Hai hổ khó sống chung một núi

29/06/2016 12:41
Phúc Lai
(GDVN) - Bất cứ liên minh hay mối quan hệ quốc tế nào hình thành cũng đều trên cơ sở lợi ích và bị chi phối bởi lợi ích. Để tránh thua thiệt, thậm chí bị bán đứng...

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 25/6. Đây là chuyến thăm lần thứ 15 của ông Putin đến nước láng giềng này kể từ khi ông lên làm lãnh đạo nước Nga.

Có thể nói quan hệ Nga-Trung thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Nga đã và đang bị cô lập vì khủng hoảng Unkraine, còn Trung Quốc đang tự tách mình với phần còn lại của thế giới vì bành trướng trên Biển Đông.

Nhất là hành động chống phá quyết liệt vai trò và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện nước này áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS 1982, mặc dù Trung Quốc là thành viên Công ước, đồng thời còn leo thang quân sự hóa Biển Đông khiến cả khu vực phải cảnh giác, dè chừng.

Ông chủ Điện Kremlin và Trung Nam Hải đều tuyên bố, quan hệ Nga - Trung đang ở trong giai đoạn “tốt đẹp chưa từng có”, mức độ tin cậy lẫn nhau cũng “chưa từng có”. Nhưng dư luận giới phân tích không nhìn thấy điều này, mà chỉ thấy một sự thực “đồng sàng dị mộng” giữa hai cường quốc và hai nhà lãnh đạo.

Nga tuyên truyền mạnh mẽ về 30 văn kiện ký kết với Trung Quốc trong chuyến thăm này của Putin, nhưng lại “quên mất” một thực tế, hầu như các văn kiện này mới là hiệp định khung, thỏa thuận chung chứ rất ít hợp đồng cụ thể có thể sớm triển khai trên thực tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Kyodo / SCMP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Kyodo / SCMP.

Nói cách khác, Trung Quốc lời nhiều chứ Nga chẳng được bao nhiêu.

Lý giải về sự đồng sàng dị mộng này, cần có một cái nhìn xuyên suốt về lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia nhiều duyên và lắm nợ. Trong bài viết này người viết muốn cùng bạn đọc điểm qua lại những sự kiện và đặc điểm chính trong quan hệ hai nước từ cuối thế kỷ 19 đến nay để tìm câu trả lời cho câu hỏi đang được dư luận đặt ra.

Quan hệ bắt đầu từ chiến tranh, tranh giành lãnh thổ và lợi ích

Quan hệ đầy “duyên nợ” của hai nước bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất (1894 – 1895), sau đó là Chiến tranh Nga - Nhật mà kết quả của nó là nước Nga chiếm được một vùng đất ở Đông Bắc Trung Quốc (Mãn Châu Lý) làm tô giới, đồng thời xây dựng ở đây tuyến đường sắt Đông Trung Quốc.

Sau cuộc Chiến tranh Nga – Nhật lần thứ hai 1904 – 1905 mà thất bại thuộc về nước Nga Sa hoàng, Moscow đành ngậm ngùi nhìn vùng Mãn Châu và tuyến đường sắt này lọt vào tay người Nhật.

Năm 1915, Hiệp ước Nga – Trung – Mông được ký kết, quy định quyền làm chủ lý thuyết của Trung Quốc đối với Ngoại Mông nơi phần lớn là người Mông Cổ sinh sống, khoảng 300.000 người.

Cả Nga và Trung Quốc đều không được đưa quân đến Ngoại Mông, đặc biệt Trung Quốc bị nghiêm cấm di dân đến đây. Có thể nói đây là một vùng đệm giữa hai nước.

Nếu như cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh chưa làm cho Trung Quốc trở thành cường quốc, thì cuộc Cách mạng Tháng Mười bùng nổ năm 1917 lại làm cho nước Nga nhanh chóng chuyển mình. 

Trung Quốc tiếp tục sa vào nội chiến, vì trên đất nước tồn tại hai chính quyền, một chính quyền ở Bắc Kinh (Bắc Bình) do Viên Thế Khải cầm đầu được các cường quốc công nhận, một chính quyền của Tôn Dật Tiên ở phía Nam. 

Đó là chưa kể Mãn Châu lại thuộc quyền cai trị của Trương Tác Lâm, một nhà độc tài. Chỉ khi Chính phủ Bắc Kinh buộc phải tự giải tán, Trương Tác Lâm từ Mãn Châu về Bắc Kinh thì mới bớt đi tình trạng “tam quốc diễn nghĩa.” 

Còn nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, năm 1922 Liên bang CHXHCN Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô được thành lập, một cường quốc mới đã ra đời.

Ở vùng Mãn Châu Lý, tháng 9/1920 chính quyền Bắc Kinh mới tuyên bố chấm dứt các hiệp định “bất bình đẳng” ký với nước Nga trước đây, không công nhận vai trò của Đại sứ Nga Kudachev, các ưu đãi về trị ngoại pháp quyền của công dân Nga ở vùng này không còn, mà thuộc về quyền tài phán của chính quyền Trung Quốc.

Đương nhiên là tuyến đường sắt Đông Trung Quốc sẽ không còn do người Nga cai quản nữa. Đường sắt này trước mắt thuộc quản lý của một ủy ban tài chính quốc tế gồm 5 người Trung Quốc và 5 người Nga Bạch vệ, cùng với lực lượng cảnh sát bảo vệ là người Trung Quốc.

Như vậy là quyền lợi của nước Nga Xô Viết đã bị gạt ra ngoài đối với tuyến đường sắt quan trọng này.

Ở Ngoại Mông, ngay năm 1919, Trung Quốc đã tiến vào đây toan tranh giành quyền lợi của mình ở vùng này. Lúc ấy vùng đất này khi đó đang được duy trì bởi lực lượng Bạch vệ của Nam tước Ungern Stenberg, nên tình hình rất không ổn định.

Hai hổ khó sống chung một núi ảnh 2

Nga có thể đứng ngoài Biển Đông nếu muốn

(GDVN) - Vô hình trung, Nga đã ủng hộ Trung Quốc "đánh phủ đầu" phán quyết của PCA từ khi nó chưa được công bố.

Không bao lâu sau, Hồng quân Xô Viết tiến vào Ngoại Mông tháng 7/1921. Ungern Stenberg bị bắt và bị hành quyết.

Tháng 11/1921 Hiệp ước Nga - Mông được ký kết, đánh dấu sự ra đời của nước Mông Cổ độc lập. Chỉ một phần lãnh thổ nhỏ là vùng Urianghai trở thành nước Cộng hòa Tannu-Tuva nằm dưới sự quản lý trực tiếp của người Nga Xô Viết.

Chính quyền Trung Quốc sau này xem sự kiện "Mông Cổ độc lập" mãi mãi là nỗi hận đối với họ. Tuy nhiên người viết cho rằng, tham vọng bành trướng lãnh thổ là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hiếu chiến trỗi dậy sẽ đẩy Trung Quốc vào thế bí. 

Bởi nếu cứ lập luận theo tư duy của Trung Quốc thì người Mông Cổ cũng có quyền đòi cả Trung Quốc, người Mãn Thanh cũng có quyền làm chủ Trung Quốc vì cha ông họ đã từng có thời gian làm chủ mảnh đất này, dù thông qua vó ngựa xâm lược.

Stalin không tin Mao Trạch Đông, khen ngợi và hợp tác với Tưởng Giới Thạch

Cuối thập niên 1930, Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ. Ở Trung Quốc, chiến tranh diễn ra chủ yếu là Quốc – Cộng liên minh kháng chiến chống Nhật Bản. Nhưng càng về cuối cuộc chiến, hai lực lượng càng mâu thuẫn với nhau. 

Phe Đồng Minh càng thắng lợi, Tưởng Giới Thạch càng trở nên ngoan cố, bất chấp những cố gắng dàn xếp của tướng Mỹ Hurley [1]. Tưởng Giới Thạch không chấp nhận việc thành lập Chính phủ liên hiệp, vì chung sống với Mao Trạch Đông sẽ liên quan đến việc phóng thích các tù chính trị. 

Tháng 1/1945 ở Trùng Khánh đã có cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và Ngoạ trưởng Trung Hoa dân quốc Tống Tử Văn, nhưng không đạt được kết quả nào. Hurley đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ không cung cấp vũ khí cho phe Mao Trạch Đông, càng làm cho phe Tưởng Giới Thạch thêm cứng rắn.

Vậy thái độ của Liên Xô như thế nào? Ngày 15/4/1945, Hurley gặp Stalin và Molotov ở Moscow, ông nghe Molotov tuyên bố: “Liên Xô không ủng hộ những người cộng sản Trung Quốc vì họ không thực sự là cộng sản.”

Hơn thế, Stalin đã giành cho Tưởng Giới Thạch những lời khen ngợi là “một người yêu nước”, không muốn Trung Quốc có nội chiến. Chính thái độ này đã củng cố niềm tin của Hurley về lập trường chính thức của Hoa Kỳ. 

Ngược lại, Georges Kerman, đại biện lâm thời Hoa Kỳ ở Moscow thì tỉnh táo hơn khi nhận định, Liên Xô chỉ quan tâm đến lãnh thổ của Trung Quốc vùng Trung Á và kiểm soát được vùng Đông Bắc Trung Quốc mà thôi.

Có lẽ đây sẽ là vết rạn lớn nhất trong quan hệ Xô – Trung sau này.

Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Từ 4 hướng, 60 sư đoàn Hồng quân dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky (1895 – 1977) [2] tiến vào Mãn Châu, Triều Tiên và Nam Sakhalin.

Đạo quân Quan Đông của Nhật Bản nhanh chóng bị đánh bại, Liên Xô nhanh chóng chiếm toàn bộ Mãn Châu, bắt 600.000 tù binh Nhật.

Cần phải lần ngược lại thời gian một chút. Năm 1943 ở Hội nghị Cairo, các nước phe Đồng Minh đã thảo luận sẵn về việc chia lại lãnh thổ Nhật Bản sau chiến tranh.

Trung Quốc sẽ nhận lại Mãn Châu và đảo Đài Loan, Triều Tiên sẽ được độc lập, hoàn toàn không có chuyện “trả” Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc như Bắc Kinh đang tuyên truyền bóp méo.

Đến Hội nghị Yalta tháng 2/1945, phe Đồng Minh lại thống nhất rằng, Liên Xô sẽ được phục hồi các quyền lợi của mình ở Đông Bắc Trung Quốc như trước năm 1905 “nếu như có sự đồng ý của Trung Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch)”, quần đảo Kuril (vốn bị Nhật chiếm đã lâu) và Nam Sakhalin sẽ thuộc về Liên Xô. 

Cảng Đại Liên của Trung Quốc sẽ được quốc tế hóa, Liên Xô lấy lại căn cứ hải quân Port Arthur (Lữ Thuận.) Đường sắt Mãn Châu (Đường sắt Đông Trung Quốc) và Nam Mãn Châu chạy ra 2 cảng Đại Liên và Lữ Thuận sẽ thuộc một công ty chung Xô – Trung quản lý.

Nước Nhật bại trận cho phép chính quyền Tưởng Giới Thạch phục hồi được lãnh thổ quốc gia như trước năm 1932 và cả đảo Đài Loan. 

Theo người viết, trên thực tế có 2 yếu tố cản trở việc xuất hiện một nước Trung Quốc hùng mạnh: hành động của Liên Xô ở Mãn Châu và nội chiến Quốc – Cộng.

Hai hổ khó sống chung một núi ảnh 3

Áp đặt, quy chụp là dội nước lạnh vào nhiệt huyết bảo vệ Tổ quốc

(GDVN) - Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ có một "động cơ" duy nhất và xuyên suốt là đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...

Tháng 7/1945, ngoại trưởng Quốc Dân Đảng Tống Tử Văn tới Moscow, và tháng sau hai bên ký một loạt các hiệp định Xô – Trung. Đường sắt Trường Xuân nối Mãn Châu với Lữ Thuận thuộc chủ quyền của Trung Quốc, nhưng sẽ do một công ty Xô – Trung (chủ tịch là người Trung Quốc) quản lý.

Lữ Thuận được sử dụng làm quân cảng chung cho 2 nước Xô, Trung: Trung Quốc dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch quản lý dân sự còn Liên Xô lo phần quân sự. Cảng Đại Liên về nguyên tắc là cảng tự do, mở cửa thương mại cho tất cả các nước nhưng Liên Xô được miễn thuế quan và tham gia quản lý cảng. 

Hai bên còn thỏa thuận về việc Liên Xô chiếm đóng 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Mãn Châu và Tân Cương sẽ thuộc về Trung Quốc, còn số phận của Ngoại Mông sẽ được quyết định qua một cuộc trưng cầu dân ý. 

Rõ ràng là với các thỏa thuận này với chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, Liên Xô đã phục hồi được rất nhiều quyền lợi của mình gần được như thời Nga Sa hoàng trước đây.  

Ngày 21/1/1946 bằng một bị vong lục, Liên Xô tuyên bố tịch thu toàn bộ các nhà máy, cơ sở sản xuất ở Mãn Châu đã từng phục vụ quân Nhật là chiến lợi phẩm và sẽ được chuyển về Liên Xô để phục hồi kinh tế. Trung Quốc cố gắng phản đối nhưng vô hiệu. 

Hành động này được đánh giá cũng để ngăn cản Trung Quốc không thể sử dụng những cơ sở sản xuất ở vùng biên giới để chống lại Liên Xô về sau này. 

Gió đổi chiều, Moscow thay đổi thái độ với Bắc Kinh

Cuối tháng 4/1946, Liên Xô hoàn thành việc rút quân khỏi Mãn Châu, nhưng trước đó đã gây khó khăn rất nhiều cho quân Tưởng ở đây, và tạo điều kiện cho phe Mao Trạch Đông chiếm Mãn Châu.

Khi Liên Xô rút xong cũng là lúc phe Mao Trạch Đông chiếm xong gần hết Mãn Châu, thành lập bộ máy chính quyền mới, chỉ còn vùng phía Nam Mãn Châu là còn quân Quốc Dân Đảng đóng giữ, nhưng nhiều vùng nông thôn chính quyền mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được thành lập.

Hành động của Liên Xô trong thời gian này trực tiếp mâu thuẫn với lợi ích của Quốc Dân Đảng, nhưng về lâu về dài lại tiềm tàng hiềm khích với chính…đảng Cộng sản Trung Quốc, như hành động chiếm chiến lợi phẩm, hay việc ủng hộ Ngoại Mông độc lập…

Cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc vào giai đoạn 1948 – 1949, đánh dấu một thời kỳ mới trong quan hệ Xô – Trung. Người ta phát hiện ra giai đoạn cuối của cuộc nội chiến, vũ khí của Hồng quân Trung Quốc là của Liên Xô sản xuất.

Nhưng đồng thời cũng xuất hiện ngày càng nhiều điểm khác biệt trong Cách mạng giữa hai nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cách mạng của nông dân kết hợp với quân sự, không phải của giai cấp công nhân như ở Nga. 

Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa viết tắt là Trung Quốc được thành lập. Liên Xô công nhận ngay lập tức, liền sau đó Moscow tuyên bố ở Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng, nước này không công nhận đại diện chính thức của nước Trung Quốc là chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch nữa.

Tháng 12/1949, Mao Trạch Đông đáp tàu hỏa Transsiberian lên Moscow và ở đó đến 2 tháng. Tháng 2/1950 hai bên đã ký kết những Hiệp ước quan trọng. 

“Hiệp ước hữu nghị, đồng minh và tương trợ” có giá trị 30 năm, hoàn toàn tương tự các hiệp ước Liên Xô đã ký với các nước Đông Âu, nhưng lần này là nhằm cùng nhau bảo vệ trước hành vi xâm lược từ phía Nhật Bản hoặc bất cứ quốc gia nào trực tiếp hay gián tiếp cùng Nhật Bản xâm lược; chủ trương xúc tiến ký Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản (đến nay vẫn chưa được ký).

Một Hiệp định khác được ký về đường sắt Trường Xuân và các cảng Lữ Thuận và Đại Liên. Liên Xô sẽ rút quân khỏi cảng Lữ Thuận, sau khi nhận khoản bồi thường cho các công trình đã xây dựng ở đây; đường sắt sẽ được trả cho Trung Quốc ngay sau khi Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản được ký, chậm nhất là năm 1952. 

Ngoại Mông sẽ được độc lập, như là một “vùng đệm” giữa hai nước; Nội Mông và Tân Cương sẽ thuộc Trung Quốc nhưng việc khai thác dầu mỏ ở đây sẽ do các công ty liên doanh Xô – Trung tiến hành.

Mao Trạch Đông tỏ ra hài lòng với những thành quả này.

Mao Trạch Đông với Cách mạng Văn hóa, ảnh: The Guardian.
Mao Trạch Đông với Cách mạng Văn hóa, ảnh: The Guardian.

Liên Xô cũng cho Trung Quốc vay 300 triệu đôla Mỹ trong 5 năm, bắt đầu từ 1/1/1950. Người ta không hiểu sao khoản vay cho một nước nghèo, đông dân, bị chiến tranh tàn phá mà lại “bèo bọt” đến thế, trong khi chính quyền Mao Trạch Đông không thể vay được của ai khác ngoài Liên Xô. 

Năm 1950 nổ ra Chiến tranh Triều Tiên, Xô - Trung song kiếm hợp bích, có những bí ẩn mà chỉ sau này chúng ta mới được giải đáp.

Chỉ có một điều dễ đoán, là cuộc Chiến tranh Triều Tiên là sự mở đầu của quá trình Liên Xô can thiệp vào Châu Á. Điểm thú vị của câu chuyện nằm ở chỗ, khi Liên Hiệp Quốc đưa quân vào bán đảo Triều Tiên can thiệp Chiến tranh Triều Tiên thì không có sự tham gia của Liên Xô với tư cách thành viên Thường trực Hội đồng Bảo An.

Lúc này Moscow đang đứng ngoài để đấu tranh hất Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch khỏi chiếc ghế thành viên Thường trực Hội đồng Bảo An để giao lại cho chính quyền Mao Trạch Đông. Một mối quan hệ thật nhiều “duyên nợ.”

Mao Trạch Đông muốn làm “anh cả”, tình đồng chí ngắn chẳng tày gang

Điều quan trọng hơn cả là lúc này trong quan hệ quốc tế của phe Xã hội chủ nghĩa, hai nước Xô - Trung đã xác lập vị thế “anh cả - anh hai”, trong khi Trung Quốc không hề muốn đóng vai trò của một “anh hai” mà muốn làm “anh cả”.

Từ sau năm 1953 khi Stalin qua đời, Mao Trạch Đông dường như đã nổi lên như một lãnh tụ hàng đầu của phe Xã hội chủ nghĩa. Quan hệ giữa hai nước Xô - Trung càng không thể duy trì vai vế “anh cả - anh hai” như trước.

Trung Quốc không giấu diếm tham vọng của mình, từ quân sự là sở hữu vũ khí hạt nhân đến chính trị là trở thành hạt nhân của phong trào cộng sản quốc tế, mặc dù ngoài miệng Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng, Liên Xô là lãnh tụ của phong trào cộng sản toàn cầu.

Dip kỉ niệm 5 năm ngày quốc khánh, Trung Quốc xúc tiến việc thảo luận và ký kết lại một loạt các hiệp ước đã ký trước đây. Những điểm đáng chú ý là: Quân đội Liên Xô sẽ rút khỏi cảng Lữ Thuận trước này 31/5/1955 (do Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản vẫn chưa được ký);

Các cơ sở được trao lại cho Trung Quốc mà không cần bồi thường; 4 công ty liên doanh Xô – Trung được thành lập trong 2 năm 1950 –  1951 gồm: khai thác dầu mỏ và kim loại mầu ở Tân Cương, xây dựng Hải quân ở Đại Liên, khai thác đường hàng không dân dụng sẽ được trao trả cho Trung Quốc có bồi thường;

Hai tuyến đường sắt: Lan Châu – Alma Ata (nay là Almatư); Sinin – Ulan Bato – Viễn Đông Liên Xô sẽ được xây dựng. 

Như vậy Trung Quốc đã phục hồi lại gần như hoàn toàn chủ quyền của mình với Tân Cương, Nội Mông; phần nào có thêm ảnh hưởng với Ngoại Mông…

Hóa ra mốc đánh dấu đầu tiên của sự “trỗi dậy Trung Hoa” lại là trong quan hệ với “anh em” chứ không phải ra bên ngoài, với các đối thủ tư bản, đế quốc. Liên minh khăng khít Xô - Trung diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, như một giấc mơ.

Đại hội XXII Đảng cộng sản Liên Xô đánh dấu sự rạn nứt lớn nhất trong quan hệ hai nước, hai Đảng. Trung Quốc lên án “chủ nghĩa xét lại”của Nikita Khrushchev, người chủ trương đường lối: “Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung”.

Trung Nam Hải coi động thái này của Điện Kremlin là đặt nhẹ đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng các dân tộc, đối lập với tư tưởng Mao Trạch Đông.

Hai hổ khó sống chung một núi ảnh 5

Những chiếc bánh vẽ hoành tráng

(GDVN) - Do quá hiểu nhau hay quá khát vốn mà Moscow vẫn tin tưởng, chờ đợi Bắc Kinh, dù thực tế đã chứng minh Trung Nam Hải chỉ gửi cho Kremlin những chiếc bánh vẽ?

Mao đã chỉ trích Khrushchev mạnh mẽ khi chọn giải pháp rút lui sau cuộc “khủng hoảng tên lửa ở Cuba” [3]. Trong cuộc xung đột biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, Liên Xô lại đứng về phía Ấn Độ bằng cách cung cấp vũ khí cho nước này. 

Tháng 4 và 5/1962, nổ ra cuộc xung đột biên giới Xô – Trung. Cuộc xung đột đánh dấu quan hệ hai nước, giữa “anh cả và anh hai” đã chính thức tan vỡ. Lúc đó Liên Xô đã là một cường quốc hùng mạnh, còn Trung Quốc thì thua xa về nhiều mặt.

Năm 1964, Trung Quốc thử quả bom nguyên tử đầu tiên và năm 1967 là bom nhiệt hạch. 

Sự xa rời của hai nước nhìn bề ngoài thì bắt đầu từ chính ý thức hệ, khác nhau về sự giải thích Chủ nghĩa Mác – Lênin. Nhưng thực chất, sự chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh là tất yếu, bởi một khu rừng không thể có hai hổ.

Bước sang thập kỷ 1970, Trung Quốc chính thức đi vào con đường mở cửa, cải cách với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong khi đó Liên Xô lại đi vào quỹ đạo của chiến tranh lạnh chạy đua vũ trang [4], của nền kinh tế khai thác phụ thuộc tài nguyên, bất chấp tương lai và cuối cùng thì sụp đổ vào năm 1991.

Thời điểm đó, Trung Quốc đã trở thành “công xưởng của thế giới.”

Vì sao Putin phải bám lấy Tập Cận Bình?

Nước Nga hậu Xô Viết đã ốm yếu trong một thập kỷ, chỉ từ sau năm 2001 xuất hiện một vị Tổng thống mạnh mẽ, đúng lúc bắt đầu thời kỳ hoàng kim giá dầu thế giới tăng cao đã giúp nước Nga phần nào lấy lại vị thế của mình.

Chưa lấy lại được không gian rộng lớn và vị thế thời Xô Viết, nhưng nước Nga của Putin không giấu diếm tham vọng của mình sau những hành động “sáp nhập” Crimea hay tiếp tục muốn duy trì ảnh hưởng với các nước thuộc không gian Liên Xô cũ, thông qua vai trò và can dự vào tình hình Đông Ukraine.

Chỉ hai năm chịu tác động kép của lệnh trừng phạt từ phương Tây và giá dầu mỏ giảm sâu kéo dài, nước Nga của Putin đã mất đi một phần lớn sức mạnh của mình, bị phương Tây cô lập vì vai trò và quyết sách của Nga trong khủng hoảng Ukraine, cũng như cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị, địa quân sự giữa Nga với NATO.

Điều này buộc ông chủ Điện Kremlin phải lục trong ngăn tủ của mình “Chiến lược xoay trục sang Phương Đông,” phủi bụi và đi tìm ông Tập Cận Bình.

Moscow hy vọng có thể tìm thấy lối thoát khỏi bế tắc và bứt phá từ “người em một thời” - Trung Quốc. Nhưng dường như Nga càng đuổi theo, thì cái bóng củ cà rốt của Trung Quốc treo trước mặt lại càng xa vời vợi.

Trước đó, Putin tuyên bố: “Nước Mỹ có lẽ là siêu cường duy nhất”, người viết cho là một cách Putin gián tiếp công nhận vị thế yếu của nước Nga hiện nay. Đó cũng là bối cảnh diễn ra chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 25/6/2016.

Đồng thời bối cảnh này cũng cho ta hiểu hơn tại sao ngay trước thềm PCA ra phán quyết và có thể hủy đường lưỡi bò phi pháp, không rõ vô tình hay hữu ý, mà trước đó hàng loạt các phát ngôn của các quan chức ngoại giao Nga đều có lợi cho Trung Quốc.

Dường như Moscow trao cho Trung Quốc một tư thế thuận lợi trong việc chống lại phán quyết của PCA, ép các nước nhỏ ở Biển Đông phải ngồi vào bàn “đàm phán song phương” với Trung Quốc.

Từ các hiệp định khung, văn bản thỏa thuận đến hợp tác thực tế còn quá xa vời. Ảnh: usefulstooges.com
Từ các hiệp định khung, văn bản thỏa thuận đến hợp tác thực tế còn quá xa vời. Ảnh: usefulstooges.com

Những “hợp đồng khủng” về năng lượng trước đây Nga đã ký với Trung Quốc cũng trong chuyến thăm của Putin nay còn chưa đi đến đâu, 30 văn kiện mới ký phần lớn vẫn nằm ở dạng “chờ đợi” - hiệp định khung.

Điều đó cho thấy mong muốn của Nga tiến tới một liên minh về an ninh – kinh tế với Bắc Kinh chỉ là “tình đơn phương”, thậm chí là viển vông.

Tất nhiên với lập luận, một nền sản xuất của Trung Quốc vốn phụ thuộc 70% vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu, không thể không thèm muốn một đối tác đầy tài nguyên mà lại đang quá khó khăn, khát tiền mặt như Nga.

Một nền công nghiệp của Trung Quốc đang thải ra quá nhiều khí thải ô nhiễm, không thể làm ngơ trước một nước Nga quá rộng lớn, thừa không gian để tiếp tục đầu tư kiếm lời khủng bằng việc trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, có thể xả thải bừa bãi.

Đó là chưa kể đến Trung Quốc còn thèm những công nghệ vũ khí của Nga mà họ chưa làm chủ được, còn Nga thì do lệnh trừng phạt lại phụ thuộc Trung Quốc về… công nghệ điện tử.

Rõ ràng những lập luận này có thể minh chứng một điều là: “Nga và Trung Quốc chưa bao giờ tin cậy nhau đến thế.” [5] Nhưng đáng tiếc là trong tính toán của Trung Nam Hải, mọi thứ không đơn giản như suy nghĩ của Điện Kremlin.

Với Trung Quốc, đi từ “ẩn mình chờ thời” đến manh động “quậy phá” ở những vùng biển xung quanh, việc bị cô lập chưa phải là nguy cơ quá lớn để phải liên minh chống đỡ.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng với kinh tế toàn cầu làm tăng đòn bẩy của Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là Biển Đông. Còn về kinh tế, giá dầu thế giới giảm sâu và có quá nhiều đối tác cung cấp dầu khí đang chào mời Trung Quốc với giá rất hời càng khiến Bắc Kinh làm mình làm mẩy với Moscow.

Do đó việc đi tìm kiếm một “liên minh khăng khít” với Nga có lẽ không nằm trong tính toán của Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình thừa khôn ngoan để hiểu vị thế “chiếu dưới” cũng như nội lực yếu ớt của Nga hiện nay.

Một liên minh như vậy với Nga lúc này chỉ tạo thêm gánh nặng cho Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều bất lợi hơn là lợi ích.

Chính vì thế mà Trung Quốc đã nhận lời tham dự cuộc tập trận chung RIMPAC do Hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu, tổ chức từ ngày 26/6 đến 1/8 năm nay ở Hawaii.

Nhưng Trung Quốc vẫn ra sức cổ súy, ca ngợi và vẽ ra một bức tranh sáng lạn về tương lai quan hệ Trung - Nga. Theo người viết, tính toán của họ một mặt không nằm ngoài khai thác tối đa thế bí của Nga để trục lợi cho mình. 

Đơn giản như việc các hợp đồng cung cấp dầu khí 400 tỉ USD Nga - Trung chưa đi đến đâu là vì, Bắc Kinh sẽ tiếp tục ép giá đến khi nào không thể ép thêm được nữa mới thôi.

Mặt khác, trong lúc Trung - Mỹ cạnh tranh gay gắt ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là trên Biển Đông và gần nhất là phán quyết của PCA, việc Trung Quốc tranh thủ tiếng nói của Nga, mà đúng hơn là lợi dụng và uy tín và vị thế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Nga cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy có thể thấy, bất cứ liên minh hay mối quan hệ quốc tế nào hình thành cũng đều trên cơ sở lợi ích và bị chi phối bởi lợi ích. Để tránh thua thiệt, thậm chí bị bán đứng bởi những nước mình cho là bạn bè, là đáng tin cậy, là có thể dựa dẫm trông chờ thì mọi quyết định và hành xử phải được đặt trên cơ sở luật pháp quốc tế đương đại, có tính toán hài hòa lợi ích của các bên.

Mọi sự hy vọng viển vông dựa vào lòng tin, vào tình nghĩa...trong quan hệ quốc tế mà thiếu tính toán đến cân bằng lợi ích trên cơ sở luật pháp quốc tế đều có thể đẩy một quốc gia, cho dù từng là cường quốc hàng đầu một thời, vào ngõ cụt, bế tắc, vô tình trở thành “chư hầu kiểu mới” cho những tay chơi cao tay hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Patrick_J._Hurley

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Aleksandr_Vasilevsky

[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/212778/vi-sao-hoa-ky-chi-chon-cam-van-cuba.html

[4] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/234163/khi-my-lien-xo-deu-nang-ne-vi-chay-dua-vu-trang.html

[5] http://viettimes.vn/the-gioi/putin-chua-bao-gio-nga-va-trung-quoc-tin-cay-nhau-den-the-63792.html

[6] http://baobacninh.com.vn/news_detail/59328/nga-chinh-thuc-trao-tra-dao-cho-trung-quoc-.html

http://vn.sputniknews.com/politics/20160626/2007448/nga-trung-quoc-hop-tac.html

Lịch sử quan hệ ngoại giao – Jean Baptiste Duroselle (Histoire diplomatique de 1919 à nos jours, Paris, Dalloz, 1974, 871;) Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội 1994. Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo dịch.

Phúc Lai