Khả năng săn ngầm của Nhật Bản vô đối ở châu Á, TQ không phải đối thủ

16/06/2014 15:28
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản cho rằng, sự lựa chọn tốt nhất ứng phó với tàu ngầm Trung Quốc của Nhật Bản chính là phát triển tàu ngầm tính năng cao.

Về mối đe dọa từ Trung Quốc xuất phát từ những vụ việc mà Bắc Kinh gây ra tại khu vực châu Á thời gian gần đây, Nhật Bản cho rằng, sự lựa chọn tốt nhất ứng phó với tàu ngầm Trung Quốc của Nhật Bản chính là phát triển tàu ngầm tính năng cao, bênh cạnh đó là xây dựng hệ thống săn ngầm hoàn bị, liên kết các quốc gia trong khu vực.

Vì thế, năm 2010, hội nghị nội các Nhật Bản đã thông qua "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới, đã đưa ra khái niệm mới "lực lượng phòng vệ động thái" và "chuyển hướng tây nam". Trong đó, mục đích gây chú ý nhất là số lượng tàu ngầm tăng từ 16 chiếc lên 22 chiếc. 

Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng chiến lược này, quy mô binh lực của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản mặc dù lớn, nhưng lại chỉ đứng sau quân đội Mỹ về khả năng tác chiến săn ngầm, đứng thứ hai thế giới.

Hiện nay, hệ thống chống tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển chủ yếu được tạo thành từ "hạm đội 8-8", "cơ chế 100 máy bay" P-3C và lực lượng tàu ngầm.

Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Atago Nhật Bản
Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Atago Nhật Bản
"Hạm đội 8-8" là hình thức tổ chức của tàu chiến mặt nước Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tức là 8 tàu khu trục và 8 máy bay trực thăng tạo thành biên đội tàu chiến mặt nước.

Giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, Nhật Bản đã xây dựng thành công "hạm đội 8-8" đầu tiên. Tháng 8 năm 1986, "hạm đội 8-8" lần đầu tiên tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương đã gây kinh ngạc bằng biểu hiện "làm cho tàu ngầm đối phương hầu như không có".

Trong thành viên của "hạm đội 8-8", tàu chỉ huy là tàu khu trục trực thăng có khả năng săn ngầm rất mạnh. Tất cả 8 tàu khu trục đều trang bị thiết bị định vị thủy âm ở vỏ tàu hoặc thiết bị thủy âm gắn trên cáp kéo hoặc thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu khác nhau, 8 máy bay trực thăng săn ngầm cũng đều trang bị dipping sonar, thiết bị dò từ tính, radar máy bay và phao định vị thủy âm (phao sonar). Có thể nói, “hạm đội 8-8” chính là một hạm đội tàu chiến mặt nước lấy săn ngầm làm cốt lõi.

Hiện nay, lực lượng tàu chiến mặt nước của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản do 4 “hạm đội 8-8” cấu thành, các tàu chủ lực của chúng là tàu khu trục lớp Kongo và lớp Atago, hai lớp tàu này đều thuộc tàu Aegis có tính năng tiên tiến.

Đặc biệt là tàu lớp Atago có thể mang theo 2 máy bay trực thăng săn ngầm, bán kính phạm vi phòng thủ săn ngầm có thể đạt 200 km, có khả năng săn ngầm mạnh hơn.

“Thể chế trăm máy bay” P-3C là chỉ cụm máy bay tuần tra săn ngầm P-3C trên trăm chiếc, đây là lực lượng cốt cán săn ngầm trên không của Nhật Bản.

Tàu khu trục Aegis lớp Kongo Nhật Bản
Tàu khu trục Aegis lớp Kongo Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định P-3C có căn cứ trên bờ, hành trình có thể đạt 7.410 km, trên máy bay trang bị thiết bị dò tìm tàu ngầm tiên tiến, gồm có máy thu thiết bị định vị thủy âm, máy chỉ thị phao sonar, dụng cụ dò tìm từ tính lạ, đồng thời còn trang bị các vũ khí tấn công tàu ngầm như bom phá tàu ngầm, thủy lôi và ngư lôi.

Để bảo đảm cho cụm máy bay săn ngầm khổng lồ tác chiến, chuỗi đảo duyên hải Nhật Bản xây dựng thành rất nhiều căn cứ máy bay săn ngầm phía trước cùng các cơ sở phụ trợ nhằm tăng bán kính tác chiến cho máy bay, nâng cao tốc độ phản ứng tác chiến săn ngầm.

Hiện nay, Nhật Bản đã xây dựng căn cứ tuyến trước cho máy bay săn ngầm ở đảo Hachijyo, đảo Iwo, đảo Minami; xây dựng căn cứ tuyến trước hoặc căn cứ máy bay săn ngầm tầm gần ở các khu vực như Okinawa, Saiki, Kanoya… ở chuỗi đảo tây nam.

Tháng 3 năm 2014, máy bay săn ngầm P-1 do Nhật Bản mới nghiên cứu chế tạo bàn giao, đưa vào sử dụng. Loại máy bay này có tính năng dò tìm tàu ngầm mạnh hơn, có thể dò tìm hiệu quả tàu ngầm ở trạng thái tĩnh.

So với máy bay P-3C hiện có, tốc độ lớn nhất của máy bay này đã nâng cao 20%, tốc độ tuần tra đã nâng cao 37%, có thể thực hiện tác chiến săn ngầm ở vùng biển có mối đe dọa.

Việc nâng cao hiệu quả tác chiến tổng thể của máy bay săn ngầm P-1 sẽ làm thay đổi sự lệ thuộc của máy bay săn ngầm P-3C hiện nay trong chiến đấu thực tế, điều quan trọng hơn là nó làm cho phạm vi săn ngầm của Nhật Bản từ vùng biển xung quanh Nhật Bản mở rộng đến toàn bộ khu vực Đông Á, từ đó có tính tấn công hơn.

Tàu ngầm lớp Oyashio của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu ngầm lớp Oyashio của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Lực lượng tàu ngầm là lực lượng cốt lõi săn ngầm dưới nước của Nhật Bản. Từ tàu ngầm lớp Harushio, lớp Oyashio đến lớp Soryu, trọng tải của tàu ngầm Nhật Bản ngày càng lớn, tốc độ lặn không ngừng tăng lớn, khả năng chạy liên tục dưới nước không ngừng nâng cao, hiệu quả chạy êm cũng ngày càng tốt.

Bắt đầu từ chiếc tàu ngầm lớp Oyashio thứ năm hạ thủy vào ngày 1 tháng 10 năm 2002, Nhật Bản mỗi năm hạ thủy một chiếc tàu ngầm mới và đưa vào hoạt động năm tiếp theo, từ đó đã duy trì sự dẫn trước về tính năng của tàu ngầm hiện có.

Đặc biệt là ngày 30 tháng 3 năm 2009, chiếc tàu ngầm lớp Soryu lắp hệ thống AIP đầu tiên hạ thủy đi vào hoạt động, lượng giãn nước của nó gần 4.200 tấn, khả năng chạy dưới nước liên tục đạt 3 tuần, được bên ngoài cho là “gần như tàu ngầm hạt nhân”.

Hiện nay, về cơ bản, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đổi mới theo phương thức “mỗi năm cho nghỉ hưu 1 tàu ngầm cũ, đưa vào hoạt động 1 tàu ngầm mới”. Vì vậy, 18 tàu ngầm hiện có chỉ là số lượng của lực lượng tuyến 1. Trong khi đó, tuổi thọ bình quân của những tàu ngầm đã nghỉ hưu chưa đến 7,5 năm, một bộ phận tương đối đưa vào kho niêm phong, bảo trì tốt. Một khi cần là có thể nhanh chóng khôi phục tham chiến.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Hơn nữa, tàu ngầm Nhật Bản do 2 nhà máy đóng tàu Kawasaki và Mitsubishi luân phiên hoàn thành, mỗi nhà máy đóng tàu có dây chuyền sản xuất độc lập. Một khi có nhu cầu, có thể sản xuất lượng lớn tàu ngầm trong thời gian ngắn. Có thể nói, Nhật Bản ẩn chứa một lực lượng săn ngầm dưới nước rất khả quan.

Chính dựa vào một lực lượng như vậy, khả năng tác chiến săn ngầm của Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới. Theo phân tích của chuyên gia, trong thời chiến Nhật Bản có thể triển khai 40 tàu chiến mặt nước, 60 máy bay tuần tra săn ngầm và hơn 10 tàu ngầm dùng để tiến hành tác chiến săn ngầm chuỗi đảo, quy mô và mật độ này có một không hai trên thế giới.

Nhật Bản hợp tác với nhiều nước tạo lập mạng lưới săn ngầm châu Á-Thái Bình Dương

Những năm gần đây, trên cơ sở tập trung tác chiến phong tỏa chuỗi đảo, Nhật Bản ngày càng coi trọng tăng cường tác chiến săn ngầm trước “nhiều loại tình hình và mối đe dọa mới”.

Đặc biệt là trên các phương diện như tình báo, huấn luyện và tác chiến, không ngừng tăng cường hợp tác săn ngầm quốc tế, tăng cường khả năng tác chiến săn ngầm hiệp đồng với đồng minh để tìm cách xây dựng được một mạng lưới săn ngầm dày đặc.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong một cuộc diễn tập săn ngầm
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong một cuộc diễn tập săn ngầm
Nguyên tư lệnh Hạm đội liên hợp Nhật Bản năm 2012 đã có bài viết trên tờ tạp chí “Tàu thuyền thế giới” cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cần nâng cao khả năng săn ngầm, cần xác lập và duy trì quan hệ đồng minh với những nước có quan niệm giá trị có thể chia sẻ “tự do sử dụng biển” và bảo vệ quan hệ hữu nghị với những nước có liên quan trên tuyến đường giao thông hàng hải.

Đối với vấn đề này, dưới sự phối hợp của chính sách ngoại giao liên quan, Nhật Bản không ngừng tăng cường giao lưu quân sự với Lực lượng Phòng vệ Biển với hải quân các nước ven tuyến đường hàng hải, thực thi các biện pháp như cùng huấn luyện, chia sẻ tình báo và chiến thuật săn ngầm, hình thành hệ thống hợp tác săn ngầm quốc tế.

Ngay từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã liên kết với các nước Nhật Bản, Australia triển khai tuyến theo dõi kéo dài hàng chục nghìn km ở khu vực Tây Thái Bình Dương, xuôi theo quần đảo Aleutian xuống quần đảo Chiba, rồi đi qua quần đảo Nhật Bản, kéo dài tới quần đảo Ryukyu.

Tuyến theo dõi này được xây dựng trên cơ sở hệ thống theo dõi âm thanh đáy biển, nó được hình thành bởi nhiều hệ thống thiết bị định vị thủy âm ở đáy biển, mỗi hệ thống có vài trăm máy nghe âm thanh dưới nước, khoảng cách dò tìm tàu ngầm tiếng ồn lớn có thể đạt 300 km, từ đó cung cấp thông tin săn ngầm cho các loại phương tiện săn ngầm.

Tàu khu trục Aegis USS Preble DDG 88 của Hải quân Mỹ
Tàu khu trục Aegis USS Preble DDG 88 của Hải quân Mỹ
Hệ thống nghe âm thanh dưới nước khổng lồ này trở thành nền tảng hợp tác tình báo triển khai hiệp đồng săn ngầm giữa Nhật Bản và đồng minh. Cho đến nay, chia sẻ tin tức tình báo săn ngầm đã từ mạng lưới theo dõi trinh sát cố định dưới biển mở rộng đến mạng lưới theo dõi cơ động vùng biển và mạng lưới theo dõi trinh sát vũ trụ, mức độ chia sẻ cũng đang không ngừng đi vào chiều sâu.

Tháng 6 năm 2013, hải quân ba nước Mỹ, Nhật Bản và Australia tổ chức diễn tập “Liên kết Thái Bình Dương 2013” ở khu vực xung quanh quần đảo Mariana, binh lực tham gia diễn tập gồm có tàu khu trục USS Preble và USS Chung-Hoon của Mỹ, tàu khu trục Murasame của Nhật Bản và tàu khu trục Adelaide của Australia. Đây đều là các trang bị chủ lực săn ngầm của hải quân ba nước này.

Trọng điểm diễn tập là tập kỹ chiến thuật dò tìm, theo dõi và tiêu diệt tàu ngầm địch trong nhiều bối cảnh tưởng định. Nhân viên quân đội Mỹ tham gia diễn tập cho biết: “Một trọng điểm của cuộc diễn tập tác chiến săn ngầm lần này là cùng với đồng minh tăng cường liên hệ, nâng cao khả năng thao tác với nhau trên biển, thể hiện trách nhiệm chung của Mỹ đối với an ninh, ổn định và tự do khu vực Tây Thái Bình Dương, diễn tập là hòn đá tảng quan trọng để có được khả năng phối hợp chặt chẽ với đồng minh”.

Tàu hộ vệ lớp Adelaide của Hải quân Australia
Tàu hộ vệ lớp Adelaide của Hải quân Australia
Đồng thời, Nhật Bản coi xây dựng khả năng săn ngầm là then chốt duy trì và củng cố đồng minh quân sự Nhật-Mỹ, tìm cách xây dựng một hệ thống tác chiến săn ngầm lập thể trên không - mặt nước - dưới nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Đối với vấn đề này, Mỹ cũng không ngừng gia tăng triển khai binh lực săn ngầm ở Nhật Bản. Tháng 12 năm 2013, Mỹ lần đầu tiên triển khai máy bay tuần tra săn ngầm trên biển P-8A Poseidon ở căn cứ Kadena, tỉnh Okinawa, Nhật Bản, máy bay này là máy bay săn ngầm trên biển tiên tiến nhất hiện nay.

Nhật-Mỹ không ngừng tiến hành chia sẻ toàn diện trong lĩnh vực tình báo, còn tiến hành phân công nhiệm vụ rõ ràng trong thực hiện tác chiến săn ngầm cụ thể. Nhật Bản phụ trách tiến hành tuần tra săn ngầm thường xuyên ở vùng biển xung quanh, Mỹ tiến hành tác chiến săn ngầm ở các vùng biển trọng điểm và tuyến đường giao thông trên biển trong thời chiến.

Sự coi trọng rất cao của Nhật Bản về khả năng tác chiến săn ngầm vừa là thể hiện của chiến lược biển quốc gia nước này, vừa đã phản ánh sự tính toán của họ đối với mối đe dọa và tác chiến trong tương lai.

Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khả năng săn ngầm của Nhật Bản đã vượt xa nhu cầu “chuyên phòng vệ”, ý nghĩa tấn công ngày càng lớn, phạm vi tác chiến ngày càng rộng, toàn bộ vùng biển Đông Á đều trở thành chiến trường săn ngầm của họ.

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, tác dụng của lực lượng săn ngầm này “tuyệt đối không phải là an ninh của các tuyến đường giao thông trên biển, mà là đe dọa và phá hoại môi trường hòa bình trên biển ở Đông Á”.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ
Trên đây là toàn bộ nội dung của bài báo, phản ánh mối quan ngại to lớn đối với khả năng săn ngầm của Nhật Bản và đồng minh. Đồng thời, qua đây có thể thấy, chắc rằng tác giả bài báo đang nghĩ Trung Quốc là người luôn “kiên định bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, bảo vệ hòa bình thế giới” trong khi đang đi cướp biển đảo của nước khác?!
Việt Dũng