Hoàng Sa - mặt trận mới chống bành trướng trên Biển Đông

02/03/2016 11:11
Hồng Thủy
(GDVN) - Hy vọng rằng với sự can thiệp và hiện diện của Hoa Kỳ, môi trường an ninh ở Hoàng Sa sẽ được đảm bảo hơn, ít ra Bắc Kinh sẽ bớt tự tung tự tác hơn trước.

Reuters ngày 2/3 bình luận, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang mạo hiểm leo thang ăn miếng trả miếng ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam. Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974 đến nay).

Washington đã bất ngờ thách thức "yêu sách quá mức" của Trung Quốc về hiệu lực pháp lý của Hoàng Sa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bằng việc tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn.

Chỉ 2 tuần sau, Bắc Kinh liền vin cớ việc này để bố trí bất hợp pháp tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11, JH-7 ra Phú Lâm, Hoàng Sa, leo thang căng thẳng trong khu vực.

Mỹ phá thế "không tranh chấp" mà  Trung Quốc giăng lên ở Hoàng Sa

Ngoài ý nghĩa đập tan âm mưu Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò thông qua thủ đoạn áp đặt hiệu lực pháp lý "đường cơ sở thẳng" cho Hoàng Sa bằng cách giải thích bẻ cong Điều 47 UNCLOS như chúng tôi đã phân tích, việc ngày 31/1 tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Hải quân Hoa Kỳ tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn còn mang một ý nghĩa quan trọng khác, phá thế "không tranh chấp" mà Trung Quốc giăng ra ở Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa đã được Nhà nước Việt Nam phát hiện từ thế kỷ 17, xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục khi Hoàng Sa còn là đất vô chủ, với đầy đủ bằng chứng pháp lý có giá trị.

Năm 1835, vua Minh Mạng đã có chỉ dụ về việc chính thức cắm cột mốc chủ quyền ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ Nhà nước (Triều đình nhà Nguyễn) giao trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa.

Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) với nội dung Bộ Hình truyền dụ của vua Minh Mạng về việc những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, hoàn thành nhiệm vụ được Nhà vua ban thưởng, mắc sai sót bị xét phạt. Ảnh: xaydungdang.org.vn.
Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) với nội dung Bộ Hình truyền dụ của vua Minh Mạng về việc những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, hoàn thành nhiệm vụ được Nhà vua ban thưởng, mắc sai sót bị xét phạt. Ảnh: xaydungdang.org.vn.

Năm 1909, Lý Chuẩn, một Đô đốc thủy quân tỉnh Quảng Đông đổ bộ bất hợp pháp lên đảo Phú Lâm nhưng phải nhanh chóng rút lui trước áp lực của Cộng hòa Pháp - chủ thể đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại.

Tuy nhiên, sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ trái phép ra Hoàng Sa đã mở đầu giai đoạn Trung Quốc nhòm ngó, nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo này của Việt Nam.

Năm 1956, Trung Quốc thừa cơ Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đã cất quân chiếm đoạt bất hợp pháp nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1974 cũng với kịch bản tương tự, Trung Quốc cất quân chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang do quân lực Việt Nam Cộng hòa đại diện Nhà nước Việt Nam, Dân tộc Việt Nam quản lý và thực thi chủ quyền theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954. Hoàng Sa thất thủ, mọi tranh chấp phức tạp, rắc rối ngày nay bắt đầu từ đó.

Tuy nhiên bất chấp kêu gọi đàm phán của Việt Nam và cam kết của Đặng Tiểu Bình về việc gác lại chuyện Hoàng Sa cho thế hệ sau bàn bạc giải quyết, từ đó đến nay Trung Quốc khăng khăng nói rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước này, không có tranh chấp, và họ quyết không đàm phán.

Trung Quốc không thừa nhận quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp (do Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, gây ra tranh chấp), liên tục phớt lờ mọi yêu cầu của Việt Nam đàm phán, đối thoại về Hoàng Sa, đồng thời tìm mọi cách loại vấn đề Hoàng Sa ra khỏi chương trình nghị sự của khu vực.

Chính điều này cùng với đường lưỡi bò họ tự vẽ ra năm 1947 cũng là một phần rào cản tiến trình đàm phán ký kết COC.

Tưởng rằng với thái độ leo thang không thỏa hiệp là có thể nuốt trôi Hoàng Sa về mặt pháp lý, hay nói như dân gian, "...trâu để lâu hóa bùn", nhưng việc khu trục hạm USS Curtis Wilbur tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn đã khiến Trung Quốc giật mình, cái bẫy thời gian của họ có nguy cơ bị phá vỡ.

Dù Mỹ không đứng về bên nào ở Biển Đông nếu nói đến "chủ quyền" đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng hoạt động tuần tra của chiến hạm Mỹ ở Tri Tôn vừa qua với mục đích bảo vệ UNCLOS, bảo vệ tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông và đập tan các yêu sách đòi hỏi quá mức lại có ý nghĩa rất tích cực.

Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa bằng cách "vận dụng" vô lý phương pháp xác định đường cơ sở thẳng, áp dụng cho quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS do học giả Song Phan, Sydney, Úc đồ họa.
Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa bằng cách "vận dụng" vô lý phương pháp xác định đường cơ sở thẳng, áp dụng cho quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS do học giả Song Phan, Sydney, Úc đồ họa.

Hoạt động này của Hoa Kỳ chưa thể ngay lập tức buộc Trung Quốc "thừa nhận tranh chấp" hay ngồi vào bàn đàm phán, nhưng rõ ràng nó có tác động đối với tiến trình thúc đẩy đàm phán, ký kết COC, hay một bộ quy chế gặp gỡ bất ngờ trên biển giữa tàu thuyền Trung Quốc với các nước, bao gồm tàu Hải quân, Cảnh sát biển.

Mặt khác, bất chấp sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc và những hiểm nguy, đe dọa của lực lượng vũ trang Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn quyết không rời vùng biển chủ quyền và ngư trường truyền thống của cha ông ở Hoàng Sa.

Hy vọng rằng với sự can thiệp và hiện diện của Hoa Kỳ, môi trường an ninh ở Hoàng Sa sẽ được đảm bảo hơn, ít ra Bắc Kinh sẽ bớt tự tung tự tác hơn trước.

Zhang Baohui, một chuyên gia an ninh Hồng Kông thừa nhận với Reuters: "Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khó khăn khi nói đến Hoàng Sa. Trung Quốc sẽ không nhúc nhích trong tuyên bố 'chủ quyền' của họ đối với Hoàng Sa. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc hành động nhanh chóng và dứt khoát hơn trước bất cứ điều gì họ coi là 'khiêu khích' ở Hoàng Sa".

Carl Thayer, một học giả an ninh từ Học viện Quốc phòng Úc cũng cho biết, ông ngạc nhiên khi chiến hạm Mỹ tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, bởi Trung Quốc đã tiến hành quân sự hóa hàng thập kỷ sau khi cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974. Nói cách khác, Mỹ đã nhảy vào can thiệp ở Hoàng Sa.

Quân sự hóa phi pháp Hoàng Sa chỉ là bước đầu tiến tới khống chế Biển Đông

Sau khi Trung Quốc kéo HQ-9 ra triển khai bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng phản đối.

Hoàng Sa - mặt trận mới chống bành trướng trên Biển Đông ảnh 3

Hoàng Sa và Tổ quốc

(GDVN) - Chúng ta cần giữ vững niềm tin vào công lý, lẽ thật, tin tưởng chắc chắn có một ngày lấy lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa

Theo Reuters ngày 2/3, trong khi nhiều nhà phân tích và các Tùy viên Quân sự trong khu vực tin rằng, HQ-9 và J-11, JH-7 là "phản ứng" của Bắc Kinh trước việc Mỹ tuần tra 12 hải lý đảo Tri Tôn hôm 31/1, một số quan điểm còn lưu ý đến khả năng Bắc Kinh muốn bảo vệ tốt hơn cho căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam.

Đồng quan điểm này, học giả Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học KHXH&NV Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/3 có bài phân tích trên tuanvietnam.net về vị trí chiến lược quân sự của Phú Lâm, Hoàng Sa và ý đồ Trung Quốc ngăn chặn Mỹ bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận với "mớ" vũ khí mới bố trí ở Hoàng Sa.

Tuy nhiên theo học giả Ashley Townshend từ Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney ngày 1/3 bình luận trên trang cá nhân tờ The National Interest, việc Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) HQ-9, J-11, JH-7 ở Phú Lâm còn mang một ý nghĩa chiến lược lớn hơn:

Từng bước hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông và đẩy Mỹ cũng như các bên liên quan (trong đó có Việt Nam) vào thế tiến thoái lưỡng nan, rất khó tìm cách hóa giải hiệu quả.

Người viết đồng tình với nhận xét của học giả Townshend rằng, kéo tên lửa, chiến đấu cơ ra Phú Lâm "vì Mỹ tuần tra Tri Tôn" thực tế chỉ là cái cớ. Trung Quốc rất giỏi vin cớ.

Xu thế quân sự hóa Biển Đông đang được Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ, sử dụng công cụ pháp lý quốc tế và dư luận quốc tế thiết nghĩ là một phương tiện hiệu quả để khóa nòng súng Trung Quốc. Vô hiệu hóa đường lưỡi bò bằng phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế là một ví dụ. Hình minh họa: thanglong1969.
Xu thế quân sự hóa Biển Đông đang được Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ, sử dụng công cụ pháp lý quốc tế và dư luận quốc tế thiết nghĩ là một phương tiện hiệu quả để khóa nòng súng Trung Quốc. Vô hiệu hóa đường lưỡi bò bằng phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế là một ví dụ. Hình minh họa: thanglong1969.

Họ luôn chuẩn bị sẵn mọi thứ, và chỉ chờ một thời điểm, một cái cớ thích hợp để tiến hành, qua đó "khóa" các bên liên quan trong việc phản ứng với các động thái leo thang, phiêu lưu quân sự của Bắc Kinh.

Townshend lưu ý, từ cuối năm 2012 Trung Quốc đã liên tục cải tạo các công trình hạ tầng quân sự, hệ thống ra đa quân sự ở  Phú Lâm. Năm ngoái Trung Quốc cải tạo, nâng cấp và kéo dài đường băng quân sự trên đảo này.

Việc kéo tên lửa, máy bay ra đây chỉ còn là vấn đề thời gian, và Mỹ tuần tra Tri Tôn là cái cớ rất tốt đối với Trung Quốc. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc kéo HQ-9 ra Hoàng Sa, 2 lần trước họ kéo ra tập trận rồi lại rút về.

Thời điểm triển khai HQ-9 và J-11, JH-7 cũng trùng với lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama họp hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN tại Sunnylands, trong đó căng thẳng leo thang trên Biển Đông, chống quân sự hóa Biển Đông là đề tài nóng hổi.

Trung Quốc chớp thời cơ này triển khai vũ khí, vừa có mục đích "hoãn xung" phản ứng của dư luận, vừa nhằm tiến thêm một bước quân sự hóa và kiểm soát trên thực địa.

Do đó, các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông luôn bị Bắc Kinh "tận dụng" làm cái cớ ngụy biện cho các hành vi leo thang từng bước của họ.

Thủ đoạn này cực kỳ nguy hiểm, ranh mãnh và khó đối phó. Bởi với cái thế và lực của Hoa Kỳ hiện nay ở Biển Đông, nếu không tuần tra khu vực này, thì Trung Quốc cứ tự tung tự tác không ai kiểm soát. Ngược lại, Hoa Kỳ tuần tra thì họ la làng lấy cớ để kéo tên lửa, máy bay ra "tự vệ".

Với thủ đoạn triển khai dần tên lửa, chiến đấu cơ số lượng nhỏ theo từng đợt, Bắc Kinh sẽ kiểm soát tình huống để không đến mức gây ra khủng hoảng an ninh ở Biển Đông.

Thủ đoạn này cũng giống như việc họ bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo nên rất khó đối phó ngăn chặn. Chỉ cần "một khẩu súng cướp cò", Bắc Kinh có thể lập tức chớp thời cơ leo thang nhanh chóng, hậu quả khôn lường.

Từ nay đến cuối năm 2016, khi Mỹ tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống, Philippines cũng vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục thủ đoạn này để kéo dần vũ khí chiến lược ra các đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, Townshend lưu ý.

Tên lửa HQ-9, Trung Quốc, hình minh họa: Đa Chiều.
Tên lửa HQ-9, Trung Quốc, hình minh họa: Đa Chiều.

Bởi vậy có thể thấy, việc Trung Quốc triển khai vũ khí ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, thách thức về chiến lược lâu dài đối với vị thế, vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như các bên liên quan ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Làm sao để "khóa nòng súng" Trung Quốc ở Biển Đông?

Quân sự hóa Biển Đông không còn là xu hướng, mà đã diễn ra trong thực tế. Có lẽ Mỹ đã rất tiếc nuối vì rút khỏi Biển Đông, tạo ra khoảng trống quyền lực để Trung Quốc thưa cơ nhanh chóng nhảy vào choán chỗ như chúng tôi phân tích.

Chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương vừa nhằm "chữa cháy" cho sai lầm này, vừa bảo vệ lợi ích và vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực. Theo ông Obama đánh giá, lợi ích và cơ hội của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng lớn, trong khi thực tế các khu vực khác đã bão hòa.

Tuy nhiên với chiến thuật cờ vây hay cải bắp, cắt lát xúc xích mà Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông bằng lực lượng chiến hạm, máy bay, tàu tuần tra Cảnh sát biển, ngư dân tàu cá trá hình...dày đặc, Mỹ rất khó đối phó và kiểm soát bởi không còn chỗ đứng chiến lược như trước năm 1992 với 2 căn cứ ở Clark, Subic, Philippines.

Các tướng lĩnh, chỉ huy Hải quân Mỹ nói chung, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói riêng đang kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ tăng ngân sách, điều chỉnh lực lượng tập trung về Thái Bình Dương để bảo vệ chỗ đứng, lợi ích của mình.

Hoàng Sa - mặt trận mới chống bành trướng trên Biển Đông ảnh 6

Để Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Biển Đông, Mỹ-Nga đều thất bại

(GDVN) - Đã đến lúc Washington cần tiến hành thỏa hiệp với Nga để cả hai cùng tập trung vào đối thủ thực sự nguy hiểm, lâu dài và mới nổi, đó là Trung Quốc.

Trong khi đó các tài sản chiến lược của quân đội Mỹ lại đang bị dàn trải khắp các điểm nóng khác trên thế giới, cho nên việc xác định nguy cơ chủ yếu, lâu dài đối với Mỹ hiện nay là điều cực kỳ quan trọng.

Nhìn vào cơ cấu chi tiêu quân sự của Mỹ năm nay, chống Nga là ưu tiên số 1. Moscow cũng hao tiền tốn của để chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ và NATO. Đó là thời cơ tuyệt vời cho Trung Quốc.

Nhưng nếu Mỹ không chịu thỏa hiệp với Nga hay hai nước không chịu thỏa hiệp với nhau trên các điểm nóng hay trong các vấn đề lợi ích, an ninh chiến lược toàn cầu khác như Trung Đông, Trung Á, Ukraine, châu Âu, thì không chỉ Mỹ sẽ bị Trung Quốc "đá" văng khỏi Biển Đông, mà vị thế siêu cường của 2 quốc gia này cũng sẽ bị Bắc Kinh qua mặt.

Biển Đông chỉ là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra thực hiện giấc mơ siêu cường số 1.

Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng Mỹ cho đến Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đều đã cam kết sẽ buộc Trung Quốc phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về vụ kiện đường lưỡi bò, cũng như những hành vi phiêu lưu leo thang quân sự ở Biển Đông.

Việc Mỹ can thiệp vào Hoàng Sa thông qua hoạt động tuần tra tự do bảo vệ hàng không, hàng hải ở Biển Đông là hành động hợp pháp, thực tế và cần thiết, nhưng theo người viết có lẽ bấy nhiêu chưa đủ.

Ngoài việc nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định rõ đối thủ thực sự, nguy hiểm, lâu dài đe dọa vị thế toàn cầu của mình là Trung Quốc chứ không phải Nga hay IS để có điều chỉnh chiến lược, sách lược và binh hỏa lực cho phù hợp, nên chăng Mỹ cũng cần tính đến việc khai thác, tận dụng bên thứ 3?

Hoàng Sa - mặt trận mới chống bành trướng trên Biển Đông ảnh 7

Bài học Chiến tranh Biên giới 1979-1989 với khủng hoảng Biển Đông

(GDVN) - Việt Nam cần phải thể hiện cho Trung Quốc thấy, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm.

Bên thứ 3 ở đây chính là hệ thống Công pháp Quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế và các nước trung gian có uy tín, có sức thuyết phục đối với tất cả các bên. Trong số các nước trung gian hiện nay, vai trò và năng lực nổi bật nhất có thể đứng ra điều đình với các bên, theo người viết chính là Singapore.

Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, một khi Trung Quốc với Hoa Kỳ, Việt Nam, Philippines và các bên liên quan coi nhau là đối thủ thì khó có thể có lòng tin ở nhau, khó có thể ngồi vào bàn nói chuyện.

Lúc này cần thiết có một nước trung gian mà các bên tin cậy được, đầy đủ uy tín và năng lực, đặc biệt là năng lực hòa giải, bắc cầu đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Singapore rất phát triển về dịch vụ pháp lý, lại là nước đầu tư rất lớn vào Trung Quốc. Việc ông Tập Cận Bình chọn Singapore làm địa điểm hội đàm với ông Mã Anh Cửu cho thấy sự tin cậy và ngưỡng mộ của nhà lãnh đạo này với Quốc đảo Sư tử.

Thiết nghĩ Hoa Kỳ và các bên liên quan bao gồm Việt Nam, nên tranh thủ tối đa vai trò vị thế của Singapore, cũng như các bên thứ 3 khác để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế và "khóa nòng súng" Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Tập Cận Bình không nói chơi khi ngỏ ý "chia đôi Thái Bình Dương" với ông Obama tại Sunnylands 3 năm về trước. Quan trọng hơn là Trung Quốc có tiềm lực, có khả năng làm điều này.

Thiết nghĩ, thay vì né tránh thực tế này, người viết cho rằng Hoa Kỳ nên chủ động đón nhận thực tế vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên phải với tư cách của hai siêu cường có lợi ích chiến lược đi đối với trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, phát triển phồn vinh ở châu Á - Thái Bình Dương, chứ không phải cái kiểu "anh chị" xã hội đen, tranh giành chia chác địa bàn bảo kê như thủa hồng hoang, vô luật pháp.

Theo The Dong-A Ilbo ngày 2/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân lần 4 ở Washington DC trong 2 ngày 31/3 và 1/4. Hai nhà lãnh đạo có khả năng tập trung vào vấn đề Biển Đông, một cơ hội để Tổng thống Obama bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế.

Hồng Thủy