Giáo viên nghỉ dạy vì việc riêng sẽ bị trừ lương?

17/04/2019 06:28
NHẬT KHOA
(GDVN) - Có rất nhiều giáo viên thắc mắc, phản ánh về việc khi giáo viên bận một số công việc gấp, đột xuất nghỉ một số ngày dù có đơn xin phép nhưng lại bị trừ lương.

Vấn đề nghỉ phép, nghỉ công tác, nghỉ ốm đau, dưỡng bệnh hay nghỉ vì việc riêng của giáo viên hiện nay đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của giáo viên trong cả nước trong đó có vấn đề khi nào giáo viên nghỉ việc thì sẽ bị trừ lương.

Có rất nhiều giáo viên thắc mắc, phản ánh về việc khi giáo viên bận một số công việc gấp, đột xuất nghỉ một số ngày dù có đơn xin phép gửi hiệu trưởng (hoặc công đoàn) nhà trường nhưng sau đó lại bị trừ lương.

Trong phạm vi bài viết này, với sự hiểu biết của tác giả và tham khảo các văn bản pháp luật liên quan, tôi xin phép được thông tin về việc nghỉ và hưởng lương như thế nào để giáo viên và người lao động có thể tham khảo.

Giáo viên nghỉ dạy vì việc riêng sẽ bị trừ lương? Ảnh minh họa: Laodong.vn
Giáo viên nghỉ dạy vì việc riêng sẽ bị trừ lương? Ảnh minh họa: Laodong.vn

Những ngày nghỉ hưởng nguyên lương

Giáo viên được nghỉ phép 02 tháng trong dịp hè hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 116 Bộ luật Lao động 2012, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau đây người lao động trong đó có giáo viên sẽ được nghỉ việc và hưởng nguyên lương trong các ngày lễ, tết theo quy định như:

“Tết dương lịch, Tết âm lịch, ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 01/5, ngày Quốc khánh 02/9, ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 âm lịch.

Giáo viên cũng sẽ được nghỉ việc hưởng nguyên lương trong các ngày sau: Kết hôn (nghỉ 03 ngày), Bố, mẹ ruột hoặc bố mẹ vợ/chồng chết (nghỉ 03 ngày), vợ chết hoặc chồng chết (nghỉ 03 ngày), con chết (nghỉ 03 ngày), con kết hôn (nghỉ 01 ngày)”.

Giáo viên nghỉ dạy vì việc riêng sẽ bị trừ lương? ảnh 2Quy định lạ đời: Gác lương giáo viên khi sai sót trong khâu làm sáng kiến

Bên cạnh đó theo Luật Bảo hiểm xã hội – Luật số 58/2014/QH13, Nghị định 115/2015/NĐ – CP và Thông tư số 59/2015/TT BLĐTBXH về chế độ nghỉ thai sản dành cho vợ, chồng có vợ sinh con thì số ngày nghỉ được hưởng nguyên lương như sau:

Đối với lao động nữ sinh con: được nghỉ trước và sau sinh là 06 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi người con được nghỉ thêm 01 tháng.

Khi vợ sinh con, chồng được nghỉ: 05 ngày trong trường hợp sinh thường, 07 ngày khi sinh mổ, sinh đôi thì nghỉ 10 ngày, sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc, sinh đôi trở lên có phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày”.

(Lưu ý thời gian nghỉ của chồng được tính trong thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, quá 30 ngày kể từ thời điểm vợ sinh sẽ không giải quyết chế độ nghỉ trên).

Bên cạnh đó giáo viên khi đi công tác có lệnh điều động của thủ trưởng đơn vị hoặc lãnh đạo cấp cao cũng sẽ được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp.

Nghỉ việc chế độ ốm đau và chăm sóc con nhỏ

Đối với trường hợp nghỉ đi khám chữa bệnh, căn cứ Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:

"1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau".

Giáo viên nghỉ dạy vì việc riêng sẽ bị trừ lương? ảnh 3Cả trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Tĩnh bị cắt bảo hiểm trái luật

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về thời gian hưởng chế độ ốm đau:

“1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Mức % lương hưởng khi nghỉ việc ốm đau như sau: Chế độ ốm đau dài ngày cho người lao động:

Đối tượng

Tỷ lệ hưởng(t)

180 ngày đầu

75%

Dưới 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội

50%

Từ 15 năm đến dưới 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội

55%

Từ 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên

65%

2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.”

Thời gian hưởng: tối đa 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi, tối đa 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 đến dưới 7 tuổi (căn cứ Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội).

Nghỉ việc riêng không hưởng lương

Giáo viên ngoài việc nghỉ các ngày trên theo quy định của pháp luật, thì các trường hợp còn lại chủ yếu coi như nghỉ vì việc riêng, mà theo đúng Luật Lao động thì nếu nghỉ vì việc riêng thì phải không hưởng lương hoặc trừ lại lương đã nhận.

Lý do vì nếu nghỉ việc do ốm đau, nằm viện hay chăm sóc con nhỏ thì chỉ hưởng lương từ 50 đến 70% lương, trong khi đó nhiều giáo viên nghỉ việc riêng vì những lý do không nằm trong quy định của pháp luật như đám giỗ, việc riêng,… nếu không trừ lương tức là hưởng 100% là không phù hợp, gây ra một số bất công.

Giáo viên nghỉ dạy vì việc riêng sẽ bị trừ lương? ảnh 4Nhiều ý kiến muốn lương giáo viên phải được cao nhất

Nếu giáo viên vì những công việc đột xuất hay có lý do đặc biệt thì giáo viên có thể làm đơn gởi thủ trưởng xin phép nghỉ việc riêng không hưởng lương theo quy định sau:

Theo quy định tại khoản 2,3 Điều 116 của Luật Lao động 2012 về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Như vậy, ngoài các trường hợp giáo viên nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định pháp luật đã phân tích ở trên, các trường hợp còn lại giáo viên chỉ có thể nghỉ việc riêng không hưởng lương và lưu ý rằng việc nghỉ phải được sự đồng ý của thủ trưởng bằng văn bản và giao kế toán thực hiện chế độ lương theo quy định.

Do đó nếu giáo viên nghỉ việc riêng việc không thuộc quy định nghỉ hưởng chế độ thì việc trừ lương là đúng quy định pháp luật, một số trường hợp đặc biệt có thể xin phép thủ trưởng bố trí dạy bù ở một số tiết trống khác.

Chúng ta nên hiểu đơn xin nghỉ phép là đơn xin phải có lý do chính đáng và được thủ trưởng đồng ý, không phải cứ có đơn xin nghỉ vì bất cứ lý do gì thì xem là đơn có phép, nếu thủ trưởng không đồng ý lý do trong đơn thì coi như nghỉ không phép và nếu giáo viên vi phạm vượt quá số ngày thì có thể buộc thôi việc cụ thể:

Điểu d khoản 1 Điều 52 quy định về hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức.

Dẫn chiếu đến Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau:

“5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch”.

Hy vọng những thông tin trên là thông tin hữu ích cho giáo viên và cán bộ quản lý.

NHẬT KHOA