Hai vợ chồng cựu chiến binh xây nhà thờ Bác Hồ

19/05/2016 19:37
HOÀNG TUẤN
(GDVN) - Hai vợ chồng dành dụm tiền lương hưu để tự tay xây nhà thờ Bác Hồ với mong muốn "Đây là nơi để bà con nhân dân cảm thấy được gần Bác hơn..."

Tôn thờ, yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, vợ chồng ông Võ Như Thông (SN 1934) và bà Huỳnh Thị Thuyền (SN 1947, trú thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) dành dụm lương hưu, tự bỏ tiền xây nhà thờ Bác Hồ ngay trên đất nhà mình.

Nhà thờ Bác Hồ được vợ chồng ông Thông xây nên bên Quốc lộ 40B từ thành phố Tam Kỳ đi thị trấn Trà My. Ảnh: Hoàng Tuấn
Nhà thờ Bác Hồ được vợ chồng ông Thông xây nên bên Quốc lộ 40B từ thành phố Tam Kỳ đi thị trấn Trà My. Ảnh: Hoàng Tuấn 

Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên đất nhà ông Thông nằm bên Quốc lộ 40B từ thành phố Tam Kỳ đi thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My). Nếu ai đi qua, sẽ thấy tượng Bác Hồ và nhà thờ ngay sau bức tượng lưu lại những kỷ vật quý về quá trình hoạt động của Bác.

Ông Thông cho biết, ông xây Nhà thờ Bác Hồ để tỏ lòng tôn kính cũng như để giáo dục con cháu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nhớ về ký ức, ông Thông kể: Năm 1947, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1955 thì ông tập kết ra Bắc và năm 1964, ông cùng đồng đội “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lại vào Nam chiến đấu.

Trong thời điểm này, chàng thanh niên trai trẻ Võ Như Thông lấy biệt danh “Tử Vi Dân” với ý nghĩa sâu xa: “Vì nhân dân hy sinh”.

Vào thời điểm này, "Tử Vi Dân" quen với cô y tá quân y nhỏ hơn 13 tuổi là Huỳnh Thị Thuyền và sau này hai người nên duyên vợ chồng.

Sau giải phóng, hai vợ chồng ông trở về quê hương công tác và nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.

Vợ chồng ông Võ Như Thông và bà Huỳnh Thị Thuyền. Ảnh: Hoàng Tuấn
Vợ chồng ông Võ Như Thông và bà Huỳnh Thị Thuyền. Ảnh: Hoàng Tuấn 

"Tuy chưa một lần gặp nhưng Bác Hồ luôn ở trong tim tôi. Thời gian ở ngoài Bắc, được đồng đội quê Bắc Ninh tặng cho một bức tranh Bác Hồ bằng đá nên ngày đêm luôn có Bác Hồ bên cạnh...", ông Thông tâm sự.

Từ đó, mấy chục năm, năm nào cứ đến ngày 2/9, vợ chồng ông Thông cũng làm mâm cỗ để giỗ Bác Hồ như chính ông cha của mình.

Đặc biệt, trong gia đình ông Thông, hễ có việc gì trọng đại thì cả gia đình đều khấn cầu xin phép Bác Hồ.

"Mỗi lần con tôi lấy vợ, gả chồng, vợ chồng tôi đều thuê xe chạy ra Thủ đô Hà Nội để viếng Lăng Bác, báo cáo, xin Bác trước khi làm các thủ tục, lễ nghi…", ông Thông nói.

Trằn trọc, suy nghĩ hằng đêm, hai vợ chồng ông Thông tự hỏi: "Tại sao mình không tự xây tượng Bác và Nhà thờ Bác ngay trong chính khuôn viên nhà mình?".

Ông Thông bên tượng Bác Hồ trước Nhà thờ. Ảnh: Hoàng Tuấn
Ông Thông bên tượng Bác Hồ trước Nhà thờ. Ảnh: Hoàng Tuấn

Nghĩ là làm, mấy chục năm tích cóp đồng lương hưu, hai vợ chồng ông quyết định làm Nhà thờ Bác Hồ. Hơn 10 năm nay, vợ chồng ông Thông tất tả khắp nơi mua, tìm tư liệu về Bác Hồ. Năm 2007, bức tượng Bác Hồ uy nghiêm dựng lên khiến ông cũng như bạn bè, bà con bản làng thấy rất ấm lòng.

Bức tượng Bác Hồ cao 1,6m được ông Thông lặn lội từ quê nhà xuống làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhờ các thợ làm và "thỉnh" về Bắc Trà My...

Phía dưới có ghi mấy câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu: "Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười. Quên tuổi già tươi mãi tuổi đôi mươi. Người rực rỡ một mặt trời cách mạng. Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng. Đêm tàn bay chập choạng dưới chân người...".

Năm 2009, hoàn thành nhà thờ, khu tưởng niệm. Miệt mài từ Bắc vào Nam, ông Thông tự tìm tòi và được bạn bè sự giúp đỡ về tư liệu khiến tư liệu, kỷ vật về Bác Hồ của cụ Thông càng đầy đủ hơn.

Sau quá trình tích góp, trong khuôn viên, phía bên tay phải, cụ Thông làm tiếp ban thờ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Luật sư Lô-dơ-bi (ân nhân của Bác Hồ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đầu năm 2016 mới xong ban thờ Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.

“Làm nhà thờ này được nhiều người hưởng ứng, nhưng một số người cũng tiếng ra tiếng vào, cho rằng “về hưu không để tiền dưỡng già mà lại làm như thế”.

Tôi làm công trình này coi như ngày nào cũng được gần Bác, mà ai cũng vào thăm được. Nơi đây không phải là nơi viếng Bác, vì viếng là phải ra Lăng Bác ngoài Hà Nội. Đây là nơi để bà con nhân dân cảm thấy được gần Bác hơn thôi...”, ông Thông tâm niệm.

Bên trong Nhà thờ Bác Hồ, ông Thông sưu tầm những kỷ vật quý, tài liệu liên quan đến Bác Hồ...Ảnh: Hoàng Tuấn
Bên trong Nhà thờ Bác Hồ, ông Thông sưu tầm những kỷ vật quý, tài liệu liên quan đến Bác Hồ...Ảnh: Hoàng Tuấn

Ông Thông cho biết, mới đây có một giáo sư người Mỹ đến tham quan, thắp hương viếng Bác Hồ tại đây. Vị giáo sư này nói rằng ông là người Mỹ chứ không phải đế quốc Mỹ.

Sau đó, vị giáo sư này xin phép đứng dưới chân Tượng đài Bác Hồ để chụp ảnh, lưu niệm chuyến đi Việt Nam đầy ý nghĩa. 

"Bác Hồ là vị cha già của dân tộc Việt Nam. Bác mất rồi, nhưng tại sao mình không theo phong tục của người Việt Nam, đó là hàng năm thì phải thắp hương giỗ Bác và nhân dịp đó, giáo dục truyền thống lịch sử cho con cháu.

Một mai mình chết đi, gia tài của mình để lại cho con cháu là tượng đài Bác, là những hình ảnh, sách báo nói về Người...", ông Thông tâm sự.

HOÀNG TUẤN