Hồng Kông truy vấn công ty nạo vét tham gia bồi lấp trái phép ở Trường Sa

29/11/2015 09:19
Hồng Thủy
(GDVN) - Những căng thẳng địa chính trị có thể phát sinh từ những vấn đề chưa được giải quyết về chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ là một yếu tố nguy cơ có thể phá vỡ...

The Wall Street Journal ngày 27/11 đưa tin, một công ty nạo vét Trung Quốc đã phải trì hoãn kế hoạch phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn chứng khoán Hồng Kông để làm rõ các truy vấn từ chính quyền đặc khu về hoạt động nạo vét của công ty này cho chính phủ Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông

Trung Quốc nạo vét, bồi lấp xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam từ năm 1989. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Trung Quốc nạo vét, bồi lấp xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam từ năm 1989. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trung Quốc đã nạo vét bồi lấp, xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trên các bãi đá và rặng san hô mà nước này chiếm đóng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) và một tàu nạo vét thuộc công ty Nạo vét CCCC đã xuất hiện ở Trường Sa, theo một bức ảnh mà tuần san quốc phòng IHS Jane cho thấy.

Công ty Nạo vét CCCC thuộc sở hữu tập đoàn xây dựng cảng lớn nhất Trung Quốc, tập đoàn Truyền thông - xây dựng Trung Quốc (CCCC) đã đệ trình kế hoạch phát hành lần đầu tiên ra công chúng tại sàn chứng khoán Hồng Kông từ hôm 30/6 với hy vọng sẽ thu được 1 tỉ USD.

Công ty này phải trả lời các câu hỏi từ sàn chứng khoán Hồng Kông kể từ tháng 9 năm nay, trong đó có câu hỏi về hoạt động nạo vét, bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Hiện chưa rõ các thông tin mà sàn chứng khoán Hồng Kông yêu cầu.

Người phát ngôn của công ty Nạo vét CCCC nói rằng đơn vị này không phủ nhận, cũng không xác nhận việc tham gia nạo vét, bồi lấp xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Hình ảnh chụp từ vệ tinh đã cho thấy các tàu nạo vét bu quanh các thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, bao gồm đá Vành Khăn, nơi tàu nạo vét Thiên Tân của CCCC hoạt động từ 14/1 đến 16/2.

Trong báo cáo IPO của mình, công ty Nạo vét CCCC nói rằng đã làm việc tại tỉnh Hải Nam tứ năm 2014 và được hưởng lợi trong việc tăng chi tiêu của chính phủ Trung Quốc trong các dự án bồi lấp. The Wall Street Journal lưu ý, đảo Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc.

Đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp.
Đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp.

Công ty này đã hoàn thành một loạt các thực thể cao và nạo vét quy mô lớn, nhưng không công bố vị trí chính xác hoặc mục đích của các dự án này. "Việc tăng đầu tư của chính phủ vào các dự án cao cấp và cải tạo đất quy mô lớn ở cac vùng biển xa xôi 'của' Trung Quốc cũng sẽ có tác động trực tiếp trong việc thúc đẩy doanh thu từ hoạt động nạo vét khai hoang đất đến năm 2015 và tương lai gần", báo cáo nói.

Báo cáo bạch hóa IPO của công ty Nạo vét CCCC còn nói rằng: "Những căng thẳng địa chính trị có thể phát sinh từ những vấn đề chưa được giải quyết về chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ là một yếu tố nguy cơ có thể phá vỡ hoạt động của nhân viên, nhà thầu phụ cũng như cơ sở vật chất, thiết bị".

Hồng Thủy