Học giả trưng bằng chứng bản đồ Trung Quốc biến không thành có

01/08/2012 07:07
T.H
(GDVN) - Học giả Đức Nibelungen Schnecke Weinstock vừa chỉ ra quá trình bản đồ Trung Quốc ngang nhiên vẽ thêm quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

Thông tin được báo Thanh niên đăng tải. Cũng theo tờ báo này, mới đây, học giả Weinstock đã tóm lược công trình nghiên cứu mang tên Xem lại quá trình quy thuộc biển Đông trong những tấm bản đồ từ cuối đời Thanh đến Trung Hoa Dân quốc (phần 2) trên trang cá nhân của ông tại địa chỉ dddnibelungen.wordpress.com. Công trình này chỉ ra việc Trung Quốc tìm cách hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi lý đối với biển Đông bằng cách vẽ thêm quần đảo Hoàng Sa.

 Bản đồ Trung Quốc biến không thành có 1
Trung Quốc tân hưng đồ (1917) - Ảnh: dddnibelungen.wordpress.com

Theo thứ tự những tấm bản đồ do ông Weinstock cung cấp, cho đến trước năm 1917 quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa hề xuất hiện trong bản đồ Trung Quốc. Mặc dù đô đốc nhà Thanh Lý Chuẩn năm 1909 tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa nhưng giới biên vẽ bản đồ nước này vẫn không xem quần đảo này thuộc Trung Quốc. Đây cũng là nhận thức chung của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.

Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ (1917) có thêm phụ đồ ở góc dưới bên phải gom cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ (1917) có thêm phụ đồ ở góc dưới bên phải gom cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Tiếp đến, Trung Quốc tân hưng đồ 1917 cũng thể hiện rằng cực nam Trung Quốc vẫn chỉ là đảo Hải Nam. Thế nhưng, bắt đầu từ thời điểm này, Trung Hoa Dân quốc manh nha âm mưu thâu tóm biển Đông. Cụ thể, một bản đồ khác là Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ (1917) quy nạp quần đảo Hoàng Sa bằng cách vẽ thêm một khung vuông phụ trong bản đồ toàn quốc. Tuy nhiên, bản đồ trên không có quần đảo Trường Sa. Tiếp đến, quần đảo Hoàng Sa tiếp tục bị Trung Quốc ngang nhiên thể hiện là điểm cực nam của nước này trong Trung Quốc địa lý các duyên đồ (1922), Trung Quốc tân hình thế đồ (1922) và Trung Hoa triết loại phân tỉnh đồ (1931), Trung Hoa dân quốc tân địa đồ (1934).

Chưa dừng lại ở đó, Trung Hoa Dân quốc tiếp tục hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam bằng cách vẽ ra đường 11 đoạn ôm trọn biển Đông. Điều này được thể hiện trong phụ đồ "Vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa dân quốc" (1948). Đến năm 1953, Bắc Kinh tạo ra một biến thể quái thai khác từ bản đồ trên để vẽ nên đường 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) rồi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.

Sự thay đổi phi lý trong các bản đồ trên là bằng chứng chỉ ra quá trình Trung Quốc biến không thành có để thâu tóm các đảo trên biển Đông của Việt Nam.

"Trung Quốc: Cơn ác mộng chiến lược"

Mới đây trên báo Le Monde (Pháp) đăng bài xã luận nói về hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông hiện nay. Báo Sài Gòn Giải phóng đăng tải bài viết này.

Trung Quốc đang ngày càng tăng nhiều hành động bạo lực cũng như các hành động khiêu khích ở Tây Thái Bình Dương. Nước này sẵn sàng biến khu vực này thành một nơi đối đầu tiềm năng với Hoa Kỳ. “Cuộc chiến Thái Bình Dương mới” này ngày càng nghiêm trọng.

Hành động mới nhất làm khuấy động cả vùng biển giàu tiềm năng hải sản và dầu khí là ngày 23-7, Bắc Kinh công bố thành lập thành phố mới nhất ở Trung Quốc, gọi là Tam Sa, trên một hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa ngoài biển Đông (của Việt Nam). Theo đó, Trung Quốc áp đặt chủ quyền lên những đảo này.

Đáng nói là Hoàng Sa hay một chuỗi các hòn đảo và bãi đá gần đó thuộc quần đảo Trường Sa cũng được các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Tất cả đều lên án hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế. Các nước nhận thấy đang bị cường quốc láng giềng “tấn công”, đó là một quốc gia vừa là đối tác kinh tế chính, vừa là cơn ác mộng chiến lược.

Trung Quốc đã nhấn mạnh sẽ nhanh chóng triển khai một đơn vị đồn trú quân sự ở cái gọi là Tam Sa. Hiện ở đó có một ngân hàng, siêu thị mini, bệnh viện và hàng trăm ngư dân Trung Quốc. Trung Quốc đáp trả lại các tuyên bố chủ quyền của các nước Việt Nam, Philippines bằng học thuyết chủ nghĩa đế quốc của mình và biện minh cho hành động tự ý của mình bằng cái gọi là sự hiện diện từ lịch sử 2000 năm. Hành động leo thang này xuất hiện sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Thực chất, các xung đột trên biển bắt đầu từ đầu năm 2012, khi Trung Quốc cho phép ngư dân đánh bắt tại các vùng biển xa bờ và bảo vệ các tàu tuần duyên dẫn tới va chạm trên biển.

Động cơ của Bắc Kinh rất đa dạng. Đó không chỉ là vài dặm đá san hô và cát, không chỉ là nơi thiếu nước sạch, chỉ có vài cây cọ còi cọc và phải hứng chịu nhiệt độ cực nóng và ẩm lại thu hút Bắc Kinh.

Cái chính Trung Quốc muốn vươn ra các vùng biển xung quanh, nhắm tới trữ lượng hải sản dồi dào và tất nhiên, về lâu dài là dầu và khí đốt. Đây không phải là nơi không có gì khi người ta nhận ra rằng Bắc Kinh đặc biệt ấp ủ mưu đồ mở rộng cái gọi là vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi...

Bên cạnh kinh tế cũng còn có những biểu tượng mang tính chính trị. Bằng cách thiết lập thành phố Tam Sa theo cách thật nực cười, Trung Quốc áp đặt những gì nước này đương nhiên coi như là quyền của mình, do mình. Nước này tuyên bố chủ quyền đối với bất cứ mảnh đất nào nổi lên từ vùng biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc còn tranh chấp cả với Nhật Bản.

Điều này, theo Bắc Kinh, là di sản của lịch sử: sự vượt trội, không muốn nhắc tới sự giám hộ, của Trung Quốc sẽ được mặc nhiên thừa nhận ở những nơi này. Trung Quốc đã đề xuất với các nước láng giềng để thảo luận song phương. Nhưng tất cả đã bác bỏ một hình thức đàm phán mà theo đó, họ sẽ bị đặt ở vị trí thấp hơn so với người khổng lồ Trung Quốc.

Các quốc gia đang có vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đều đòi hỏi thảo luận công khai trong một diễn đàn đa phương.
Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên Biển Đông

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 30.7 đưa tin, Bắc Kinh đang có kế hoạch xây 83 căn hộ cho thuê giá rẻ tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông tin này được báo Dân Việt tổng hợp.

Báo này cho rằng, hiện có 159 người sống trong những căn nhà gỗ không thể chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt trên đảo Phú Lâm. Do vậy, dự án nhà mới được Trung Quốc đưa ra và dự tính hoàn thành trong 2 năm tới.
Các hành động gây hấn của Trung Quốc với âm mưu xây dựng cuộc sống trái phép của người Trung Quốc trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, trong đó có đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước mưa và một bể nước mưa, mua 2 bộ máy phát điện chạy bằng diesel 500kw...

Ngoài ra, Trung Quốc còn cho xây cả siêu thị, ngân hàng, quán ăn, quán cà phê trên đảo. Một bệnh viện mới cũng đang được thi công. Đây là hành động mới nhất của Trung Quốc trong một loạt vụ việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam thời gian gần đây.

Các hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm âm mưu xây dựng cuộc sống trái phép của người Trung Quốc trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Sau khi ngang nhiên thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", Trung Quốc liên tục có hành động gây hấn như tổ chức bầu “đại biểu hội đồng nhân dân Tam Sa”, bầu "thị trưởng Tam Sa", giới quân sự Trung Quốc thì phê chuẩn việc điều động một đơn vị quân sự đồn trú tại đảo Phú Lâm.

“Nhật báo Pháp chế” của Trung Quốc cũng đưa tin, lực lượng hải giám Tam Sa sẽ lần lượt lên từng đảo ở Biển Đông để thực hiện hoạt động chấp pháp. Theo đó, chi đội “thành phố Tam Sa” của lực lượng hải giám Trung Quốc sẽ lần lượt tiến hành kiểm tra tình hình khai thác, phát triển các đảo không người ở trên Biển Đông.

Từ Mỹ, GS Ngô Vĩnh Long cho rằng, hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, và nhất là những động thái nhằm “quân sự hóa” quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên khu vực đang tranh chấp, có thể là cơ hội để Việt Nam đưa vấn đề Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa bằng vũ lực, ra trước Liên Hợp Quốc, các tòa án quốc tế cũng như dư luận quốc tế, đẩy Trung Quốc vào thế bị động.

Chuyên gia Roby Arya Brata - nhà phân tích luật và chính sách của Ban Thư ký Nội các Indonesia gợi ý, Liên Hợp Quốc cần cải cách quyền lực tài phán của Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) và thay đổi các điều khoản giải quyết tranh chấp trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
T.H