Gorbachev: Tiếp tục đối đầu với Nga, châu Âu sẽ suy yếu và tàn vong

09/11/2014 08:02
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nếu tiếp tục đối đầu với Nga, châu Âu sẽ bị suy yếu, trở nên tàn vong.

Chính sách của phương Tây do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện tại. Và nếu tiếp tục đối đầu, châu Âu sẽ bị suy yếu, trở nên tàn vong, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev cảnh báo.

Phát biểu tại diễn đàn ở Đức nhân dịp kỷ niệm 25 năm sụp đổ bức tường Berlin, Gorbachev một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây giảm căng thẳng và cùng Nga hàn gắn những rạn nứt hiện tại.

Cựu nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Cựu nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Theo ông Gorbachev, sau Chiến tranh Lạnh các nhà lãnh đạo phương Tây đã say sưa với sự hưng phấn của chiến thắng và tiếp tục thông qua các chính sách chống lại Nga để dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

"Lợi dụng sự suy yếu của Nga và sự thiếu một đối thủ nặng ký, họ tuyên bố mình là nhà lãnh đạo độc quyền và thống trị thế giới. Họ đã phớt lờ lời cảnh báo của nhiều người có mặt tại đây. Các sự kiện trong tháng qua là hậu quả của chính sách thiển cận tìm cách áp đặt trong khi bỏ qua lợi ích của đối tác của mình", ông Gorbachev nói.

Gorbachev đã đưa ra một loạt các ví dụ về các chính sách sai lầm của phương Tây, bao gồm mở rộng NATO và triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở Đông Âu, can thiệp quân sự ở Nam Tư và Iraq, hậu thuẫn ly khai tại Kosovo, cuộc khủng hoảng Syria...

Gorbachev cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine là một "một vết phồng rộp đã biến thành vết thương chảy máu và mưng mủ".

Theo nhà cựu lãnh đạo Liên Xô, thay vì trở thành một nhà lãnh đạo của sự thay đổi toàn cầu, châu Âu đã trở thành một đấu trường của những sự biến động chính trị, tranh giành ảnh hưởng và cuối cùng là xung đột quân sự. 

Nhưng không ai khác, chính châu Âu sẽ là người bị thiệt thòi nhất trong chính sách này. Nó khiến châu Âu bị suy yếu và tạo cơ hội cho các khu vực khắc nắm lấy quyền lực nổi lên. Nếu điều này tiếp tục, châu Âu sẽ mất đi tiếng nói mạnh mẽ của mình trong các vấn đề quốc tế và sự tồn tại của nó dần dần trở nên không còn thích hợp.

Theo Gorbachev, những gì châu Âu cần làm lúc này để loại bỏ nguy cơ trên là hạ bớt giọng hùng biện chống lại Nga của mình và tìm kiếm tiếng nói chung. 

Ông khẳng định rằng Nga đã sẵn sàng bắt tay với châu Âu để hạ căng thẳng. Điều này ông đã nhìn thấy rõ trong bài diễn văn của Tổng thống Vladimir Putin tại Diễn đàn Valdai.

Gorbachev cho biết, Ukraine có thể là trung tâm của các căng thẳng giữa Nga và phương Tây, nhưng nó cũng có thể là một trọng tâm cho sự hòa giải của họ.

Về lâu dài, hệ thống an ninh của châu Âu phải được cải tổ vì việc mở rộng NATO và chính sách quốc phòng chung hiện nay khiến EU không thể tạo ra các chính sách tích cực. 

Nguyễn Hường