Học giả Ấn Độ: Kissinger muốn ngầm giúp Trung Quốc bá chiếm Biển Đông?

31/03/2015 08:59
Hồng Thủy
(GDVN) - Để Trung Quốc tự giải quyết chuyện "đối đầu quốc gia" giữa mình với láng giềng, nói cách khác Kissinger muốn Hoa Kỳ hãy để Trung Quốc chiếm ưu thế.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. Ảnh: AP/Today Online.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. Ảnh: AP/Today Online.

Tiến sĩ Subhash Kapila, chuyên gia tư vấn về quan hệ quốc tế và chiến lược ngoại giao Nam Á ngày 30/3 bình luận trên tờ Euroasia Review, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger mới đây trả lời phỏng vấn từ Singapore rằng, Trung Quốc nên "để lại tranh chấp Biển Đông cho đời sau giải quyết" thực tế là gợi ý nhằm loại bỏ sự cô lập quôc tế trước hành vi leo thang xung đột đang phát sinh kỷ lục trên Biển Đông gây ra bởi Bắc Kinh.

Hôm 28/3 khi bàn về mối quan hệ và các xu thế xung đột của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines ông Kissinger đã nói: "Đặng Tiểu Bình khi xử lý một số vấn đề từng nói rằng, không phải chuyện gì cũng có thể giải quyết xong trong thế hệ này. Chúng ta có thể để lại một số vấn đề cho đời sau giải quyết mà không nên làm cho nó trở nên rối rắm hơn". Nếu chỉ có câu này thôi xem ra cũng vô hại, nhưng khi đọc tiếp bình luận của ông rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên "loại bỏ sự cấp bách của các cuộc tranh luận" về Biển Đông, thì lại tiềm ẩn nhiều chiến lược.

Sự cấp bách của các cuộc tranh luận về tranh chấp Biển Đông tồn tại là bởi các mối quan tâm quốc tế gây ra từ sự leo thang của Trung Quốc, như việc Bắc Kinh vô cớ xung đột và hung hăng chống lại Việt Nam nhằm tiến tới sự thống trị hoàn toàn Biển Đông. Đó là những động thái gây mất ổn định của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược quan trọng này và chính điều đó khiến Hoa Kỳ thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.

Việc ông Kissinger vận động Hoa Kỳ và Trung Quốc "tháo ngòi nổ tranh luận" cho thấy, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang báo động "người bạn tốt Trung Quốc" của ông có thể đi vào một bãi mìn chiến lược trong tranh chấp Biển Đông, giống như tới điểm giới hạn không xa nơi Hoa Kỳ có thể phải can thiệp hạn chế chống lại sự leo thang không kiềm chế của Bắc Kinh trong xung đột.

Theo Tiến sĩ Subhash Kapila, Henry Kissinger nổi tiếng là một nhà ngoại giao Mỹ "biện hộ cho Trung Quốc". Với vị trí của mình, Kissinger có nhận thức rõ ràng rằng trong trường hợp có một sự can thiệp hạn chế của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ không thể vượt qua bằng tương quan sức mạnh bất đối xứng với Hoa Kỳ.

Có mâu thuẫn trong ý kiến của Henry Kissinger về Biển Đông khi người ta đọc cuốn sách mới nhất của ông, "Thế giới quyền lực", trong đó Kissinger gọi các tranh chấp ở Biển Đông là "đối đầu quốc gia". Có lẽ ở đây Kissinger mặc nhiên cho rằng Hoa Kỳ không nên tham gia vào bất kỳ sự leo thang tranh chấp nào ở Biển Đông và để Trung Quốc tự giải quyết chuyện "đối đầu quốc gia" giữa mình với láng giềng, nói cách khác Kissinger muốn Hoa Kỳ hãy để Trung Quốc chiếm ưu thế.

Kissinger là một chính khách theo đuổi học thuyết "cân bằng quyền lực" trong suốt cuộc đời, ông đã không nhận ra rằng những gì đằng sau hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông khi tạo ra những hòn đảo nhân tạo là nhằm thống trị, bá chủ toàn bộ Biển Đông. Kissinger không xem điều này là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phá vỡ cân bằng quyền lực trong khu vực và chống lại Hoa Kỳ?

Hơn nữa khi cựu Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Trung Quốc nên để tranh chấp Biển Đông cho "đời sau" giải quyết là ông đang ngầm giúp Bắc Kinh có thời gian để hoàn thành chiến lược bá chủ, thống trị hoàn toàn Biển Đông? Tóm lại các hoạt động leo thang xung đột và hành vi hung hăng gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông cần được cộng đồng quốc tế chặn đứng lại bởi đó là cân bằng quyền lực toàn cầu, để đảm bảo hòa bình và ổn định. 

Đó là sự tham giao vào sự cạnh tranh toàn cầu, không phải là đối đầu quốc gia giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc, bởi cả 2 đều bất bình đẳng để đối chọi với Bắc Kinh trong bất kỳ cạnh tranh nào.

Hồng Thủy