Học sinh Tây Sơn phải "học khổ" vì trường vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh?

27/09/2016 06:58
XUÂN QUANG - CHÍ NHÂN
(GDVN) - Hiệu trưởng trường tiểu học Tây Sơn thừa nhận việc gửi học sinh đi học nhờ trường khác, đồng thời từ chối cung cấp thông tin số lượng tuyển sinh đầu vào.

Đi học nhờ để... tránh học luân phiên

Liên quan tới phản ánh của phụ huynh về việc hàng trăm học sinh khối 4 của trường tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ bị "đẩy" sang trường khác để học nhờ, hôm 20/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận thông tin trên là đúng.

Lý giải về việc này, bà Hoa cho biết, việc bố trí địa điểm học như vậy "để tránh tình trạng học luân phiên".

Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh, chỉ sau 1 ngày, lãnh đạo trường này đã quyết định chuyển hàng trăm học sinh khối 4 từ trường trung học cơ sở Đoàn Kết, trở lại trường tiểu học Tây Sơn để tiếp tục học tập.

Trường tiểu học Tây Sơn. Ảnh: Minh Chí.
Trường tiểu học Tây Sơn. Ảnh: Minh Chí.

Theo tìm hiểu, hiện tại trường tiểu học Tây Sơn có 34 phòng học với tổng số 38 lớp học. Số lượng học sinh lên tới 2.085. Trung bình khoảng 55 học sinh/lớp.

Như vậy, trên thực tế, việc nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, sẽ gây áp lực lên cơ sở vật chất, vì số lớp học, số lượng học sinh trên thực tế chênh lệch khá nhiều với số phòng học hiện có của nhà trường.

Do vậy, việc nhà trường phải tổ chức học luận phiên, thay đổi địa điểm học nhằm đáp ứng yêu cầu dạy, học của giáo viên, học sinh nhà trường là điều không thể tránh khỏi.

Điều này khiến không ít phụ huynh học sinh lo lắng:

"Theo lịch, học sinh chỉ học từ thứ hai đến thứ sáu và được nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Thực tế, học sinh từ khối 2 đến khối 5 trường Tiểu học Tây Sơn vẫn phải học cả thứ bảy. Điều này ít nhiều gây xáo trộn tới sinh hoạt của nhiều gia đình.

Bên cạnh đó, việc học sinh phải di chuyển liên tục, đổi phòng học, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý của trẻ", một phụ huynh lo lắng.

Chưa hết, nhiều ý kiến phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam còn cho thấy cách bố trí ngày nghỉ học của nhà trường cũng gây bất lợi rất lớn cho cả trẻ lẫn phụ huynh. Đại đa số các trường khác ở Hà Nội và cả nước, học sinh tiểu học nghỉ 2 ngày mỗi tuần và đều bố trí nghỉ hai ngày thứ 7, chủ nhật.

Tuy nhiên, ở trường Tây Sơn lại bố trí cho một số lớp nghỉ luân phiên các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Đây là các ngày đi làm của cha mẹ, nên con phải nghỉ học vào ngày trong tuần khiến họ bị xáo trộn công việc.

Và kết cục là họ phải tìm cách gửi con đi học thêm trong ngày con được nghỉ để còn đi làm kiếm sống.

"Chúng tôi từng phải nhờ chính cô giáo dậy con trông dùm ngày con được nghỉ, thực ra là cô mở lớp dạy thêm bên ngoài...", một phụ huynh đề nghị giấu tên nói.

Học sinh đi học cả tháng trời, Hiệu trưởng vẫn chưa biết tuyển sinh bao nhiêu em

Các ý kiến phản ánh còn cho rằng các tình trạng nêu trên là do Trường tiểu học Tây Sơn tuyển vượt chỉ tiêu nhiều học sinh, trong nhiều năm trở lại đây, đã tạo áp lực lớn lên cơ sở vật chất?

Khi được hỏi về thông tin tuyển sinh đầu vào năm học 2016-2017 tại trường tiểu học Tây Sơn, lãnh đạo nhà trường cho biết, không nắm được số lượng này.

"Tôi không nhớ rõ số lượng tuyển sinh, nhưng sẽ cho văn phòng kiểm tra lại và thông báo lại cho các anh", bà Hoa nói.

Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng trường tiểu học Tây Sơn (ảnh: tieuhoctayson.edu.vn).
Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng trường tiểu học Tây Sơn (ảnh: tieuhoctayson.edu.vn).

Tuy nhiên, tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy, chỉ tiêu và phân tuyến tuyển sinh lớp 1 năm học 2016-2017 do phòng Giáo dục và - Đào tạo quận Hai Bà Trưng phê duyệt ngày 30/5/2016, trường tiểu học Tây Sơn được phân chỉ tiêu là 270 học sinh cho 6 lớp học.

Trong khi đó số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh qua điều tra trên địa bàn khu vực tuyển sinh đúng tuyến là 295 em.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo danh sách niêm yết tại trường, số học sinh vào lớp 1 của trường Tiểu học Tây Sơn trong năm học 2016-2017 đang là  355 cháu chia làm 7 lớp từ 1A1 đến 1A7.

Làm phép tính đơn giản cũng thấy số học sinh thực tế đã nhiều hơn học sinh trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn và vượt quá số lượng được phép tuyển.

Dư luận đặt câu hỏi, con số học sinh tuyển vượt lên con số xác định ban đầu là như thế nào?

Việc trường tuyển quá chỉ tiêu có phải là nguyên nhân quá tải khiến học sinh các khối phải học luân phiên, thậm chí đi học nhờ trường khác?

Những câu hỏi trên đến nay vẫn chưa được trường tiểu học Tây Sơn và phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng giải đáp thỏa đáng.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin thêm về vụ việc này.

XUÂN QUANG - CHÍ NHÂN