Huyện Trần Văn Thời không dừng hợp đồng 52 thầy cô

10/01/2019 06:07
Phương Linh
(GDVN) - Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào cuộc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã tạm ngưng chấm dứt hợp đồng lao động với 52 nhân sự công tác trong ngành giáo dục.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin của thầy Phạm Trọng Nghĩa, giáo viên Trường tiểu học 3 Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau phản ánh cho biết, mình và 51 giáo viên, nhân viên hợp đồng của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện vừa nhận được thông tin bị ngưng việc làm từ đầu tháng 1/2019.

52 nhân sự công tác trong ngành giáo dục bị ngưng việc

Theo thông tin do thầy Nghĩa cung cấp, thầy và số giáo viên, nhân viên này đã công tác nhiều năm trong ngành giáo dục.

Bản thân thầy Nghĩa là giáo viên dạy giỏi cấp trường, thậm chí có giáo viên nằm trong danh sách này còn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Bản thân thầy Phạm Trọng Nghĩa là giáo viên Tin học, các năm gần đây đều là lao động tiên tiến.

Khi cắt hợp đồng, ngưng việc của thầy Nghĩa, thì Trường tiểu học 3 Khánh Bình Tây Bắc không còn giáo viên dạy Tin học.

Thầy Phạm Trọng Nghĩa nói rằng, nhà trường nói với thầy là Phòng Giáo dục sẽ mời thỉnh giảng giáo viên ở bên ngoài, còn hiện phòng máy của trường đang để không ai dùng.

Cùng lúc, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có được văn bản 1776, do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau – ông Trần Hùng Dũng ký ngày 28/12/2018, trình xin chủ trương Ủy ban nhân dân huyện về việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường tiểu học 3 Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (ảnh: otosaigon.com)
Trường tiểu học 3 Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (ảnh: otosaigon.com)

Căn cứ theo thông tin của tờ trình này, toàn huyện có 863 lớp cấp tiểu học, trung học cơ sở, với 91 nhân sự hợp đồng, 1804 nhân sự đang trong biên chế.

Tổng số lớp học đã giảm trong năm nay so với năm học trước là 163 lớp, điểm lẻ đã xóa là 31 điểm.

Do vậy, đã dẫn đến việc thừa giáo viên, nhân viên hợp đồng.

Cụ thể: cấp tiểu học có 52 nhân sự thừa, trong đó có 5 người được hợp đồng lại (cả vợ chồng cùng hợp đồng).

Như vậy, còn 47 người thuộc diện dư cần chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng có 20 nhân sự thuộc diện đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nên chỉ có 27 người là cần chấm dứt hợp đồng.

Cấp trung học cơ sở: Có 39 nhân sự thuộc diện hợp đồng, trong đó có 2 người thuộc diện hộ cận nghèo, vợ chồng cùng hợp đồng.

Như vậy, còn 37 người thuộc diện cần chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng có 12 người thuộc diện đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Vậy là còn 25 người đủ điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động.

Thời điểm xin chủ trương chấm dứt hợp đồng lao động, là từ ngày 2/1/2019.

Thầy Phạm Trọng Nghĩa cung cấp, dự kiến, ngày 10/1/2019, 52 nhân sự này sẽ lên huyện để nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

Được biết, đây là chủ trương của tỉnh Cà Mau trong việc rà soát, sắp xếp lại các trường, lớp, giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Trọng Nghĩa nói rằng, khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, số nhân sự này dù đã công tác lâu năm trong ngành, nhưng cũng không được hỗ trợ gì cả, ngoài việc được nhận bảo hiểm thất nghiệp, khiến cho họ cảm thấy rất buồn và bức xúc.

Tạm ngưng việc chấm dứt hợp đồng lao động

Ngày 9/1/2019, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Hồng Quân – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau (phụ trách văn xã) cho biết, sắp xếp lại trường, lớp, giáo viên theo chủ trương là chủ trương của tỉnh, ổn và cũng không nghe có vấn đề gì xảy ra.

Cắt hợp đồng có rất nhiều loại, thỏa thuận, nghỉ hưu, chuyển sang qua dạy mẫu giáo…

Tỉnh không nắm kỹ, do dưới huyện chỉ báo cáo chung thôi chứ không nói cụ thể. Hiện huyện không thấy báo cáo chi tiết việc này, cũng không có giáo viên, nhân viên nào phản ánh lên, nên cũng không nắm rõ.

Còn ông Võ Quốc Thống – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời cho biết, đây là chủ trương của tỉnh, hiện huyện Trần Văn Thời đang trong quá trình tiến hành rà soát.

Theo ông Võ Quốc Thống, đây là số nhân sự thừa, dạng hợp đồng, không thể sắp xếp vào bất cứ trường nào cả, nên mới làm như vậy, không còn cách nào khác.

Số nhân sự hợp đồng bị cắt, ai đủ điều kiện xét đặc cách thì đưa vào kế hoạch, nếu có thêm biên chế nữa thì thi tuyển viên chức, thì tuyển lại theo nhu cầu. Huyện chỉ thiếu chủ yếu là khối mầm non, giáo viên tiếng Anh và tin học.

Đối với số giáo viên đang dạy hai môn này, nếu trước đây dạng hợp đồng, thì hiện huyện đang xin chủ trương của tỉnh, tiếp tục hợp đồng lại 22 giáo viên tiếng Anh, Tin học. Hiện tỉnh Cà Mau cũng đã cho chủ trương chung.

Tuy nhiên, chỉ sau ít phút, ông Võ Quốc Thống đã chủ động thông tin lại cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, do tình hình còn gặp nhiều khó khăn, sau khi xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh, huyện Trần Văn Thời sẽ tạm thời ngưng việc chấm dứt hợp đồng lao động với 52 nhân sự này.

Phương Linh