Không dạy nổi, thầy trở thành bảo vệ trường học có đầy đủ bằng cấp nhất

04/07/2019 06:40
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Từ khi ngành giáo dục đặt ra cái gọi là “chuẩn, vượt chuẩn, chứng chỉ này nọ” chẳng mấy chốc loạn lên chuyện học hành, trò học thêm, giáo viên cũng học thêm.

LTS: Chia sẻ câu chuyện có thật từng chứng kiến trong sự nghiệp dạy học của mình, thầy Sơn Quang Huyến sẽ giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi: "Đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp, giáo viên có dạy giỏi hơn không?".

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thầy giáo V. dạy Sử, là người có bằng cấp trên chuẩn duy nhất của trường tôi.

Hồ sơ V. “cực đẹp”, bằng Đại học Sư phạm Sử loại Giỏi, chứng chỉ B Tin học, B Anh văn v.v...

V. về trường công tác, ai cũng ngưỡng mộ. Sau khi gửi công văn xác minh, các loại bằng cấp của V. hoàn toàn hợp lệ. 

Có lần nộp đề kiểm tra, V. đưa đề viết tay, người viết yêu cầu V. đánh máy; V. nói “Cái bàn phím ở trường mình khác bàn phím em học… em không đánh được”; sau một hồi ấp úng, đành thú thật “em đăng ký, nộp tiền … là có chứng chỉ B. Em chỉ biết bê là khiêng thôi thầy ạ”. 

Buồn cười nhất là V. dạy học trò làm toán trừ, nếu tôi kể ra, chắc các bạn bảo tôi “điêu”, nhưng kể cho các bạn biết.

Đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp, giáo viên có dạy giỏi hơn không? Ảnh minh hoạ: TTXVN
Đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp, giáo viên có dạy giỏi hơn không? Ảnh minh hoạ: TTXVN

V. dạy Sử, nhưng xung phong dạy phụ đạo Toán lớp 6; giúp cô giáo dạy Toán 6 đang mang bầu.

Lúc đầu nhà trường băn khoăn, nhưng nghĩ V. đã tốt nghiệp Đại học, kiến thức phụ đạo yêu cầu không cao, chỉ lấy lại kĩ năng làm bốn phép tính, nên đồng ý.

Trong tiết dạy phụ đạo học sinh yếu Toán có phép tính 42 – 29; V. hướng dẫn “hai không trừ được 9, chúng ta mượn một chục, thành 12 trừ 9 được 3; mượn đâu nhớ trả đó, không người ta đánh cho đấy (cười); 4 bây giờ trả 1 thành 5; 5 trừ 2 còn 3. Như vậy 42 – 29 =  33”. Của đáng tội, lời giảng của V. trở thành chuyện “tiếu lâm” cho cả thầy và trò.

V. không vượt qua vòng “gửi xe”, nỗi đau không của riêng V. mà của cả tập thể chúng tôi, dù đã tìm mọi cách bồi dưỡng.  

V. chủ động làm đơn … chuyển sang làm bảo vệ. Có thể nói, V. là bảo vệ trường học có đầy đủ bằng cấp nhất! Thời gian sau, V. bỏ việc, về quê. 

Từ khi ngành giáo dục đặt ra cái gọi là “chuẩn, vượt chuẩn, chứng chỉ này nọ” chẳng mấy chốc loạn lên chuyện học hành, học trò học thêm, giáo viên cũng đi học thêm.

Đào tạo từ xa, tại chức, liên thông, liên kết… cỗ máy “cấp bằng thật, học giả” hoạt động hết công suất.

Người có bằng trung cấp, học lên Cao đẳng; có bằng Cao đẳng lại học lên Đại học; có bằng Đại học rồi lại học Thạc sĩ… đúng là học nữa, học mãi. 

Hết chứng chỉ tin học đến chứng chỉ ngoại ngữ; nay lại quay cuồng trong chứng chỉ nghề nghiệp để giữ hạng, thăng hạng.

Thầy cô học, học trò học, cả xã hội quay cuồng trong hoạt động học thêm.

Đ. là giáo viên đầu tiên có bằng Đại học của tổ Tự nhiên; Đ. tâm sự “Em học từ xa, học hành gì đâu thầy, bài tập thuê người khác làm; người này cũng do giáo viên giới thiệu cho cả lớp; mình gửi bài qua mail, gửi tiền qua tài khoản, họ làm bài gửi cho mình; mình gửi mail nộp là xong. 

Quy định về chứng chỉ, ai là người hưởng lợi nhiều nhất, có phải thầy cô không?
Quy định về chứng chỉ, ai là người hưởng lợi nhiều nhất, có phải thầy cô không?

Có giáo viên bắt nộp bài chép tay, cứ in ra, viết lại, vẽ lại, xong.

Ngày thi, hihi, có mặt là đậu, chống trượt rồi mà thầy. Dạy thì cũng vậy thôi, thầy ạ”.

Nói thật, mất lòng, từ khi “nở rộ” đại học trên cả nước hiện nay, các trường đại học “vơ bèo, vạt tép” cho đạt chỉ tiêu tuyển sinh với những lời quảng cáo “chưa ra trường đã biết chất lượng”, phần lớn tốt nghiệp loại khá, giỏi, nhưng chất lượng thật sự… chỉ có học trò biết. 

Có bằng vượt chuẩn, có đủ chứng chỉ, thầy cô có dạy giỏi hơn không? Nói thật, đại đa số là không.

Càng yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ; lợi lộc thu về là của các “trung tâm”; thua thiệt dành thầy cô, học trò.

Làm sao để đào tạo, tuyển dụng được giáo viên giỏi?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng “Giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi.

Giáo dục để đảm bảo người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời giúp họ có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đúng đắn đó”. 

Muốn phát triển giáo dục, phải có giáo viên giỏi. Muốn có giaó viên giỏi, phải có sinh viên giỏi, tức là phải tuyển được người giỏi vào ngành sư phạm.

Muốn vậy, phải có chế độ đãi ngộ nhà giáo sống được bằng lương của mình; ra trường được bố trí việc làm như Công an, Quân đội. 

Vì thế, quy hoạch các trường Sư phạm là việc làm cấp thiết hiện nay; chỉ dành một số trường có uy tín, mới được đào tạo Sư phạm, cấp chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm.  

Không quy định “tràn lan” các loại chứng chỉ, văn bằng không có tác dụng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, chất lượng giáo dục. 

Giảm tải các loại sổ sách trùng lặp không cần thiết. Tăng cường quản lý giáo dục bằng công nghệ thông tin; ngành giáo dục phải tiên phong sử dụng, sáng tạo công nghệ. 

Giáo dục để đảm bảo người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời giúp họ có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đúng đắn đó.

Giáo viên phải là người đầu tiên lựa chọn đúng đắn, học cái gì, làm cái gì đem lại lợi ích cho giáo dục, cho học trò, cho bản thân.

Tài liệu tham khảo: 

//dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-truong-phung-xuan-nha-giao-duc-la-con-duong-dan-den-su-thay-doi-20190702134643498.htm

Sơn Quang Huyến