Khiếp vía những dịch vụ "chặt chém" ngày lễ 30/4

05/05/2011 08:56
(GDVN) – Giá phòng cao gấp 8 lần, vé xe "đội" gia gấp ba ngày thường, dịch vụ ăn uống mặc sức “chặt chém” là những điều khiến du khách dịp 30/4 tỏ ra ngán ngẩm.

(GDVN) – Giá phòng cao gấp 8 lần ngày thường, giá vé xe cao gấp đôi, gấp ba, dịch vụ ăn uống mặc sức “chặt chém”, tăng một cách chóng mặt, khiến không ít người dân ngao ngán: “Sợ lắm đi du lịch vào những ngày cao điểm”, vừa phải “rửa tiền” vừa rước bực mình vào thân!".

>> Toát mồ hôi xếp hàng, chen lấn xem phim ngày lễ 30/4

Gửi xe giá “cắt cổ” tại lễ hội pháo hoa Đà Nẵng

Trong đêm khai mạc (29/4) tại lễ hội bắn pháo hoa tại Đà Nẵng, nhiều du khách gửi xe tại quán cà phê CR7 (đường Phạm Văn Đồng) đã phải “ngậm bồ hòn” rút ví trả tiền vé xe lên tới 50.000 đồng/xe máy. Bức xúc, một số hành khách gọi điện cho đường dây nóng của quản lý thị trường và ngay lập tức, lực lượng này đã có mặt tại chỗ và xử phạt điểm giữ xe này.

Cũng như bãi xe nói trên, hàng chục bãi giữ xe khác quanh khu vực diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa cũng đua nhau chào mời khách vào gửi với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/chiếc. Tại điểm giữ xe tự phát số 448 Ngô Quyền, sau khi tấp xe vào và móc ví trả 20 ngàn đồng, một khách nam than: “Giá dã man thế”, người cầm tiền bảo “một năm mới có một lần mà”.

Lượng khách tăng đột biến là cơ hội để các bãi xe mặc sức

Lượng khách tăng đột biến là cơ hội để các bãi trông xe
mặc sức "chặt chém".

Theo quan sát của phóng viên, khi lực lượng chức năng có mặt thì nhiều nơi giữ xe máy tự phát lấy đúng giá 5.000 đồng/chiếc, nhưng khi lực lượng này vừa đi khỏi họ tiếp tục lấy giá "trên trời".

Một chuyện khác cũng khiến cho nhiều người đi xem pháo hoa kém vui đó là dịch vụ cho thuê ghế ngồi và chiếu. Dọc bờ đông sông Hàn, hai bên cánh gà của khán đài chính là những khoản trống rất lý tưởng để người dân và du khách không có vé có thể chiêm ngưỡng pháo hoa tự do, tuy nhiên, tại nơi này rất nhiều người dân đã "xí phần" bằng hàng chục ghế nhựa hoặc chiếu để đến tối “bán” chỗ ngồi lại cho khách có nhu cầu với giá từ 20 - 40 ngàn/chỗ.

"Thét" giá tại Carnaval Hạ Long

Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 này trùng với lễ Tuần du lịch Hạ Long nên hàng chục nghìn du khách đã đổ về Hạ Long để tham dự Carnaval. Mặc cho Ban tổ chức đã công bố các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự nhưng các dịch vụ ăn theo vẫn than nhiên thét giá, “chặt chém” du khách.

Lượng khách đổ về ngày càng đông, các bãi trông giữ ô tô xe máy cũng thi nhau mọc lên. Trong khi các bãi trông xe có đăng kí với Ban tổ chức thu của khách 10.000 đồng/xe đạp, 20.000 đồng/xe máy, 30.000-50.000 đồng/ô tô thì các bãi trông xe tự phát thả sức hét giá. Bị phản ứng, có chủ bãi gửi xe còn thản nhiên: “Ở đâu cũng thế cả thôi. Các em cũng phải cho anh “làm ăn” với chứ”.

 
Dịch vụ cho thuê xe đạp cũng tăng từ 15.000 đồng/giờ lên 40-50.000 đồng/ giờ. Thậm chí có người không hỏi giá trước khi mang xe về trả bị “chém” đến 80.000 đồng/giờ.

Anh Đinh Diệu, một khách du lịch đến từ Hà Nội bị “quát” 100.000 đồng khi gửi xe ô tô vào thăm Triển lãm sinh vật cảnh bức xúc: “Đến đây rồi chả lẽ lại cứ đi tà tà ngoài đường. Mà vào thăm quan chỗ nào cũng phải gửi xe. Ngày đi vài nơi là mất gần triệu bạc tiền gửi xe rồi. Đang bão giá, cố gắng lắm mới thu xếp được cho gia đình xuống đây dự hội nhưng cảnh chặt chém thế này thì đúng là chả còn tâm trí đâu mà nghỉ ngơi”.

Bên cạnh đó, khách du lịch được một phen khiếp vía khi tham dự Carnaval bởi phòng ốc “hét” giá gấp 3-5 lần ngày thường.

Theo khảo sát của pv, khách sạn và dịch vụ thuê tàu ra vịnh tăng giá chóng mặt nhất. Các khách sạn tại khu vực Bãi Cháy đã tăng giá phòng lên gấp 3-5 lần ngày thường. Trong khi ngày thường chỉ khoảng 250-400.000 đồng/phòng thì giờ đã tăng lên 1,2-1,8 triệu đồng/phòng. Giá tàu ra vịnh cũng ra sức chặt chém, tăng gấp 3-4 lần.

Chị Vũ Hương, nhân viên khách sạn Bưu điện Hạ Long cho biết, dịp lễ hội nhu cầu của du khách tăng cao nên hầu hết các khách sạn đều tăng giá để phù hợp với mặt bằng chung. Dù giá tăng chóng mặt nhưng nhu cầu của du khách vẫn không giảm, thậm chí nhiều khách sạn còn cháy phòng, không đủ phục vụ. “Giá phòng cao nhất của khách sạn Bưu điện gần 1,5 triệu đồng nhưng cũng đã hết phòng”, chị Hương nói.

“Giá tàu ra vịnh thuê riêng giờ thấp nhấp cũng phải trên 4 triệu một tàu đi trong 4 giờ đồng hồ (ngày thường là 1,2 – 1,4 triệu đồng). Giá này là mình liên hệ trước với khách sạn, còn nếu tự ra ngoài liên hệ thì chưa biết thế nào”, chị Hương nói thêm.

Du khách đông nghịt, giá phòng nghỉ ở thành phố hoa tăng gấp 8 lần

Từ chiều 30/4, khu trung tâm thành phố Đà Lạt và các điểm tham quan du lịch ở thành phố này đều đông nghẹt khách. Giao thông gần như bị tắc nghẽn. Ước tính lượng du khách đến Đà Lạt kỳ nghỉ này không dưới 100 nghìn lượt. Chính vì lượng du khách tăng vọt, giá phòng nghỉ tại các nhà nghỉ tư nhân lại đồng loạt tăng giá phòng lên gấp 4 lần so với ngày thường.

Cá biệt có một số nhà nghỉ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Thị Xuân… đã găm phòng và đột ngột tăng giá cao đến gấp 8 lần, cụ thể giá phòng nghỉ 2 giường ngày thường là 250.000 đồng đã nâng lên 2 triệu đồng/ngày đêm.

Ông Hoàng Ngọc Huy, trưởng Phòng quản lý du lịch, sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lâm Đồng cho biết: “Lượng khách đổ về Đà Lạt khá đông nhưng với hơn 700 khách sạn, nhà nghỉ, với công suất trên 38.000 khách/ngày đêm nên thành phố này vẫn đáp ứng được nhu cầu lưu trú cho du khách. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng một số cơ sở lưu trú găm phòng, sau đó nâng giá lên gấp nhiều lần, nhưng số này không nhiều”.

Giá phòng tại Sapa đang được đội lên gấp 3 - 4 lần ngày thường.
Giá phòng tại Sapa đang được đội lên gấp 3 - 4 lần ngày thường.
 Tại Sapa, những ngày nghỉ lễ vừa qua, giá phòng tại đang đạt… mức đỉnh. Giá của một phòng nghỉ "Double" ngày thường của một khách sạn tiêu chuẩn khoảng 350.000 - 400.000 đồng/phòng/đêm thì nay tăng lên đến 1 triệu đến 1,2 triệu đồng. Đặc biệt, hiện tượng “găm” phòng là khá rõ tại đây. Với các du khách lẻ đặt phòng qua điện thoại đều được các chủ khách sạn báo hết phòng hoặc chỉ còn 1 đôi phòng thường giá trên 1 triệu đồng/đêm.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, anh Đỗ Quang Long - quản lý khách sạn Thiên Ngân - thẳng thắn: "Kinh doanh mà, ai chẳng muốn có lợi nhuận cao, chúng tôi không muốn tát nước theo mưa nhưng cũng phải tăng giá lên để đảm bảo sự cân bằng trong dịch vụ. Cả năm được mấy ngày như dịp này đâu”.

Trà đá 15.000 đồng/ly, 2 con cua giá tiền triệu

Không chịu “thua chị kém em”, các dịch vụ ăn uống cũng đồng loạt tăng giá. Đặc biệt là dịch vụ ăn uống dọc bờ biển Bãi cháy. Mỗi nơi một phách, chém nhẹ là gấp 2-3 lần ngày thường, nặng lên đến 7-8 lần.

Một số du khách cảm thấy chóng mặt với sự biến đổi giá cả bất thường khi đi du lịch tại Sapa đã cho biết: "Chúng tôi đi du lịch là để thăm quan, nghỉ dưỡng chứ không nghĩ rằng đi du lịch là để… "rửa tiền" như thế”.
 
Theo thống kê sơ bộ của ngành du lịch Sapa, lượng khách đổ về dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay tăng khoảng 50% so với đợt cao điểm những ngày thứ Bảy, Chủ nhật bình thường, chính vì vậy, đây là cơ hội để các hộ kinh doanh mặc sức “hét” giá trên trời.

Nhiều du khách chưa hết kì nghỉ đã phải hãi hùng than thở cho chuyến đi đau khổ của mình vì bị chặt chém, nhồi nhét, bán khách. Thành viên Nquang_dn trên diễn đàn Webtretho bức xúc chia sẻ về chuyến đi Hạ Long: “Bức xúc, mệt nhọc, ức chế làm cho chuyến đi rất nặng nề vì bị công ty du lịch “lật mặt”.

Nhiều du khách ngán ngẩm về dịch vụ ăn uống tăng giá chóng mặt
Nhiều du khách ngán ngẩm về dịch vụ ăn uống tăng giá chóng mặt

Tại Phan Thiết, trên các con đường chính vào các khu du lịch, đoạn cửa ngõ phía nam thành phố (thuộc xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) cho đến tận cuối đường Nguyễn Đình Chiểu, cửa hàng bán nước mắm và mực một nắng nthu hút rất đông sự chú ý của khách du lịch. Tuy nhiên, trong đó không ít cửa hàng lợi dụng cơ hội bắt tay với tài xế đưa khách vào "tròng". Có du khách phản ánh, hai vợ chồng anh đến quán ăn trên đường Hoàng Hoa Thám gọi 2 con cua, khi tính tiền hóa đơn giá hơn 1 triệu đồng. Khi anh  thắc mắc thì nhà hàng giải thích cua vợ chồng anh ăn là cua huỳnh đế...

Trở về Hà Nội sau chuyến du lịch ngắn ngày, vừa xuống xe rời bến Giáp Bát, trong lúc đợi người nhà ra đón, Hoàng Anh Tú (sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) ngồi tạm nơi quán nước bên đường nghỉ ngơi. Gọi một ly trà đá, anh thảnh thơi rít một điếu thuốc. Tới khi gọi tính tiền, anh "ngã ngửa" vì chỉ riêng ly trà đá được “hét” giá lên tới 15.000 đồng. “Tôi không ngờ là người ta có thể tính tiền cao như thế”, anh Tú ngỡ ngàng nói.

Bị ám ảnh bởi nạn chặt chém mùa du lịch, một người dân ngụ ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng đã phải ngao ngán thốt lên: “Sợ lắm đi du lịch vào những ngày cao điểm, giá phòng vừa cao, ăn không ngon đắt đỏ lại còn bực mình vì cách phục vụ nữa!”.

Phương Hạ (tổng hợp)

>> Toát mồ hôi xếp hàng, chen lấn xem phim ngày lễ 30/4