Hoàn cảnh bi đát, khốn khó của gia đình cô giáo Cà Mau kiện Hiệu trưởng

30/09/2019 06:30
Phan Tuyết
(GDVN) - Chỉ mong được đi dạy lại vì nhớ trường nhớ lớp, vì danh dự một đời gây dựng và còn vì hàng tháng có thêm đồng lương để trang trải nợ nần và nuôi con.

Câu chuyện cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau, nay là Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Tân Hưng Đông) chỉ trong một năm nhận quyết định buộc thôi việc đến 2 lần đang nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.

Căn nhà nơi tá túc duy nhất của gia đình cô giáo Hoài Thanh cũng đành rao bán để trả nợ nhưng vẫn chưa bán được (Ảnh nhân vật cung cấp)
Căn nhà nơi tá túc duy nhất của gia đình cô giáo Hoài Thanh cũng đành rao bán để trả nợ nhưng vẫn chưa bán được (Ảnh nhân vật cung cấp)

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đồng hành cùng cô trên con đường đòi công lý.

Đã có hàng loạt bài viết phản ánh về những quyết định vô lý của hiệu trưởng nhà trường, về cách giải quyết chậm chễ của các cấp chính quyền có liên quan. Thế nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Thầy Thanh Hoàng ngày đi dạy, đêm làm bảo vệ, ngày nghỉ đi bán giấy vệ sinh (Ảnh nhân vật cung cấp).
Thầy Thanh Hoàng ngày đi dạy, đêm làm bảo vệ, ngày nghỉ đi bán giấy vệ sinh (Ảnh nhân vật cung cấp).

Bất bình vì bị đối xử không công bằng, phẫn nộ vì cách làm việc tùy hứng không tôn trọng pháp luật của hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đã nộp đơn khởi kiện ra tòa án đòi công lý.

Sự việc kéo dài suốt 2 năm, sau 2 lần hòa giải không thành, phiên tòa sẽ diễn ra công khai vào tháng tới.

Chắc chắn rồi đây trắng đen sẽ rõ, người bị đối xử bất công cũng sẽ đòi lại được danh dự, uy tín và quyền lợi hợp pháp của mình đã bị tước mất trước những phán xét công tâm của cơ quan pháp luật.

Điều chúng tôi muốn nói, chính là nỗi thống khổ, sự bi đát đến xót xa của gia đình cô giáo Hoài Thanh khi bỗng dưng bị mất việc oan.

Việc bị nhà trường buộc thôi việc vô căn cứ, không chỉ làm cô mất uy tín, mất danh dự trước đồng nghiệp, trước phụ huynh và học sinh mà trực tiếp đẩy gia đình cô rơi vào cảnh khốn cùng, túng quẫn khi một tháng mất đi gần chục triệu đồng tiền lương – nguồn sống chính của cả gia đình.

Hoàn cảnh bi đát, khốn khó của gia đình cô giáo Cà Mau kiện Hiệu trưởng ảnh 3
Những bất thường trong việc xử lý kỷ luật cô giáo Cà Mau

Không chỉ mình cô khổ, chồng cô, hai con đang theo học (một đại học, một lớp 11) lứa tuổi đang cần sự chăm lo, sự đầu tư nhiều nhất từ gia đình cũng chơi vơi, vật lộn với cuộc mưu sinh hằng ngày.

Cả nhà vật lộn mưu sinh

Hai vợ chồng cô giáo Hoài Thanh vốn là giáo viên dạy cùng trường. Tiền lương một tháng của thầy Nguyễn Thanh Hoàng là 8 triệu đồng/tháng. Cô Thanh là 9 triệu đồng/tháng.

Với khoản tiền này nếu chỉ để lo chi phí cho 4 người trong gia đình thì có thể nói cuộc sống cũng tạm ổn.

Thế nhưng tiền mua đất, cất nhà, tiền bệnh hoạn ốm đau khi trái gió trở trời… sẽ chẳng bao giờ đủ được.

Những khoản tiền vay ngân hàng ngày một nhiều lên nhất là khi con cái mỗi ngày một lớn, chi phí học tập mỗi ngày một nhiều hơn.

Lương hai vợ chồng gộp lại còn khó khăn. Nay cô bỗng dưng mất việc đồng nghĩa với việc mất đi khoản tiền lương 9 triệu đồng/tháng, gia đình cô thực sự lâm vào cảnh khó khăn, khốn khổ.

8 triệu đồng tiền lương của chồng sao nuôi đủ 4 người? Chưa nói đến hàng trăm triệu đồng tiền vay bên ngoài và vay ngân hàng.

Lãi mẹ đẻ lãi con, tiền lời hàng tháng phải trả và tiền đóng hụi chết gần 20 triệu đồng/tháng.

Trước đây, khi cô Thanh còn đi dạy, thầy Hoàng vẫn phải đi làm thêm mới đủ trang trải.

Nhưng kể từ khi vợ mất việc, thầy Hoàng nói mình phải nỗ lực hơn rất nhiều lần.

Cô Thanh cho biết, chồng cô ngày đi dạy trên trường, chiều 5 giờ đi trực bảo vệ ở công ty điện lực đến 6 giờ sáng hôm sau mới trở về đi dạy tiếp.

Một tháng làm việc thâu đêm cũng chỉ kiếm thêm được 4 triệu đồng vẫn chẳng thấm tháp gì.

Ngày cuối tuần, chồng cô phải đi bán giấy vệ sinh trong các thôn xóm. Cô Thanh cho biết đi vào đồng, ruộng xa lơ xa lắc nhưng tiền kiếm được cũng chẳng có là bao.

Ngày bán đắt được hơn trăm ngàn, ngày ế được vài chục ngàn hoặc lỗ tiền xăng. Nhìn chồng phờ phạc, đói ngủ mà thấy quặn lòng.

Nhưng vì cuộc sống của gia đình, vì sự học của các con cũng phải cắn răng chịu đựng.

Hoàn cảnh bi đát, khốn khó của gia đình cô giáo Cà Mau kiện Hiệu trưởng ảnh 4
Kỷ luật buộc thôi việc cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đúng hay sai?

Riêng cô từ khi mất việc, cũng chẳng thể xin được việc gì nên bán đủ thứ trên facbook như thạch dừa, các loại bánh tự làm…

Để kiếm thêm ít tiền đỡ đần bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền cho chồng, cho con

Đứa con trai lớn của gia đình hiện là sinh viên năm 2 Trường Đại học Cần Thơ.

Vì thương cha mẹ nên cũng phải tranh thủ làm thêm vào những lúc rảnh. Em đi giữ xe hộ cho bác bảo vệ trong trường để trang trải thêm vào tiền ăn.

Sợ hết tháng- Cùng quẫn rao bán nhà chưa được

Cứ hết một tháng là phải lo những khoản tiền mới. Thế nên cái cảm giác “lại hết tháng rồi” nó ám ảnh kinh khủng.

2 năm nghỉ việc là 2 năm cô và gia đình vật lộn với những khoản nợ cứ ngày một nhiều hơn.

Cô Thanh chia sẻ trong nỗi uất nghẹn và xót xa: “Em vay mượn khắp nơi từ đồng nghiệp đến người thân.

Mỗi người từ dăm triệu đến vài chục triệu đồng. Nhiều người biết em nợ nhiều nhưng thương vẫn giúp. Em cũng chẳng còn chỗ để vay nữa rồi”.

Gia đình cô đã rao bán căn nhà đang ở (rồi sẽ đi thuê nhà) để lấy tiền trả nợ và nuôi con. Thế nhưng căn nhà rao bán đã 2 năm vẫn chưa bán được.

Nói đến ước mơ lúc này, cô Thanh cho biết chỉ mong được đi dạy lại vì nhớ trường nhớ lớp, vì danh dự một đời gây dựng và còn vì hàng tháng có thêm đồng lương để trang trải nợ nần và nuôi con.

Phan Tuyết