Hải quân TQ sẽ phát triển 2 loại vũ khí gây lo ngại cho Nhật-Ấn

Hải quân TQ phát triển vũ khí với tham vọng tác chiến toàn cầu

13/01/2015 08:00
Đông Bình
(GDVN) - Hải quân Trung Quốc sẽ tập trung phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược và xây dựng biên đội tàu sân bay, vươn ra biển xa, thậm chí toàn cầu.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Tờ "Hoàn Cầu", báo chuyên đưa tin giật gân, kích động của Trung Quốc ngày 9 tháng 1 đăng bài viết "Hải quân Trung Quốc trong tương lai sẽ tập trung phát triển 2 loại vũ khí, Nhật Bản và Ấn Độ lo ngại".

Theo bài viết, năm 2014 Hải quân Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng tốc độ cao, tàu chiến kiểu mới hạ thủy dày đặc. Báo chí nước ngoài luôn theo dõi chặt chẽ đối với sự phát triển của tàu chiến Hải quân Trung Quốc, truyền thông của họ mặc dù có ý tuyên truyền mối đe dọa Trung Quốc, nhưng mặt khác đã chứng kiến những thành tựu to lớn của Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong tương lai, phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược là trọng điểm phát triển của Hải quân Trung Quốc, đồng thời sự phát triển trang bị của hải quân được triển khai xoay quanh xây dựng biên đội tàu sân bay - một vấn đề trung tâm, đồng thời yêu cầu các nước trên thế giới thích ứng với xu thế tất yếu đi ra biển xa của Hải quân Trung Quốc.

Dư luận quan ngại mối đe dọa mang tên Trung Quốc

Trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 4 tháng 1 cho rằng, năm 2014 tiếp tục là một năm bận rộn của các nhà chế tạo tàu chiến Trung Quốc. Khoảng 40 tàu chiến của 6 nhà máy đóng tàu hoặc đang chế tạo, hoặc đang tiến hành chạy thử, hoặc đã hoàn thành chế tạo. Mặc dù số lượng chế tạo cơ bản duy trì ổn định, nhưng tỷ lệ tàu chiến hiện đại hóa, tính năng cao đang liên tục gia tăng.

Bài báo cho rằng, tháng 12 năm 2014, chiếc tàu khu trục tên lửa Type 052C thứ năm Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo đã gia nhập Hạm đội Đông Hải, chiếc thứ sáu cũng là chiếc cuối cùng đang tiến hành chạy thử trên biển.

Chiếc tàu khu trục Type 052D đầu tiên mang tên Côn Minh đã biên chế vào tháng 3 năm 2014 (cho Hạm đội Nam Hải, triển khai ở Biển Đông), chiếc tàu khu trục tên lửa Type 052D thứ hai cả năm 2014 tiến hành chạy thử trên biển; chiếc thứ ba và thứ tư bắt đầu chạy thử trên biển vao tháng 12 năm 2014; chiếc thứ năm đang tiến hành lắp ráp ở nhà máy đóng tàu Trường Hưng Đảo - Thượng Hải.

Ngày 21 tháng 3 năm 2014, Trung Quốc biên chế tàu khu trục tên lửa Côn Minh Type 052D cho Hạm đội Nam Hải
Ngày 21 tháng 3 năm 2014, Trung Quốc biên chế tàu khu trục tên lửa Côn Minh Type 052D cho Hạm đội Nam Hải

Bài báo còn cho rằng, chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 đầu tiên của Trung Quốc hoàn tất chế tạo vào đầu năm 2013, sau đó lại chế tạo 7 chiếc. Năm 2014, lại có 10 chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 được biên chế, có 5 chiếc khác hiện đang tiến hành lắp ráp. Ngoài ra, là tàu hộ vệ chủ lực của Hải quân Trung Quốc, từ khi chiếc đầu tiên Từ Châu đi vào hoạt động từ năm 2008 đến nay, đã có 20 chiếc tàu hộ vệ Type 054A hạ thủy, trong đó có 16 chiếc đã biên chế.

Ngoài những loại thông thường của tàu chiến mặt nước nêu trên, bài báo còn đề cập tới tình hình chế tạo và biên chế của nhiều loại tàu như tàu quét mìn Type 081A, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 và tàu tiếp tế hậu cần Type 904.

Mặc dù sự phát triển của tàu ngầm Trung Quốc trong năm 2014 "im hơi lặng tiếng", nhưng truyền thông nước ngoài vẫn không ngừng nghỉ tìm kiếm những đầu mối về nó.

Gần đây trang mạng "Liên hợp buổi sáng" Singapore cho rằng, Trung Quốc nghe nói đang phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Đường Type 096, có thể trang bị 24 quả tên lửa đạn đạo tầm bắn không dưới 11.000 km, tên lửa này bắn ở vùng biển gần của Trung Quốc có thể trực tiếp đánh tới lãnh thổ Mỹ.

Cuối năm 2014, báo Mỹ cho rằng, tàu ngầm hạt nhân kiểu mới lắp đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên tiến hành tuần tra chiến lược, điều này làm cho Trung Quốc lần đầu tiên sở hữu năng lực tấn công hạt nhân trên biển đáng tin cậy, nếu tàu ngầm hạt nhân từ vùng biển phía đông Hawaii bắn tên lửa thì toàn bộ 50 bang của Mỹ đều nằm trong phạm vi tấn công.

Theo báo Trung Quốc, những nước muốn dựa vào sự phát triển trang bị của Hải quân Trung Quốc để tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc" không chỉ có Mỹ. Tờ "" Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 31 tháng 12 năm 2014 cho rằng, quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương nếu chỉ tác chiến đơn độc, thì họ nằm ở "thế yếu số lượng" trong cán cân quân sự Mỹ-Trung, nếu liên kết với các lực lượng quân sự của Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia mới tạm thời có "ưu thế số lượng".

Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ biên chế tàu khu trục tên lửa Tế Nam số hiệu 152 Type 052C.
Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ biên chế tàu khu trục tên lửa Tế Nam số hiệu 152 Type 052C.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, trang bị mới của Hải quân Trung Quốc thực sự đã bước vào giai đoạn "được mùa" và xu thế phát triển tốc độ cao này sẽ còn tiếp tục với thời gian tương đối dài. Mặc dù vậy, khoảng cách với cường quốc hải quân hiện đại của Hải quân Trung Quốc còn rất lớn, tốc độ xây dựng, phát triển còn lâu mới đuổi kịp sự phát triển nhanh chóng của lợi ích an ninh biển và lợi ích kinh tế.

Trọng điểm phát triển: Biên đội tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân

Mặc dù báo chí nước ngoài có ý tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc", nhưng các "thành tích" phát triển của Hải quân Trung Quốc là một thực tế không thể tranh cãi.

Các tàu khu trục Type 052C và Type 052D được mệnh danh là Aegis Trung Hoa hiện đều đã định hình, rất nhiều khó khăn công nghệ đều đã đột phá, có thể tiến hành chế tạo hàng loạt. Tàu chiến trang bị hệ thống bắn thẳng đứng đầy đủ, đã tiến hành bắn chung nhiều loại tên lửa, trang bị radar mảng pha tiên tiến, "dựa vào tính năng ưu việt của nó, trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành một phần của biên đội tàu sân bay" - Chuyên gia quân sự Trung Quốc Phòng Binh nói.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 là tàu hộ vệ đa năng lấy thực hiện nhiệm vụ phòng thủ biển gần làm chính, hơn nữa "dễ dùng, không đắt", trong tương lai có thể sẽ trở thành tàu chiến mặt nước được trang bị nhiều nhất của Hải quân Trung Quốc.

Sau khi tàu khu trục Type 054A được sản xuất hàng loạt, hệ thống vũ khí của nó hoàn toàn không phải không thay đổi, có một số tàu Type 054A đã lắp thêm thiết bị định vị thủy âm kéo có thể dùng cho chống tàu ngầm, hơn nữa còn trang bị pháo phòng thủ gần Type 1130 mới nhất, tầm bắn đạt 10.000 phát/phút, dựa vào năng lực phòng không khu vực của nó, tương lai có thể làm hộ tống cho biên đội tàu sân bay.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc có thể lắp tên lửa đạn đạo, có khả năng uy hiếp/đe dọa chiến lược rất mạnh, làm cho bất cứ nước nào có ý đồ tiến hành tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc đều phải suy nghĩ kỹ càng đến cái giá mà mình phải trả.

Ngày 26 tháng 1 năm 2014, tàu hộ vệ hạng nhẹ Yết Dương Type 056 biên chế cho Hạm đội Nam Hải
Ngày 26 tháng 1 năm 2014, tàu hộ vệ hạng nhẹ Yết Dương Type 056 biên chế cho Hạm đội Nam Hải

Doãn Trác cho rằng, trong tương lai, sự phát triển trang bị của Hải quân Trung Quốc phải tập trung vào mấy phương diện dưới đây: Một là nâng cao thông tin hóa điện tử tổng hợp. Hai là tập trung phát triển biên đội tàu sân bay. Ba là tăng cường phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Hiện nay, trình độ thông tin hóa của Hải quân Trung Quốc có kém rất lớn so với phương Tây, các lực lượng tác chiến thông tin hóa bao gồm vệ tinh, máy bay cảnh báo sớm cỡ lớn, máy bay do thám điện tử, máy bay gây nhiễu điện từ, máy bay tuần tra săn ngầm sẽ là trọng điểm xây dựng trong tương lai.

Đồng thời, trong tương lai việc chế tạo và phát triển tàu chiến mới của Hải quân Trung Quốc phải tập trung vào hình thành hạm đội tàu sân bay để quyết định cỡ loại và số lượng sản xuất và sử dụng.

Mặc dù số lượng tàu ngầm của Trung Quốc không ít, nhưng phần lớn là tàu ngầm thông thường, "nếu trong tương lai có thể bảo đảm luôn có 3 - 5 tàu ngầm hạt nhân trực chiến trên biển, bất cứ nước nào cũng không dám phát động tấn công hạt nhân đánh đòn phủ đầu đối với Trung Quốc" - giáo sư Chu Thành Hổ, Đại học Quốc phòng Trung Quốc nhận định.

Năm 2014, xu thế vươn ra biển xa của Hải quân Trung Quốc rất rõ ràng. Trong những thông tin báo chí công khai năm 2014, Hải quân Trung Quốc ít nhất có 4 lần đến Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa, biên đội tàu chiến đến từ Hạm đội Nam Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Bắc Hải đã lần lượt tiến hành diễn tập chiến đấu thực tế. Tháng 12, Hải quân Trung Quốc tổ chức ra biên đội tàu chiến tiếp tục đến vùng biển Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa.

Người phát ngôn tin tức Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, tàu chiến và máy bay của Hải quân Trung Quốc đến Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện là theo kế hoạch thường lệ trong năm, phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế. Trong tương lai, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục triển khai huấn luyện biển xa ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Năm 2014, Hải quân Trung Quốc cũng điều tàu chiến chạy xuyên qua chuỗi đảo thứ nhất, lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự có quy mô lớn nhất "Vành đai Thái Bình Dương-2014" do Mỹ tổ chức.

Ngoài ra, hộ tống vịnh Aden đã trở thành nhiệm vụ hộ tống thuộc trạng thái bình thường của Hải quân Trung Quốc, tháng 9 năm 2014 Trung Quốc cũng lần đầu tiên điều tàu ngầm đến vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ hộ tống và tiến hành đậu kỹ thuật ở Sri Lanka.

Hải quân Trung Quốc tất yếu vươn ra biển xa, nếu không sẽ không thể thực sự kiểm nghiệm được tính năng của trang bị hải quân, cũng không thể kiểm nghiệm được năng lực tác chiến biển xa của hải quân. Chu Thành Hổ cho rằng, trong tương lai ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương cũng sẽ cần có Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ hộ tống bất cứ lúc nào, huấn luyện biển xa có lợi cho Hải quân Trung Quốc thích ứng với tình hình của những vùng biển này để ứng phó với các loại tình huống gặp phải trên đường đi.

Đứng trước việc Hải quân Trung Quốc ngày càng đi ra biển xa một cách dồn dập, các nước như Nhật Bản, Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại. "Sự lo ngại này của họ không hợp lý, Trung Quốc có quyền sử dụng bất cứ đường biển quốc tế nào, nếu có nước không thích ứng, thì chúng tôi chỉ có thể tiếp tục tiến hành huấn luyện biển xa, để họ quen" - Doãn Trác, một học giả hay dùng "võ mồm" nói.

Biển gần là “khu vực cốt lõi của lợi ích chiến lược” Trung Quốc, nhưng Hải quân Trung Quốc nếu muốn phòng thủ biển gần, chắc chắn phải đi đến vùng biển xa, hơn nữa sự phát triển của rất nhiều lợi ích biển của Trung Quốc đều ở biển xa, hải quân chắc chắn phải trở thành lực lượng quan trọng bảo vệ cái gọi là "lợi ích quốc gia". "Các nước khác nói như nào là quyền tự do của họ, nhưng Trung Quốc phát triển thế nào là quyền tự do của chúng tôi. Chúng tôi nhất định sẽ đi theo con đường mà mình tự chọn" - Chu Thành Hổ nói với giọng có vẻ "bất chấp".

Doãn Trác còn cho rằng, tàu chiến của Trung Quốc hoặc đến được biển xa hoặc đến vùng biển không quen thuộc, đây là nhu cầu tất yếu bảo vệ cái gọi là lợi ích an ninh và lợi ích phát triển của đất nước, là nhiệm vụ của hải quân.

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên chạy theo biên đội ở Biển Đông
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên chạy theo biên đội ở Biển Đông
Đông Bình