Howard Limbert và15 lần khám phá Phong Nha

01/04/2012 17:15
Theo Tuổi trẻ
Ông Howard Limbert và đoàn thám hiểm đang tràn trề sự phấn khích về một “tương lai khám phá hang động” rất thú vị và đầy thách thức ở Việt Nam. 
Đam mê thám hiểm, khám phá hang động và một “duyên trời định” đã đưa ông Howard Limbert cùng vợ và các thành viên trong đoàn tới Việt Nam. 22 năm, ông đã 15 lần đến Việt Nam.

Vợ chồng ông Howard Limbert và người dẫn đường Hồ Khanh tại hang Trà Ang - Ảnh: Lam Giang
Vợ chồng ông Howard Limbert và người dẫn đường Hồ Khanh tại hang Trà Ang - Ảnh: Lam Giang

Ông đến Việt Nam chỉ để vào rừng, vượt sông suối, chinh phục những vách đá dựng đứng; trèo, chui, lặn sâu vào các hang động để ngắm cho thỏa thích, ghi lại những hình ảnh kỳ vĩ, độc đáo nơi đây và đo đạc bản đồ.
Dáng người nhỏ, tính tình trầm tĩnh, ông Howard Limbert có sự nhanh nhẹn của một người ưa hoạt động ở tuổi 54. Cả xã Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đã biết rõ vợ chồng ông từ năm 1990, khi lần đầu tiên họ đặt chân tới đây cùng chín thành viên trong đoàn khám phá.

Khi đó Sơn Trạch mới có 3.000 người sinh sống. “Cả xã chỉ có một nhà xây tường và chính quyền đã cho chúng tôi ngủ nhờ ở đó” - ông nhớ lại.
Vào rừng kiếm sống, không điện, đường, nước sạch, dân nơi đây thường xuyên bị sốt rét hành hạ. Với kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực sốt rét, chàng trai 32 tuổi ngày ấy cùng vợ (cũng là nhà nghiên cứu y tế) đã nhiệt tình mang thuốc men đến, hướng dẫn cán bộ y tế địa phương và bà con cách điều trị, phòng chống sốt rét sau lần đầu tiên đó.
Đến nay Sơn Trạch đã thay đổi nhiều, có đường, chợ, vài nhà nghỉ đã mọc lên, ra dáng một xã làm du lịch sau khi những giá trị của Phong Nha - Kẻ Bàng được thế giới chính thức công nhận.
Cả bầu trời mới lạ
Niềm đam mê hang động đến với Howard khi ông 15 tuổi. Thầy giáo ông là người đầu tiên dẫn ông tới một cái động ở Yorkshire (phía bắc nước Anh) để ông biết đến thú vui caving - thám hiểm hang động. Ông vẫn không vui khi nhớ lại chuyện thầy để ông và vài người bạn nữa tự tìm đường vào trong động trong vài giờ, hóa ra thầy “không thích hang động”.
Hang Tú Làn: ở đây vừa phát hiện loài cá bơi ngược thác, kích cỡ 1-1,5cm. Đây có thể là dòng cá mới, và họ sẽ nhờ các nhà khoa học xác định điều này. Để đến được hang này phải bơi 2km trong nước - Ảnh đoàn thám hiểm cung cấp
Hang Tú Làn: ở đây vừa phát hiện loài cá bơi ngược thác, kích cỡ 1-1,5cm. Đây có thể là dòng cá mới, và họ sẽ nhờ các nhà khoa học xác định điều này. Để đến được hang này phải bơi 2km trong nước - Ảnh đoàn thám hiểm cung cấp
"Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ Việt Nam là hãy tắt tivi và vác balô đi khám phá đất nước mình. Đất nước các bạn tuyệt đẹp, tivi cùng chiếc ghế bành không thể cho bạn hiểu và cảm nhận thật sự vẻ đẹp đó"
HOWRD LIMBERT
Nhưng nhờ bị “bỏ rơi” vậy, lần đầu tiên trong đời ông thấy một vẻ đẹp mê hồn, đầy bí ẩn và những tầng lịch sử, địa lý ẩn sau những lớp đá, mà nếu kể ra các câu chuyện đi kèm sẽ là vô tận. Cả một thế giới mở ra trước mắt một đứa bé 15 tuổi.
Ông tham gia câu lạc bộ thám hiểm hang động, trở thành người ưa đi tìm hang động ở khắp mọi nơi, dù ba mẹ ông là những người không thích xê dịch.

Ông học ngành y nhưng cứ rảnh là vác balô tìm đến hang động, trước hết là khu vực gần nhà ông tại Lake District. Ông khẳng định mình đã đặt chân tới 90% hang động tại nước Anh, nhưng mới chỉ chinh phục được 10% hang động ở quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng.
Năm 1989, khi bộ môn thám hiểm hang động đang dần trở thành niềm yêu thích của những người ưa mạo hiểm, ông đã khám phá được hàng ngàn hang động trên thế giới, biết đến hệ thống hang động châu Á còn gần như nguyên vẹn do chưa nhiều người tìm đến thám hiểm.

Với mong muốn sẽ có những cảm nhận tuyệt vời từ khám phá mới, ông viết thư gửi các cơ quan liên quan ở Lào, Myanmar và Việt Nam đề nghị được giúp đỡ trong việc khảo sát, tìm kiếm các hang động. Lào và Myanmar đã từ chối với lý do “việc đó rất khó khăn, phải xem xét lại”.
Nhưng ông nhận được thư phúc đáp từ khoa địa lý - địa chất Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Thậm chí ông còn được chỉ dẫn nhiều địa chỉ và cách liên hệ, đặc biệt là ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình.

Sự thuận lợi và nhiệt tình ở Việt Nam đã thành “cái duyên” đưa ông đến với hệ thống đá vôi ở Việt Nam - một nơi mà trước đó chưa nhà thám hiểm hang động nào từng đặt chân.
Cảm giác làm người thứ nhất thật khó tả

Ông Howard vô cùng thích thú khi phát hiện bộ xương cá hóa thạch trong hang Tối ngày 30-3-2012 - Ảnh: Thái Lộc
Ông Howard vô cùng thích thú khi phát hiện bộ xương cá hóa thạch trong hang Tối ngày 30-3-2012 - Ảnh: Thái Lộc

Sở thích khám phá hang động đã trở nên rất phổ biến ở phương Tây hiện nay, đặc biệt sau bộ phim Sanctum (2011) do James Cameron sản xuất nói về một nhóm khám phá hang động gặp nguy hiểm tính mạng do cả thiên tai và nhân tai.

 Những hình ảnh kỳ bí và tuyệt đẹp trong hang động nhờ hiệu ứng 3D đã kích thích những trái tim và cái đầu ưa mạo hiểm, làm loạn nhịp những ai ưa vẻ đẹp thiên nhiên và làm nghẹt thở những người có máu phiêu lưu.
Như vợ ông, bà Debbie Limbert nói, cũng nhờ Cameron mà các hãng thông tấn như BBC, NHK, đặc biệt là Hội địa lý Hoa Kỳ (National Geographic) bắt đầu để ý tới hang động Việt Nam nhiều hơn. Cơn sốt khám phá hang động khiến họ gửi các đoàn làm phim, chụp hình các hang động mới phát hiện của Việt Nam như hang Sơn Đoòng, với sự hỗ trợ và dẫn đường của đoàn Howard Limbert.
“Tôi chỉ muốn quảng bá vẻ đẹp và sự độc đáo của hang động Việt Nam với thế giới. Tôi muốn làm gì đó để có nhiều du khách tới Quảng Bình, để người địa phương có việc làm ổn định, đời sống khấm khá hơn” - ông Howard nói.
Điều gì làm ông mải miết khám phá những hang động mới? “Cảm giác được là người đầu tiên đặt chân tới khu vực chưa từng ai đặt chân đến thật khó tả!”.
Điều thú vị nữa về ông Howard mà tôi cảm nhận là sự chỉn chu về tình cảm. Ông không nói nhiều về mình, mà luôn đề cập những người đã giúp mình thực hiện thành công những chuyến khám phá hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Đó có thể là các viên chức chính quyền, khi cấp cho ông nhiều giấy phép quan trọng để tiến hành khám phá; là những người dân địa phương làm người dẫn đường.
Ông khẳng định: “Không có họ, chúng tôi không thể đến các hang động khám phá vì sẽ bị lạc, không thể đến nơi hay tìm được đường ra”.
Ông Howard đang cùng vợ và đoàn thám hiểm thực hiện chuyến thám hiểm thứ 15, kết hợp đón đoàn làm phim quốc tế đến Quảng Bình (trong tháng 3 và 4-2012). “Tôi vô cùng may mắn khi có vợ cùng chia sẻ sở thích khám phá hang động. Bà ấy đã cùng đi với tôi, cùng đến mọi nơi tôi đến trong tất cả các chuyến thám hiểm phiêu lưu, du lịch.

Có cái sướng là tôi được bà ấy chăm sóc trong các chuyến đi, và tôi cũng không phải có ai ở nhà suốt ngày lo lắng cho sự an toàn của mình khi đi thám hiểm vì bà ấy lúc nào cũng ở cạnh tôi” - ông kể về vợ mình một cách trìu mến. Còn bà chỉ yên lặng mỉm cười, thi thoảng cất tiếng nhắc ông về tên hang động hay thời gian khám phá mà ông, vì một phút lơ đãng, bị quên.
Ông Howard Limbert và đoàn thám hiểm đang tràn trề sự phấn khích về một “tương lai khám phá hang động” rất thú vị và đầy thách thức ở Việt Nam. Vẫn còn những con sông, suối không ai biết nước bắt nguồn từ đâu ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Vẫn còn cả một bầu trời bí ẩn khác, và “tôi tin còn những hang động tuyệt đẹp, lớn hơn cả hang Sơn Đoòng sẽ được tìm thấy”.
Bạn có biết?

* Nhờ ông Howard Limbert, con người đã biết được hang động lớn nhất thế giới là Sơn Đoòng của Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong đó, hang Khe Ry là hang nước dài nhất thế giới (khảo sát năm 1997).

* Các kết quả thám hiểm và nghiên cứu hang động ở khối Phong Nha - Kẻ Bàng của ông Howard Limbert đã được sử dụng để xây dựng “Hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới” vào năm 2002. Năm 2003, UNESCO đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là “Di sản địa chất - địa mạo thế giới”.

* Đến nay, đoàn của ông Howard Limbert đã đo đạc và lập bản đồ được 300km hang động ở Việt Nam, thám hiểm hàng trăm hang động.

* Một số trang web như http://www.oxalis.com.vn và http://phongnhadiscovery.com sẽ giúp bạn chọn lựa những tour mạo hiểm, khám phá tại Quảng Bình.

Mái vòm hang Sơn Đoòng vừa được chụp trong tháng 3-2012 - Ảnh đoàn thám hiểm cung cấp
Mái vòm hang Sơn Đoòng vừa được chụp trong tháng 3-2012 - Ảnh đoàn thám hiểm cung cấp


Những bức ảnh chưa công bố


Trong chuyến trở lại Phong Nha - Kẻ Bàng vào năm nay, công việc của ông Howard Limbert cùng đoàn thám hiểm không chỉ tìm kiếm thêm hang mới, mà còn cả việc tổ chức chụp ảnh lại những hang đã được khám phá trước đó nhưng không đủ thiết bị để chụp ảnh một cách trọn vẹn.

Và ông đã rất hào phóng gửi tặng bạn đọc những hình ảnh mới chụp, chưa hề công bố về hang Sơn Đoòng, hang Tú Làn, hang Tối, hang Én, hang 1989. Tuy nhiên, do khuôn khổ trang báo có giới hạn, chúng tôi không thể đăng tải hết các bức ảnh này, mời bạn đọc vào Tuổi Trẻ Online xem thêm.

Lượng du khách đến Phong Nha ngày càng tăng

“Các thông tin, số liệu, hình ảnh đoàn thám hiểm thu thập được cũng như những ý kiến khuyến cáo, chia sẻ từ ông Howard Limbert đã giúp tỉnh định hướng xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch bền vững đến năm 2025.

Lượng du khách đến với tỉnh cũng như Phong Nha ngày càng tăng, trong đó có khoảng 5% là khách quốc tế. Năm 2009 lượng khách đến là 311.630 lượt, doanh thu từ phí, lệ phí du lịch trên 12 tỉ đồng thì năm 2011 đã tăng lên 346.000 lượt, doanh thu hơn 24,5 tỉ đồng. Ngoài ra vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn giải quyết công ăn việc làm cho trên 3.400 lao động trực tiếp” - ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

Nhờ ông Howard Limbert rất nhiều

“Nếu không có ông Howard Limbert và đoàn thám hiểm thì Việt Nam không thể giới thiệu được những hình ảnh về hang động của mình với thế giới. Họ chuyên nghiệp trong lĩnh vực khảo sát hang động, có thiết bị chụp ảnh tốt, và quan trọng là niềm đam mê. Có đam mê thì mới khám phá được. Việc hợp tác giữa Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh và đại học Khoa học tự nhiên đã được 21 năm nay, chúng tôi cùng phối hợp khảo sát và chia sẻ kết quả nghiên cứu. Điều này rất quan trọng vì ngoài việc giới thiệu được tài sản tuyệt vời của quốc gia, chúng tôi còn có tư liệu khoa học về hệ thống hang động, đặc biệt mảng địa chất địa mạo” - ông Nguyễn Hiệu, phó trưởng khoa địa lý Trường Khoa học tự nhiên, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Hang động càng nhiều, bà con càng mừng


“Không chỉ tôi mà hầu hết người dân ở Sơn Trạch đều vui mừng mỗi khi nghe tin phát hiện thêm những hang động mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Không vui mừng răng được, vì ngày trước đời sống người dân địa phương chúng tôi nghèo lắm, nhưng từ khi đưa hang động vô khai thác du lịch thì kinh tế khấm khá hẳn lên. Từ chỗ thanh niên và bà con sống bám vô rừng, vô đất đai cằn cỗi thì nay cả ngàn người đã chuyển sang làm du lịch, chủ yếu là đưa thuyền chở khách, đưa khách vô rừng theo tour tuyến du lịch, mở mang kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách tại trung tâm Phong Nha, làm thợ chụp ảnh... Nói thật lòng càng phát hiện hang động nhiều chừng mô, bà con bầy tui càng mừng chừng nấy” - ông Nguyễn Huy Du, người dân xã Sơn Trạch.

Tôi được thỏa mãn ham muốn khám phá thiên nhiên

“Mỗi lần đưa đoàn đi tìm kiếm hang động, ngoài công việc của người dẫn đường, tôi còn được thỏa mãn sự ham muốn khám phá thiên nhiên và tìm ra hang động mới của bản thân. Đợt đi mới nhất vừa rồi, sau khi chúng tôi khám phá được hang Va, tôi càng thích hơn vì hang này rất đẹp, trong đó nhiều cảnh tượng tráng lệ và độc đáo mà không có mấy hang động đã phát hiện và khám phá trước đây có được. Ví dụ như cảnh tượng dưới sàn hang có nhiều khối nhũ trông chẳng khác gì các ông quan đang đứng chầu vua, nhiều bờ nhũ không khác gì các bể chứa nước mà ai đó xây nên” - anh Hồ Khanh (xã Sơn Trạch), người chuyên dẫn đường cho đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert.

Theo LAM GIANG - K.L/Tuổi trẻ


Theo Tuổi trẻ