Khó khăn khi Bộ không tổ chức biên soạn được sách giáo khoa là khách quan!

18/05/2020 06:19
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nhìn nhận những khó khăn trong việc Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn sách, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá khó khăn này là khách quan.

Ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ đã báo cáo tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại đây, Bộ trưởng Nhạ cho biết, theo quy định của Ngân hàng Thế giới, việc tuyển chọn tác giả sách giáo khoa phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên. 

Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2 lần đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng không tuyển được đủ số lượng.

Nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa.

Sách giáo khoa cứ để xã hội hóa, Bộ không nên làm nữa
Sách giáo khoa cứ để xã hội hóa, Bộ không nên làm nữa

Ngoài ra, ở lần đấu thầu thứ 2 để tuyển chọn tác giả, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thương thảo để ký hợp đồng, các tác giả đã đưa ra nhiều yêu cầu về nhuận bút lâu dài sau khi biên soạn mà theo quy định thì Bộ không đáp ứng được.

Qua tìm hiểu, hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các Nhà xuất bản.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ Nhạ cho biết, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và trường hợp đã có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được phê duyệt thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.

Tại phiên họp, nhìn nhận những khó khăn trong việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá khó khăn này là khách quan.

Bởi lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đấu thầu nhưng gặp khó khăn do đấu thầu sau khi các Nhà xuất bản đã biên soạn sách giáo khoa, các tác giả đã tham gia biên soạn với Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo được. 

Nhìn nhận những khó khăn trong việc Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn sách, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá khó khăn này là khách quan.(Ảnh: quochoi.vn)
Nhìn nhận những khó khăn trong việc Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn sách, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá khó khăn này là khách quan.(Ảnh: quochoi.vn)

Khó khăn thứ 2, cũng là vấn đề rất thực tế khách quan bởi lẽ theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, xã hội hóa đương nhiên chi phí trả cho tác giả biên soạn sách giáo khoa sẽ cao hơn, chi phí nhà nước trả cho tác giả tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sẽ không hấp dẫn được tác giả. 

Cũng theo đánh giá của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nghị quyết 88 ban đầu muốn là có bộ sách chuẩn rồi sau đó bám vào đó biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa.

Nhưng giờ, chúng ta làm xã hội hóa trước, rất tích cực và đó là cái đáng hoan nghênh, rất đáng khen khi không dùng ngân sách nhà nước mà vẫn có nhiều sách giáo khoa chất lượng cho chương trình mới. 

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò của Chính phủ và Bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời biểu dương việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa được thực hiện rất tốt.

Đối với một số nội dung còn chậm, cần báo cáo để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp. 

Linh Hương