Hóa giải lời đồn “thần hộ đê” vật chết người phá đền trộm vàng

26/07/2012 05:31
Thùy Dương
(GDVN) - "Ngôi đền đầu tiên người ta xây không biết quay theo hướng nào, người nơi khác đi qua không biết thì thôi chứ người trong làng đi qua cửa đền mà không ngả mũ thì y như rằng cụ vật cho hộc máu ra mà chết".

>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn
Câu chuyện xảy ra trên triền đê của xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thế nhưng dư âm của nó còn vảng vất cho đến tận bây giờ.  Người ta vẫn hồ nghi về ngôi đền Cụ Lở nằm cạnh đê bỗng nhiên bị phá, ở 4 góc đền sau đó người dân phát hiện 4 vết lõm của những chiếc chum sành đã được mang đi. Rồi một loạt những cái chết đột tử của người tham gia phá đền khiến dư luận hoang mang tột độ… Chuyện về vị thần hộ đê Đê Đồng Quang, đoạn đi qua thôn Yên Nội, nơi con dốc đổ xuống lối đi vào chùa Am Sáo cách đây 41 năm đã từng tồn tại một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng. Ngôi đền đó, nhân dân nơi đây vẫn kính cẩn gọi là đền Cụ Lở hay đền Cụ. Những người có tuổi ở thôn Yên Nội cũng như ở xã Đồng Quang vẫn thuộc nằm lòng sự tích về ngôi đền kỳ lạ này. Có nhiều dị bản khác nhau về ngôi đền này nên chúng tôi tìm đến cụ ông Nguyễn Hữu Lém (74 tuổi), một người có học thức trong làng. Cụ Lém trầm tư kể lại câu chuyện về vị thần hộ đê của làng mình. Người trong làng thường kể ngôi đền có từ trận lụt lịch sử năm 1945 thế nhưng theo cụ Lém thì không phải vậy: “Tôi không nhớ rõ được từ năm nào nhưng khi tôi sinh ra ngôi đền đã hiện hữu ở đó cùng 2 cây Giàng Giàng cổ thụ mấy người ôm không xuể. Thời gian đó là vào những năm Pháp đô hộ nước ta”.
Ban thờ cụ Lở trong chùa Am Sáo
Ban thờ cụ Lở trong chùa Am Sáo
Độ ấy, đoạn đê qua thôn Yên Nội yếu, không chịu nổi những trận mưa lớn. Khi nước tràn về khiến đê bị lở. Cả xã đứng trước nguy cơ bị lụt, người dân nháo nhào lấy đất cứu đê. Thế nhưng chả hiểu sao, già trẻ, gái trai của cả làng, cả xã làm quần quật từ sáng đến chiều… đê lở vẫn cứ hoàn lở. Nước dâng lên ngày một lớn, cả làng đã chuẩn bị đi sơ tán thì bỗng đâu từ trên đê xuất hiện một ông lão bán Dầu tây gồng gánh đi qua. Thấy dân đang gặp nạn, ông quẳng gánh Dầu sang một bên và nằm xuống chỗ đê bị lở để cho người dân đắp đất lên. Kỳ lạ thay, công việc diễn ra thuận lợi đến không ngờ, đoạn đê phút chốc đã được đắp lên vững chãi. Người dân xã Đồng Quang thoát khỏi cơn lũ lụt năm đó không thể quên ơn người đã hi sinh thân mình cứu đê. Sau trận lũ một thời gian, ở chỗ cụ ông bán Dầu nằm xuống bỗng đùn lên một ụ mối lớn. Nhân dân cho đấy là điềm báo nên xây ngôi đền thờ và tôn ông làm thần hộ đê của làng. Ngôi đền được xây 3 gian chính và một gian hậu cung, nằm ngay cạnh triền đê. Vật thờ trong đền là đôi quang gánh và thùng dầu mà trước khi mất, ông lão bán Dầu để lại. Vì không rõ tên tuổi, gốc tích của ông nên người dân quen gọi ngôi đền là đền Cụ Lở, để ghi nhớ sự tích lở đê năm xưa. Có 4 lọ vàng ở đền Cụ Lở? Từ ngày ngôi đền Cụ Lở được lập nên, người dân ai ai cũng một lòng thành kính thờ phụng vì coi đây là vị cứu tinh của cả làng. Các cụ già trong làng truyền tai nhau rằng, nếu không thành kính với đền thì sẽ bị quả báo. Chuyện rằng, ngôi đền đầu tiên người ta xây không biết quay theo hướng nào, người nơi khác đi qua không biết thì thôi chứ người trong làng đi qua cửa đền mà không ngả mũ thì y như rằng cụ vật cho hộc máu ra mà chết. Sau này, nhiều người chết quá nên người ta xin cụ cho làm lại đền quay ra hướng Bắc (?).
Đoạn đê trước kia là đền Cụ Lở

Đoạn đê trước kia là đền Cụ Lở

Theo lời kể của cụ Lém, năm 1971 có một trận lụt ngập cả mặt đê nhưng đê không bị vỡ. Sau trận lụt đó, lại có tổ mối đùn lên ở vị trí đền Cụ. Cán bộ thủy lợi huyện mới đưa đội thủy lợi 202 về dỡ bỏ đền để thăm dò tổ mối. Đôi quang gánh và chiếc thùng Dầu của cụ Lở cũng bị đưa đi đâu mất không ai rõ, đồ đạc của trong đền thất lạc nhiều. Riêng ban thờ cụ Lở được đưa về chùa Am Sáo cách đó không xa.
Sau vụ tháo dỡ đền Cụ Lở, người dân phát hiện ra ở bốn góc đền hồi đó có 4 chiếc lọ sành bằng vốc tay, cán bộ huyện lúc đó bảo bên trong không có gì và nhấc lên, mang về huyện để “kiểm tra”. Người dân ngờ rằng 4 lọ đó đựng vàng hay tài sản mà trước khi chết, cụ Lở để lại. Thời gian sau đó, những người tham gia phá đền hôm đó đều bị chết đột tử mà không rõ nguyên nhân tại sao (?). Điều đó khiến người dân hoang mang tột độ, họ cứ ngờ rằng những vị cán bộ kia phá đền để lấy vàng nên mới bị như vậy. Chưa hết, người ta đồn rằng chiếc đòn gánh sơn son thiếp vàng của cụ được một người dân lấy về, nhưng sau đó, đêm đêm người này cứ nằm mơ thấy cụ cầm đòn gánh phang vào đầu đau đến nhức óc, bèn làm lễ đem trả, thế nhưng cũng không ai biết hiện giờ chiếc đòn gánh ở đâu. Còn đôi quang gánh và thùng Dầu, người thì bảo dân thôn Đồng Lư (thôn phía trên Yên Nội) đem về thờ, người thì bảo hồi phá đền, người ta vứt xuống sông mất rồi. Những vật còn sót lại ở đền Cụ Lở, nhiều người xung quanh lỡ lấy về đề phải đem trả vì nhận thấy sự “lạ”. Bà Lê Thị D., nhà gần đền Cụ Lở cũ, sau khi đền bị phá một thời gian, bà sinh đứa con trai đầu lòng, ngõ nhà bà có mấy vũng nước nên bà mới lấy gạch ở chân đền về kê lên để đi. Chả hiểu sao đứa bé mới sinh bỗng nhiên khóc nức nở, dỗ cách nào cũng không nín. Mấy ngày trời như vậy, bà liền đem trả lại gạch về chỗ cũ, kỳ lạ thay, bỗng nhiên đứa bé nín và khỏe mạnh bình thường (?). Hóa giải lời đồn Sự linh thiêng của đền Cụ Lở được người ta truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều người trong làng khăng khăng khẳng định rằng, họ đã từng nhìn thấy ở trong hậu cung thờ cụ Lở, cả ở đền cũ lẫn nơi thờ mới thi thoảng lại bỗng dưng phát sáng. Chẳng biết là do hoa mắt hay yếu bóng vía mà người ta nhìn ra như vậy nhưng câu chuyện ấy bây giờ ai ai cũng kể. Có một điều lạ nữa mà những người trung tuổi trong làng hiện tại đang lo lắng bởi trong làng xảy ra nhiều sự lạ, nhiều lời đồn thổi khiến con trai làng khác sợ chẳng dám bén mảng tới. Chả thế mà con gái trong làng nhiều người lấy chồng muộn. Cô Bùi Thị Thành (56 tuổi), nhà gần chùa Am Sáo có con gái đã gần 30 mà chưa lấy chồng tâm sự rằng, cũng lo nhưng chắc chả phải do những chuyện lạ kia. Nói về chuyện đền Cụ Lở, cô Thành cũng kể những chuyện gần đây mà cô nghe được: “Chuyện linh thiêng về đền Cụ Lở thì nhiều lắm, như chuyện nhà ông T. ở xóm bên, vào đền cụ ngổ ngáo, rút thẻ không trả tiền (2000 đồng) vừa bước ra khỏi cửa thì đau bụng nằm lăn lóc, phải quay lại trả và khấn vái mới yên. Nhưng người ta đến xin cụ chủ yếu để tìm sự bình an, sức khỏe và tìm lại vật bị mất. Nhà Bích Hòa (tên hai vợ chồng – PV) ở dưới xóm dưới, ba năm trước có mất một con bò. Cả nhà tìm chán chê mê mỏi từ chiều hôm trước đến ngày hôm sau không thấy. Họ sắm cái lễ đến lễ Cụ, một lát sau có người đến gọi xuống lò mổ mà chuộc bò về. Lúc đó, con bò may sao vẫn chưa bị thịt. Nhà Tuất Đàm ở ngay xóm này, mất đâu 1 triệu nghi cho em chồng lấy, nhưng hỏi mãi nó cứ chối khăng khăng. Xong cô ta cũng sang cầu Cụ, từ sáng đến chiều thì em chồng mang 500 nghìn về thú tội rằng, đã lấy và tiêu mất một nửa…”.
Những vết tích còn lại của đền Cụ Lở

Những vết tích còn lại của đền Cụ Lở

Người dân Yên Nội hàng năm nhớ ngày giỗ riêng của cụ Lở mà họp nhau lại ăn uống linh đình. Nơi ngôi đền cũ hiện tại chỉ còn lại 1 số vết tích mờ nhạt nhưng cứ ngày lễ tết là người dân lại nhớ mà ra đây thắp hương… Chuyện người dân kể về sự linh thiêng của đền Cụ Lở thì nhiều, nhưng người ta hoang mang nhất về nguyên nhân cái chết của những người phá đền và có hay không chuyện kho báu. Để rõ căn nguyên, chúng tôi tìm vào xã Đồng Quang. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tâm – Trưởng ban văn hóa xã Đồng Quang – ông Tâm cho biết: “Đền Cụ Lở là ngôi đền gắn bó và ăn sâu trong tiềm thức và đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Về chuyện tháo dỡ ngôi đền xảy ra cũng khá lâu nên nhiều người không nắm được rõ. Không ai xác định là có hay không vàng ở đền Cụ Lở và những người bị chết đột tử cũng chẳng biết có thật hay không. Tất cả đều là sự đồn thổi thất thiệt. Tín ngưỡng thờ thần ở Việt Nam không ai phủ nhận nhưng người dân đừng phóng đại những chuyện hoang đường một cách thái quá để trở thành mê tín dị đoan”.>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thùy Dương