Không dám từ chức vì gian lận điểm thi có phần do lợi ích

11/06/2019 06:29
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Lê Như Tiến, các văn bản của Đảng và nhà nước nên tạo điều kiện cho cán bộ từ chức chứ không phải chờ đến ý kiến của người nọ, người kia...

Sai phạm trong gian lận điểm thi ở ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 rất nghiêm trọng.

Vụ việc gây chấn động dư luận để lại hậu quả nặng nề khi hàng trăm thí sinh học thật, thi thật không được tuyển sinh vào các trường tốp đầu, các trường mình đam mê.

Quá trình xử lý sai phạm trong gian lận thi cử đến nay vẫn đang được tiến hành và dư luận cũng đang trông chờ vào những bản án nghiêm khắc dành cho những cá nhân để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này.

Bên cạnh đó những người có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước cũng phải được xử lý rõ ràng.

Liên quan đến trách nhiệm khi để xảy ra gian lận thi cử, có ý kiến cho rằng đến nay chưa có một vị cán bộ nào có trách nhiệm xin từ chức khi để xảy ra gian lận điểm thi là một điều vô lý.

Từ chức khó khăn vì có phần nguyên nhân là do văn hóa từ chức ở nước ta chưa có (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Từ chức khó khăn vì có phần nguyên nhân là do văn hóa từ chức ở nước ta chưa có (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Bình luận về nhận định trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Đúng là trong ngành giáo dục chưa thấy một vị nào từ chức cả.

Từ cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là sở giáo dục và đào tạo, và các vị phó chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm về mảng văn hóa, xã hội, giáo dục của ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La chưa có ai từ chức.

Qua đó thấy rằng ở nước ta cái việc từ chức cực kỳ khó khăn”.

Gian lận thi cử nghiêm trọng thế mà vẫn không từ chức là thiếu liêm sỉ

Giải thích thêm về hiện tượng này, ông Lê Như Tiến cho rằng, vì chúng ta chưa hình thành văn hóa từ chức.

Ở các nước xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì lãnh đạo của ngành giao thông họ sẽ từ chức hay khi xảy ra những vụ việc sai phạm về y tế thì lãnh đạo ngành y tế từ chức…. Nhưng ở ta, từ chức cực kỳ khó khăn.

Lý do vì trong xã hội chưa tạo được nếp nghĩ, thói quen cái gọi là văn hóa từ chức. Đây là nguyên nhân chính.

Ông Lê Như Tiến còn cho rằng: “Ngoài ra, chức vụ đem đến cho người ta quyền lợi cho nên từ chức rất khó khăn vì phải từ bỏ những quyền lợi.

Hiện cũng chưa có các văn bản của Đảng, nhà nước đề cập đến việc khi mà xảy ra việc nọ, việc kia thì động tác đầu tiên là người có tự trọng nên từ chức”.

Để tạo điều kiện cho việc từ chức, theo ông Lê Như Tiến, các văn bản của Đảng và nhà nước nên tạo điều kiện cho cán bộ từ chức. Chứ không phải chờ đến ý kiến của người nọ, người kia, cấp nọ, cấp kia nữa.

Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Văn hóa từ chức của chúng ta thật là hiếm hoi.

Đáng lẽ phải coi từ chức như một sự bình thường. Khi ai không hoàn thành nhiệm vụ của mình thì từ chức,  người có lòng tự trọng từ chức thì  được thông cảm, sẻ chia và tôn trọng”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, bàn luận về thực trạng này, Phó Giáo sư Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu xét ở khía cạnh công chúng đánh giá thì thực trạng này xuất phát từ lý do chế độ trách nhiệm của nước ta chưa rõ.

Cho nên người mắc lỗi vẫn tồn tại được, ì ra không nhận lỗi, cũng không chịu từ chức.

Còn ở góc độ văn hóa, thì phẩm chất liêm sỉ của những cán bộ công chức dính dáng đến gian lận thi cử là thiếu.

Đến bây giờ mà không một ai từ chức vì gian lận thi cử thì quả là vô lý

Thầy Lê Quý Đức phân tích: “Trong tất cả các lỗi bất cử lĩnh vực nào cũng đáng lên án cả.

Nhưng lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực được đề cao nhất, được ví là kỹ sư tâm hồn, kiến tạo tâm hồn thì họ lẽ ra phải có liêm sỉ, biết tự tôn trọng mình nhưng nay không có thì đúng là chuyện đau lòng.

Do đó, khi biết sai, không hoàn thành trách nhiệm thì đáng ra phải biết xấu hổ mà từ chức nhưng tôi cho rằng những cá nhân dính dáng đến gian lận điểm thi đang thiếu những phẩm chất này.

Có thể nói họ rất thiếu phẩm chất liêm sỉ. Đây là điều đáng buồn cho giáo dục và cho cả xã hội”.

Trinh Phúc