Hải quân Nga và con đường vươn ra biển gặp nhiều trở ngại

02/06/2012 09:45
Đông Bình
(GDVN) - Điều kiện địa lý của Nga vốn đã không tốt, cộng với tình hình quốc tế rối ren lâu dài và kinh phí thiếu thốn, đã làm hạn chế nghiêm trọng sự phát triển sức mạnh trên biển, sức mạnh hải quân của Nga.
Tàu chiến của Hải quân Nga (ảnh minh hoạ)
Tàu chiến của Hải quân Nga (ảnh minh hoạ)


Nga là một trong những nước có đường bờ biển dài nhất thế giới, điều này đã đem lại ưu thế tự nhiên cho phát triển sức mạnh trên biển của họ. Điều đáng tiếc là, nhìn ở góc độ khác, điều này lại khó được gọi là “ưu thế”.

Do Nga thiếu bến cảng ấm áp, phần lớn đường bờ biển thuộc khu vực lạnh giá, trong năm có thời gian đóng băng rất dài, tỷ lệ sử dụng bờ biển tương đối thấp. Đặc biệt là ở hướng Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, phần lớn bờ biển không có bến cảng không bị đóng băng có thể sử dụng.

Có chuyên gia cho rằng, hướng biển Baltic và biển Đen đều có bờ biển ấm áp, có tương đối nhiều cảng không đóng băng, nhưng độ dài của tuyến đường bờ biển không lớn, khó trở thành căn cứ chủ yếu để phát triển quyền kiểm soát biển.

Ngoài ra, những lối vươn ra biển của Nga được dư luận quan tâm cũng hoàn toàn không phải là điểm cao chiến lược tuyệt đối “một người giữ ải, vạn người không qua”. Bốn khu vực giáp biển tách rời nhau, lối ra biển chính phần lớn bị nước khác bao vây.

Đặc biệt là tuyến đường hàng hải chính phải đi qua vùng biển, vịnh và eo biển do nước khác kiểm soát. Những môi trường đặc biệt này khiến cho Nga khó phối hợp với nhau trên biển trong thời bình, còn trong thời chiến thì càng dễ bị phong tỏa, sức mạnh trên biển dễ bị cô lập.

Điều kiện địa lý của Nga vốn đã không tốt, cộng với tình hình quốc tế rối ren lâu dài và kinh phí thiếu thốn, đã làm hạn chế nghiêm trọng sự phát triển sức mạnh trên biển, sức mạnh hải quân của Nga.

Tàu sân bay Đô đốc Gorshkov, Nga cải tạo cho Ấn Độ.
Tàu sân bay Đô đốc Gorshkov, Nga cải tạo cho Ấn Độ.

Theo hãng RIA Novosti, tàu sân bay Gorshkov sau khi được cải tạo vốn có kế hoạch chạy thử lần đầu tiên ở vùng biển Trắng và biển Barents ngày 25/5, nhưng do vùng biển chạy thử trong tuần tới sẽ có thời tiết xấu, hơn nữa hiện đã có cảnh báo có mưa bão vào cuối tuần, vì vậy công tác chạy thử buộc phải lùi lại đến đầu tháng 6/2012.

Đứng trước sự thay đổi bất ngờ, Hải quân Ấn Độ đành phải thốt lên rằng “đẩy lùi thời gian chạy thử, đây không phải là lần đầu tiên”. Được biết, tháng 9/2011, Hải quân Ấn Độ và nhà máy đóng tàu Nga đã đạt được thỏa thuận, đẩy lùi việc chạy thử lần đầu tiên tháng 11/2011 tới tháng 3/2012, sau đó lại đẩy lùi đến tháng 5/2012.

Có phân tích cho biết, thời gian chạy thử trên biển liên tiếp bị đẩy lùi, không loại trừ khả năng Nga muốn kiếm lời, nhưng điều này đã phản ánh công nghiệp đóng tàu Nga đã suy yếu mạnh.

Vấn đề xảy ra của tàu sân bay Gorshkov có thể gọi là hình ảnh thu nhỏ về trang bị hải quân hiện đại Nga, cho dù là tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân công nghệ cao đều không thể tránh khỏi, kể cả xe bọc thép và tàu chiến bình thường cũng có lúc xảy ra sự cố.

Tháng 8/2000, khi tham gia diễn tập quân sự tại biển Barents, tàu ngầm hạt nhân Kursk của Hạm đội Biển Bắc, Hải quân Nga đã gặp sự cố chìm xuống biển; tháng 8/2003, trên đường kéo về nhà máy sửa chữa tháo dời, tàu ngầm hạt nhân nghỉ hưu K-159 của Hạm đội Biển Bắc gặp bão bị chìm;

tháng 8/2005, một tàu ngầm cỡ nhỏ AS-28 đã xảy ra sự cố khi thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển lân cận bán đảo Kamchatka, bị chìm dưới nước sâu 190 m; tháng 10/2008, một tàu ngầm hạt nhân mới của Hạm đội Thái Bình Dương gặp phải sự cố hệ thống phòng cháy khi tiến hành kiểm tra ở vùng biển thuộc Nga trên biển Nhật Bản, dẫn đến 20 người thiệt mạng trên tàu. (xem thêm về tai nạn trên tàu chiến Nga)

Tháng 9/2011, hơn 50 tàu chiến và hơn 10.000 quân nhân Hạm đội Thái Bình Dương Nga tổ chức diễn tập tác chiến quy mô lớn ở khu vực Kamchatka.

Có tờ báo tiết lộ, cuộc diễn tập liên tiếp xảy ra sự cố, không chỉ lượng lớn tên lửa bắn trượt, mà còn có không ít tàu chiến rời khỏi bến cảng liền xảy ra sự cố, cũng xuất hiện tình hình xe bọc thép vừa đổ bộ đã bị “ngã”.

Quách Tuyên cho rằng, trang bị hải quân của Nga có xu thế lão hóa. Chẳng hạn 4 tàu săn ngầm cỡ lớn của Hạm đội Thái Bình Dương trẻ nhất cũng đã hơn 20 năm.

Việc đổi mới trang bị tiếp theo tương đối chậm chạp, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nâng cấp trang bị hải quân. Ngoài ra, những sự cố này cũng một mặt phản ánh Nga thiếu vốn, hiện nay trình độ huấn luyện cho bộ đội của Nga tương đối kém.

Trung-Nga diễn tập chống tàu ngầm ở biển Hoàng Hải.
Trung-Nga diễn tập chống tàu ngầm ở biển Hoàng Hải.

Vương Lệ Cửu cho rằng: “Về tổng thể, hệ thống tàu chiến lão hóa nghiêm trọng, vũ khí mới của Nga chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là vũ khí khá cũ kỹ. Chính phủ Nga mong muốn bước tiếp theo hoàn thiện quy hoạch phát triển vũ khí quân đội, từng chi khoảng 70 tỷ USD để đổi mới vũ khí trang bị. Quy hoạch đến năm 2015 có thể đổi mới 50-70%”.

Bốn thế kỷ “theo đuổi giấc mơ đại dương”

“Phàm là kẻ thống trị có Lục quân, chỉ có thể coi là một tay, duy chỉ có kẻ thống trị kiêm thêm cả Hải quân mới gọi là đầy đủ cả hai tay”.

Đây là học thuyết “hai cánh tay” của Peter Đại đế nổi tiếng. Ông được mệnh danh là nhà thống trị “Sa Hoàng kiệt xuất nhất của Nga”, một chuyến thăm Tây Âu đã hình thành nên tư tưởng cơ bản về chiến lược quân sự của ông.

Trong thời gian từ năm 1697-1698, sau khi Peter kết thúc chuyến du lịch đường dài tới Tây Âu, liền bắt đầu nhập có hệ thống các loại vũ khí kiểu mới và công nghệ chiến lược của nước ngoài, đồng thời quyết tâm muốn xây dựng một lực lượng hải quân mạnh.

Thời đại Peter đại đế thế kỷ 18, đã trải qua “chiến tranh phương Bắc” với Thụy Điển kéo dài hơn 20 năm, đã giành được vùng duyên hải vịnh Phần Lan và vịnh Riga và cửa ra biển Baltic từ tay Thụy Điển. Ở hướng nam, ông đã đoạt lấy thành Azov và Baku, đã kiểm soát cửa ngõ biển Caspian và biển Azov. Từ đó, Nga từ một nước lục địa trở thành một nước giáp biển.

Ekaterina II và Paul I sau này đã kế thừa “tham vọng đại dương” của Peter đại đế, không chỉ đã duy trì sự thông suốt cửa ra biển Baltic, mà còn đoạt lấy cửa ra biển Đen cho đến Địa Trung Hải, đã phát triển sức mạnh trên biển cho Nga. Do đó, Nga cũng trở thành một nước lớn coi trọng đại dương và sức mạnh trên biển.

Từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, biển được coi là tuyến đường xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và thực dân xâm chiếm, các nước đế quốc lấy danh nghĩa phát triển thương mại biển, điên cuồng chiếm đoạt thuộc địa và tranh giành phạm vi ảnh hưởng.

Tàu tuần dương tên lửa Varyag, Hạm đội Thái Bình Dương, Nga.
Tàu tuần dương tên lửa Varyag, Hạm đội Thái Bình Dương, Nga.

Học thuyết về quyền lợi biển của Alfred Mahan - nhà sử học về biển nổi tiếng sinh năm 1840, trở thành cơ sở mở rộng quyền lợi biển của một số nước.

Mahan dẫn chứng thực tế Anh giành lấy bá quyền trên biển trong chiến tranh thời đại Napoléon để chứng minh rằng, muốn phát triển quyền lợi về biển phải dùng một lực lượng hải quân mạnh để kiểm soát đại dương nhằm nắm chắc quyền kiểm soát biển.

Anh rất tôn sùng tư tưởng quyền lợi biển của Mahan, khi Chính phủ Anh đưa ra kế hoạch mở rộng hải quân vào năm 1889, học thuyết của Mahan đã trở thành lý do biện hộ mạnh nhất. Tuy nhiên, Hải quân Nga, một lực lượng từng có lịch sử huy hoàng, lại rất “lặng lẽ” trong thời kỳ này.

Tàu ngầm Nga tại bến đậu
Tàu ngầm Nga tại bến đậu


Trong “Hiệp ước London” năm 1840, Nga chủ động đồng ý đã đóng cửa tuyến đường hàng hải “eo biển Bosphorus” và “eo biển Dardanelles” của biển Đen và Địa Trung Hải; Chiến tranh Nhật-Nga bùng phát năm 1904, uy tín trên biển của Nga bị thiệt hại nặng, Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Baltic của Nga hầu như bị tiêu diệt toàn bộ, đã mất đi quyền kiểm soát biển Baltic và khu vực Thái Bình Dương.

Sau khi nổ ra Cách mạng tháng Mười năm 1917, để đề phòng sự bao vây của các nước phương Tây, tập trung phòng thủ bờ biển, tránh bị xâm lược từ hướng biển trở thành hướng quan trọng nhất trong chiến lược biển của Liên Xô. Tư tưởng chiến lược này kéo dài đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tranh đoạt bá quyền trên biển với Mỹ, Nga nhấn mạnh chiến lược an ninh biển mang tính tấn công là mở rộng toàn cầu và tấn công biển xa, lực lượng trên biển lúc này phát triển nhanh chóng.

Vào giữa thập niên 1970, Liên Xô đã xây dựng được một hạm đội hạt nhân tên lửa viễn dương tấn công, đồng thời đã xây dựng căn cứ hải quân tại các khu vực trên thế giới gồm Đông Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh. Trên phạm vi toàn cầu, Hải quân Liên Xô là lực lượng duy nhất có thể thách thức Hải quân Mỹ.

Nga mua 2 chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral, Pháp.
Nga mua 2 chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral, Pháp.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, sức mạnh Hải quân Nga cũng giảm mạnh, xu thế phát triển hải quân thụt lùi, từ “tấn công biển xa” chuyển thành “phòng thủ biển gần”.

Lực lượng tác chiến triển khai ở tiền tuyến từng bước thu hẹp, các cuộc diễn tập quy mô lớn ở biển xa từng bước chấm dứt, Nga từng bước từ bỏ đóng quân ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam, giải thể hạm đội nhánh ở Ấn Độ Dương, lực lượng hàng không của hải quân cũng chấm dứt bay ở biển xa.

Trong đó, rút khỏi vịnh Cam Ranh của Việt Nam trở thành đoạn kết buồn trong quá trình theo đuổi giấc mộng đại dương của Nga thời kỳ này.

Cuối năm 2000, Nga rút toàn bộ quân đồn trú tại vịnh Cam Ranh, ngày 3/5/2002, giao trước toàn bộ cơ sở của vịnh Cam Ranh cho Việt Nam.

Hiện nay, cảng Tartus ở cực nam Địa Trung Hải thuộc Syria là căn cứ quân sự duy nhất ngoài khu vực Liên Xô cũ của Hải quân Nga.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình