“Hoa hồng” sách giáo khoa bay vào tận… cửa lớp

21/08/2018 07:00
Hưng Long
(GDVN) - Nhiều giáo viên nhiệt tình hoặc có cô bắt ép phụ huynh phải đặt mua sách giáo khoa trên lớp nhưng tất cả đều phảng phất mùi… “hoa hồng”.

Nhu cầu thật, sao lại hiếm sách?

Những ngày qua, tràn ngập thông tin các địa phương trên cả nước khan hiếm sách giáo khoa. Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thực trạng trên vẫn đang tiếp diễn và nhất là đối với các cửa hàng chuyên kinh doanh sách giáo khoa.

Ngày cuối tuần, phóng viên hệ với nhiều nhà sách bán hàng trực tuyến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trực đường dây nóng tổng đài của Nhà sách Phương Nam, nhân viên xác nhận sách giáo khoa lớp 6 đã hết hàng.

Sách giáo khoa được chiết khấu "hoa hồng" cao. (Ảnh: T.V)
Sách giáo khoa được chiết khấu "hoa hồng" cao. (Ảnh: T.V)

Không riêng với sách lớp 6 mà sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12 đã rơi vào tình trạng không có hàng để bán.

Lý giải vấn đề này, nhân viên cho biết, từ nhiều tháng, Nhà sách Phương Nam đã nhập sách về để bán nên gần vào năm học không còn sách.

Trường hợp tương tự, khi liên hệ với tổng đài Fahasa để đặt sách, nhân viên cũng khẳng định không còn hàng để bán.

Dạo quanh một số cung đường sách giáo khoa nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh, như: Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ… cũng rơi vào tình cảnh không còn sách để bán hoặc có cũng còn vài cuốn lẻ.

Anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ quận Gò Vấp), có hai cháu chuẩn bị vào lớp 2 và lớp 4 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu băn khoăn trước tình trạng khan hiếm sách giáo khoa như năm nay.

Năm ngoái, anh Sơn làm thủ tục nhập học cho hai cháu và ở cả 2 lớp đều được cô giáo “gợi ý” mua hộ sách giáo khoa. Phụ huynh đã giao khoán luôn cho giáo viên vấn đề sách giáo khoa cho con.

Anh Sơn khẳng định, cô giáo không bắt buộc phải đăng ký để đóng tiền mua sách. Tuy nhiên, phụ huynh lo ngại đến gần ngày nhập học không thể biết giáo viên yêu cầu con học những loại sách như thế nào.

“Lúc đó, chạy loay hoay bên ngoài vừa mất thời gian lại không có sách cho con học như các bạn. Ở trên lớp, cô giáo sẽ báo giá và phụ huynh nếu đồng ý sẽ đóng tiền để cô đi mua và trả theo giá bìa in trên sách”, ”, anh Sơn chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Phương (công tác tại quận 1) có con đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Mỹ Thủy (quận 2) cho biết, khi họp lớp đầu năm, phụ huynh được giáo viên “vận động” mua sách từ trong tường.

Ngoài những cuốn sách được mua từ đầu năm, trong năm sẽ mua thêm những cuốn sách khác. Chị Phương nhẩm tính tiền sách mua cho con cũng phải lên đến vài trăm ngàn.

“Cứ con về kêu phụ huynh đóng tiền sách thì chỉ biết đóng, không biết những cuốn ấy dùng vào việc học như thế nào và ra sao”, chị Phương nói.

Cuối năm vừa qua, con chị Phương mang hết bộ sách giáo khoa về nhà thì phụ huynh phát hiện nhiều cuốn còn mới toanh. Thậm chí, có những cuốn còn chưa lấy một nếp gấp. Một số cuốn sách bên trong chưa có một nét mực.

Tiếc bộ sách còn mới, chị Phương đã nhường lại cho phụ huynh ở gần nhà với hy vọng mang lại giá trị hữu ích cho những cháu lớp sau.

Chiết khấu “hoa hồng” rơi vào tay ai?

Câu chuyện một bộ sách giáo khoa được sử dụng từ thế hệ này sang hế thệ khác không thể xảy ra với tình trạng liên tục cải cách, chỉnh lý như hiện nay.

Thị trường sách trãi qua nhiều thăng trầm với những thay đổi và quy định siết chặt đầu ra của sách.

Đơn cử trước đây, sách giáo khoa bị in lậu, chất lượng giấy kém nên việc in ấn bị kiểm soát kỹ. Vẫn ở nhiều thập niên trước, sách giáo khoa không bị cải cách nên chỉ với 1 bộ sách có thể dùng “truyền kỳ” cho nhiều thế hệ học sinh.

“Hoa hồng” sách giáo khoa bay vào tận… cửa lớp ảnh 2

Sách giáo khoa phổ thông, chúng ta đang lãng phí quá nhiều 

Thậm chí, cũng với bộ sách đó, có thể dùng chung cho các thế hệ trẻ con trong cả làng – xóm.

Nhưng ngày nay, việc cải cách – chỉnh lý sách giáo khoa diễn ra liên tục, người bán sách, đại lý phát hành hay các cửa hàng sách không dám đặt hàng để bán.

Chị Nguyễn Thị Hiền, một đại lý có thâm niên phát hành sách hơn 10 năm buộc phải “giải nghệ” vì không thể chạy theo kịp với những bộ sách chỉnh lý.

Nguyên nhân, nếu nhập sách về bán không hết trong năm sẽ bị tồn kho và bán giấy vụn. Chưa kể năm nay, học sinh tiểu học có 3 chương trình học tồn tại song song với nhau.

Người bán dễ đưa nhầm sách và phụ huynh mua không đúng cho con là chuyện thường này.

Thế nên, mới có việc phụ huynh “phó thác” chuyện mua sách cho giáo viên.

Khảo sát của Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thị trường sách có chiết khấu “hoa hồng” khá hấp dẫn tùy theo từng loại sách.

Đối với sách giáo khoa thiết yếu, các đại lý mua với số lượng nhiều được chiết khấu “hoa hồng” theo giá bìa từ 10 – 12%.

Sách Vở bài tập dùng để cho học sinh điền vào có chiết khấu từ 20 – 22% và sách tham khảo chiết khấu ở mức từ 45 – 55% theo giá bìa.

Không bỗng dưng mà các giáo viên “nhiệt tình” hoặc ép phụ huynh phải đăng ký để mua sách từ trên lớp.

Nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi: “Liệu các cô giáo có thích hoa hồng sách giáo khoa không?”.  

Hưng Long