Học sinh trường Đakrông hứa sẽ tự học như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

13/05/2019 09:19
Lại Cường
(GDVN) - Các em học sinh trường Đakrông khâm phục và quyết tâm học tự học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng để phấn đấu trở thành người có ích, đem sức mình xây dựng bản làng

Là một ngôi trường nằm trên huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, nhiều năm qua thầy và trò trường Trung học phổ thông Đakrông vẫn ngày ngày vượt qua khó để thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục.

Tuy nhiên, với đặc thù có đến trên 70% học sinh là người dân tộc Vân Kiều, đời sống  kinh tế còn khó khăn do vậy việc duy trì các nhiệm vụ thầy cô giáo nhà trường còn nhiều vất vả.

Với đặc thù nhà trường Trung học phổ thông Đakrông đóng trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa việc tiếp xúc với những tri thức, kiến thức khoa học kỹ thuật còn rất nhiều khó khăn.

Các em học sinh sau khi ra trường có nhiều trở ngại trong việc xác định ngành, nghề để lập nghiệp…

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ân cần, gần gũi với các em học sinh trường Đakrông. (Ảnh: LC)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ân cần, gần gũi với các em học sinh trường Đakrông. (Ảnh: LC)

Chính vì vậy, cuộc hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tổ chức ngày 11/5 trở thành một dịp đặc biệt đối với thầy và trò nhà trường.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, hơn 700 em học sinh trường Trung học phổ thông Đakrông đã trải qua quãng thời gian đầy bổ ích khi được nghe thầy truyền cảm hứng học tập, lao động.

Thầy và trò trường Đakrông đã đặc biệt ấn tượng về một diễn giả có hiểu biết sâu rộng và rất gần gũi.

Học sinh trường Đakrông hứa sẽ tự học như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng  ảnh 2Có nằm mơ con cũng không nghĩ được gặp Giáo sư ngay tại ngôi trường vùng quê này

Bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế của mình, Giáo sư đã mang đến những kiến thức bổ ích, hấp dẫn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để từ đó giúp các em học sinh trong đó có rất nhiều các em học sinh người dân tộc Vân Kiều chuẩn bị tâm thế vững vàng, sẵn sàng đón nhận và thích ứng với những chuyển đổi sâu sắc, toàn diện đang và sẽ diễn ra trên toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Cởi mở và chân thành, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tặng nhiều đầu sách mà thầy là tác giả cho thầy và trò nhà trường.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mỗi chúng ta có nhiều người thầy: sách, cha mẹ và thầy cô, bạn bè, chính mình…

Các em học sinh người dân tộc Vân Kiều đặc biệt ấn tượng với GIáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: LC)
Các em học sinh người dân tộc Vân Kiều đặc biệt ấn tượng với GIáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: LC)

Giáo sư Lân Dũng cũng mong các bạn trẻ người dân tộc Vân Kiều hãy tự tin, phấn đấu học tập, tự học tập để mình trở thành người có ích cho xã hội, trở thành những người có trí lực, nghị lực để có thể làm giàu ngay tại quê hương.

Trước một số băn khoăn của các em học sinh về những khó khăn của Quảng Trị nói chung và Đakrông nói riêng về điều kiện đất đai khó khăn, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhắc đến Bài ca vỡ đất của nhà thơ Hoàng Trung Thông để động viên các em.

Thầy Dũng khuyên các em đừng sợ khó khăn bởi “có sức người sỏi đã cũng thành cơm”, các em hãy khắc phục khó khăn, chịu khó học tập, đặc biệt là những môn học ứng dụng mà các em có thể giúp bố mẹ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Những thắc mắc rất sát với thực tiễn của các em người dân tộc Vân Kiều đã được Giáo sư giải đáp và động viên rất kịp thời. (Ảnh: LC)
Những thắc mắc rất sát với thực tiễn của các em người dân tộc Vân Kiều đã được Giáo sư giải đáp và động viên rất kịp thời. (Ảnh: LC)

Bản thân Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng là một tấm gương sống về nghị lực khắc phục những khó khăn để tự học, tự nghiên cứu khoa học.

Cũng theo lời khuyên của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với các em học sinh trường Đakrông, các em hãy tự tin lên, học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công.

Những câu chuyện mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể cho các em học sinh trường Đakrong những tấm gương khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng như Mười Bơ, ông trùm chanh không hạt Lê Văn Xê và những tấm gương vượt khó để thành công như nữ sinh không tay Lê Thị Thắm vượt lên tật nguyền để học giỏi Tiếng Anh đã giúp các em có thêm nhiều động lực để học tập tốt hơn.

Được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng động viên, nhiều em học sinh người Vân Kiều cũng đã mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ và đặt câu hỏi với Giáo sư.

Nhiều em đã bày tỏ ước mơ làm giàu ngay trên chính tại bản làng, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hứa sẽ trợ giúp hết sức có thể với các em.

Đặc biệt là giống cây hay những mô hình làm giàu sinh ra từ làng…

Không chỉ vậy, bằng cách truyền đạt nhiệt huyết nhưng không kém phần ân cần, hài hước các em học sinh trường Đakrông đã được học về những kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp đặc biệt là lòng hiếu thảo với cha mẹ, thầy cô.

Những chia sẻ này đã gây được những ấn tượng rất đặc biệt đối với học sinh người Vân Kiều.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh với các em học sinh trong trường. (Ảnh: LC)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh với các em học sinh trong trường. (Ảnh: LC)

Bày tỏ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều em học sinh trường Đakrông cho biết, các em rất khâm phục tấm gương tự học của thầy và hứa sẽ cố gắng tự học, phấn đấu trở thành người có ích, đem sức mình xây dựng bản làng.

Cuối buổi hội thảo, đại diện trường Trung học phổ thông Đakrông, thầy giáo Lê Chí Thông đã xúc động cám ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã tổ chức chương trình có ý nghĩa cho thầy và trò nhà trường.

Thầy Thông đặc biệt cảm ơn Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng bằng sự nhiệt huyết và kiến thức uyên thâm của mình đã tiếp thêm động lực cho đội ngũ giáo viên trong trường và các em học sinh khắc phục những khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của nhà trường.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Lại Cường