Khoán xe công để... dùng xe công vào việc riêng?

28/12/2016 08:47
Phạm Mạnh Hà
(GDVN) - Chính sách khoán xe công là để tiết kiệm tối đa kinh phí chứ không phải để người sử dụng giản tiện chi phí cho dôi dư ra rồi dùng xe công vào việc riêng.

LTS: Nhiều người cho rằng việc để biển xe công và xe tư cùng một màu sẽ tránh tình trạng cảnh sát giao thông cả nể mà không xử lý khi xe công vi phạm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả Phạm Mạnh Hà, việc sử dụng "đồng phục" như thế sẽ khó cho công tác giám sát việc sử dụng xe công đúng mục đích, tránh việc dùng xe công vào việc riêng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Ngay sau khi có đề xuất xe công và xe tư cùng một màu biển để cho cảnh sát giao thông... không ngại xử phạt xe công vi phạm, dư luận đa phần lo ngại việc "trà trộn" xe công và xe tư như vậy sẽ làm tăng mạnh việc lạm dụng xe công vào việc riêng mà không bị phát hiện.

Tuy nhiên, bênh vực cho đề xuất đồng bộ màu biển xe này, cũng có ý kiến cho rằng ngày nay nhà nước ta đang tiến đến việc khoán sử dụng xe công, thì cứ yên tâm cho xe công tự giác sử dụng... (kể cả vào việc riêng)?

Quan điểm như vậy là đã không nắm được bản chất của chính sách pháp luật nhà nước ta là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cho nên mới lập luận: cho tất cả xe cùng màu biển để... cảnh sát giao thông không ngại xử phạt xe công, và, để phù hợp với khoán xe công... cả vào việc riêng?

Nhiều người đề xuất xe công và xe tư cùng một màu biển. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Nhiều người đề xuất xe công và xe tư cùng một màu biển. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Trước hết, thứ nhất, phải xác định cho rõ rằng, việc cảnh sát giao thông... ngại xử phạt xe biển xanh như vậy là lỗi ở nhận thức pháp luật của cảnh sát giao thông, đã thiên vị đối với "mối quan hệ" là người trong bộ máy công quyền dùng xe công, chứ không phải lỗi tại ở cái màu biển xanh!

Cái biển xanh theo luật hiện hành nó cũng phải chấp hành pháp luật giao thông chẳng khác nào các loại biển khác.

Cho nên nếu đổi màu biển xanh xe công thành trắng như xe dân sự, thì cũng vẫn còn đó "mối quan hệ" của người đi xe công với cảnh sát giao thông, cho nên chuyện họ có xử phạt hay cả nể là vẫn còn tùy vào "mối quan hệ" này. 

Thứ hai, chính sách khoán xe công của nhà nước ta có bản chất là nhằm mục đích tiết kiệm tối đa kinh phí cấp cho người sử dụng xe công vào công vụ, chứ không phải khoán xe công để người sử dụng giản tiện chi phí công vụ cho dôi dư ra để dùng xe công vào việc riêng.

Cho nên, cán bộ dùng xe công vào công vụ mà không hết chi phí được khoán thì cũng không được sử dụng phần dư ra đó để dùng xe công vào việc riêng, mà phần còn dư ra không dùng hết sẽ phải nộp lại nhà nước.

Khoán xe công để... dùng xe công vào việc riêng? ảnh 2

Khi đi lại, ăn uống là chuyện quốc gia đại sự

Có nghĩa là sau khi hết giờ dùng xe công vào công vụ, thì cán bộ sử dụng xe công sẽ phải trả xe về cơ quan, chứ không phải hết giờ làm việc thì dùng xe công đi giao du việc riêng cho thỏa thích, sau đó đến kì hạn lại xin mức khoán chi phí xe công cho thật rộng ra để còn dôi dư ra dùng xe công vào việc riêng.

Mà để cả xã hội giám sát được việc cán bộ sử dụng xe công vào đúng mục đích như vậy, thì đương nhiên vẫn phải để biển xanh phân biệt ra như hiện nay.

Lưu ý rằng sở dĩ nhà nước ta quy định phân màu biển xe như vậy là để quản lý phương tiện cho sâu sát hơn, nên nếu nay đồng màu biển hết thì việc nhà nước quản lý phương tiện, trong đó có việc quản lý tài sản công sẽ thành ra khó khăn hơn rất nhiều, chẳng khác nào nhà nước tự làm khó cho mình.

Cho nên khoán xe công mà lại kết hợp cùng màu biển với xe dân sự cho dễ dùng vào việc riêng như thế thì chỉ làm tiêu tốn thêm ngân sách nhà nước cho xe công mà thôi.

Điều này đi ngược lại với mục tiêu tối giản chi phí xe công của nhà nước ta, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật xã hội chủ nghĩa của nhà nước ta về tài sản công là chỉ để phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải là đặc quyền đặc lợi của cá nhân.

Dù đã rõ ràng như vậy, nhưng quan điểm "các xe cùng màu biển mới bình đẳng" vẫn cố biện luận thêm rằng "có nước ngoài họ đã làm như thế thì ta cũng nên làm như nước ngoài.

Vậy liệu sau này người ta có còn "tự diễn biến" ra rằng nước ngoài đa nguyên đa đảng thì nước ta cũng nên đa nguyên đa đảng cho giống nước ngoài?

Nhận thức "nước ngoài thế nào nước ta thế" như vậy thì liệu có còn ý thức độc lập chủ quyền của dân tộc ta hay không?

Như vậy đồng nhất 1 màu biển xe chỉ "diệu kế" với các cá nhân vụ lợi mà thôi, còn đối với chính sách quản lý vĩ mô của một nhà nước, thì đó lại là hạ sách.

Phạm Mạnh Hà