Học sinh Hà Nội gấp rút ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10

08/05/2019 07:11
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng kỳ thi vào lớp 10 còn căng thẳng và áp lực hơn kỳ thi đại học.

Chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa là đến ngày diễn ra kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Tâm trạng chung của nhiều phụ huynh và học sinh đang vô cùng lo lắng.

So với những năm trước, năm nay việc thi tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông có nhiều thay đổi.

Học sinh Hà Nội gấp rút ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10 ảnh 1Hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách nhập học trực tiếp vào lớp 10 ở Hà Nội

Theo đó, điểm xét tuyển lớp 10 Trung học phổ thông sẽ được tính theo công thức: (điểm Văn + điểm Toán) x 2 + điểm Ngoại ngữ + điểm Lịch sử + điểm ưu tiên.

Do vậy kết quả bài thi sẽ là yếu tố quyết định đến việc thí sinh có thi đỗ cấp 3 hay không?

Ngoài ra việc thi môn lịch sử cũng là một trong những mối bận tâm lớn của thí sinh.

Thời gian gấp rút, em Trần Đăng Minh học sinh trường Trung học Cơ sở Tân Mai (Hoàng Mai) nỗ lực ôn tập quyết liệt.

Ngoài thời gian học trên lớp, Minh cũng dành thời gian ôn luyện tại các trung tâm và học ở nhà.

Cũng giống như nhiều người bạn, điều Minh cảm thấy lo lắng nhất đó chính là môn Lịch sử.

Theo Minh cho biết: Em gần như bỏ bẵng môn Lịch sử cho đến khi biết đây sẽ là môn thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10. Trần Đăng Minh chia sẻ:

"Thời gian ôn tập của em bây giờ dành 2/3 cho các môn Toán, Văn, Anh và 1/3 cho môn lịch sử.

Khi biết Lịch sử là môn thi thứ 4 bản thân em cảm thấy rất lo sợ vì từ đầu năm học em đã không chú ý nhiều đến môn Sử và gần như mất gốc.

Em rất lo lắng không biết có thể hoàn thành bài thi môn Sử được hay không".

Học sinh gấp gáp ôn thi vào lớp 10 (Ảnh: Vũ Ninh)
Học sinh gấp gáp ôn thi vào lớp 10 (Ảnh: Vũ Ninh)

Chị Lưu Thị Mây, mẹ của Minh cho biết: "Mặc dù phụ huynh chúng tôi rất ủng hộ việc đưa môn Sử là môn thi thứ 4.

Nhưng việc thông báo muộn khiến cho các con cảm thấy khó khăn trong việc ôn tập. Bên cạnh đó môn Sử cũng là môn  có nhiều niên đại khó nhớ.

Đối với các em gái có thể sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn các học sinh nam. Cho nên gia đình rất lo lắng và tìm nhiều trung tâm gia sư uy tín cho con".

Thời gian học của Minh bây giờ gần như kín mít. Ngoài học ở trường, các buổi tối Minh cũng dành từ 3-4 tiếng để ôn thi tại các trung tâm gần như là mỗi tối/ 2 ca.

Học sinh Hà Nội gấp rút ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10 ảnh 3Học sinh Hà Nội một lúc thi được nhiều môn chuyên vào lớp 10

Bên cạnh đó Minh cũng dành thời gian ôn thi tại nhà và thường học đến nửa đêm. Lo cho con chị Mây tâm sự:

"Thấy cháu ôn luyện vất vả quá tôi cảm thấy rất xót xa.

Gia đình cũng rất lo cháu bị kiệt sức.

Nhưng kỳ thi vào lớp 10 rất quan trọng đặc biệt năm nay có nhiều sự thay đổi nên cũng phải động viên cháu là cố gắng học tập.

Tôi chỉ mong những năm sau nếu có thay đổi gì mong Sở hoặc Bộ thông báo sớm để cho phụ huynh và học sinh chuẩn bị, Như năm nay đúng là trở tay không kịp".

Nhiều trường hợp học sinh ôn thi vào lớp 10 căng thẳng đến độ kiệt sức. Em Nguyễn Yến Nhi là một trường hợp phải nhập viện do ôn thi quá sức.

Gia đình Nhi cho biết em phải vào bệnh viện Thanh Nhàn truyền nước và điều trị 4 ngày do sốt cao, mất nước.

Nguyên nhân là do học hành căng thẳng, thức khuya cộng thêm thời tiết thay đổi khiến em bị sốt, suy nhược cơ thể.

Anh Nguyễn Văn Nam, bố của Yến Nhi cho biết: "Ngay sau khi xuất viện cháu đã lao vào ôn thi. Mặc dù cơ thể còn yếu nhưng cháu nhà tôi đã ngay lập tức đến các trung tâm ôn luyện.

Gia đình lo lắng bảo cháu học ít thôi thì cháu bảo bây giờ không học thì rất khó để theo kịp các bạn".

Các thí sinh cần có phương pháp ôn thi hiệu quả và chú ý đến sức khỏe (Ảnh: Vũ Ninh)
Các thí sinh cần có phương pháp ôn thi hiệu quả và chú ý đến sức khỏe (Ảnh: Vũ Ninh)

Theo ghi nhận của phóng viên đây là thời gian nước rút nên rất nhiều phụ huynh và học sinh sốt sắng trong việc tìm các lớp học thêm, trung tâm ôn luyện.

Ngoài ra một hình thức ôn thi khác cũng được nhiều người quan tâm đó chính là học trực tuyến.

Theo cô giáo Lê Thị Thu, giáo viên môn lịch sử cho biết: Phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng mà phải bình tĩnh và ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên:

"Với phạm vi kiến thức của các đề thi đã được công bố các em không cần thiết phải học ngày học đêm. Để ôn thi hiệu quả các em nên bình tĩnh ôn thi theo hướng dẫn của giáo viên.

Riêng môn lịch sử cần chú ý trả lời hết các câu hỏi ở cuối bài và ghi nhớ nội dung tổng kết, khái quát bài.

Rèn luyện tư duy phân tích, tư duy logic và xâu chuỗi các sự kiện, không học tủ, học lệch bởi đề thi sẽ theo hình thức trắc nghiệm nên đòi hỏi kiến thức tổng hợp".

Theo đề minh họa, tổng số câu hỏi của phần kiến thức này là 27 câu chiếm 67,5% tổng số câu hỏi của đề thi. Có 16 câu nhận biết, 10 câu thông hiểu và một câu vận dụng thuộc phần kiến thức này.

Việt Nam những năm 1919 - 1930 và Việt Nam những năm 1945 - 1954 là chuyên đề có chứa nhiều câu hỏi và đều là câu nhận biết, thông hiểu.

Việt Nam trong những năm 1975 - 2000 là chuyên đề chứa ít câu hỏi nhất nhưng đều là câu hỏi khó, đòi hỏi khả năng suy luận và tổng kết đánh giá của học sinh.

Ngoài ra nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng học sinh cần chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe: Không thức quá khuya, ăn đủ bữa và uống đủ nước trong ngày.

Phụ huynh nên bổ sung dinh dưỡng hợp lý và khoa học cho các sĩ tử theo những nguyên tắc sau: Ăn đủ bữa, chú trọng đến bữa sáng. Bổ sung rau củ và trái cây tươi, không lạm dụng các loại thuốc bổ và nên tránh những thực phẩm như cà phê, nước tăng lực, các món ăn vặt như bánh kẹo, bim bim, nem chua rán.

Bên cạnh đó các gia đình và học sinh cũng cần cân nhắc mức học lực của con em mình để đưa ra lựa chọn nguyện vọng đúng đắn và hợp lý nhất.

Vũ Ninh