Học giả Nhật: Trung Quốc mới biết kiềm chế, không dám động đến Nhật

30/11/2014 09:45
Đông Bình
(GDVN) - Đồng minh Nhật-Mỹ phải vững chắc không thể phá, Trung Quốc mới biết kiềm chế, không dám động đến Nhật Bản; Trung Quốc đang dùng vấn đề lịch sử chia rẽ...
Tháng 3 năm 2013, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải tập trận ở Biển Đông
Tháng 3 năm 2013, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải tập trận ở Biển Đông

Tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore ngày 29 tháng 11 đưa tin, cựu giám đốc Đại học Quốc phòng Nhật Bản Iokibe Makoto cho rằng, bất kể Trung Quốc tăng cường thực lực quân sự trên biển như thế nào, 50 năm sau vẫn sẽ lạc hậu so với Mỹ.

Ông cũng cho rằng, Nhật Bản mặc dù có năng lực phòng vệ tự chủ nhất định, nhưng để ứng phó với hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc, vẫn cần thiết duy trì quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ một cách vững chắc.

Iokibe Makoto là một trong những cố vấn quốc phòng của Nhật Bản. Trên trang nhất của tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản, ông đăng bài viết "Xây dựng đồng minh Nhật-Mỹ không thể phá vỡ", phân tích về vấn đề phòng vệ của Nhật Bản, đồng thời tiến hành so sánh sức mạnh quân sự của ba nước Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Iokibe Makoto cho rằng: "Nhật Bản có năng lực tự chủ quân sự tương đối, tàu ngầm có tính năng cao, khả năng chạy êm, khiến cho Trung Quốc theo không kịp. 20 năm qua, Trung Quốc luôn mở rộng quân bị trên biển, nhưng đến nay chỉ có một chiếc tàu sân bay. So với 11 chiếc của Mỹ, Trung Quốc kém quá xa. Về quân sự, Trung Quốc cho dù qua 50 năm nữa thì họ cũng không thể đuổi vượt Mỹ".

Ông cho rằng: "Trung Quốc muốn đối phó với Nhật Bản đơn độc, về lâu dài, sẽ luôn tìm lấy cơ hội ra tay. Nhưng, có Mỹ thì khác. Đồng minh Nhật-Mỹ phải vững chắc không thể phá, Trung Quốc mới biết kiềm chế, không dám động đến Nhật Bản. Quan hệ Nhật-Mỹ nếu có một chút lung lay thì đó chính là tạo ra cơ hội cho Trung Quốc. Trung Quốc lấy vấn đề lịch sử để phê phán Nhật Bản, thực chất là muốn chia rẽ quan hệ Nhật-Mỹ".

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh - Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh - Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Ông còn cho rằng, Nhật Bản không bao giờ muốn khuất phục trước Trung Quốc, nếu muốn phòng vệ thì cần thiết phải tự tăng cường quân bị. Nhưng, tự đảm đương chi tiêu quân sự cũng không phải là do Nhật Bản mong muốn, cho nên, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ là con đường duy nhất.

Iokibe Makoto ủng hộ chính quyền Shinzo Abe thực hiện quyền tự vệ tập thể, cho rằng, điều này có lợi cho tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ: "Thực hiện quyền tự vệ tập thể là quyền lợi đương nhiên của tất cả các nước, nếu đã phủ định nó thì không thể củng cố nền tảng của đồng minh Nhật-Mỹ".

Được biết, các tờ báo điện tử Trung Quốc vừa đồng loạt đưa tin cho biết, ngày 28 tháng 11 năm 2014, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức lễ biên chế 2 tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới Type 056A tên là Triều Châu số hiệu 595 và Chu Châu số hiệu 594, lần lượt biên chế cho Hạm đội Nam Hải và Hạm đội Đông Hải, triển khai lần lượt ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo trang mạng chinamil, hiện nay, Trung Quốc đã trang bị 18 tàu hộ vệ tàng hình Type 056. Như vậy, tốc độ chế tạo loại tàu này có thể nói là rất nhanh. Có nguồn tin khác cho rằng, Trung Quốc sẽ chế tạo tới 80 chiếc tàu hộ vệ loại này.

Các tin tức từ báo chí Trung Quốc ít nhiều đã khẳng định, Trung Quốc đang chuyển sang chế tạo tàu hộ vệ Type 056A (phiên bản săn ngầm), cho thấy, ý đồ rất rõ ràng, đặc biệt, hiện nay, xu thế trang bị tàu ngầm chạy êm đã trở thành xu thế của các nước trong khu vực.

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã biên chế 18 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056. Trung Quốc đang chuyển sang chế tạo phiên bản săn ngầm loại tàu này. Trong hình là lễ biên chế tàu hộ vệ Triều Châu số hiệu 595 cho Hạm đội Nam Hải.
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã biên chế 18 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056. Trung Quốc đang chuyển sang chế tạo phiên bản săn ngầm loại tàu này. Trong hình là lễ biên chế tàu hộ vệ Triều Châu số hiệu 595 cho Hạm đội Nam Hải.

Báo chí Trung Quốc nhấn mạnh, loại tàu này rất thích hợp sử dụng ở các vùng biển gần xung quanh Trung Quốc như biển Hoa Đông, Biển Đông, được xác định dùng để tiến hành cái gọi là “bảo vệ chủ quyền”. Nói như vậy, bởi vì, Trung Quốc có yêu sách chủ quyền bất hợp pháp đối với “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, bất chấp sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đang ra sức tăng cường phát triển, chế tạo tàu chiến các chủng loại, nhất là tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay, tàu tiếp tế tổng hợp, tàu khu trục kiểu mới Type 052D, Type 055… đã phản ánh đầy đủ tham vọng “cường quốc biển” của Trung Quốc. Nếu tham vọng này kèm theo tư tưởng “bành trướng” trên biển nêu trên thì rất nguy hiểm và tạo ra mối đe dọa thực sự cho các nước ven Biển Đông.

Ngoài tập trung bành trướng ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh khác, Trung Quốc cũng đang có nhiều động thái vươn ra biển sâu, biển xa, ra đại dương, đặc biệt là triển khai tập trận ở Tây Thái Bình Dương, hợp tác tập trận với Nga, điều biên đội tàu chiến chống cướp biển, bắt đầu điều tàu ngầm đến Ấn Độ Dương tuần tra v.v…

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương
Đông Bình