng góp tiền để đi cảm ơn lãnh đạo sau kỳ xét tuyển đặc cách viên chức.

Giáo viên bị Hiệu trưởng truy vấn

Cùng thời điểm thông tin nộp tiền "chống trượt" xét tuyển viên chức đặc cách được lộ ra ngoài (cuối tháng 3/2016), lãnh đạo một trong số cơ sở giáo dục Mầm non có tên trong bài viết trước đó, đã "mời" giáo viên vào phòng Ban Giám hiệu để truy vấn.

Những thông tin phóng viên có được cho thấy, vị Hiệu trưởng nhà trường tỏ ý trách móc cô giáo (xin giấu tên) vì lý do làm lộ bí mật cơ quan, gây ảnh hưởng tới mọi người và nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên này bức xúc: "Trong cuộc họp phổ biến nội dung nộp tiền, rất nhiều giáo viên biết thông tin này chứ không phải mình tôi.

Việc giáo viên truyền tai nhau làm lộ thông tin này là chuyện bình thường.

Tôi chỉ nghĩ đây là việc không nên làm chứ không có ý xấu gì hết", giáo viên này cho biết.

Đây là tình trạng chung

Ngay sau khi bài viết nói trên được đăng tải, tòa soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ, bình luận của độc giả xung quanh vụ việc này.

Một số độc giả cho rằng, chuyện tiền nong trong việc tuyển dụng công chức, viên chức là việc thường ngày, và điều này không cần ai nói ra thì mọi người cũng biết. 

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Thùy Linh/giaoduc.net.vn).
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Thùy Linh/giaoduc.net.vn).

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, hôm 2/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định, việc nhiều giáo viên ở Hải Phòng được gợi ý nộp tiền chống trượt khi xét tuyển viên chức là hiện tượng rất đáng buồn trong ngành giáo dục.

"Những vấn đề báo nêu không phải là trường hợp cá biệt, mà nó tương đối phổ biến ở nhiều ngành, lĩnh vực chứ không phải riêng ngành giáo dục.

Những tiêu cực này xuất phát từ quan niệm lạc hậu, phải vào công chức, viên chức để ổn định. Cho nên rất nhiều người tìm mọi cách để được vào biên chế.

Nhưng khi người ta đã chấp nhận "luật chơi", thì buộc họ phải theo nó đến cùng, thậm chí người đó biết rằng đó là cuộc chơi không sòng phẳng, có tiêu cực. 

Tôi đã nghe thông tin giáo viên muốn vào dạy tại một cơ sở giáo dục phải mất số tiền khá lớn.

Nếu tính lương giáo viên thì biết bao giờ mới hoàn trả lại được số tiền xin việc?

Thậm chí bố mẹ còn phải trả nợ thay. Đây là vấn đề rất đau lòng", Tiến sĩ Tùng Lâm chia sẻ.

Vị chuyên gia tâm lý đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ những dấu hiệu tiêu cực nói trên, để trả lại môi trường trong sạch trong ngành giáo dục.

XUÂN QUANG - HỮU LÊ