Hoa hồng trích cho hiệu trưởng, Sở không được gì!

27/08/2014 06:55
Hải Ninh
(GDVN) - Về nghi án thông đồng với các công ty bảo hiểm, Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng chỉ muốn kiểm tra năng lực, nhưng cũng chưa từ chối đơn vị nào, ai đến Sở cũng qua.

Sở chỉ “thẩm định” năng lực của công ty bảo hiểm?

Sau bài viết Sở Giáo dục Hà Nội có dấu hiệu "bắt tay" với công ty bảo hiểm, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng công tác HSSV (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), người trực tiếp ký văn bản mang tính "chỉ định" Phòng giáo dục đào tạo các quận, thị xã và các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác bảo hiểm học sinh năm học 2014 – 2015 theo sự “hướng dẫn” của Sở. Ông Tuấn khẳng định, nội dung buổi làm việc đã được lãnh đạo Sở "ủy quyền" cho ông.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay trên địa bàn có rất nhiều công ty bảo hiểm. Cứ vào đầu năm học, các công ty bảo hiểm do có "quan hệ" với thầy, cô giáo hoặc lãnh đạo nhà trường nên hoạt động bảo hiểm ở trường học rất lộn xộn. Qua một năm theo dõi, ông Tuấn thấy có nhiều ý kiến phản ánh về việc các công ty bảo hiểm khi vào trường học "rồi đi luôn". Đó là chưa kể đến việc nếu xảy ra tai nạn hay có vấn đề gì thì việc chi trả khó khăn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm của học sinh. Ông Tuấn cho rằng đó là "hoàn cảnh" ra đời văn bản gây tranh cãi nói trên.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng công tác HSSV (Sở Giáo dục Hà Nội) thừa nhận những doanh nghiệp bảo hiểm nào đã đến làm việc với ông thì mới có tên trong công văn gửi xuống các trường trực thuộc Sở.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng công tác HSSV (Sở Giáo dục Hà Nội) thừa nhận những doanh nghiệp bảo hiểm nào đã đến làm việc với ông thì mới có tên trong công văn gửi xuống các trường trực thuộc Sở. 

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với phóng viên, ông Tuấn đã thừa nhận các công ty bảo hiểm đã đến liên hệ trực tiếp với Sở để được triển khai bảo hiểm học sinh. “Việc làm này là hết sức nhân văn. Thế nên khi các công ty bảo hiểm lên đây (Sở GD&ĐT Hà Nội - PV) chúng tôi xem xét công ty có đủ năng lực, uy tín không thì mới cho tiếp cận?”- Ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cũng cho biết, đến thời điểm này tất cả công ty bảo hiểm đến Sở làm việc đều được ông “đồng ý” phê duyệt đưa vào danh sách, nghĩa là chưa có đơn vị bảo hiểm nào bị “từ chối”.

Khi phóng viên thắc mắc việc, là một người làm công tác quản lý về giáo dục thì việc “thẩm định” về năng lực của các công ty bảo hiểm liệu có khách quan và chính xác, ông Tuấn thừa nhận: “Tôi chỉ kiểm tra xem công ty bảo hiểm đó có giấy phép hoạt động hay không và xem qua hồ sơ năng lực mà công ty bảo hiểm cung cấp”.

Sở tạo thêm “giấy phép con”?

Trước đó, Bộ Tài Chính đã có văn bản nghiêm cấm các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng các văn bản hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước có tính chất áp đặt người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm ở một doanh nghiệp chỉ định. Về việc này, ông Tuấn giải thích: “Sở chỉ gửi văn bản cho các đơn vị trực thuộc chứ không gửi đến các các công ty bảo hiểm. Nếu họ (DN bảo hiểm-PV) mang văn bản này đến các trường kinh doanh bảo hiểm thì là họ sai nhưng tôi có gửi cho họ đâu mà họ có…”.

Bộ Tài chính đã có văn bản nghiêm cấm sự việc lợi dụng các văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước mang tính ép buộc, chỉ định để kinh doanh bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã có văn bản nghiêm cấm sự việc lợi dụng các văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước mang tính ép buộc, chỉ định để kinh doanh bảo hiểm.

Theo ông Tuấn, tính đến ngày 23/7/2014, có 5 công ty bảo hiểm là: Bảo Việt Hà Nội, PJI Hà Nội, Bảo Minh Thăng Long, Bảo Minh Hà Nội và Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội trực tiếp đến Sở làm việc để được triển khai bảo hiểm học sinh.

“Trong công văn tôi ghi rõ là tính đến thời điểm hiện tại (ngày 23/7/2014) mới có 5 công ty nên trong công văn ghi là 5. Sau đó, nếu các công ty khác đến Sở để đề nghị phối hợp, tôi kiểm tra đủ điều kiện thì cho họ vào. Như mới đây, đã có thêm 3 công ty vào đặt vấn đề với Sở là Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hà Nội, Công ty Bảo hiểm MIC Thăng Long, Công ty Bảo hiểm Xuân Thành...”, ông Tuấn cho hay.

Cũng trong buổi làm việc, ông Tuấn thừa nhận ngôn từ công văn chưa được chặt chẽ nên khiến người khác hiểu nhầm. Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc nội dung công văn của Sở khiến nhiều người đọc hiểu như là “mệnh lệnh hành chính mang tính ép buộc” thì ông Tuấn cho rằng, việc này sẽ báo cáo lãnh đạo Sở để xin “ý kiến chỉ đạo” có sửa đổi, bổ sung hay không.

Ông Tuấn cho biết, theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì hiệu trưởng của các trường sẽ được Công ty bảo hiểm trích "hoa hồng" còn bản thân ông và Sở Giáo dục không được trích "hoa hồng".

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được pháp luật quy định chặt chẽ và Bộ Tài chính giám sát, kiểm tra thường xuyên. Liệu rằng, Sở Giáo dục Hà Nội lại đi “thẩm định” xem các đơn vị này có giấy phép hoạt động hay chưa thì liệu có “thừa” và vô hình trung tạo ra các “giấy phép con” cho hoạt động bảo hiểm?

Tại Điều 6, Luật Cạnh tranh ghi rõ:  Cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:

1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;

4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại  Điều 38, Thông tư 124 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm như sau:

1. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.

2. Không được dùng ảnh hưởng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để yêu cầu, ngăn cản hoặc ép buộc đơn vị cấp dưới hoặc những người có liên quan phải tham gia bảo hiểm tại một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài dưới mọi hình thức.

3. Nghiêm cấm việc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tranh thủ uy tín, ảnh hưởng và chỉ đạo dưới mọi hình thức của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để cung cấp dịch vụ bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục theo dõi, thông tin vụ việc.

Đơn thư, hồ sơ phản ánh, khiếu nại, tố cáo của bạn đọc xin gửi về hộp thư: duyphong@giaoduc.net.vn.

Hoặc địa chỉ: Ban Bạn đọc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam-Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hải Ninh