Hậu tin đồn thất thiệt "đỉa trong sữa": Ai xử lý? Ai chịu trách nhiệm?

11/10/2012 13:45
Độc giả Phạm Văn Châu
(GDVN) - "Từ thực tế những tổn hại do tin đồn thất thiệt gây ra, tôi cho rằng, lúc này rất cần một cơ quan chức năng đứng ra để xử lý những khủng hoảng thông tin và trấn an dư luận như vụ tin đồn có đỉa trong sữa Mộc Châu vừa qua...", độc giả Phạm Văn Châu bày tỏ.
có những tin đồn chỉ mới xuất hiện nhưng sức "công phá" của nó có thể làm khốn đốn, thậm chí là dẫn đến "bóp chết" cả một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường trước đó.

Xung quanh những tin đồn thất thiệt liên quan đến sản phẩm sữa được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh trong thời gian vừa qua, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Phạm Văn Châu. Mời độc giả cùng theo dõi:
Những ngày qua, cũng như nhiều người tiêu dùng khác, cá nhân tôi đã theo dõi rất kỹ những thông tin xung quanh tin đồn thất thiệt về sự xuất hiện của một số sinh vật lạ trong sữa. Sự vào cuộc, lên tiếng sau đó của các nhà khoa học đã giúp cho người tiêu dùng lấy lại được lòng tin và an tâm sử dụng các loại sữa.
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)

Tuy nhiên, từ thực tế những tin đồn này, thông qua diễn đàn này, tôi cũng mong muốn đưa ra một vài ý kiến của cá nhân. Trước hết, từ thực tế trong thời gian vừa qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh và được chứng kiến, tôi thấy rằng, tác hại của những tin đồn gây ra cho các doanh nghiệp là vô cùng lớn.
Đó là chưa nói đến việc, có những tin đồn chỉ mới xuất hiện nhưng sức "công phá" của nó có thể làm khốn đốn, thậm chí là dẫn đến "bóp chết" cả một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường trước đó. Đặc biệt, ở đây với ngành sữa thì tác hại của những tin đồn thất thiệt kiểu này rất nguy hại. Thực tế, đã chứng minh, không ít tin đồn thất thiệt trước đây đã khiến cho ngành sữa nói chung và không ít doanh nghiệp khốn đốn. Còn nhớ bắt đầu từ tháng 9 năm 2008 và kéo dài cho tới tận năm 2011, ngành sữa, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa tại Việt Nam và không ít nước trên thế giới cũng đã lao đao, khốn đốn khi các thông tin liên quan đến việc liên tiếp phát hiện, thu hồi hàng trăm tấn bột sữa bị phát hiện là có chứa chất melamine. Đây là một hóa chất được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực sơn mạ, tuy nhiên, hãng sản xuất sữa hàng đầu của Trung Quốc là Tam Lộc đã bổ sung chất này vào các sản phẩm sữa của họ để làm gia tăng hàm lượng protein. Vụ sữa nhiễm melamine nói trên không chỉ gói gọn tại công ty Tam Lộc và trong biên giới Trung Quốc. Các nhà chức trách nước này vào cuộc và đã phát hiện gần 70 sản phẩm sữa từ hơn 20 công ty sữa địa phương khác. Sau đó, hàng ngàn tấn bột sữa đã bị thu hồi tại Trung Quốc và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sữa từ Trung Quốc như New Zealand, Đài Loan, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Burundi, Gabon, Tanzania, Việt Nam… Vụ bê bối này đã khiến không ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa bị “vạ lây” do người tiêu dùng có ý định “tẩy chay” sản phẩm của họ vì nghi các sản phẩm có melamine. Trong số này, công ty sữa Hanoimilk của Việt Nam là một ví dụ...
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Rồi mới đây nhất, những tác động của tin đồn sữa có thủy ngân bị phát hiện ở Trung Quốc cũng đã khiến cho ngành sữa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam tiếp tục gặp không ít khó khăn... Cũng cần nhấn mạnh, tôi không phải là một chuyên gia hay nhà khoa học, nghiên cứu nhưng tôi thấy rằng, quả thật, ngành sữa là một ngành nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự nhạy cảm đó thể hiện ở chỗ, ngành sữa là ngành sản xuất ra sản phẩm để phục vụ cho con người, giúp chăm sóc sức khỏe, tăng cường trí tuệ... đặc biệt đối với trẻ em, các sản phẩm sữa hiện nay đóng một vai trò thiết yếu, quan trọng. Vì thế, việc có bất cứ thông tin mang tính tin đồn nào cũng có thể khiến cho ngành sữa, doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, ngay từ khâu tuyển chọn con giống, chăn nuôi, vắt sữa, chế biến rồi đóng hộp, vận chuyển sữa đi tiêu thụ... cũng đều có tiềm ẩn những nguy cơ rất cao gây ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm... Và cũng bởi lẽ, như đã nói ở trên, do việc sản xuất, chế biến sữa trải qua nhiều khâu, công đoạn nên việc quản lý từ khâu sản xuất các sản phẩm sữa cho đến khi đưa đến tay người tiêu dùng thực sự là rất khó.  Đó là chưa kể đến việc có thể có những âm mưu đen tối, những âm mưu nhằm phá hoại sự phát triển ổn định của doanh nghiệp nói chung và gây tổn hại đến cả ngành sản xuất, đặc biệt là nền kinh tế nói chung. Chính từ những điều đã nêu ra ở trên, cá nhân tôi, là một người tiêu dùng mong muốn đối với những vụ việc liên quan đến các tin đồn mà gần đây nhất như tin đồn liên quan đến sữa Mộc Châu, ngoài việc Hiệp hội sữa và các cơ quan chức năng lên tiếng thì rất cần có 1 đơn vị nhà nước, một cơ quan chức năng cụ thể có đủ thẩm quyền, uy tín và tiếng nói để đứng ra giải quyết sự việc, tránh việc hiểu lầm và dư luận, đồn đoán gây hoang mang trong nhân dân... * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Phạm Văn Châu