Giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng

18/08/2015 09:18
THỤY MIÊN
(GDVN) -Quảng Bình xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm mới đối với hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS...

Báo Quảng Bình hôm 18/8 đưa tin, thời  gian qua, toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.

Nhờ vậy, nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS đã có sự thay đổi lớn, người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế thân thiện. Đặc biệt, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm mới đối với hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS, từng bước thực hiện có hiệu quả việc xã hội hoá các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Sống khép mình và luôn lo lắng sợ hãi là cảm giác chung của nhiều người nhiễm HIV bởi trên thực tế họ phải đối diện với sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng xã hội, thậm chí cả người thân. Chị N.T ở huyện Quảng Trạch từng trải qua những tháng ngày như thế kể từ khi biết tin chồng mình mắc AIDS và đã lây truyền bệnh cho chị.

Vợ chồng chị sống lặng lẽ trong chính ngôi nhà của mình. Chị là người duy nhất gần gũi, chăm sóc, lo lắng cho chồng và ngay cả lúc chồng mất cũng chính tay chị lo mọi chuyện hậu sự vì sợ bệnh của chồng mình sẽ lây cho người khác. Bản thân chị không dám tiếp xúc với ai, đi đâu, làm gì cũng sợ người ta để ý.

Tổ chức các hội thảo nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm luôn được tỉnh ta quan tâm tổ chức hàng năm. (Ảnh: Báo Quảng Bình).
Tổ chức các hội thảo nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm luôn được tỉnh ta quan tâm tổ chức hàng năm. (Ảnh: Báo Quảng Bình).

Thế nhưng cái cần “che giấu” lại là điều không thể giấu khi con gái chị sinh ra cũng bị nhiễm HIV từ mẹ lúc mang thai. Rồi tiếng thì thầm to nhỏ cứ thế lan ra khiến chị phải sống một cuộc sống hết sức khó khăn. Hàng xóm láng giềng tránh mặt chị. Chị không thể tìm được việc gì làm ngay cả làm thuê làm mướn bởi không ai dám tiếp xúc, gần gũi với mẹ con chị.

“Lấy gì để nuôi những đứa con, làm gì để tồn tại?” luôn là câu hỏi lớn trong chị. Và rồi chị quyết định công khai tình trạng bản thân để mong nhận được sự cảm thông của mọi người và tìm đến cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe.

Thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của chị đã tạo nên một sự đổi thay mà theo cách nói của chị là “tìm được lối đi” trong những ngày bế tắc nhất. Có được sự quan tâm, hỗ trợ về mặt tinh thần và sức khỏe của cán bộ y tế cũng như được cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng chống lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, chị hiểu ra nhiều điều mà trước đây chị chưa hề biết.

Chị và bao nhiêu người nữa cứ tưởng HIV rất dễ lây truyền như các bệnh truyền nhiễm khác nên không dám tiếp xúc với ai. Bi kịch cuộc đời chị bắt đầu từ việc thiếu kiến thức nên chỉ có tăng cường sự hiểu biết cho bản thân và những người xung quanh về HIV/AIDS mới có thể xóa bỏ những nỗi lo không đáng có trong nhiều người và đó cũng là cách để những người bị nhiễm HIV như chị không bị xa lánh, ruồng bỏ.

Nghĩ thế, chị tự nguyện ghi tên vào danh sách nhân viên tiếp cận cộng đồng của huyện, trở thành tuyên truyền viên tích cực trong phong trào phòng chống HIV/AIDS ở địa phương.

Câu chuyện của chị N.T chỉ là một trong rất nhiều cảnh đời kém may mắn do bị lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Một số người không vượt qua được bản thân, không chịu nổi búa rìu dư luận nên đã tìm đến cái chết dù tuổi đời còn rất trẻ, trong khi họ có thể sống tiếp tục sống chung với bệnh và vẫn lao động làm việc bình thường nếu được chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Từ thực tế đó, ngành Y tế tỉnh ta mà vai trò tiên phong là Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS. Nhiều mô hình truyền thông phòng chống HIV/AIDS được xây dựng tại tất cả các địa phương trong tỉnh như mô hình câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, Tuyên truyền viên đồng đẳng phòng chống AIDS...

Hoạt động truyền thông ở khối trường học cũng được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS, các buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khóa... thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Thông qua các hoạt động truyền thông, ngành Y tế đã lồng ghép giới thiệu các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ nhằm nâng cao sức khỏe cho người bệnh và hướng những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao (nghiện chích ma túy, mua bán dâm) thực hiện các hành vi an toàn (dùng riêng bơm kim tiêm, sử dụng bao cao su sạch) và đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, hỗ trợ kịp thời nhằm chủ động phòng bệnh cho bản thân và ngăn chặn sự lây nhiễm ra cộng dồng.

Nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm HIV, thời gian qua, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm HIV.

Những hoạt động như tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV, tăng cường tư vấn, xét nghiệm, điều trị người nhiễm HIV... được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai hình thức điều trị nghiện bằng Methadone, tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện, triển khai chương trình phân phát bao cao su, bơm kim tiêm tại các địa phương và nhiều hoạt động khác. Qua đó, ý thức của người dân trong phòng bệnh và sống chung với bệnh được nâng lên rõ rệt.

Anh N.K là một người nghiện chích ma túy. Trước đây, do thiếu hiểu biết nên anh có sử dụng bơm kim tiêm chung với bạn bè. Khi được tiếp cận thông tin về việc sử dụng chung bơm kim tiêm có thể dẫn đến lây nhiễm HIV và các bệnh khác, anh đã chấm dứt tình trạng sử dụng bơm kim tiêm chung và tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm HIV.

May mắn với anh là chưa bị nhiễm HIV nên anh đã đăng ký tham gia điều trị nghiện bằng Methadone để mong sớm được hòa nhập cộng đồng. Anh T.N ở huyện Quảng Ninh là một bệnh nhân AIDS song vì anh sớm biết được tình trạng bản thân do đến cơ sở kịp thời nên anh đã chủ động phòng tránh lây nhiễm cho vợ.

Được chăm sóc, điều trị kịp thời nên anh vẫn giữ được sức khỏe tốt. Vợ chồng anh vẫn sống bình yên hạnh phúc và cả hai đều nhiệt tình tham gia các hoạt động phòng chống HIV ở địa phương.

Phòng chống HIV/AIDS được xác định là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, cần được tiến hành thường xuyên nên hàng năm tỉnh ta đều xây dựng chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của địa phương.

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS mang tính liên ngành, toàn diện, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, ngành Y tế còn chú trọng công tác quản lý, tư vấn, điều trị, tăng cường chất lượng và mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS, từng bước xã hội hóa công tác phòng chống HIV trên địa bàn tỉnh.

THỤY MIÊN