Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên:

'Kẻ lười biếng' và cách nhanh nhất để Bộ Giáo dục lấy lại niềm tin

27/04/2013 06:20
Quyên Quyên
(GDVN) - Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nên chủ động đối thoại với "Kẻ lười biếng" và cuộc đối thoại đó nên được ghi hình lại và phát chiếu cho mọi người xem...
Trong clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng”, trước ý kiến trái chiều từ phía dư luận, Nhà phê bình (NPB) Phạm Xuân Nguyên cho biết: Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phát biểu trên báo Vietnamnet: "Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu tốt hơn em có thể viết thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bộ luôn sẵn sàng lắng nghe và phúc đáp. Em cũng có thể trao đổi với giáo viên để có cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn”. 
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Tại sao lại cứ phải xin phép? Tại sao cứ phải viết thư lên? Chính lối tư duy kiểu đó là đối tượng clip này nói đến. Chính lối tư duy làm giáo dục như thế mới đẻ ra nền giáo dục tệ hại như thế này. Mà em học sinh có viết thư thì được gì? Thử hỏi hai bức thư của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, gửi cho ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo về tiền trợ cấp cho học sinh miền núi có được hồi âm đâu, ngay cả khi thư đã được công khai trên mạng”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên xem clip này và mời em học sinh đó đối thoại thẳng thắn, công khai, không phải với tư cách thầy trò mà là những người bình đẳng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên xem clip này và mời em học sinh đó đối thoại thẳng thắn, công khai, không phải với tư cách thầy trò mà là những người bình đẳng. 
NPB Phạm Xuân Nguyên đã chỉ ra thực tế: Tại nước Mỹ, khi có học sinh viết thư cho tổng thống, người đứng đầu Nhà Trắng đã mời em đối thoại. Học sinh ở đây không phải nói với tư cách là một học trò mà là một chủ thể. Đối chiếu với nền giáo dục Việt Nam, NPB Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh: “Trong nền giáo dục hiện nay đôi lúc chúng ta quên đi chủ thể, chúng ta nhìn học sinh là người ở dưới, người chịu sự quản lý, chi phối mà không nhìn họ như một con người, đối xử với họ như con người”.
Chính vì vậy, NPB Phạm Xuân Nguyên đưa ra một gợi ý: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên xem clip này và mời em học sinh đó đối thoại thẳng thắn, công khai, không phải với tư cách thầy trò mà là những người bình đẳng. Học sinh trong clip đã 18 tuổi, là con người độc lập, chịu trách nhiệm với những điều mình suy nghĩ, sẽ sẵn sàng chấp nhận những phản biện, những ý kiến trao đổi lại. 
NPB Phạm Xuân Nguyên tin rằng: Bằng vào những điều đã nghe và thấy trong clip, em học sinh có đủ năng lực suy nghĩ, biện luận, tranh luận cùng người đứng đầu ngành giáo dục, và cuộc đối thoại sẽ thú vị, hấp dẫn. 
Theo NPB Phạm Xuân Nguyên, cuộc đối thoại đó nên được ghi hình lại và phát chiếu cho mọi người xem, như thế sẽ rất bổ ích. 
“Bộ Giáo dục nắm trong tay một đội ngũ hùng hậu hãy thử làm một clip phản lại clip này xem sao. Bộ trưởng cũng đừng nói chung chung, cái gì cũng đúng mà không đúng cái gì cả, hãy nên nói thẳng”, đó là những điều NPB Phạm Xuân Nguyên mong muốn.
Theo NPB Phạm Xuân Nguyên, làm được điều này sẽ có tác dụng tích cực trong giáo dục. Đó là cách nhanh và hiệu quả nhất để đông đảo các thầy cô và học sinh trên cả nước sẽ có lại lòng tin vào những người làm giáo dục từ cấp cao nhất của ngành, sẽ thấy được chia sẻ và tin tưởng, sẽ hiểu thêm nhiều khó khăn, thách thức của nghề, từ đó sẽ có thêm sức mạnh và nghị lực để cùng lãnh đạo Bộ và đồng nghiệp tận tâm hơn với công việc trồng người. Cơ quan Bộ và Bộ trưởng bỏ qua việc này là có lỗi với học sinh và để mất một cơ hội cải tiến giáo dục.

Điều khiến NPB Phạm Xuân Nguyên thích trong clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” là phát biểu của học sinh không sa vào vụ việc vụn vặt mà mang tính khái quát chung cho học trò trong 12 năm đi học (học trò từ Mù Cang Chải đến Cà Mau cũng đều như thế).

NPB Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Em đã làm clip rất nghiêm túc, từ lời nói, trang phục đến hình ảnh minh họa trực quan. Điều này chứng tỏ em đã có quá trình suy ngẫm và thực hiện ý định của mình rất tốt”.

Từ đây, NPB Phạm Xuân Nguyên cho rằng: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cảm ơn thời đại Internet đã chia sẻ clip này tới tất cả mọi người. Bản thân clip này đã là một gợi ý cho việc làm thế nào để phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong nhà trường. Trong giáo dục có thể nhân rộng việc làm clip chiếu cho học trò xem, sẽ có tác dụng lớn. Tôi nhận thấy đã có nhiều nhà giáo dục đồng tình cùng em.

Thông qua clip này, NPB Phạm Xuân Nguyên muốn nhắn nhủ tới các học sinh khác: “Từ trường hợp này các em cũng phải có một lộ trình riêng biệt. Cách giáo dục của nhà trường làm các em thụ động nhưng các em không được bị động. Các em phải bản lĩnh, tôi tin rằng không chỉ có mình cậu học sinh nghĩ và nói được như trong clip. Tôi tin rằng học sinh thời nay có trí lực, các em được sống ở một thời đại thông tin, một thời đại nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho các em, tạo điều kiện cho các em nói. Điều quan trọng là các em có muốn nói và có dám nói không?”
Bạn đọc gửi ý kiến phản hồi, bình luận, xin mời BẤM VÀO ĐÂY. Trân trọng cảm ơn!
Quyên Quyên