GS Nguyễn Lân Dũng: Người cha luôn là người thầy lớn

16/11/2011 12:41
Theo VNN
Không giấu sự tự hào về truyền thống gia đình, sự thành đạt của các anh em và hai đứa con; nhưng có lúc ông trầm tư khi nhắc đến những biến cố của gia đình.
Từ lâu gia đình cố NGND Nguyễn Lân đã được biết đến là một gia đình đặc biệt, là ngôi nhà của 7 tiến sĩ, 3 giáo sư và 3 phó giáo sư, của những trí thức danh tiếng. Khi gặp GS Nguyễn Lân Dũng, ấn tượng của tôi về ông nghị, người thầy, nhà khoa học... này không khác nhiều so với hình ảnh ông chuyên gia "Hỏi gì đáp nấy" hóm hỉnh, uyên thâm trên tivi, có chăng là gần gũi hơn, mộc mạc hơn và chân tình hơn.

 Trực tuyến mừng 20/11: Kinh nghiệm dạy con của GS nổi tiếng

“Tất cả là từ ông thầy”
GS Nguyễn Lân Dũng
GS Nguyễn Lân Dũng

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện: "Tôi có lẽ là một trong số rất ít người đã học qua 4 Trường Sư phạm (Sư phạm Sơ cấpViệt Bắc, Sư phạm Sơ cấp Khu học xá Nam Ninh, Sư phạm Trung cấp Khu học xá Nam Ninh, Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội).

Tôi cũng có lẽ là người trẻ nhất (cùng anh Nguyễn Văn Hiệu) tốt nghiệp Đại học Sư phạm khi chỉ mới 18 tuổi. Vì còn quá trẻ nên tôi được phân công về dạy ở Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương. Không ngờ đây là nơi toàn cán bộ đi học. Nhiều học sinh của tôi hồi ấy (Khóa III) về sau trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước (Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy...).

Sau một năm tôi được điều về Trường Đại học Tổng hợp và tham gia giảng dạy tại đấy từ Khóa I đến ngày về hưu (trên nửa thế kỷ), sau đó tôi tiếp tục tham gia công tác đào tạo Tiến sĩ và chỉ đạo nghiên cứu khoa học với tư cách tà Chuyên gia cao cấp của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nôi. Con đường hướng tôi đến ngành sư phạm chính là do quá trình đào tạo này.

Ngày 20 tháng 11 trước đây là ngày Kỷ niệm Hiến chương các Nhà giáo, về sau được Chính phủ quyết định chuyển thành ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Trước hết đó là ngày tôi nghĩ đến công lao của các thày cô giáo đã có công tận tụy dạy dỗ chúng tôi qua các cấp, tôi viết thư hay đến tận nhà để chúc mừng. Tiếc thay, cho đến hôm nay số thầy cô dạy lớp chúng tôi không còn đủ số lượng đếm trên các ngón của một bàn tay (!) .

 Trực tuyến mừng 20/11: Kinh nghiệm dạy con của GS nổi tiếng

Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của người bạn học suốt cấp 2 và cấp 3 với tôi - nhà văn Ma Văn Kháng - trong cuốn hồi ký mới xuất bản anh đã viết: Lâu nay khi nói về đào tạo nhân tài, theo như tôi hiểu các nhà giáo dục cách tân thường nhấn mạnh quá đáng đến việc phát huy tính tích cực của học sinh. Tôi nghi ngờ điều này.

Trước sau tôi vẫn đinh ninh: Tất cả là từ ông thày. Đối với tôi thì đúng là như vậy. Lớp chúng tôi may mắn ngay từ bậc phổ thông đã được học với các thày giáo giỏi giang và mẫu mực, đó là các thày Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, Hoàng Như Mai, Nguyễn Hữu Tảo...

Lên Đại học khi mới giải phóng Thủ đô các thầy giáo của chúng tôi (Dương Hữu Thời, Đào Văn Tiến, Lê Khả Kế, Nguyễn Văn Chiển, Lê Quang Long, Trương Cam Bảo...) đã phải tự học cấp tốc tiếng Nga (qua sách tiếng Pháp) để có thể chuyển tải các kiến thức mới nhất trong các giáo trình biên soạn rất nhanh để dạy cho chúng tôi. Các thầy là tấm gương tự học, tấm gương yêu khoa học, tấm gương đạo đức nghiêm túc còn mãi trong tâm trí mỗi chúng tôi mặc dầu hầu hết các thầy đã về cõi vĩnh hằng.

Tôi được phân công dạy môn Vi sinh vật học - một chuyên ngành tôi chưa biết một chữ nào (!). Noi gương các thầy, tôi đã tự học một lúc hai ngoại ngữ để dịch sách và tìm đến các giáo sư bên trường Y để học hỏi thêm (các GS Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Mịnh, Trần Thị Ấn) dù đó là các GS chỉ chuyên sâu về y học.

Trên nửa thế kỷ dạy học thì tất nhiên có biết bao nhiều kỷ niệm. Cũng mừng hàu hết là các kỷ niệm vui chứ hầu như không có những kỷ niệm buồn. Tôi ghi nhớ lời khuyên của GS Đặng Văn Ngữ: Dạy Đại học em phải chú ý đến ba điều: học ngoại ngữ, tham gia nghiên cứu khoa học và từng bước xây dựng sách giáo khoa. Tôi vui mừng đã làm theo được ba lời khuyên này.

Tôi không được đào tạo ở nước ngoài nhưng có thể tham khảo được sách vở với 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Hoa), tôi đã xây dựng được đơn vị nghiên cứu ngày một vững mạnh (từ Phòng nghiên cứu chuyên đề cấp Trường, đến Trung tâm nghiên cứu cấp Bộ, đến Viện nghiên cứu cấp Nhà nước. Tôi đã đưa Hội Ví sinh vật học và Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật tham gia được vào các hệ thống quốc tế (IUMS và WFCC).

Tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng được Giáo trình Vi sinh vật học dùng chung cho nhiều trường Đại học, mặc dù đã được tái bản nhiều lần nhưng gần đây chúng tôi viết mới lại hoàn toàn theo các tài liệu tham khảo gần đây nhất".

Cha là người thầy lớn

Gia đình GS Nguyễn Lân Dũng và cha ông, cố NGND Nguyễn Lân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Gia đình GS Nguyễn Lân Dũng và cha ông, cố NGND Nguyễn Lân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Là thành viên trong một gia đình có truyền thống học hành, đỗ đạt. Ông có thể chia sẻ cách dạy con của những người cha - người thầy trong gia đình?

- Chuyện dạy con thường mỗi người mỗi khác. Con trai tôi hiện khá nổi tiếng trong lĩnh vực y học tim mạch. Từ lúc con rất nhỏ, tôi đã quan tâm đến việc giáo dục bằng một phương pháp tưởng nhỏ nhưng khá hiệu quả đó là chịu khó đi đón con từ Nhà trẻ 20 tháng 10.

Cách đây mấy chục năm, Hà Nội không như bây giờ, yên tĩnh hơn và ít xe cộ hơn. Từ nhà trẻ, trên đường về tôi hay đưa con ra Bờ Hồ, cho con ăn kem và nói chuyện với con. Tôi hay hỏi : "Hôm nay có  bạn nào giỏi hơn con không?". Con bảo có bạn này bạn khác. Tôi nói con "Con phải cố để giỏi hơn các bạn đó chứ". Đại ý là luôn luôn có sự động viên khuyến khích con phấn đấu, và về sau con tôi luôn có ý thức tự  phấn đấu thật sự.

Thấy hai con trưởng thành tôi rất mừng (một cháu gái đang tu nghiệp tại Mỹ). Tôi không ép con bất kỳ một điều gì, để các con được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường đi của mình.

Theo tôi giữa việc khuyến khích cái tốt và việc trấn áp cái sai, thì cách thứ nhất luôn là cách đúng đắn nhất. Người ta vẫn nói ánh sang đẩy lùi bóng tối.

Bản thân tôi cũng chứng kiến và rất không hài lòng với nhiều kiểu dạy con, tôi tạm gọi là "thiếu văn hoá". Họ đánh mắng con cái ghê quá. Tôi không tưởng tượng được, tại sao lại đánh con như thế, thật là phi lý. Trong suốt cuộc đời, bố tôi (cố NGND Nguyễn Lân - PV) không bao giờ đánh chúng tôi một cái tát bao giờ. Đánh mắng không giải quyết được vấn đề mà phải làm cho con cái nhận ra điều sai sót và có quyết tâm sửa chữa.

Có vẻ cách chăm sóc con và chương trình học như hiện nay, những đứa trẻ không còn được "được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường của mình" nữa rồi...?

- May mắn là con tôi được học khoá học sinh đầu tiên của trường  thực nghiệm do GS Hồ Ngọc Đại dựng lên, và cũng được học theo phương pháp khuyến khích tự nguyện học tập, rèn luyện. Qua việc theo dõi trường thực nghiệm tôi mới thấy rằng phương pháp giáo dục là vô cùng quan trọng.

Tôi ngạc nhiên khi xem nhiều sách giáo khoa hiện nay người ta dạy cho trẻ em những chi tiết, những số liệu mà thầy, cô cũng không nhớ nổi, hơn nữa các số liệu đó vừa không quan trọng gì lại có thể thay đổi theo thời gian. Sau này lớn lên nếu cần tra cứu đã có Internet, tha hồ tra cứu, tại sao phải nhồi nhét vào đầu óc non nớt của trẻ thơ.

Trường thực nghiệm hay ở chỗ họ khuyến khích được sự ham muốn và ý chí học tập của học sinh, thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Sau này các bạn hồi ấy của con tôi hầu hết đều trưởng thành và có nhiều đóng góp đáng kể cho xã hội

Vợ chồng tôi hầu như không can thiệp quá nhiều vào việc học hành của các con. Ngay việc học thêm con tôi cũng tự quyết định, nếu  cảm thấy cần học và tin tưởng thầy nào thì cháu tìm đến học. Nếu không thấy hợp thì tự tìm đến thầy khác, tôi không can thiệp gì cả.

Người thầy lớn, NGND Nguyễn Lân có dùng phương pháp này trong gia đình của ông?

- Hoàn toàn như vậy. Tuổi thơ chúng tôi trải qua trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp quá cực khổ. Bố tôi (cố NGND Nguyễn Lân) lúc đó làm Giám đốc Giáo dục Khu X rồi sau là Liên khu Việt Bắc, vậy mà... không có lương, chỉ được vài chục cân gạo mỗi tháng. Bố tôi phải để quá nửa ở nhà cho mẹ con chúng tôi, một phần mang đi công tác tất cả các tỉnh thành trên một chiếc xe đạp.

Chính nghị lực và lòng yêu nghề của bố tôi là tấm gương để chúng tôi học tập. Trong nhà tôi không có khái niệm bắt ép việc học tập. Trong thời kỳ khó khăn đó, hàng tối, mỗi anh em chúng tôi học với cây đèn tự tạo bằng hộp kem đánh răng GIBB đã dùng hết, dầu sở và bấc cây guộc. Gian khổ, nhưng ai nấy đều tự giác và hăng hái học tập.

Bố tôi chỉ động viên và làm gương cứ không can thiệp nhiều. Tôi thấy bây giờ các bậc phụ huynh lo cho các con ghê quá, lo từ A đến Z, nhiều nhà mời thầy cô đến tận nhà để phụ đạo từng môn học, như vậy chắc gì đã tốt. Thầy cô học hộ con mình rồi thì chúng còn cần gì cố gắng.

Theo tôi chỉ nên dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản để làm nền tảng. Những kiến thức chi tiết sau này chúng sẽ tự tìm hiểu dần. Đào tạo những bộ óc chứ không đào tạo những bộ sách. Ngoài ra là cố gắng thổi vào cho học sinh, sinh viên niềm yêu thích học hỏi và nghiên cứu khoa học. Quan trọng nhất là làm sao để khuyến khích học sinh tự giác và hứng thú  học tập. Nếu trẻ không ham học thì thầy giỏi mấy cũng không nhồi nhét cho được đâu!

NGND Nguyễn Lân (1906-2003) là GS, NGND, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã công hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa Tâm lí học, Giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam. Ông có 8 người con, tất cả đều là giảng viên của các trường đại học lớn và đều là những nhà khoa học xuất sắc.

  • Người con trai cả là GS.TS. Nguyễn Lân Tuất, nguyên Chủ nhiệm khoa lý luận và sáng tác của Nhạc viện Novôximbiêc - Nga, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Nga, người Việt đầu tiên được phong tặng Nghệ sĩ Công huân Nga (năm 2001).Được phong tặng danh hiệu Vinh danh Nước Việt.
  • Người con thứ hai là nữ TS. Nguyễn Tề Chỉnh (đã mất vì tai nạ giao thông), nguyên là giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
  • Người con thứ ba là GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và CNSH (ĐHQG Hà Nội), Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc VN. đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, XI, XII, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học VN.
  • Người con thứ tư là PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, chuyên viên cổ nhân học, Viện Khảo cổ học Việt Nam, giảng viên thỉnh giảng khoa Lịch sử trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội.
  • Người con thứ năm là Cử nhân Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư kí Hội các ngành sinh học VN, giảng viên khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. chuyêngia của chương trình Bạn nhà nông trên VTV..
  • Người con thứ sáu là PGS.TS.Nguyễn Lân Tráng, giảng viên bộ môn Hệ thống điện,  trường ĐH.Bách khoa Hà Nội.
  • Người con thứ bảy là GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội.
  • Người con út là PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Hiệu phó trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.
Theo VNN