Hà Tĩnh: Nhức nhối chuyện cháu cưới chú, em lấy anh

28/04/2012 20:44
Theo Phan Trâm/Gia đình & Xã hội
Ở nơi đây, chuyện anh em trong họ lấy nhau đã là chuyện như cơm bữa, còn chuyện tảo hôn, một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ cũng là chuyện khiến cho chính quyền địa phương đau đầu.

Tục lệ hôn phối cận huyết thống, cùng huyết thống của người dân tộc Chứt dưới chân núi Ka Đay, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn dai dẳng bao đời nay. Người dân nơi đây đang đối mặt với tình trạng suy giảm sức khoẻ, bệnh tật, suy thoái giống nòi…


Bệnh tật vây hãm

Con đường hôn nhân ngoại tộc của người Chứt vẫn mịt mờ. Bản Rào Tre đang đối mặt với vấn nạn tuyệt giống nòi. Đặc biệt khi mà gần đây lại gia tăng tình trạng chênh lệch giới tính (18 nam/6 nữ). Thiết nghĩ vấn nạn nhức nhối này cần sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền địa phương, các cấp các ngành để giúp người Chứt xóa bỏ hủ tục lạc hậu này.
Dẫn chúng tôi đi từng nhà các hộ dân, anh Dương Thanh Tịnh, Trạm trưởng Trạm công tác Rào Tre thuộc Đồn biên phòng 575 cho biết: Ở bản Rào Tre này người ta chẳng cưới hỏi lễ trầu gì cả. Tập tục vẫn còn lạc hậu, sơ khai như thời nguyên thủy. Khi trai gái đến tuổi cập kê, chàng trai lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái.

Nếu đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào thổi lửa rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói quần áo sang nhà cô gái ở. Ở đến lúc bụng cô dâu “phình to” thì cả hai dắt díu nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau. Cứ như thế, một gia đình mới được ra đời. Tập tục ấy sẽ không có gì đáng nói nếu như cô dâu chú rể không cùng chung quan hệ huyết thống.

Điển hình của việc cháu cưới chú, anh, chị em lấy nhau là gia đình ông Hồ Văn Vẹt. Con trai cả ông Vẹt là Hồ Văn Lượng lấy con gái chị ruột ông Vẹt là Hồ Thị Loong. Hồ Văn Cương cũng là con trai ông Vẹt, lấy Hồ Thị Hạnh, cháu gọi ông là bác. Cháu nội ông Vẹt là Hồ Thị Bình lấy Hồ Văn Bốn là con của em trai ông Vẹt. Hay gia đình hàng xóm là Hồ Thị Nam là con gái ông Quang, lấy Hồ Viết Đỏn con của chị gái ông Quang…

Trong số rất nhiều các cặp hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre, chỉ duy nhất gia đình chị Bình và anh Bốn là sinh con không bị dị tật. Các cặp vợ chồng khác đều ít nhiều bị ảnh hưởng.
 

Cháu H.T.H. (trái) bị dị tật bẩm sinh là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết
Cháu H.T.H. (trái) bị dị tật bẩm sinh là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết

Gia đình chị Hồ Thị Thành và Hồ Cương, trường hợp con cô lấy con cậu. Con gái chị Thành là Hồ Thị Hạnh 6 tuổi bị bệnh não bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ. Còn cậu con trai đã 19 tháng tuổi nhưng chậm lớn và chưa biết đi, suốt ngày đau yếu bệnh tật. Hay như gia đình Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm, trường hợp con bác lấy con của dì sinh con ra bị cụt chân…
 
Ngoài ra còn nhiều đứa trẻ khác ở những gia đình có hôn nhân cận huyết mang nhiều loại bệnh khác trong người khiến chúng còi cọc, chậm lớn.

Khi chúng tôi hỏi: “Có biết như thế là vi phạm pháp luật, làm sai không?”, Hồ Thị Bình - một trong những người hiếm hoi được đi học trường dân tộc nội trú trả lời: “Đây là truyền thống từ lâu rồi. Nếu như sang Quảng Bình (dân tộc Chứt sống ở 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình - PV) thì trai làng bên đó đuổi không cho sang. Trai làng ta quyết giữ gái làng ta mà! Còn người Kinh trong vùng thì ai chịu lấy chúng tôi chứ, thành ra chuyện hôn nhân cứ quanh quẩn trong bản thôi”- Bình nói.

Ở nơi đây, chuyện anh em trong họ lấy nhau đã là chuyện như cơm bữa nhưng còn chuyện tảo hôn, một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ cũng là chuyện khiến cho chính quyền địa phương đau đầu. Ông Hồ Kính, Trưởng bản Rào Tre cho chúng tôi biết: Người dân tộc Chứt ở 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đi lại với nhau nhưng chỉ có những người nữ mới được phép sang bản kia. Bởi vậy việc phụ nữ trong bản sang Quảng Bình chơi rồi bị “bắt” làm vợ là chuyện thường xảy ra. Như gia đình Hồ Sỵ - Hồ Thị Tình. Tình sang Quảng Bình rồi ở bên đó làm vợ người ta, Hồ Sỵ ở nhà một mình lại đi cua ngay vợ của Hồ Văn Bòng. Trưởng bản Kính chép miệng: “Cứ đà này rồi Hồ Văn Bòng cũng lại đi bắt vợ người khác về ở thôi!”.
 
Hết cấp II là bỏ học

Bản Rào Tre có 44 trẻ em đang theo học lớp mẫu giáo và trường dân tộc nội trú huyện nhưng chỉ học hết cấp II là bỏ học. Mặc dù có xe đưa đón tận nơi nhưng tình trạng bỏ học của học sinh vẫn luôn tiếp diễn. Lý giải vấn đề này, Trạm trưởng Dương Thanh Tịnh cho hay: “Xuống dưới xuôi học không có tiền trọ, tiền ăn. Cái bụng đói là lũ trẻ lại bỏ học về bản. Hơn nữa do đầu óc chậm hiểu, đối với bọn trẻ, việc đánh vật với các con chữ còn khó khăn gấp ngàn lần việc phát rẫy làm nương. Chúng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học chữ nên dù chúng tôi có nỗ lực vận động đến đâu cũng không có kết quả”.

133 nhân khẩu ở bản Rào Tre đều mang họ Hồ. Người dân tộc Chứt không nhớ ngày sinh tháng đẻ của mình. Anh Tịnh đưa tập hộ khẩu 32 hộ dân ở Rào Tre cho chúng tôi xem và nói: “Chúng tôi làm xong sổ hộ khẩu cho họ từ năm 2011 nhưng không dám phát cho từng hộ vì phát rồi họ cũng chẳng biết giữ, thành ra làm xong chúng tôi giữ luôn”.
 
Trạm công tác Đồn biên phòng 575 tại bản Rào Tre có 4 người thì kiêm luôn tất cả các việc của bản. Từ đốc thúc dân bản làm kinh tế, phát nương rẫy cho đến phát thuốc chữa bệnh. Các cuộc họp từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… đều do Bộ đội biên phòng chủ  trì.

Có thể nói Bộ đội biên phòng Đồn 575 chính là “cha đẻ” khai sinh ra bản Rào Tre. Trạm trưởng trạm công tác Rào Tre trăn trở với chúng tôi: “Chuyện phát rẫy làm nương hay chuyện gì nói thì họ đều nghe. Riêng chuyện kết hôn cận huyết thì chúng tôi đành bất lực vì người Chứt muốn cưới người khác bản thì phải vào tận Quảng Bình, trong đó có tộc người Chứt, nhưng đường đi quá xa. Hơn nữa thanh niên bản Rào Tre lại mâu thuẫn, đánh nhau với thanh niên người Chứt trong đó cũng vì chuyện tranh giành phụ nữ. Thành ra không còn cách nào khác, họ phải lấy nhau để sinh tồn”.

Theo Phan Trâm/Gia đình & Xã hội