Kết luận của thanh tra Chính phủ về vụ Vinashin

03/06/2011 11:16
Thanh tra Chính phủ đề nghị chuyển cơ quan điều tra bảy vụ việc xảy ra tại Vinashin.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP) sau khi thanh tra tại tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã phát hiện một số vấn đề mới, mà trước đây chưa được làm rõ tại Vinashin và các đơn vị thành viên của tập đoàn này. TTCP đề nghị chuyển cơ quan điều tra bảy vụ việc.

Kết quả thanh tra cho thấy, giá trị tài sản và nguồn vốn của tập đoàn này tính đến 31.12.2009 là 102.536 tỉ đồng; nếu loại trừ công nợ nội bộ theo kết quả đối chiếu, xác nhận của tập đoàn, con số này giảm còn 92.575 tỉ đồng. Số nợ phải trả tính đến hết năm 2009 còn 86.745,43 tỉ đồng.

Lỗ thật và lỗ tiềm tàng

TTCP đã xác định, mặc dù kết quả báo cáo tài chính của Vinashin cho thấy năm 2009, tập đoàn này lỗ 1.682,5 tỉ đồng nhưng số lỗ thực chất là 4.985 tỉ đồng, tăng thêm hơn 3.302 tỉ đồng so với báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Trong đó, có khoản lỗ 848 tỉ đồng do chi phí chưa phân bổ hết đối với những hợp đồng đóng tàu đã hoàn thành, bàn giao cho chủ tàu là 114 tỉ đồng, chi phí phải trả cho các công ty quản lý tàu chưa ghi nhận là 57 tỉ đồng; chi phí khấu hao tài sản cố định với những tài sản đã đưa vào sử dụng nhưng tập đoàn chưa trích theo quy định là 527 tỉ đồng; các khoản chi phí trả trước dài hạn chưa phân bổ là 151 tỉ đồng. Một khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc đánh giá lại các tài sản và nợ phải trả dài hạn bằng tiền, có gốc ngoại tệ tại thời điểm 31.12.2009 là 2.455 tỉ đồng.

Một lưu ý của TTCP được nêu là có một số khoản mặc dù chưa ghi nhận là lỗ nhưng Vinashin cần đặc biệt lưu ý kiểm toán “khả năng lỗ tiềm tàng, rất hiện thực” ở các khoản: 2.787 tỉ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của những hợp đồng đóng tàu bị huỷ; chênh lệch các khoản phải thu nội bộ nhưng không xác định được đối tượng phải thu là 4.688,09 tỉ đồng; 1.035 tỉ đồng bị phạt và trả lãi tiền đặt cọc cho các chủ tàu do Vinashin vi phạm hợp đồng.

Trách nhiệm cá nhân

Lý giải cho những nguyên nhân thua lỗ, nợ nần chất chồng của Vinashin, cơ bản, TTCP cho rằng yếu tố khách quan như khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới; mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước còn đang thí điểm, cơ chế quản lý chưa rõ, chưa đồng bộ… có nguyên nhân chủ quan do việc thiếu điều lệ tổ chức hoạt động; quy chế quản lý tài chính không chặt chẽ. Thanh tra cũng nhấn mạnh đến nguyên nhân lãnh đạo tập đoàn, hội đồng quản trị (HĐQT) có khuyết điểm, sai phạm, mở rộng quá nhanh khối công ty con, có sai phạm trong huy động, quản lý và sử dụng vốn.

TTCP cho rằng, một số cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở trung ương chưa thực hiện tốt và hiệu quả việc giám sát, kiểm tra và đánh giá đúng, kịp thời về công tác tổ chức, cán bộ và tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện chiến lược phát triển của tập đoàn theo nghị quyết của Đảng về thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế.

TTCP cho rằng, ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc Vinashin đã bị khởi tố, tạm giam) cùng các thành viên HĐQT của tập đoàn này thời kỳ 2006 – 30.6.2010 phải chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, sai phạm trong quản lý. Ông Phạm Thanh Bình còn được cho là có trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; sử dụng nguồn vay lại trái phiếu quốc tế của Chính phủ mua lại nợ từ ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam trong đó có nhiều khoản nợ xấu; việc chuyển nhượng cổ phần ở ngân hàng Nhà ở Hà Nội… và một loạt vụ việc khác.

Thanh tra nêu cụ thể tên cả những cá nhân trong HĐQT Vinashin như ông Trần Quang Vũ (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc thanh lý tàu Bạch Đằng Giang, thua lỗ lớn tại tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu.

Một số tổng giám đốc tài chính, tổng giám đốc kinh doanh, đầu tư và các trưởng ban của Vinashin trong giai đoạn này cũng bị TTCP cho là đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng về tài chính, kế toán, về đầu tư. Trong đó có ông Hồ Ngọc Tùng, tổng giám đốc tài chính, uỷ viên HĐQT, trưởng ban kiểm soát của tập đoàn; ông Nguyễn Quốc Ánh, tổng giám đốc kinh doanh; ông Lê Lộc, tổng giám đốc đầu tư, ông Đỗ Văn Phệch, kế toán trưởng, trưởng ban tài chính – kế toán; các ông trưởng ban kế hoạch – đầu tư qua các thời kỳ: Nguyễn Hữu Ngọc, Lê Anh Tuấn. Bà Phạm Thu Hằng (người nhà ông Phạm Thanh Bình), trưởng ban kinh doanh – đối ngoại của Vinashin cũng được nêu tên.

Ngoài việc kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm như đã nêu, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinashin phối hợp với tập đoàn Dầu khí, tổng công ty Hàng hải Việt Nam triển khai thu hồi lại số tiền hơn 615,65 tỉ đồng đã chi sai tại các đơn vị thành viên; rà soát giảm trừ số tiền trên 138,3 tỉ đồng khi nghiệm thu, quyết toán tại một số dự án, gói thầu; điều chỉnh lại dự toán một số gói thầu, dự án, điều chỉnh, hạch toán kế toán và kế hoạch sản xuất kinh doanh…
 

Bảy vụ việc TTCP chuyển Công an điều tra, xử lý:

1. Vụ cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc dùng 1.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế để mua nợ của BIDV trong đó có nhiều khoản nợ xấu.

2. Vụ việc thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái trong dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất giai đoạn 1 gây thiệt hại 59 tỉ đồng tiền thuế nộp thay cho nhà thầu nước ngoài, thiệt hại do không phạt nhà thầu nước ngoài về lỗi vi phạm hợp đồng.

3. Vụ thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu tham nhũng trong việc chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng Nhà Hà Nội.

4. Vụ việc cố ý làm trái quy định quản lý nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ công ty cổ phần Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh.

5. Vụ cố ý làm trái các quy định nhà nước về đầu tư xây dựng, sử dụng vốn vay 300 tỉ đồng của Vinashin sai mục đích dẫn đến nợ quá hạn, có khả năng mất vốn của ông Nguyễn Tấn Dương, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư Cửu Long (ông Dương đã bị tạm giam do liên quan đến vụ đầu tư nhà máy nhiệt điện Sông Hồng).

6. Vụ làm trái quy định nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính và trong bố trí nhân sự gây thất thoát, lãng phí lớn tại dự án khu công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu.

7. Vụ việc sai phạm trong đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng tại công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân.


Nhóm PV chính trị