Không dễ trả lời được ai mua quan, ai bán chức

06/11/2019 06:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn.

Trong 2 ngày 4, 5/11, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019;

Công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Đại biểu Nguyễn Văn Được. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Văn Được. Ảnh: Quochoi.vn

Cá nhân toàn cỡ bự có dã tâm tham nhũng

Phát biểu về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Được – đoàn Thành phố Hà Nội – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo rất quyết liệt nên đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn, đây là điều đáng mừng, nhưng chưa triệt để.

Đại biểu nêu, nhân dân cả nước nói chung, cựu chiến binh nói riêng đã hiến hàng triệu m2 đất, hàng triệu ngày công để đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình công cộng cho đất nước.

Vậy mà có những lợi ích nhóm, có những cá nhân, cá nhân ở đây là các loại cỡ bự chứ không phải vừa đâu, thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn, còn dã tâm tham nhũng của nhà nước, của nhân dân hàng ngàn tỷ đồng.

“Tôi đề nghị nhà nước, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước. Tôi đề nghị phải công khai, minh bạch trường hợp xử lý nội bộ", ông Được đề nghị.

Về vấn đề tham nhũng vặt và nhũng nhiễu, đại biểu chia sẻ, lâu nay người dân làm nhà, sửa nhà, làm kinh doanh, dịch vụ buôn bán, được cơ quan chức năng cho phép, nhưng nhiều lực lượng chức năng khác nhiều lần “hỏi thăm sức khỏe”, đặt vấn đề này, vấn đề khác, nêu điều kiện nếu không sẽ thế này, sẽ thế khác, chưa nói chuyện phong bì, chưa nói chuyện bữa ăn.

“Đây là một vấn đề nhức nhối, do vậy người dân rất bức xúc nhưng không dám phản hồi, không dám phản ánh.

Vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần giáo dục cho lực lượng chức năng này thật tốt, thật kỹ để thực thi nhiệm vụ của từng ngành để lấy lại lòng tin và tín nhiệm với dân”, đại biểu nói

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Quochoi.vn

Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nêu tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ trong thực thi công vụ nhũng nhiễu thì gọi là tham nhũng vặt, loại tham nhũng này tạo nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Nhưng nếu hành vi này có sự chỉ đạo, làm ngơ, thậm chí có sự ăn chia của người lãnh đạo, quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn gặp vô cùng khó khăn.

Đại biểu muốn nhấn mạnh tham nhũng vặt được nêu trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng tình hình tham nhũng mà thôi, thực tế tệ nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng.

Điều gì tạo nên hiện trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế nếu không xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ?

“Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng làm ngơ trong công tác quản lý?

Tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, kể cả lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tràn lan đâu chỉ là quản lý yếu kém. Gian lận trong thi cử, gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua cũng là hậu quả của nạn tham nhũng mặc dù cơ quan điều tra chưa thể kết luận một cách rõ ràng”, đại biểu Sinh nói.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh dẫn giải, trong báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2019 cho thấy đã kiến nghị xử lý 61.732 tỷ đồng, trong đó thu là 6.917 tỷ đồng, giảm chi trên 12.000 tỷ đồng.

Báo cáo thanh tra năm 2019 phát hiện vi phạm kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng, 819 héc-ta đất. Xuất toán kiến nghị xử lý 71.601 tỷ đồng, 18.904 héc-ta đất có phải bắt đầu từ tham nhũng vặt?

“Tôi cho là tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn, có hệ thống và có tổ chức”, đại biểu nêu.

Ngày 23/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký Quy định số 205 quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta làm trong sạch đội ngũ cán bộ đẩy lùi tệ chạy chức, chạy quyền mà bản chất là tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Xử lý “như tặng quà” cho cán bộ sai phạm tạo ra bất công
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Xử lý “như tặng quà” cho cán bộ sai phạm tạo ra bất công

Lĩnh vực lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song vẫn nhiều người coi là vùng cấm bởi vì chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ.

Chợ đen của việc mua quan, bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua và ai bán", đại biểu nêu.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có.

Xây dựng quy trình quy định về thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền, thực hiện dân chủ, công khai quy định quy trình về công tác cán bộ, công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức không chỉ trong các tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh giá và giám sát.

Đỗ Thơm