Hải quân Mỹ: Trì hoãn giao tàu sân bay, cải tạo tàu khu trục đối phó Trung Quốc

26/09/2015 08:18
Việt Dũng
(GDVN) - Ngoài ra, có thể từ bỏ tàu khu trục Zumwalt thứ ba, thử nghiệm tên lửa SeaRam trên tàu tuần duyên, cho nghỉ hưu tàu hộ vệ lớp Perry cuối cùng...

Tàu sân bay Gerald Ford Mỹ tiếp tục trì hoãn bàn giao

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 25 tháng 9 đưa tin, do tình hình tiến triển chương trình thử nghiệm trên tàu phần nào xấu đi, tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Gerald R. Ford (CVN78) của Hải quân Mỹ dự tính trì hoãn bàn giao vài tuần, hiện nay, tàu sân bay này đã hoàn thành 93%.

Tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới Gerald R. Ford, Hải quân Mỹ
Tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới Gerald R. Ford, Hải quân Mỹ

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford do nhà máy đóng tàu Newport News Shipbuilding thuộc Tập đoàn Huntington Ingalls Industries Inc (HII) chế tạo, vốn có kế hoạch bàn giao vào ngày 31 tháng 3 năm 2016.

Nhưng, theo thông tin từ Hải quân Mỹ, tiến triển thử nghiệm trên tàu chậm chạp sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chạy thử trên biển ban đầu, làm cho nó trì hoãn khoảng 6 - 8 tuần, thời gian trì hoãn bàn giao cụ thể sẽ tùy thuộc vào kết quả chạy thử trên biển.

Tháng 8 năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ thị cho hải quân triển khai thử nghiệm rung chấn, đã lần đầu tiên trì hoãn kế hoạch triển khai của tàu này.

Được biết, 93% công tác chế tạo tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã hoàn thành, Hải quân Mỹ gần đây đã hoàn thành thử nghiệm hệ thống phóng điện từ (EMALS). Tháng 8 năm nay, thủy thủ tiến hành thử nghiệm radar tần số kép đúng hạn, bao gồm gửi điện thông báo ban đầu của radar đa chức năng/radar tìm kiếm khối lượng (MFR/VSR).

Thiết bị đẩy của tàu sân bay đã hoàn thành hạng mục hơi nước không mang tính then chốt, hiện đang chuẩn bị tiến hành hạng mục kiểm tra mang tính then chốt.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford khởi công chế tạo vào năm 2009, dài 332,9 m, so với tàu sân bay Mỹ trước đây, điều kiện sinh hoạt của thủy thủ được cải thiện rõ rệt, chi phí sửa chữa giảm đi, sẽ tăng cường năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ.

Tàu sân bay này trang bị hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa tầm gần RAM và tên lửa "SeaSparrow cải tiến" (ESSM) do Công ty Raytheon thiết kế và cải tiến, giúp nó có thể chống lại các cuộc tấn công của tên lửa chống hạm có tốc độ cao, hoạt động linh hoạt.

Đồng thời, tàu sân bay này có thể điều khiển tới 90 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35, máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler và máy bay trực thăng MH-60R/S.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

“Mối đe dọa” từ tàu sân bay Trung Quốc

Trang mạng nguyệt san "The National Interest" Mỹ ngày 18 tháng 9 đưa tin, trong vài chục năm sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cụm chiến đấu tàu sân bay Hải quân Mỹ luôn là lực lượng số 1 trên các đại dương của thế giới.

Cho dù là Liên Xô cũng chưa từng có thể thách thức quyền kiểm soát biển của Hải quân Mỹ. Nhưng, gần đây, mọi người ngày càng lo ngại Hải quân Trung Quốc có thể sẽ có năng lực này.

Liên Xô đương thời chủ yếu tập trung nguồn lực vào chiến lược "ngăn chặn trên biển" sử dụng máy bay ném bom Backfire trang bị tên lửa chống hạm tầm xa, tàu ngầm và tàu chiến mặt nước. Trung Quốc hầu như tập trung mọi nguồn lực vào chiến lược chống can thiệp với phương pháp tương tự.

Nhưng, giống như Liên Xô giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc hầu như cũng quyết tâm phát triển một hạm đội biển xa có thể thách thức Hải quân Mỹ ở các vùng biển quốc tế.

Trung Quốc đã mua tàu sân bay Varyag chưa hoàn thành chế tạo của Liên Xô - tàu chị em của tàu sân bay Kuznetsov Nga. Trung Quốc cải tạo chiếc tàu này và đổi tên là Liêu Ninh, đã đưa vào hoạt động.

Nhưng, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là điểm khởi đầu, Hải quân Trung Quốc nghe nói dùng tàu sân bay này làm công cụ huấn luyện, phát triển kỹ năng điều khiển liên đội máy bay trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ phải trải qua vài chục năm thử nghiệm mới năm chắc được những kỹ năng này.

Để thành lập liên đội máy bay trên tàu sân bay, Trung Quốc đã tham khảo một loại máy bay nguyên mẫu giai đoạn đầu của Liên Xô, phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu ưu thế trên không - máy bay Su-33. Loại máy bay kiểu Nga này giúp Trung Quốc nghiên cứu chế tạo ra máy bay chiến đấu hải quân J-15.

Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc huấn luyện cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc huấn luyện cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Ngoài ra, Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo hàng loạt máy bay chi viện, những máy bay này sau này cũng sẽ phục vụ trong liên đội máy bay trên tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc.

Hiện nay, liên đội máy bay này gồm có 24 máy bay chiến đấu J-15, 6 máy bay trực thăng săn ngầm Z-18F, 4 máy bay trực thăng cảnh báo sớm trên không Z-18J và 2 máy bay trực thăng cứu viện Z-9C.

Trong "Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2015", Lầu Năm Góc cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh và liên đội máy bay hiện  nay của nó thực ra không có năng lực điều động lực lượng cự ly xa - cho dù hoàn toàn đưa vào chiến đấu.

Thể tích của tàu sân bay này quá nhỏ, phù hợp nhất cung cấp phòng không hạm đội và mở rộng yểm trợ trên không trong một hạm đội tầm xa. Theo báo cáo: "Tàu Liêu Ninh không thể tiến hành điều động lực lượng quân sự tầm xa như tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ".

Vấn đề chủ yếu là, so với máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ, mặc dù tính năng bay của J-15 tốt hơn, nhưng thiết kế cất cánh kiểu nhảy cầu của tàu sân bay Liên Xô làm cho tải trọng hiệu quả và lượng dầu mang theo của loại máy bay chiến đấu này bị hạn chế nghiêm trọng.

Báo cáo này của Lầu Năm Góc cho rằng: "Thể tích khá nhỏ của tàu sân bay Liêu Ninh đã hạn chế số lượng máy bay hải quân, trong khi đó, khiếm khuyết cấu cạo cất cánh kiểu nhảy cầu đã hạn chế khả năng mang theo vũ khí và nhiên liệu". Đây không chỉ là đánh giá của Lầu Năm Góc, Trung Quốc cũng thừa nhận tồn tại vấn đề này.

Dự tính Trung Quốc sẽ chế tạo hoặc có thể đã chế tạo tàu sân bay thế hệ thứ hai (Lầu Năm Góc dự tính Hải quân Trung Quốc có thể chế tạo nhiều tàu sân bay). Việc thiết kế những tàu sân bay này hứa hẹn phát huy đầy đủ tính năng của J-15.

Trong tình hình lạc quan nhất, Trung Quốc xây dựng một hạm đội có thể thách thức Hải quân Mỹ cũng cần một khoảng thời gian rất dài.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 lớp Nimitz của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 lớp Nimitz của Hải quân Mỹ

Công ty đóng tàu Newport News Shipbuilding Mỹ chế tạo một siêu tàu sân bay lớp Nimitz hoặc lớp Ford cần gần 10 năm, hơn nữa công ty này có kinh nghiệm đóng tàu nhiều năm. Trung Quốc không có kinh nghiệm chế tạo tàu cỡ lớn như tàu sân bay.

Cho dù Trung Quốc đã chế tạo ra tàu sân bay có thể phát huy đầy đủ tiềm năng của máy bay hải quân, đây cũng không phải là nhân tố duy nhất cần xem xét.

Mặc dù máy bay chiến đấu Super Hornet có lẽ không phải là máy bay phản lực tốc độ nhanh nhất hoặc linh hoạt nhất, nhưng nó trang bị bộ cảm biến và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến.

Điều quan trọng hơn là, máy bay chiến đấu Super Hornet của Hải quân Mỹ hoàn toàn không tác chiến độc lập. Liên đội máy bay hải quân trên tàu sân bay hiện đại đều hành động tập thể, đặc biệt là trong tình hình sử dụng "hệ thống phòng không điều khiển hỏa lực tổng hợp hải quân".

Những máy bay và tàu chiến tiếp nhận sự điều khiển của tư lệnh cụm chiến đấu tàu sân bay như máy bay chiến đấu Super Hornet trang bị "hệ thống phòng không điều khiển hỏa lực tổng hợp hải quân", máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye, tàu khu trục Aegis, tàu tuần dương Aegis là lực lượng hợp tác chặt chẽ, cùng hành động.

Trung Quốc có thể tự nghiên cứu chế tạo tàu sân bay, có thể xây dựng liên đội máy bay tàu sân bay, thậm chí có thể phát triển cụm chiến đấu tàu sân bay, nhưng đây không chỉ là vấn đề trang bị quân sự. Hải quân Trung Quốc có năng lực phân cao thấp với Hải quân Mỹ vẫn cần thời gian. Họ cuối cùng có thể thực hiện mục tiêu này, nhưng cần vài chục năm.

Tàu khu trục USS Zumwalt DDG-1000, Hải quân Mỹ
Tàu khu trục USS Zumwalt DDG-1000, Hải quân Mỹ

Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt thứ ba có thể bị từ bỏ

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 18 tháng 9 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc khả năng từ bỏ chiếc tàu khu trục lớp Zumwalt thứ ba (DDG-1002).

Theo tờ "Bloomberg Business", một tài liệu vắn tắt do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho biết, số phận của tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ công bố trong vài tuần tới. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định từ bỏ tàu khu trục lớp Zumwalt, nhưng đã thành lập một văn phòng độc lập để đánh giá hiệu quả và chi phí, bàn bạc vấn đề có thể từ bỏ DDG-1002 hay không.

Hạ nghị sĩ Mỹ Chellie Pingree cho rằng, do tàu khu trục lớp Zumwalt đang chế tạo, từ bỏ chiếc thứ ba hoàn toàn không thể gây ảnh hưởng quá lớn đến giảm giá thành, chỉ có thể lãng phí hơn tiền của người nộp thuế.

Tàu khu trục lớp Zumwalt vốn có kế hoạch kiến tạo 32 chiếc, sau đó giảm bớt thành 3 chiếc hiện có, do nhà máy đóng tàu Bath Iron Works của Tập đoàn General Dynamics chế tạo. Hiện nay, việc chế tạo tàu khu trục DDG-1002 đã hoàn thành 41%.

Tên lửa hạt nhân kiêm thông thường Đông Phong-26 Trung Quốc
Tên lửa hạt nhân kiêm thông thường Đông Phong-26 Trung Quốc

Cấp nhiều tiền cải tạo tàu Aegis đối phó Đông Phong-26 Trung Quốc

Công ty Lockheed Martin Mỹ ngày 9 tháng 9 cho biết, công ty này đã nhận được hợp đồng trị giá 256 triệu USD của Bộ Quốc phòng Mỹ, lắp hệ thống tác chiến Baseline 9 cho nhiều tàu khu trục Aegis hơn của Hải quân Mỹ.

Tàu chiến sau cải tạo sẽ có khả năng sử dụng tên lửa SM-6 mới, đồng thời nâng cao năng lực phòng thủ đối không, có lợi cho nâng cao năng lực đối phó tên lửa đạn đạo.

Theo tờ "Lợi ích quốc gia" Mỹ, công bố thông tin này vào lúc này là sự phản hồi đối với việc Trung Quốc công bố tên lửa Đông Phong-26.

Nhưng, có bình luận viên quân sự cho rằng, hệ thống Baseline 9 chủ yếu là nâng cấp phần mềm của hệ thống Aegis hiện có, chủ yếu giải quyết vấn đề tấn công mục tiêu trên không cự ly xa của tên lửa SM-6 được dẫn đường bởi máy bay cảnh báo sớm E-2D, chỉ có thể nói là cải thiện một chút về tác chiến phòng thủ tên lửa.

Theo quy hoạch của Hải quân Mỹ, tàu khu trục tên lửa Arleigh Burke 3 thực sự có năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo khá mạnh hiện còn đang chế tạo, chiếc DDG-116 đầu tiên đến năm 2017 mới có thể bàn giao.

Công ty Lockheed Martin Mỹ ngày 9 tháng 9 tuyên bố, họ đã nhận được đơn đặt hàng 265 triệu USD của Hải quân Mỹ, tiếp tục thực hiện nâng cấp hệ thống vũ khí của tàu Aegis Hải quân Mỹ.

Việc cải tiến này là nâng cấp phần cứng và phần mềm giai đoạn mới của hệ thống Aegis, dự tính trong 10 năm tới Công ty Lockheed Martin sẽ nhận được đơn đặt hàng 428 triệu USD - người phát ngôn công ty này cho biết.

Tên lửa đánh chặn SM-6 của Mỹ
Tên lửa đánh chặn SM-6 của Mỹ

Theo người phát ngôn này, nhiệm vụ của chương trình nâng cấp và thử nghiệm tàu chiếc này bao gồm: Một là tiến hành nâng cấp đối với tàu khu trục lớp Arleigh Burke tương đối mới. Hai là tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với tàu khu trục và tàu tuần dương cũ hơn, làm cho hệ thống phần cứng của chúng đạt trình độ "Baseline 9" mới nhất.

Sau khi nâng cấp phần cứng, năng lực tính toán và hiển thị của hệ thống Aegis sẽ được nâng lên, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc của thủy thủ, có thể giảm số lượng thủy  thủ, tiết kiệm chi phí, ngoài ra, hệ thống máy tính mới cũng có thể giảm bớt chi phí bảo trì trong tương lai.

Thông qua lắp hệ thống Baseline 9, tàu chiến sẽ có thể đồng thời đối phó các mối đe dọa trên không (chẳng hạn máy bay và tên lửa hành trình) và mối đe dọa tên lửa đạn đạo. Hiện nay thực sự có khả năng này chỉ có hệ thống Aegis Mỹ.

"Khi tàu chiến tiến vào khu vực mối đe dọa, hệ thống tác chiến phải ở trong trạng thái làm việc 100% bất cứ lúc nào. Tuyệt đối không thể phạm sai lầm" - giám đốc chương trình của Công ty Lockheed Martin phụ trách chương trình nâng cấp lần này, Chris Ministere cho biết.

Theo bài báo, bất cứ biện pháp nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa nào hiện đều được hoan nghênh, bởi vì Trung Quốc cách đây không lâu đã công khai tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26 có năng lực tấn công mục tiêu tàu chiến trên biển.

Theo các nhà quan sát, hợp đồng lần này giữa Hải quân Mỹ và Công ty Lockheed Martin là nghiên cứu chế tạo một loại hệ thống đánh chặn phòng thủ tên lửa mới. Nhưng hiểu như vậy là sai lầm.

Tàu khu trục Aegis Hải quân Mỹ
Tàu khu trục Aegis Hải quân Mỹ

Trên thực tế, năm 2014, hệ thống Baseline 9 đã được triển khai cho một số tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke, hợp đồng mới giữa Công ty Lockheed Martin và Hải quân Mỹ là muốn lắp đặt rộng rãi hệ thống Baseline 9 cho nhiều tàu chiến hơn của Hải quân Mỹ.

Do chương trình nâng cấp Baseline 9 chủ yếu là hệ thống máy tính và phần mềm của hệ thống tác chiến Aegis, không liên quan đến hệ thống phần cứng đắt đỏ như radar, vì vậy tổng kinh phí của chương trình xem ra tương đối "rẻ".

Theo trang mạng chính thức của Hải quân Mỹ, hệ thống Baseline 9 tiến bộ hơn so với hệ thống Aegis cũ, chủ yếu nâng cao năng lực trên 2 phương diện: một là hệ thống điều khiển hỏa lực phòng không tổng hợp hải quân, làm cho tàu chiến có thể đồng thời thực hiện nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa; hai là đã nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Trong cải tạo hệ thống điều khiển hỏa lực phòng không tổng hợp hải quân, một trong những năng lực mới là giúp cho tàu chiến có thể dựa vào "bộ cảm biến bên thứ ba" chẳng hạn máy bay cảnh báo sớm E-2D, thông tin phát ra từ mục tiêu, từ đó bắn tên lử SM-6 tầm xa, chức năng này sẽ có thể cho phép tàu chiến tấn công mục tiêu tầng trời thấp.

Sau khi có năng lực này, tàu Aegis sẽ có thể bắn rơi đạn của máy bay tấn công lắp tên lửa chống hạm.

Mặt khác, hệ thống máy tính mới sẽ cho phép tàu chiến đồng thời thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tầm gần, phòng không khu vực và phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Tàu khu trục Aegis Mỹ bắn tên lửa ở Tây Thái Bình Dương (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục Aegis Mỹ bắn tên lửa ở Tây Thái Bình Dương (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, Baseline 9 cũng đã tiến hành nâng cấp đối với phần mềm chức năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, phần mềm mới được gọi là BMD5.1, phần mềm mới này có thể tăng cường rất lớn độ chính xác, đã cải tiến phương pháp tính toán đường đạn khi điều khiển tên lửa đánh chặn, sau khi được cải tiến, năng lực đánh chặn của các tên lửa SM-3 Block IA, IB và IIA đều được nâng lên.

Hải quân Mỹ cũng hiểu rất rõ, cải tiến chủ yếu của Baseline 9 là tăng cường năng lực đánh chặn tên lửa hành trình, năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo vẫn chỉ có thể gọi là "có còn hơn không".

Trong tương lai, trang bị thực sự được thiết kế dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ là tàu khu trục lớp Arleigh Burke 3 đang nghiên cứu chế tạo.

Thiết bị điện tử radar của tàu này được cải tiến rất lớn so với hệ thống Aegis cũ, đặc biệt là radar của nó được cải tiến từ SPY-1D thành radar nhiều bước sóng AMD, phối hợp với tên lửa đánh chặn SM-3 thế hệ mới, có thể đánh chặn đoạn giữa ngoài bầu khí quyển có hiệu quả.

Nhưng, chi phí chế tạo tàu khu trục lớp Arleigh Burke 3 không rẻ, Hải quân Mỹ dự tính mua 22 tàu khu trục lớp Arleigh Burke 3 phải chi 56 tỷ USD. Nếu tăng mua 5 chiếc, tổng chi phí sẽ còn tăng lên 20%. Kế hoạch này hiện này còn chờ đợi Quốc hội phê chuẩn, dự tính được khởi động vào năm 2016.

Tên lửa chống hạm SeaRam Mỹ
Tên lửa chống hạm SeaRam Mỹ

Lần đầu tiên bắn tên lửa SeaRAM trên tàu tuần duyên

Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 23 tháng 9 đưa tin, Hải quân Mỹ gần đây tiết lộ, trong một cuộc diễn tập vào tháng 8 năm nay, Hải quân Mỹ đã bắn thành công một quả tên lửa chiến thuật SeaRAM trên tàu tuần duyên Colorado lớp Independence, đây là lần đầu tiên loại tên lửa này được bắn trên tàu tuần duyên.

Lần bắn này tiến hành ở bãi bắn trên biển của phân bộ vũ khí, Trung tâm không chiến hải quân ở ngoài khơi bang California, đã chứng tỏ năng lực bắn loại tên lửa này của hệ thống phòng thủ tên lửa chống hạm SeaRam trên tàu tuần duyên.

Trong lần thử nghiệm này, hệ thống SeaRam do Công ty Raytheon nghiên cứu chế tạo có thể kịp thời dò tìm, theo dõi và khóa mối đe dọa mục tiêu tấn công, sau đó đã bắn một quả tên lửa RAM Block 1A đánh chặn thành công mục tiêu.

Phó giám đốc Rick Nielsen của dây chuyền sản xuất phòng thủ biển thuộc hệ thống tên lửa, Công ty Raytheon cho biết, lần thử nghiệm thành công này cho thấy, trên con đường tích hợp hệ thống SeaRAm cho tàu chiến Hải quân Mỹ, hình thành năng lực chiến đấu hoàn toàn và tiến hành triển khai, công tác nghiên cứu chế tạo đã đạt được một cột mốc quan trọng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa chống hạm SeaRam được thiết kế dùng để nâng cao năng lực tự vệ cho tàu chiến và tăng cường bán kính ngăn chặn của tàu chiến trong môi trường tác chiến khắc nghiệt.

Tàu tuần duyên USS Independence Hải quân Mỹ
Tàu tuần duyên USS Independence Hải quân Mỹ

Hệ thống này có thể đánh chặn hiệu quả các mối đe dọa cận âm, siêu âm và tính năng cao của địch, bao gồm tên lửa chống hạm lướt biển, tàu chiến tốc độ cao, máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng và các mối đe dọa mặt nước khác.

Là phiên bản nâng cấp của hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần MK15 Phalanx (CIWS), hệ thống SeaRAM đã sử dụng bộ cảm biến Phalanx Block 1B cải tiến, từ đó đã mở rộng bán kính ứng phó với các loại mối đe dọa trên không và mặt nước.

Tàu hộ vệ lớp Perry cuối cùng sẽ nghỉ hưu vào tuần tới

Trang mạng sina Trung Quốc ngày 22 tháng 9 đưa tin, chiếc tàu hộ vệ lớp Perry cuối cùng của Hải quân Mỹ có kế hoạch nghỉ hưu vào ngày 29 tháng 9.

Tàu hộ vệ USS Simpson FFG-56 có cảng chính ở căn cứ hải quân Mayport là chiếc tàu hộ vệ lớp Perry cuối cùng.

Tàu hộ vệ này vừa có thể triển khai tác chiến biên đội, vừa có thể độc lập tác chiến trên phạm vi thế giới, cũng là tàu chiến chủ yếu triển khai hoạt động phòng chống ma túy của Hải quân Mỹ ở biển Caribbean và Đông Thái Bình Dương.

Tàu hộ vệ lớp này là loại tàu chiến đấu tiên triển khai máy bay không người lái MQ-8B FireScout.

Tàu hộ vệ USS Simpson FFG-56 Hải quân Mỹ
Tàu hộ vệ USS Simpson FFG-56 Hải quân Mỹ

2 tàu hộ vệ từng bị thương nghiêm trọng trong tác chiến, nhưng may mắn sống sót: Tàu hộ vệ USS Stark ngày 17 tháng 3 năm 1987 bị tên lửa chống hạm Exocet trên máy bay chiến đấu F1 của Iraq bắn trúng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, tàu hộ vệ USS Samuel bị thủy lôi Iran làm bị thương.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ cho hệ thống hình ảnh tàu ngầm

Trang mạng Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23 tháng 9 đưa tin, Trung tâm đào tạo và hệ thống hành động Lockheed Martin, phân bộ Manassas, phân bộ Virginia đã nhận được hợp đồng trị giá 120 triệu USD của Bộ Quốc phòng Mỹ, chủ yếu cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống hình ảnh tàu ngầm tích hợp AN/BVY-1 (ISIS-Integrated Submarine Imaging System).

Dịch vụ của hợp đồng bao gồm thiết kế, phát triển, thử nghiệm, kỹ thuật đảo ngược, nuôi cấy công nghệ, đổi mới công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ lắp đặt và hỗ trợ hệ thống.

Hệ thống hình ảnh tàu ngầm tích hợp cung cấp khả năng nhìn trong mọi điều kiện thời tiết theo từng nhiệm vụ của tàu ngầm tấn công, bao gồm tìm kiếm điện tử, quản lý hình ảnh số hóa, chỉ thị, cảnh cáo.

Tàu ngầm tấn công được phục vụ gồm các tàu ngầm động cơ hạt nhân lớp Los Angeles SSN 688, lớp Seawolf SSN21, lớp Ohio SSGN, lớp Virginia SSN774, đồng thời có thể áp dụng cho tàu ngầm lớp Trident SSBN và các tàu ngầm khác.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Hải quân Mỹ

Hệ thống hình ảnh tàu ngầm tích hợp là phiên bản nâng cấp của bộ kiện hiện có, đáp ứng yêu cầu năng lực ngắn hạn, bảo lưu khả năng phát triển để trong tương lai có thể tăng cường năng lực, trong đó bao gồm chương trình quang học phát triển cho lớp Virginia SSN774.

Hợp đồng năng lượng mặt trời 25 megawatt

Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 24 tháng 9 đưa tin, Hải quân Mỹ trao hợp đồng mua sắm thiết bị phát điện năng lượng mặt trời cho Công ty điện và năng lượng Virginia, cung cấp điện 25 megawatt cho căn cứ hải quân Norfolk, chiếm 6% nhu cầu điện của căn cứ.

Căn cứ vào hợp đồng, quận Pasquotank, bang North Carolina đã xây một trạm phát điện năng lượng mặt trời cố định, diện tích 110 mẫu Anh, gồm 81.054 tấm pin năng lượng mặt trời, dự tính đưa vào hoạt động từ tháng 4 năm 2016.

Dennis McGinn - Trợ lý phụ trách năng lượng, công trình và môi trường của Tư lệnh Hải quân Mỹ cho biết, bảo đảm cung ứng năng lượng tin cậy là then chốt của thực hiện nhiệm vụ trong và ngoài nước của Bộ Hải quân Mỹ.

Năm 2009, Quốc hội Mỹ yêu cầu Bộ Quốc phòng trước năm 2025 có 25% tiêu hao năng lượng của các công trình phải dùng năng lượng tái sinh.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ

Cùng năm, Hải quân Mỹ bắt đầu mua sắm lượng lớn năng lượng tái sinh, nhằm tăng cường an toàn năng lượng, nâng cao năng lực tác chiến, thúc đẩy phát triển khả năng linh hoạt về chiến lược, bảo đảm cung ứng nguồn lực. Hiện nay, Hải quân Mỹ đã ký kết chương trình năng lượng tái sinh 1,2 GW.

Tháng 8, Hải quân Mỹ, Cơ quan điện lực khu vực miền Tây và Công ty năng lượng Sempra đã ký kết hợp đồng cung cấp 1/3 điện năng cho 14 công trình của hải quân.

Máy bay Super Hornet Mỹ rơi vỡ, phi công thoát chết

Hãng tin Central News Agency (CNA) Đài Loan đưa tin, Hải quân Mỹ cho biết, một chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet vừa rơi vỡ ở Kings County, bang California, phi công đã nhảy ra khỏi máy bay thành công, đổ bộ an toàn.

Theo hãng tin AP Mỹ, vụ rơi vỡ máy bay này xảy ra ở lân cận trạm hàng không hải quân Lemoore, thời gian vào lúc 4 giờ chiều ngày 21 tháng 9, khi đó, trên máy bay chỉ có 1 phi công.

Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet Mỹ (ảnh minh họa)
Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet Mỹ (ảnh minh họa)

Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ "hợp luyện" với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Okinawa

Mạng tin tức BBC Anh ngày 19 tháng 9 đưa tin, lữ đoàn viễn chinh 3 Thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Okinawa sẽ tiến hành diễn tập quân sự thường niên thời gian 5 ngày kể từ ngày 20 tháng 9, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng có lực lượng tham gia.

Binh sĩ lữ đoàn viễn chinh 3 Thủy quân lục chiến của 6 căn cứ quân Mỹ ở Okinawa tiến hành diễn tập quân sự thông thường "Constant Vigilance" từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 9, diễn tập bao gồm các hành động trên nhiều phương diện như cứu nạn khẩn cấp, chữa trị, an toàn và chống khủng bố.

Trong một tuyên bố, Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết, tất cả các cơ sở Thủy quân lục chiến ở căn cứ Okinawa tham gia toàn diện diễn tập, lữ đoàn 15 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và dịch vụ cấp cứu trực thăng cũng tham gia huấn luyện, để "xây dựng năng lực hợp luyện (của lực lượng Mỹ-Nhật), tiếp tục tăng cường hợp tác diễn tập và liên hệ giữa hai bên, cùng ứng phó khủng hoảng".

"Từng đơn vị đóng quân trên toàn thế giới đều phải tiến hành cuộc diễn tập thường niên loại này", "chứ không phải chỉ triển khai ở Nhật Bản hoặc Okinawa" - Tuyên bố cho biết.

Nhiều đơn vị Mỹ đồn trú ở nhiều khu vực trên thế giới đều có diễn tập quân sự thông thường, nhưng, cùng với việc trọng tâm chiến lược Mỹ chuyển tới châu Á, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và nhiều nước châu Á ở các khu vực như biển Hoa Đông, Biển Đông cùng với sự thay đổi của tình hình như Nhật Bản tìm kiếm thông qua Luật bảo đảm an ninh mới, các cuộc diễn tập quân sự gần đây của Trung Quốc, Mỹ, Nhật đã được quan tâm nhiều hơn.

Diễn tập "Dawn Blitz-2015" ở Mỹ (ảnh minh họa)
Diễn tập "Dawn Blitz-2015" ở Mỹ (ảnh minh họa)

Trung Quốc và Malaysia tiến hành diễn tập liên hợp thực binh quy mô lớn trong thời gian 6 ngày (từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 9) ở eo biển Malacca và vùng biển lân cận, đây là cuộc diễn tập quân sự liên hợp lần đầu tiên giữa hai nước.

Mỹ và Ấn Độ sẽ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Ấn Độ Dương vào tháng 10, có tin cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng muốn tham gia.

Các nước tham gia những cuộc diễn tập quân sự liên hợp này đều cho biết, diễn tập quân sự không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào.

Thượng viện Nhật Bản sáng sớm ngày 19 tháng 9 đã thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới gây tranh cãi, sẽ dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể kéo dài vài chục năm sau Chiến tranh, cho phép Quân đội Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào các hành động quân sự ở nước ngoài với các nước đồng minh.

Hành động này của Nhật Bản làm cho Bắc Kinh hết sức quan ngại. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hình dung Luật bảo đảm an ninh mới là "cử động chưa từng có của Nhật Bản trên lĩnh vực quân sự, an ninh sau Chiến tranh". Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì cho biết sẽ "theo dõi chặt chẽ các động thái tiếp theo của Nhật Bản".

Quân đội Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung
Quân đội Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung
Việt Dũng