Học giả TQ: Việt Nam bị kích thích khi tàu TQ đâm va

09/07/2014 12:41
Đông Bình
(GDVN) - Học giả Trung Quốc cho rằng, Việt Nam chế thêm tàu như vậy là để đối đầu lâu dài với TQ, sẽ buộc Trung Quốc phải trả giá đắt hơn ở Biển Đông.
Tàu kiểm ngư KN 781 là tàu kiểm ngư lớn nhất Việt Nam, lượng giãn nước 2.400 tấn, do Công ty TNHH đóng tàu Hạ Long chế tạo, vừa biên chế cho Cục Kiểm ngư Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc).
Tàu kiểm ngư KN 781 là tàu kiểm ngư lớn nhất Việt Nam, lượng giãn nước 2.400 tấn, do Công ty TNHH đóng tàu Hạ Long chế tạo, vừa biên chế cho Cục Kiểm ngư Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc).

Tờ “Nhân Dân” - báo đảng của Trung Quốc ngày 8 tháng 7 đăng bài viết nhan đề “Việt Nam muốn chế tạo 32 tàu tuần tra, rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc, kiểm soát Biển Đông”.

Theo bài báo, gần đây, Chính phủ Việt Nam cho biết, sẽ cấp 540 triệu USD chế tạo 32 tàu tuần tra cho lực lượng chấp pháp biển Việt Nam, đồng thời cấp 225 triệu USD khuyến khích ngư dân Việt Nam chế tạo tàu cá đánh bắt xa bờ để tăng cường kiểm soát đối với Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Đằng Kiến Quần, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, một loạt hành động của Việt Nam trên Biển Đông đã gia tăng cho cái mà Đằng Kiến Quầng cho là "chi phí bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông (Trung Quốc không hề có chủ quyền, mà là xâm lược, nhảy vào tranh chấp, thậm chí muốn cướp cả  những gì có trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam).

Theo quan sát và suy đoán của Đằng Kiến Quần, đầu năm 2013, Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập Cục Kiểm ngư, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Bởi vì, Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng quân đội bảo vệ chủ quyền, có thể gây ra xung đột, gây ra phản ứng nhạy cảm về mặt quân sự.

Cho nên, Việt Nam học tập nước khác thông qua cách làm bảo vệ chủ quyền của Kiểm ngư và Cảnh sát biển, đổi Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, cơ cấu tổ chức đã thay đổi, xây dựng cơ quan đã hoàn thiện.

Tàu kiểm ngư KN951 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm dã man - đây chính là một hành động khủng bố nhà nước trên biển do Bắc Kinh chủ động tiến hành, hòng khuất phục ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tàu kiểm ngư KN951 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm dã man - đây chính là một hành động khủng bố nhà nước trên biển do Bắc Kinh chủ động tiến hành, hòng khuất phục ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Mặt khác, theo bài viết, Việt Nam cũng đang gia tăng xây dựng hạ tầng “phần cứng”. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam hiện chỉ có hơn 40 tàu chấp pháp (tàu cảnh sát biển), trọng tải lớn nhất là 2.500 tấn, có khoảng cách rõ rệt so với tàu chấp pháp của Trung Quốc.

Vì vậy, Việt Nam gia tăng đầu tư cải thiện “phần cứng”, nhập khẩu tàu chấp pháp biển cỡ lớn, đồng thời thu hút nhiều binh sĩ nghỉ hưu hải quân hơn gia nhập lực lượng chấp pháp trên biển.

Đằng Kiến Quần cho rằng: “Đương nhiên, đầu tư của Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong một khoảng thời gian”. Tiếp tục nói ra nói vào, ông Quần cho rằng, do ở khu vực Biển Đông ngoài quyền lợi biển, phần nhiều là “tranh đoạt” tài nguyên. Theo thống kê chính thức, hiện nay, trữ lượng dầu mỏ trên biển được Việt Nam phát hiện đạt 4,4 tỷ thùng, 1/3 kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bằng dầu mỏ trên biển.

Trên cơ sở thèm khát dầu mỏ, thái độ đố kị đối với Việt Nam và kiểu xuyên tạc thường thấy của Trung Quốc, ông Quần cho rằng, theo kế hoạch do Việt Nam đưa ra vào năm 2007, Việt Nam có kế hoạch đến năm 2020 phát triển thành cường quốc biển, vì vậy Việt Nam đang nỗ lực trên các phương diện như xây dựng cơ cấu tổ chức, xây dựng phần cứng, hy vọng qua đó bảo vệ “lợi ích đã có” ở Biển Đông, từ đó “tiến hành đối đầu lâu dài với Trung Quốc”.

Tàu kiểm ngư KN 781 dài 90,5 m, rộng 14 m, cao 7 m, mớn nước 4 m, tải trọng 500 tấn, lượng giãn nước 2.400 tấn, do Tập đoàn Damen thiết kế (nguồn mạng quân sự sina Trung Quốc nhặt nhạnh từ báo chí Việt Nam)
Tàu kiểm ngư KN 781 dài 90,5 m, rộng 14 m, cao 7 m, mớn nước 4 m, tải trọng 500 tấn, lượng giãn nước 2.400 tấn, do Tập đoàn Damen thiết kế (nguồn mạng quân sự sina Trung Quốc nhặt nhạnh từ báo chí Việt Nam)

Ngoài ra, theo bài viết, Việt Nam hiện nay còn là nước nhập khẩu vũ khí quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những năm gần đây, Việt Nam đã gia tăng rõ rệt đầu tư xây dựng quân đội, gồm có mua tàu chiến mặt nước cỡ lớn, tàu ngầm, máy bay tác chiến.

Trang mạng qianzhan.com Trung Quốc ngày 8 tháng 7 cũng có bài viết cho rằng, tàu chấp pháp của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm hỏng rất nhiều, đáng chú ý tàu Hải cảnh-1401 mới chế tạo của Trung Quốc có trọng tải lên tới 4.000 tấn… Vì vậy, Chính phủ Việt Nam không cam chịu, muốn gia tăng mức độ chế tạo “tàu tuần tra vũ trang” để bảo vệ lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo bài báo, Chính phủ Việt Nam chi vốn lớn chế tạo 32 tàu tuần tra, một mặt là chính sách đã định của Việt Nam để tăng cường sức mạnh trên Biển Đông; mặt khác, đã bị kích thích bởi xung đột đâm va tàu (Trung Quốc hung hăng cố tình khủng bố) gần đây ở Biển Đông.

Bài báo cũng cho rằng, Việt Nam coi trọng lợi ích ở Biển Đông như vậy là do liên quan đến lợi ích từ dầu mỏ ở Biển Đông. “Tham vọng” này sẽ không dễ dàng để Trung Quốc “đánh lui” Việt Nam.

Do đó, bài báo này tiếp tục “quân sư” cho Bắc Kinh rằng, họ cần dùng nhiều thời gian và tiền bạc hơn để chống lại Việt Nam, thực hiện cái gọi là “bảo vệ chủ quyền quốc gia” – yêu sách “đường lưỡi bò” không có bất cứ chứng cứ lịch sử và pháp lý nào, ngay cả Trung Quốc cũng không có lập trường nhất quán về nó, vì lúc thì họ vẽ bậy 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, nay lại vẽ bậy 10 đoạn.

Tàu kiểm ngư KN 781 - tàu kiểm ngư lớn nhất Việt Nam vừa được đưa vào hoạt động để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việt Nam sẽ chế tạo thêm nhiều tàu chấp pháp hiện đại nữa để kiên quyết đuổi giàn khoan 981, tàu chiến, tàu hải cảnh... của Chính phủ Trung Quốc ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam (Hình ảnh: nguồn mạng sina Trung Quốc)
Tàu kiểm ngư KN 781 - tàu kiểm ngư lớn nhất Việt Nam vừa được đưa vào hoạt động để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việt Nam sẽ chế tạo thêm nhiều tàu chấp pháp hiện đại nữa để kiên quyết đuổi giàn khoan 981, tàu chiến, tàu hải cảnh... của Chính phủ Trung Quốc ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam (Hình ảnh: nguồn mạng sina Trung Quốc)
Đông Bình