Học giả Trung Quốc: Không nên gọi vợ ông Tập Cận Bình là Quốc mẫu

08/03/2015 14:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Một số từ chỉ dùng cho hoàng đế thời xưa đang được truyền thông sử dụng để nói về vợ chồng ông Tập Cận Bình.
Bà Bành Lệ Viện, phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bà Bành Lệ Viện, phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đa Chiều ngày 7/3 đưa tin, được mệnh danh là "Cát đại pháo" vì dám nói những vấn đề nhạy cảm trong kỳ họp lưỡng hội (Quốc hội - Chính hiệp) Trung Quốc, ông Cát Kiếm Hùng, Giám đốc Thư viện đại học Phúc Đán, Ủy viên Thường vụ Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc vừa cho biết, truyền thông nước này đang ngày càng thô tục hóa ngôn ngữ báo chí và tình trạng này đã đến mức nghiêm trọng.

Những từ vốn chỉ được dùng để chỉ hoàng đế ngày trước đang bị truyền thông lạm dụng cho các chính khách và các nhân vật nổi tiếng đương đại. Đối với phu nhân của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc có thể gọi là Đệ nhất phu nhân theo thông lệ quốc tế thì không sao, nhưng không nên gọi bà Bành Lệ Viện là "Quốc mẫu". Lẽ nào người Trung Quốc bây giờ còn có cả "Quốc mẫu"?

Ngôn ngữ truyền thông báo chí, đặc biệt là báo điện tử ở Trung Quốc theo ông Hùng đã được sử dụng một cách tùy tiện vô tội vạ, thậm chí có cả những từ không có ý nghĩa rõ ràng. Những câu từ này chỉ nói chuyện phiếm trên mạng thì còn được, nhưng dùng cho báo chí chính thống hay văn kiện nhà nước, giáo trình đại học không thể sử dụng tùy tiện.

Một số từ chỉ dùng cho hoàng đế thời xưa đang được truyền thông sử dụng để nói về vợ chồng ông Tập Cận Bình. Theo Cát Kiếm Hùng, "đại hôn" chỉ được dùng khi nói đến hôn nhân của hoàng đế", "ngự dụng" chỉ dành riêng cho hoàng đế đều đang được một số tờ báo dùng để viết về ông Tập Cận Bình. Thậm chí có tờ báo còn gọi bà Bành Lệ Viện là "Quốc mẫu".

Ông Cát Kiếm Hùng cho biết, ngay trong cuộc họp báo kỳ họp Chính hiệp toàn quốc năm nay người ta cũng dùng từ không thỏa đáng như khi nói về chiến dịch chống tham nhũng lại dùng từ "tùy tiện", hay "vương gia mũ sắt" để chỉ các quan chức tham nhũng. Việc bắt các quan chức cấp cao tham nhũng hủ bại như Lệnh Kế Hoạch đều phải có bố trí, có "kế hoạch" điệu hổ ly sơn từ trước, làm sao có thể "tùy tiện" được?

"Vương gia mũ sắt" là một chế độ phong vương hầu của nhà Thanh, nhưng được một quan chức lãnh đạo trung ương sử dụng trong hội nghị, và sau đó được dùng phổ biến trong truyền thông nhà nước Trung Quốc như một từ để chỉ các quan chức tham nhũng, hủ bại. 

Hồng Thủy