Hai cha con “người rừng” trở về với cuộc sống thực tại

12/08/2013 11:34
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) -Với “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi), thì bây giờ việc rời bỏ rừng hoang, về làng cũ là một sự trở lại. Còn Hồ Văn Lang thì ngược lại, năm nay 41 tuổi thì đã hơn 40 năm sống biệt lập với cộng đồng, vì vậy việc bị “ép” đưa về bản làng, với anh là sự khởi đầu, đi đến một thế giới văn minh, lạ lẫm của loài người.
Trận bom kinh hoàng ngày xưa đã giết hại 3 người thân trong một gia đình. Trong cơn hoảng loạn, người cha sống sót đã mang đứa con vừa tròn hơn 1 tuổi trốn biệt vào rừng sâu.

Trở lại sau 40 năm sống trong rừng

Bị một cú sốc quá nặng nề khi chứng kiến cả mẹ ruột và 2 đứa con đầu bị bom đạn chiến tranh vùi dập, chết không toàn thây, ông Hồ Văn Thanh đã bị sang chấn tâm lý, trở thành người đãng trí.

Ông Thanh đã bồng đứa con còn lại vào rừng sâu, chạy trốn tiếng bom đạn, chạy trốn chiến tranh tàn khốc, sống cuộc sống hoang dại của người tiền sử trong suốt 40 năm. 

Bây giờ trở lại với bản làng, sau vài ngày được chăm sóc y tế tại bệnh viện huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), sức khoẻ ông Thanh dần tốt lên, đã ăn được cháo, uống được sữa. Chỉ có điều ông vẫn lặng lẽ không một lời nào giao tiếp. Ông ngồi đó, chân tay dài lêu khêu như dã nhân, hai mắt lim dim, đờ đẫn, thoáng nhìn vào cõi xa xăm, vô hồn...

Sau 40 năm xa cách, giờ đây Hồ Văn Tri mới đoàn tụ bên cha và anh ruột của mình. Ảnh Vnexpress
Sau 40 năm xa cách, giờ đây Hồ Văn Tri mới đoàn tụ bên cha và anh ruột của mình. Ảnh Vnexpress

Trong khi đó, “người rừng con” Hồ Văn Lang lại tỏ ra thích thú, tò mò khám phá thế giới văn minh với bao vật dụng kỳ thú, lạ lẫm. Hiện, Lang tạm về sống trong gia đình người anh con bác ruột của mình là Hồ Minh Lâm ở làng Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà. 

Theo lời kể từ anh Hồ Văn Tri (con út ông Thanh) thì khi ông Thanh trốn vào rừng sâu cùng với anh trai tên Lang thì lúc ấy Tri chỉ mới là một đứa trẻ còn đỏ hỏn chưa đầy 3 tháng tuổi. Sau đó khi biết cha mình còn sống, một vài lần anh Tri cùng người chú ruột có vào rừng để tìm gặp lại cha nhưng không thuyết phục họ quay lại làng được nên “đành để họ sống trong rừng”. Sau đó cứ một năm một lần, anh Tri lại gùi muối, mắm và những vật dụng cần thiết vào cho cha và anh sinh hoạt nhưng rất ít khi họ dùng đến.

Sống trong rừng sâu từ lúc nhỏ, giờ đây anh Lang không còn giống người bình thường. Dáng đi khum co, tay chân chậm chạp, ánh mắt đờ đẫn. Xung quanh nơi ở cha con “người rừng” là những vật dụng tự chế như: dao, rìu, cối, rổ tre... Bên trong những ống lồ ô dựng quanh nhà còn có cả lúa, hạt mè… dùng để làm hạt giống cho mùa sau và hai bộ áo  ấm được làm từ vỏ cây… chỉ để dùng khi mùa đông đến.

Ngay khi gặp lại cha, anh Tri đã tìm cách bắt chuyện nhưng cuối cùng anh chỉ nhận được sự lặng thinh. Thi thoảng ông Thanh lại cất lên giọng nói bằng tiếng Kor, nhưng không tròn vành rõ tiếng.

Sáng 8-8, ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch huyện Tây Trà cho biết: “Hiện sức khỏe của ông Thanh rất yếu. Chính quyền đã cử người túc trực, chăm sóc hai cha con ông Thanh và dự kiến thời gian tới, chính quyền sẽ hỗ trợ dựng nhà cho hai cha con ông Thanh”.

Đến giờ, hai cha con không còn nói được nhiều tiếng dân tộc Kor, chỉ mỗi ông Thanh là hiểu được tiếng Kor nhưng nói không được. Rời rừng về làng, nhưng qua mắt họ vẫn thấy rõ nỗi nhớ rừng, như khát khao muốn được trở lại nơi mình đã sống trong tận rừng sâu suốt hơn 40 năm trước.
Theo đó, Chủ tịch UBND xã Trà Phong Trương Ngọc Đông cho biết: “Trước mắt, cha con ông Thanh sống tạm cùng gia đình anh Hồ Minh Lâm, nhưng UBND xã chúng tôi đang kiến nghị huyện để được nhập khẩu họ về với gia đình người con út của ông Thanh là Hồ Văn Tri. Anh Tri hiện cũng là gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Nếu chính quyền, huyện đội xác minh sớm được thời gian tham gia bộ đội chính quy trước đấy của ông Thanh thì chúng tôi sẽ làm ngay các chế độ chính sách cho ông Thanh. Trước mắt thì xã vẫn tính chuyện hỗ trợ tiền, gạo, và cấp đất, xây nhà cho họ” - ông Đông cho biết.
Với sự tính toán của người thân, chính quyền và cộng đồng để lo cho cha con người rừng Hồ Văn Thanh có cuộc sống mới thật cảm động, đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, điều đó chưa hẳn tốt đối với họ. Theo tờ lao động tối ngày 11.8, anh Hồ Minh Lâm cho biết đã nhiều lần anh hốt hoảng, chạy báo chính quyền vì Lang có ý định muốn trở về nhà cũ trên núi Apon.

Sau khi nhận được tin báo của anh Lâm, chính quyền xã Trà Phong đã cắt cử người giúp gia đình này canh chừng, sợ Lang chạy trốn bất ngờ. Chị Hồ Thị Mai lo lắng: “Chúng tôi đã phải tập cho Lang mặc áo quần vải, tập ăn thức ăn có muối. Lang tỏ ra thích nghi nhanh, biết cầm đũa, ăn mặn, nhưng hôm nay nó lại buồn như chú Thanh. Tôi sợ chú ấy mất sớm thì khó lòng mà giữ được Lang ở lại với bản làng”.

Ký ức về cha con người rừng

Theo tờ Vnexpress, Nghe tin hai cha con "người rừng" trở về làng, ông Hồ Văn Biên (70 tuổi), nguyên Tiểu đội trưởng B28, bộ đội đặc công Huyện đội Trà Bồng chống gậy đến thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà thăm hỏi.

Ông Biên bảo còn nhớ như in những ngày tháng niên thiếu làm giao liên tại Huyện đội Trà Bồng đóng quân ở xã Trà Dinh, Trà Lãnh thuộc huyện Tây Trà bây giờ. Ông đưa thư, chuyển tin ngang dọc vùng đất phía Tây Quảng Ngãi trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hơn ai hết, ông biết rõ ông Hồ Văn Thanh từng tham gia bộ đội chính qui Quân khu 5. 
"Tôi từng gặp ông Thanh tham gia bộ đội, đóng quân ở núi rừng xã Trà Xinh suốt 6 năm trời. Thuở ấy thân hình ông vạm vỡ, giọng cười hào sảng, tính tình hiền hậu nhưng khi xông pha trận mạc thì có tiếng gan lì", ông Biên kể. 
Còn ông Hồ Văn Ban (80 tuổi) ở xã Trà Phong cũng xác nhận, 40 năm trước ông Thanh từng là đồng đội chung chiến hào trong những năm giao tranh ác liệt ở chiến trường miền Tây Trà Bồng Quảng Ngãi. 

Ngày ấy chiến tranh ngày càng khốc liệt, quân đội Mỹ mang B52 dội bom, ném nhiều can xăng xuống buôn làng. Lửa cháy hừng hực lửa thiêu rụi những cánh rừng miền Tây Trà Bồng Quảng Ngãi. Trong một đêm về thăm nhà năm 1972, ông Thanh chết điếng khi chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, bom dội trúng căn hầm trú ẩn làm chết cùng lúc 26 dân làng chủ yếu người già và trẻ em.

Ông Thanh gào thét, khóc thảm thiết rồi trở nên ngơ ngẩn trước nỗi đau lớn khi mất mẹ già và 2 con trai thơ dại (đứa lớn 6 tuổi, nhỏ 4 tuổi) dưới căn hầm trú ẩn ấy. Lúc đó vợ và 2 con trai còn lại của ông kịp chạy vào rừng nên may mắn sống sót.

Anh Hồ Văn Tri (con ruột ông Thanh) đau xót nói, thuở nhỏ dân làng kể lại, cùng lúc mất 3 người thân trong gia đình, cha như người mất hồn, có dấu hiệu bệnh tâm thần nên không quay trở lại đơn vị nữa.

Theo người dân Trà Phong, lúc đầu hai cha con ông Thanh lên dựng chòi lá ở khu vực rừng núi thuộc xã Trà Xinh chỉ cách bản làng khoảng 1 tiếng đi bộ. Sau đó, do người dân làm nương rẫy ngày càng tiến dần đến căn chòi nên họ di chuyển sâu vào rừng sinh sống biệt lập với mọi người xung quanh.

Không chỉ trải qua thời gian dài trong quân ngũ, ông Thanh còn là thợ rèn giỏi nổi tiếng năm xưa ở bản làng vùng cao Trà Bồng (nay tách huyện Tây Trà). Ông Đoàn Phụng ở xã Trà Phong cho biết, trước khi đi bộ đội, ông Thanh từng hành nghề rèn vật dụng sản xuất và săn bắt nổi tiếng ở địa phương.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà chia sẻ, qua xác minh Cơ quan Quân sự huyện khẳng định ông Thanh từng là bộ đội chính qui Quân khu 5, đóng quân ở miền Tây Trà Bồng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. 
Nhằm tạo điều kiện cho họ sớm hòa nhập cộng đồng, huyện đã thống nhất nhập hộ khẩu hai cha con ông Thanh vào gia đình ông Hồ Minh Lâm (con bác ruột ông Thanh); đồng thời cấp đất gần khu dân cư, hỗ trợ lương thực cùng tiền làm nhà cho hai cha con ông.  Huyện cũng đang phối hợp huyện đội và ngành thương binh xã hội củng cố hồ sơ để sớm giải quyết chế độ chính sách thương, bệnh binh cho ông Thanh. 
Trước đó ngày 9/8, sau khi hai cha con ông Thanh từ rừng sâu trở về, Đảng ủy Bộ chỉ huy Quân sự cũng đã về huyện vùng cao Tây Trà thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cùng 5 triệu đồng giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Đỗ Tuyết (tổng hợp)