Không đánh đổi chất lượng để đạt mục tiêu dồn dịch trường lớp

11/08/2019 06:11
AN NGUYÊN
(GDVN) - Ngành giáo dục khẳng định không đánh đổi chất lượng để đảm bảo mục tiêu dồn dịch trường học.

Ngày 10/8, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị “tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020” đối với giáo dục trung học.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, cùng nhiều lãnh đạo Bộ, các sở Giáo dục địa phương…

Việc sáp nhập, sắp xếp lại các trường học vẫn còn nhiều rối rắm, bất cập. Ảnh: AN
Việc sáp nhập, sắp xếp lại các trường học vẫn còn nhiều rối rắm, bất cập. Ảnh: AN

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018 – 2019, giáo dục phổ thông có nhiều kết quả tốt đẹp rất đáng ghi nhận.

Trong đó, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 được đánh giá là một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Nhận định này đã được Chính phủ và xã hội thừa nhận.

Các bước chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như: bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương pháp quản lý và dạy học đã được thực hiện.

Đến khi nào có thể sáp nhập các trường học dưới 15 lớp và giảm sĩ số học sinh?

Về vấn đề sáp nhập, sắp xếp lại các trường, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo ) cho biết, hiện một số địa phương đã chủ động đưa các nội dung về quy hoạch cơ sở giáo dục vào chỉ thị, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Các trường trung học cơ sở quy mô nhỏ của tỉnh theo hướng sáp nhập, thành lập trường liên cấp, liên xã phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số địa phương dồn dịch các điểm trường, sáp nhập trường không theo đúng quy định.

Một số nơi sáp nhập phá vỡ quy mô trường, lớp. Sau khi sắp xếp, quy hoạch lại điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh.

Một số trường đang gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm, tiền lương, phụ cấp cán bộ quản lý… khó đảm bảo duy trì chất lượng dạy và học.

Thực tế triển khai sắp xếp, sáp nhập trường học ở nhiều địa phương đã nảy sinh những rối rắm, bất cập về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động dạy học, các chế độ chính sách.

Điển hình như năm học 2018-2019, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập đã giảm 75 trường. Nhưng nảy sinh trường hợp thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Một số trường “bơ vơ”, không biết thuộc về xã/phường nào quản lý. Việc giải quyết đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán dôi dư cũng là vấn đề hóc búa…

Giảm 47 trường, Quảng Nam vẫn thiếu hơn 1.600 giáo viên

Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đề nghị nên tạm thời dừng triển khai việc sáp nhập các điểm trường có quy mô nhỏ.

Bởi hiện nay một số địa phương đang tiến hành sáp nhập xã sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện sáp nhập các cơ sở trường lớp.

Đồng thời, Bộ cũng cần tập huấn hoặc có hướng dẫn về mô hình trường liên cấp để đảm bảo hiệu quả, chất lượng sau sáp nhập.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cho rằng, nếu không đảm bảo chất lượng giáo dục thì không nên tiến hành ghép trường. Bởi ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về chất lượng chứ không ai gánh thay.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc thành lập trường phổ thông có nhiều cấp học nhằm giúp giải quyết các vấn đề khó khăn của điều kiện kiện kinh tế xã hội.

Và chủ yếu áp dụng cho các địa phương miền núi, có điều kiện địa hình, giao thông cách trở.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, ngành giáo dục không chấp nhận đánh đổi chất lượng để đảm bảo mục tiêu dồn dịch trường học.

AN NGUYÊN