Học trò Trường Lý Tự Trọng ra sức giải cứu dòng sông quê hương!

11/10/2019 06:12
Cô giáo Hoàng Phước Mỹ
(GDVN) - Con sông Cày, Thạch Hà, Hà Tĩnh đã không còn cảnh ô nhiễm môi trường, ngập trong rác thải nhựa - đó là điều ai cũng dễ nhận ra.

Trước vấn nạn rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng, từ vài tháng nay, Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã ra quân chiến dịch mang tên “Chung tay vì môi trường - nói không với rác thải nhựa - bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chính bạn”.

Chiến dịch nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu càng nhiều càng tốt rác thải nhựa, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả rõ rệt.

“Giải cứu” sông Cày khỏi rác thải

Con sông Cày (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) và nhiều khu vực xung quanh tượng đài anh Lý Tự Trọng, công viên Lý Tự Trọng nay đã không còn cảnh ô nhiễm môi trường, ngập trong rác thải nhựa. Đó là điều ai cũng dễ nhận ra.

Nhưng ít ai biết rằng đó là kết quả của một quá trình hành động của thầy trò Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng huyện Thạch Hà.

Học sinh trường Lý Tự Trọng nhặt nhạnh từng mẫu rác nhỏ để dòng sông Cày quê hương mình thêm sạch đẹp (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).
Học sinh trường Lý Tự Trọng nhặt nhạnh từng mẫu rác nhỏ để dòng sông Cày quê hương mình thêm sạch đẹp (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).

Nhà trường đã triển khai hành động định kỳ, vừa tuyên truyền vận động bà con, vừa nêu tinh thần tình nguyện vào ngày cuối tuần thu gom và phân loại rác trên địa bàn nơi nhiều cư dân sinh sống, thu hút đông đảo học sinh, đoàn viên thanh niên trong và ngoài nhà trường hưởng ứng.

Sông Cày thực sự được “giải cứu”, nhiều khu vực khác trên địa bàn trở nên khang trang, sạch đẹp.

Nhà vệ sinh ở nhiều trường học vẫn là nỗi ám ảnh của cả thầy và trò!
Nhà vệ sinh ở nhiều trường học vẫn là nỗi ám ảnh của cả thầy và trò!

Thầy giáo Phan Quang Tấn - hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Nhà trường đặc biệt quan tâm, đưa chủ đề bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa thành vấn đề trọng tâm trong chiến lược phát triển giáo dục toàn diện học sinh.

Chiến dịch chỉ thành công khi hình thành được ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao về bảo vệ môi trường của mỗi giáo viên và học sinh bất cứ ở đâu”.

Từ nhận thức đến hành động

Chiến dịch được xây dựng bài bản, công phu, có kế hoạch và lộ trình, dưới sự chỉ đạo và hành động quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên và toàn thể đội ngũ giáo viên, học sinh nhà trường.

Việc nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường được nhà trường lồng ghép thông qua giảng dạy trong từng tiết học, nội quy quy định của Đoàn trường, tổ chức diễn đàn sân khấu hóa "Chung tay bảo vệ môi trường".

Sau mỗi chuyên đề giảng dạy, việc chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh được thực hiện. Ví dụ như: Mỗi lớp chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm nộp lại 2 sản phẩm thiết kế túi giấy dùng cho gia đình bằng các vật liệu như giấy, bìa cát tông, thùng sữa, …. (chỉ sử dụng đồ tái sử dụng không sử dụng đồ tái chế).

Khi kiểm tra sản phẩm đạt yêu cầu, có thể mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến khích học sinh tham gia phát động và ra quân bảo vệ môi trường.

Những khẩu hiệu đơn giản nhưng dễ đi vào lòng người (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).
Những khẩu hiệu đơn giản nhưng dễ đi vào lòng người (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).

Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Thạch - Tổ trưởng Tổ Sinh chia sẻ: “Tổ chúng tôi triển khai thực hiện chuyên đề thông qua diễn đàn sân khấu hóa trước học sinh toàn trường ngày 28,29 tháng 9, tiếp tục ra quân chiều ngày 2/10 lao động vệ sinh môi trường ở xung quanh trường học và dọc bờ sông Cày, khu Miếu Rọi trên địa bàn Thị trấn Thạch hà, Huyện Thạch Hà.

Tất cả rác được quét dọn, phân loại đóng bao gọn gàng, xếp và đưa về bãi tập kết xử lí rác của thị trấn, túi bóng, chai nhựa được nhặt sạch trả lại không gian thoáng mát cho môi trường.

Kết thúc buổi lao động, dù áo đẫm mồ hôi nhưng tất cả thầy cô và đoàn viên thanh niên thật sự vui, tự hào vì đã góp một phần nhỏ hưởng ứng chiến dịch lớn: Vì một thế giới sạch hơn”.

Chiến dịch "Chung tay bảo vệ môi trường" là hành động có ý nghĩa và mang tính giáo dục sâu sắc (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).
Chiến dịch "Chung tay bảo vệ môi trường" là hành động có ý nghĩa và mang tính giáo dục sâu sắc (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).

Từ việc nâng cao nhận thức và thực hiện các hành động cụ thể, học sinh trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng đã dần hạn chế đến tự giác từ chối sử dụng túi nylon cũng như rác thải nhựa sử dụng 1 lần, tái sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón các bồn hoa, chỉnh trang vườn sinh học, vườn hoa, trồng nhiều cây xanh, luôn giữ lớp học sạch, trường học không rác thải nhựa.

Nhà vệ sinh học sinh trở thành nơi đẹp nhất, sạch nhất đáng tự hào như bao khuôn viên khác trong nhà trường. Phân rác đúng loại đã được học sinh trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng làm 1 cách thuần thục như thói quen.

Em Đặng Thùy Giang, lớp 12C3 cho biết: “Qua học tập và hướng dẫn thực hành tại buổi Chuyên đề Chung tay bảo vệ môi trường, kết hợp trải nghiệm thực tế về việc xử lý cũng như phân loại rác, em nhận ra được nhiều tác hại đáng lo ngại của rác thải bao bì, ni lông hay các chai nhựa.

Từ đó có thái độ cũng như hành động có trách nhiệm, có ý thức bảo vệ môi trường cũng như xử lý đúng đắn các loại rác thải, góp một phần nhỏ vào bảo vệ chính cuộc sống của em và gia đình cũng như tất cả mọi người”.

Những hoạt động trãi nghiệm thiết thực này có thông điệp lan tỏa tới cộng đồng trong bối cảnh rác thải nhựa là vấn nạn môi trường hiện nay (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).
Những hoạt động trãi nghiệm thiết thực này có thông điệp lan tỏa tới cộng đồng trong bối cảnh rác thải nhựa là vấn nạn môi trường hiện nay (ảnh - Hoàng Phước Mỹ).

Khó khăn vẫn còn đó bởi lượng túi nylonvà chai nhựa vẫn được thải ra hàng ngày. Tuy nhiên, sau chiến dịch khởi động của trường Trung học phổ thổ Lý Tự Trọng, những kết quả đạt được ngày càng rõ rệt.

Chiến dịch không chỉ lan tỏa tới từng học sinh mà từ mỗi học sinh đã lan tỏa đến từng gia đình, từng thôn xóm.

Đó là động lực cho các thầy trò trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng trong những hoạt động tiếp tục bảo vệ môi trường thời gian tới./.

Cô giáo Hoàng Phước Mỹ