Hủ tục man rợ: "Tiêu diệt" người bị nghi "ma rừng đội lốt người sống"

03/02/2012 06:03
Pháp luật và Thời đại
Những người bị vu vạ "ma rừng đội lốt" sẽ bị dân làng tra tấn dã man như thời trung cổ: bị hỏa thiêu, chôn sống, hành quyết dưới sông, ném đá đến chết...
Đó là những hậu quả đau lòng của một hủ tục man rợ mang tên “cầm đồ thuốc độc” trong đời sống người dân tộc H’rê ở vùng miền núi huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Xã hội ngày càng hiện đại, những hủ tục lạc hậu tưởng chừng cũng theo đó mà mất đi nhưng ở miền xa xôi hẻo lánh nơi đồng bào dân tộc H’rê sinh sống vẫn âm ỉ tồn tại những quan niệm mê muội “nếu “ma rừng” nhập vào ai thì phải “xử đẹp” người đó”. Tệ nạn cầm đồ thuốc độc bao năm qua vẫn là một vấn đề nhức nhối của chính quyền địa phương huyện An Lão.
Nhờ có sự giúp đỡ của công an mà cặp vợ chồng già này mới dám trở về nhà. Họ bị nghi là có "đồ độc" phải trốn vào rừng 4 năm nay
Nhờ có sự giúp đỡ của công an mà cặp vợ chồng già này mới dám trở về nhà. Họ bị nghi là có "đồ độc" phải trốn vào rừng 4 năm nay
Quan niệm mê muội Theo quan niệm lạc hậu còn lẩn khuất trong một số người dân tộc H’rê, người nào chứa những hũ lớn bỏ đá trắng, tóc, phân chim, răng người, máu gà, cây ma gang, xương gà, hoặc cây pageng (ngải rừng)… thì đích thị “kẻ đó “cầm đồ thuốc độc” có quyền lực vô song”. Nếu họ ghét người nào họ chỉ cần lấy những thứ đồ đó lén bỏ vào nhà, thức ăn hoặc yểm bùa là người bị hại sẽ ốm chết. Thế nên mới từng xảy ra nhiều vụ án oái oăm như có người xuống đồng bằng về vùng biển chơi, thấy con ốc hay cành san hô đẹp đem về chưng trong nhà thì người ta nghi dùng “đồ độc” nên bị cả làng đánh chết. Hình thức sử phạt người bị “vu vạ” man rợ như thời trung cổ: Chặt tay, nhấn nước, đốt hoặc đập phá nhà, bỏ lồng trôi sông… Những người mê muội còn “cãi cố” rằng “Vậy còn là “nhẹ nhàng” đấy. Ngày xưa gia đình nào có người ốm mà nghi là bị bỏ độc còn phải khiêng nhà sàn đi nơi khác ở, nhờ thầy “Pà Dâu” cúng sau đó phải giết người “bỏ thuốc độc” để cứu tính mạng mình”. Thực tế cho thấy nhiều vụ nghi cầm đồ thuốc độ đều có nguyên do xuất phát từ các buổi lễ, sinh hoạt chung của làng và “rượu vào, lời nhảm ra” dẫn đến bi kịch. Trong một đám tang vào tháng 4/2002, ở Thôn 4 xã An Quang, vì uống quá nhiều rượu nên trong cơn say một bà lão tự cho rằng “Tao có thuốc độc chơi”. Tình cờ một thời gian sau trong thôn có hai người bị ốm liên tiếp rồi qua đời vì bạo bệnh, cũng từ đây bùng phát lên trong thôn mối nghi ngờ “mụ ấy” bỏ thuốc độc trong dân làng. Sợ hãi bị dân làng giết chết nên bà lão này phải bỏ làng đi nơi khác sinh sống, nay không rõ còn sống hay đã chết. Cũng có những vụ án “cầm đồ thuốc độc” liên quan đến các đối tượng thầy “Pà Dâu” (thầy cúng” xúi giục đồng bào. Điển hình là trường hợp thầy “Pà Dâu” Đinh Văn Số bỗng dưng cho rằng bà lão Đinh Thị Doa (76 tuổi, ngụ xã An Dũng, là “ma cầm đồ thuốc độc”. Kết quả là nạn nhân đã bị đám đông đánh gãy tay, dùng lá dừa khô chất quanh người rồi châm lửa đốt cho đến khi thịt da cháy khét ngất xỉu vì đau đớn. Sau đó, dã man hơn mọi người còn tập trung lại tra tấn bà như thời trung cổ, trói bỏ vào trong bao tải dìm xuống sông nhưng may mắn được cứu thoát vì chính quyền can thiệp kịp thời. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, từ năm 2000 đến nay đã có gần 10 vụ án mạng xảy ra vì quan niệm mê tín “cầm đồ thuốc độc”, tập trung nhiều nhất ở các xã An Trung, An Vinh, An Hưng, An Nghĩa. Đa số trong các vụ người gây án không chỉ có một người mà có đến hàng chục người, có khi cả làng cùng tham gia, đặc biệt có cả Đảng viên có chức có quyền trong làng xã. Họ mang gậy gộc, vũ khí, dao, rựa đến “tự xử” người bị nghi “con ma thuốc độc” đã hãm hại cuộc sống của người làng. Bên cạnh đó, cũng có những vụ việc “ếch chết tại miệng” khi một số người muốn “thể hiện dũng cảm, bản lĩnh hơn người” dọa dẫm người khác nên lượm gạo cúng cơm của đám tang để nhai; ăn cơm cúng trên đầu người chết; nhặt đồ tùy táng… Những người dại dột muốn “thể hiện” này thường bị dân làng bủa vây đòi “xử” vì cho rằng đây là “tay sai của quỷ dữ”, “phải diệt trừ con ma thuốc độc” và “oai” đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng đã từng có người bị đuổi khỏi bản làng, phải sống cô độc chui rúc một mình giữa rừng sâu.Mang “án tử” vì… “chõ mũi” vào chuyện người khác Những ngày lưu lại vùng cao này tìm tư liệu phục vụ bài viết, có những lúc khách đến thăm chợt cay đắng nhận ra sự thật là đôi khi mạng người ở đây bị những đối tượng mê muội coi rẻ. Có thể chỉ vì một câu nói, hoặc thậm chí từ một hành động tốt mà người ta bỗng phải nhận “án tử” chực chờ. Vụ việc của bà lão Đinh Thị Dô (ngụ xã An Trung) là một ví dụ. Căn nhà của bà Dô, người bị nghi “cầm đồ thuốc độc” người hàng xóm nay đã thành căn nhà hoang. Những cánh cửa sổ, cửa chính của ngôi nhà cấp 4 bị đập bể hết kính, những khung sắt cong queo được che lại bằng một vài tờ báo dán tạm bợ; cây dại mọc hoang trước hiên nhà chứng tỏ chủ nhân đã bỏ đi từ lâu; ngôi nhà hoang trống trải vắng bóng người hiu hắt trong ánh nắng xế chiều. Cách đây gần một năm, chiều ngày 26/2/2011, khi người hàng xóm uống rượu say về đánh vợ, thấy chị vợ bị chồng đánh tàn bạo đến chảy máu đầu nên bà lão uất ức chạy ra can ngăn: “Tại sao mày có ăn học mà lại đánh vợ như vậy”. Bị người hàng xóm vũ phu xô ngã xuống đất, bà lão cũng tỏ ra không phải “tay vừa” khi hô hoán: “Nó đánh vợ chảy máu, làng nước đến can ngăn đi”. Sự việc tưởng chừng sẽ chấm dứt ở đây khi vợ chồng vài ngày rồi lại làm lành, hàng xóm láng giềng một thời gian lại “tắt lửa tối đèn”. Thế nhưng hậu quả thì không đơn giản như vậy, hơn một tuần sau đó, khi người chồng trở lại làm việc tại một trường đại học ở Đà Nẵng bỗng xuất hiện triệu chứng đau tức ngực, thở không ra hơi, nói không ra tiếng. Dù khi đến bệnh viện, bác sĩ đã khẳng định anh bị bệnh lao và gan, những căn bệnh này đã ủ lâu ngày trong người, nay mới bùng phát. Người làng thì không nghĩ vậy mà nhất quyết cho rằng bà lão Dô đã “Cầm đồ thuốc độc” trả thù người dám xô ngã mình. Nửa đêm họ đến nhà bà Dô đập phá, ném vỡ cửa kính và yêu cầu “giải độc cho con tao”. Bị oan ức, nạn nhân tìm đến chính quyền nhờ can thiệp với lời trần tình: “Bản thân tôi không có thuốc độc, nếu có đánh chết thì tôi cũng không biết làm sao”. Mặc dù được chính quyền giải thích nhưng người nhà anh hàng xóm vẫn khăng khăng ngông cuồng: “Sự việc này không có cấp, ngành nào giải quyết được”. Bà lão có nhà cửa đàng hoàng nhưng bỗng thành đối tượng “vô gia cư” khi không dám về nhà vì sợ bị giết, ban đêm bà ngủ nhờ nhà những người quen, ban ngày đi làm thuê kiếm ăn. Không  may hơn nữa khi gần hai tháng sau ngày xảy ra việc bà “chõ mũi vào việc người khác” thì anh hàng xóm qua đời vì bệnh gan, những kẻ mê muội càng có cớ cho rằng bà chính là “con ma đội lốt người sống” và ráo riết “truy nã” bà. Đến lúc này thì chính quyền cũng bó tay, khuyên bà không nên về nhà trong thời gian này để bảo vệ tính mạng của bản thân cũng như trật tự ở địa phương vì chẳng lẽ lúc nào cũng phải cử một đội cảnh sát theo bà “hộ tống”? Đến nay, đã hơn nửa năm trôi qua, bà lão vẫn đi làm thuê ở huyện khác “rày đây mai đó” không dám đặt chân về làng. Khó khăn chồng chất khó khăn lên vai một phụ nữ tốt bụng chỉ vì “làm ơn mà mắc oán”.Chính quyền bối rối
Các cán bộ công an giải thích để đồng bào dân tộc hiểu không có chuyện "cầm đồ thuốc độc".
Các cán bộ công an giải thích để đồng bào dân tộc hiểu không có chuyện "cầm đồ thuốc độc".
Đáng buồn hơn ở chỗ người ta nhận thấy có những bản làng khá nhiều người mang quan niệm mê muội này nên cơ quan chức năng khi vào cuộc thì gặp phải sự “kháng cự tập thể”. Vụ án một cán bộ Hạt bảo dưỡng đường bộ huyện bị đánh chết năm 2006 là một ví dụ. Chuyện xảy ra khi trong một đám cưới, một người rượu say và nói nhảm: “Ơ chúng mày, dạo này thằng đó nó nói khác với người làng mình, nó làm khác với người làng mình, hay nó là đứa cầm đồ thuốc độc?”. Chỉ một câu nói ngớ ngẩn như vậy đã thành chủ đề bàn tán của mọi người nên người anh vợ của nạn nhân đã hại chết em với “tuyên ngôn” : “Nó là đứa xấu. Tao đâm nó để nó không hại người làng nữa”. Chính quyền địa phương khi có mặt để xử lý vụ việc đã không khỏi lúng túng vì khi đó cả làng bênh “sát thủ”, cho rằng anh ta “đại diện ý nguyện của làng” nên “nếu công an xử nó đi tù thì cả làng đều đi”. Họ không nói đùa, mà lục đục chuẩn bị kéo trâu bò, thóc gạo để… đi tù thật. Thượng tá Nguyễn Duy Ánh, Phó trưởng Công an huyện An Lão cho biết: “Tất cả các vụ án đều xuất phát từ những nghi ngờ không có cơ sở khoa học, chỉ theo phong tục lạc hậu và sự xúi giục của một số đối tượng quá khích dẫn đến có những hành động vi phạm pháp luật. Trước đây bệnh nhân ốm chỉ biết để ở nhà, uống rễ cây chết, rồi bắt tội người khác cho là cầm đồ thuốc độc. Chính quyền đã thực hiện tuyên truyền, nếu đau ốm phải đến bệnh viện để xác định mức độ bệnh tật mà điều trị; không được tham gia tụ tập nghị kị lẫn nhau”. Cũng theo thượng tá Ánh, quan niệm sợ cái gọi là “cầm đồ thuốc độc” đã ăn sâu vào thiềm thức một số người H’rê nên chỉ cần một nhúm tóc và giẻ rách cũng có thể là nguyên nhân gây nên một vụ nghi kị với hàng chục người tham gia. Nếu xảy ra các vụ nhỏ, ít người tham gia thì xã trực tiếp xử lý, những vụ lớn thì huyện phải vào cuộc để ngăn chặn. Tệ nạn này âm ỉ tồn tại trong cuộc sống của người dân nên mỗi lần phát sinh phải giải quyết từng vụ việc ổn thỏa để ngăn chặn kịp thời, nếu không hậu quả sẽ khó lường được. Ông Đinh Văn Nam, Bí thư Huyện ủy An Lão cho biết: “Hủ tục này tiềm ẩn từ nhiều đời này nên để “dẹp loạn” ngay thì rất khó mà phải thực hiện từng bước”. Theo vị Bí thư này, công an huyện An Lão đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án “ Ngăn chặn tệ nạn cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc thiểu số” triển khai từ năm 2001-2011 và hiệu quả thực hiện cho thấy đã bước đầu giảm thiểu số lượng vũ án liên quan. Chia tay huyện miền núi An Lão chúng tôi vẫn nhớ mãi những khuôn mặt khắc khổ, những ánh mắt dò xét thấp thoáng sau những cánh cửa khi chúng tôi đến nhà những nạn nhân của quan niệm mê muội. Lại nhớ đến trăn trở của một cán bộ công an huyện: “Đến nay, biện pháp mà các cơ quan chức năng áp dụng để giải quyết các vụ nghi kị cầm đồ thuốc độc vẫn chỉ là kiểm điểm, vận động, hòa giải, ăn thề theo phong tục của người H’rê. Nên chăng cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học như xã hội học, tâm lý học… nghiên cứu trên phương diện xã hội, tín ngưỡng, văn hóa bản địa… để tìm ra căn nguyên và có biện pháp ngăn chặn tiến tới triệt tiêu hủ tục này”?
Những án mạng vì lý do “trời ơi”

Trong đám tang của ông Đinh Văn Thức (Tổ 9, An Hưng) qua đời vì bệnh nặng, bà Đinh Thị Gây là người cùng thôn đĩu con nhỏ, gùi theo một ché rượu trắng đến viếng. Lúc này, em trai người chết từ dưới suối trở về chỉ vào mặt người phụ nữ nói: “Mày tới đây làm gì? Chính mày đã trù úm anh tao chết nên tao phải giết mày”, rồi không kịp cho “đương sự” có một lời giải thích, đối tượng này đã vác dao hạ sát người phụ nữ vô tội đến chết.

Một vụ án khác xảy ra tại xã An Quang, trong tiệc tổ chức ăn mừng lúa rẫy của nhà em gái, bà Đinh Thị Gây đến đòi uống rượu mừng nhưng vợ chồng người em không còn đồ uống. Tức giận vì bị “phân biệt đối xử” nên người chị hăm dọa: “Vợ chồng mày chết đi, tao sẽ cho làng này một con bò to, mười lít rượu ngon để uống”. Vin câu nói dỗi hờn đó nên sau đó vài ngày, khi cô em gái của Gây bỗng dưng đau bụng có thể vì bị… Tào tháo rượt nhưng cả làng nhất quyết cho rằng chính bà Gây cầm đồ thuốc độc. bà Gây được công an cứu kịp thời khi cả làng lao đến hung hãn đòi xử “phù thủy”.

Theo thống kê của Công an huyện An Lão (Bình Định), từ năm 1990 đến nay, hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra các vụ nghi cầm đồ thuốc độc. Trong thời gian 1990-1999 có 38 người bị nghi; 7/9 xã trong huyện có xảy ra nghi, nhiều nhất là xã An Trung (10 người bị nghi), An Hưng (9 người), An Quang (9 người)… Trong 38 người bị nghi nói trên, có 28 nam, 10 nữ; 5 người đã chết, 1 người đi khỏi địa phương. Hiện còn sống lại địa phương 32 người, trong đó có người cao tuổi nhất 90 tuổi, trẻ nhất 25 tuổi; 26 người là dân thường, 6 người là cán bộ đảng viên; có người bị nghi đi nghi lại nhiều lần.

Theo sách Văn hóa các dân tốc thiểu số Bình Định (NXB Thuận Hóa – 2000), người H’rê có số lượng người tương đối đông, xếp thứ 19 về mặt dân số trong danh mục thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Người H’rê chủ yếu sống ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, người H’rê có mặt ở 4 địa phương: Quảng Ngãi (trên 90.000 người), Bình Định (trên 7.000 người), Gia Lai (trên 400) và Thuận Hải (trên 100). So với các dân tộc khác ở Việt Nam, quá trình cố kết tộc người diễn ra ở người H’rê rất sớm và rất mạnh. Người H’rê coi miền Tây Bình Định và Tây Quảng Ngãi là vùng đất mà tổ tiên họ đã khai phá từ xưa. Bên cạnh việc canh tác nương rẫy, từ rất sớm người H’rê đã biết canh tác lúa nước theo phương pháp “dẫn thủy nhập điền”. Trong các tiểu gia đình, tính phụ hệ được thể hiện rất rõ qua vai trò quan trọng của người đàn ông, còn vị thế của người phụ nữ trong xã hội rất thấp.
Pháp luật và Thời đại