Hà Nội bắt đầu cấm xe máy nội đô từ năm 2030

04/07/2017 14:58
Trinh Phúc
(GDVN) - Hội đồng nhân dân thành từng bước hạn chế xe máy trên một số khu vực kể từ năm 2030.

Ngày 4/7, tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội lần thứ 15, các đại biểu thảo luận về nghị quyết “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội – ông Vũ Văn Viện cho biết: “Kết cấu hạ tầng giao thông thành phố Hà Nội đã được quy hoạch và tập trung nguồn lực đầu tư mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm.

Hà Nội bắt đầu cấm xe máy nội đô từ năm 2030 ảnh 1Hà Nội những năm 2000 - lời khen và…

Trong khi đó phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh trên địa bàn Thành phố có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, 485.955 ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.

Tình trạng đó khiến ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào thành phô Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.

Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chât gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng.

Theo ông Viện, “sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.

Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có 843.042 ô tô; 6.099.273 xe mô tô, gắn máy.

Đến năm 2030 số ô tô là 1.954.738; xe mô tô, gắn máy là 7.506.430”.

Do vậy, ông Viện nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” là hết sức cân thiết.

Với 91% phiếu, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết cấm xe máy ((ảnh kinhtedothi.vn).
Với 91% phiếu, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết cấm xe máy ((ảnh kinhtedothi.vn).

Để tiến hành quá trình khảo sát, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an thành phố thực hiện lấy 15.337 phiếu khảo sát, điều tra phỏng vấn xã hội học tại 30 quận, huyện;

Phát phiếu điều tra tới từng hộ gia đình; đối tượng điều tra là các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn Thành phố.

Tỷ lệ ủng hộ chính sách tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cá nhân của người dân thành phố Hà Nội là 84%, trong khu vực Vành đai 3 là 85,13%; số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là 90,35% nhưng yêu cầu phải có những điều kiện như: hoạt động vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân...

Có 71,76% số người được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; trong đó khu vực Vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là 67,14%.

Hà Nội bắt đầu cấm xe máy nội đô từ năm 2030 ảnh 3Hà Nội sẽ kẹt xe cả ngày lẫn đêm nếu không hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân

Đề án cũng đưa ra, lộ trình thực thực hiện triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017 - 2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017 - 2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Trần Việt Anh (quận Ba Đình) cho rằng: “Cần sớm thông qua đề án bởi “nếu chậm trễ thì ngoài kia đường phố Thủ đô sẽ là bãi xe di động”.

Đến năm 2030 Hà Nội sẽ cấm xe máy (ảnh nguồn vietnamnet).
Đến năm 2030 Hà Nội sẽ cấm xe máy (ảnh nguồn vietnamnet).

Trong khi đó, Đại biểu Đình Đoàn (Hoàng Mai) cho rằng: “Giống như một bát cơm, 1 người ăn đủ nhưng giờ có tới 3 người ăn.

 Chỉ một bát cơm làm sao 3 người ăn đủ? Do đó, tôi đề xuất xây dựng một Thành phố hiện đại thông minh bên cạnh thành phố Hà Nội cổ xưa bây giờ.

 Đô thị này gần Hà Nội mà không cần phải đi quá xa vì tập quán người dân chứ 5 đô thị vệ tinh hiện nay quá xa.

 Trong khi những khu vực gần rất sẵn – đây là biện pháp dài hạn”.

Tắc đường không chỉ do xe máy mà còn do nhà cao tầng

Đại biểu  Vũ Mạnh Hải (Thường Tín) lại nhấn mạnh: “Tắc đường ở Hà Nội vừa vui vừa buồn. Vui vì Hà Nội  là điểm đến của nhiều người, bởi đại biểu này từng đi tỉnh và nhận được thông tin chỉ mong được tắc đường như Hà Nội, còn họ 8h tối đường đã vắng tanh.

Hiện, Hà Nội như một đại công trường khi mà doanh nghiệp, nhà nước, người dân vẫn đang xây dựng, đặc biệt vào ban đêm.

Theo đó, vị đại biểu này cho rằng mất an toàn không chỉ nằm ở vấn đề tai nạn mà nằm ở ô nhiễm môi trường, không khí.

Do đó, cần có chế tài thật chặt để các xe tải vào thành phố thực sự sạch; cần có những đơn vị chuyên làm dịch vụ để làm sao tất cả xe chở rác thải trên thành phố phải sạch”.

Đại biểu Hoàng Huy Đước (Ba Vì) cũng cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông hết sức quan trọng. Bởi  bản thân ông từng “tham gia chiến trường không sợ bằng đi xuống đường”.

Do đó, đại biểu này cho rằng đề án sẽ tròn trịa hơn khi thêm việc kiểm tra bằng lái xe bởi “hiện không biết cái nào giả thật- và kiểm tra sẽ ra vấn đề về đào tạo”.

Ngoài ra, đại biểu Đước cũng chỉ ra nguyên nhân gây ra tình trạng tắc đường đó là rất nhiêu nhà cao tầng được mọc lên, thu hút dân vào sinh sống gây áp lực. Giải pháp chưa tính được kết nối quy hoạch đô thị với giao thông đô thị.

Với 91% đại biểu nhất trí, Hà Nội đã thông qua nghị quyết này. Theo đó, sẽ cấm xe máy vào năm 2030.

Trinh Phúc