Không đóng bảo hiểm xã hội, huyện Mỹ Đức không thể đổ lỗi cho giáo viên

14/08/2019 06:42
Vũ Ninh
(GDVN) - Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho rằng: Trước đây giáo viên xin về trường dạy hợp đồng, bây giờ lại đổ trách nhiệm cho huyện về việc không được đóng bảo hiểm.

Giáo viên bức xúc trước câu trả lời của lãnh đạo huyện

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng có bài phản ánh về tình trạng của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức: Không được đóng bảo hiểm; chỉ được ký hợp đồng 3 tháng; mức lương nhận 1.210.000 đồng.

Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?
Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?

Điều này gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống của hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức. 

Ngoài ra căn cứ theo Quyết định số 3455/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các quận, huyện đã rà soát và đăng ký hình thức tuyển dụng; số giáo viên này cũng mất đi cơ hội được xét tuyển do không được đóng bảo hiểm xã hội.

Trong khi hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức đang mong ngóng một chính sách nhân văn, thấu tình đạt lý từ Thành phố thì phát biểu của lãnh đạo Huyện chẳng khác nào như gáo nước lạnh tạt vào họ.

Cụ thể, trả lời Báo điện tử Hải Quan ngày 24/7/2019, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cho rằng: 

“Trong những năm qua, huyện Mỹ Đức cũng không ban hành kế hoạch tuyển giáo viên hợp đồng, trong khi đó các cô vẫn xin làm giáo viên hợp đồng nên việc huyện thực hiện ký hợp đồng là đáp ứng nguyện vọng cho họ”. (1)

Có giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức được ký hợp đồng từ năm 1998 nhưng đến thời điểm này chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)
Có giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức được ký hợp đồng từ năm 1998 nhưng đến thời điểm này chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)

Câu trả lời này khiến cho một số giáo viên hợp đồng cảm thấy vô cùng buồn và thất vọng. Cô N.T.L, giáo viên hợp đồng lâu năm nói:

“Tôi công tác trong ngành giáo dục gần 20 năm. Từng đấy năm đi dạy hợp đồng chưa một câu oán trách kể cả khi mức lương có thấp hơn mức lương tối thiểu hay không được đóng bảo hiểm.

Phát biểu của lãnh đạo huyện như vậy là phủi sạch công lao của chúng tôi. Chúng tôi cũng lên lớp dạy dỗ học sinh như bao giáo viên biên chế khác. 

Bản thân tôi trước đây nộp hồ sơ về huyện và được phân công đi dạy chứ chúng tôi không có ai đi xin cả.

Ai lại đi xin vào ngành mà lương chẳng đủ nuôi thân. Đến thời điểm này chúng tôi cũng chẳng đặt nhiều kỳ vọng sẽ được xét đặc cách. 

Nhưng phát ngôn của lãnh đạo huyện chẳng khác nào phủi sạch công lao của chúng tôi”.

Khi được hỏi về mức lương của giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức – là một trong số những huyện trả lương thấp nhất cho giáo viên và không đóng bảo hiểm, lãnh đạo huyện nói rằng:

“Việc ký hợp đồng với những giáo viên này trong điều kiện huyện thiếu giáo viên và chưa có chỉ tiêu thi viên chức, ngân sách của huyện không cấp bù cho việc thiếu giáo viên. 

Do vậy, hiện giáo viên hợp đồng của huyện Mỹ Đức được chi trả mức lương tối thiểu là 1.210.000 đồng/tháng. 

Khi huyện ký hợp đồng với người lao động cũng nói rõ không có chế độ bảo hiểm xã hội và chỉ thực hiện ký hợp đồng trong thời hạn 3 tháng”.

Năm 2015, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức gia hạn với 464 giáo viên hợp đồng với mức lương 1.150.000 đồng và không được đóng bảo hiểm (Ảnh: V.N)
Năm 2015, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức gia hạn với 464 giáo viên hợp đồng với mức lương 1.150.000 đồng và không được đóng bảo hiểm (Ảnh: V.N)

Phóng viên hỏi: Mỗi bên có khó khăn riêng, huyện không có ngân sách, giáo viên đeo đẳng mãi hy vọng được vào hợp đồng dài hạn và được đóng bảo hiểm xã hội nhưng khi già về hưu không có đồng lương nào. Với những đối tượng như vậy ông có suy nghĩ và có sự cố gắng giải quyết thế nào?”.

Ông Nguyễn Văn Hậu trả lời như sau: “Bổn phận một lãnh đạo như tôi phải lo rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều người có những điều kiện hoàn cảnh khó khăn hơn thế nhiều huyện phải lo và kêu gọi ở các tổ chức xã hội, hảo tâm quan tâm giúp đỡ. Các trường hợp này chưa phải đặc biệt.

Sao tôi không nghĩ nếu đặt giả thiết là con em nhà mình, nhưng việc theo đuổi, nuôi hy vọng đó là việc của họ. 

Các giáo viên đừng nghĩ là do chúng tôi níu kéo các giáo viên ký hợp đồng, điều này là không phải”.

Trước tiên phải nói rằng việc Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức sử dụng lao động (giáo viên hợp đồng) nhưng lại trả mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu và không đóng bảo hiểm xã hội là sai Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều này được chính ông Mai Thành Công, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức thừa nhận: 

“Đây là cái sai của huyện nếu chiếu theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng có đồng lương phụ cấp nào huyện cũng đã chi trả và các cô đã lĩnh hết, các cô không đóng bảo hiểm xã hội thì sau này hết tuổi lao động cũng không có chế độ gì.

Tuy nhiên, hiện nay hợp đồng lao động 1 tháng kéo dài 3 lần cũng phải ký hợp đồng dài hạn, chúng tôi biết điều này sai luật. 

Trong kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục lần này, chúng tôi mong có cơ chế đặc biệt quan tâm đến giáo viên hợp đồng có kinh nghiệm, trình độ, mang tính nhân văn với các cô”.

Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức không đủ điều kiện xét tuyển vì không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)
Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức không đủ điều kiện xét tuyển vì không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: V.N)

Trước câu trả lời của lãnh đạo huyện Mỹ Đức, nhiều người cho rằng: Huyện đã tuyển dụng lao động thì phải thực hiện đúng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động; không thể vịn vào khó khăn ngân sách để ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Luật sư Quách Thành Lực, đoàn luật sư thành phố Hà Nội nói: “Việc Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức chỉ ký hợp đồng 3 tháng/ 1 lần và trả mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và không đóng bảo hiểm là sai quy định của pháp luật.

Dù huyện có khó khăn hay lý do như thế nào đi chăng nữa khi tuyển dụng người lao động phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Đã sai luật là sai luật không có lời nào bào chữa cả”.

Đồng tình với quan điểm trên, một số giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức bày tỏ: Huyện không thể nói giáo viên xin vào hợp đồng trong khi họ nộp hồ sơ và được phân công công tác.

Cô L.T.X ấm ức: “Lãnh đạo Huyện nói như vậy là không tôn trọng giáo viên hợp đồng. Huyện tuyển dụng chúng tôi. 

Chúng tôi đường đường chính chính nộp hồ sơ và được phân công về đi dạy nhưng huyện lại nói do chúng tôi xin. 

Thử hỏi nếu huyện khó khăn nhưng sao từng đấy năm không giải quyết dứt điểm vấn đề này đi mà để dây dưa đến tận ngày hôm nay”.

"Tôi không cầu được ưu tiên chỉ cầu được ghi nhận"

Trong lời nói của cô L.T.X. có cảm giác như người giáo viên này sắp khóc đến nơi. Gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục từ khi mái đầu còn xanh đến nay tóc đã hai màu. 

Dạy ở Hà Nội, lương 1,2 triệu mỗi tháng, người ta hỏi sao tôi vẫn lên lớp?
Dạy ở Hà Nội, lương 1,2 triệu mỗi tháng, người ta hỏi sao tôi vẫn lên lớp?

Để xoay sở với mức lương 1,2 triệu đồng/ tháng, cô L.T.X. phải làm đủ thứ nghề: cấy hái, chăn nuôi, làm thuê, cuốc mướn…

Khó khăn chồng chất; đợt vừa rồi cô bị thông báo cắt hợp đồng, tiếp đến đàn lợn trong nhà lại nhiễm dịch.

Cô tay trắng. Nhưng điều làm cô buồn hơn chính là những phát biểu của lãnh đạo huyện.

Cô nói: “Tôi đọc được những phát biểu của lãnh đạo trên báo mà cảm thấy buồn và tủi thân vô cùng.

Ngày xưa cha mẹ cho ăn học. Ra trường mình cũng nộp hồ sơ về huyện đàng hoàng và được phân công đi dạy. 

Chúng tôi không biết thế hệ vài năm gần đây như thế nào nhưng trước đây chúng tôi vào ngành là bằng thực lực, không có xin xỏ gì.

Vậy mà lãnh đạo lại nói do chúng tôi xin hợp đồng. Tôi thử hỏi nếu huyện khó khăn sao vẫn còn tuyển dụng chúng tôi. 

Tại sao huyện không giải quyết hoặc sa thải hết số giáo viên hợp đồng này đi?

Nếu như trước đây họ sa thải chúng tôi, chúng tôi có thể tìm được công việc khác. Nhưng đến tuổi này rồi họ nói do các cô xin vào hợp đồng. Chúng tôi cảm giác như bị vắt chanh bỏ vỏ”.

Chủ tịch thành phố nói: Sẽ có cơ chế giải quyết quyền lợi cho số giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh:V.N)
Chủ tịch thành phố nói: Sẽ có cơ chế giải quyết quyền lợi cho số giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh:V.N)

Trước những tâm tư và nguyện vọng của giáo viên hợp đồng trên địa bàn Hà Nội đặc biệt là số giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội.

Ngày 12/8/2019, trong “Hội nghị Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018-2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019-2020 của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội” do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức.

Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận: thời gian qua vẫn còn những bức xúc xung quanh kỳ thi tuyển viên chức giáo dục sắp diễn ra.

Ông Chung nói: “Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy, qua hơn 20 năm, Thành phố có gần 3.000 trường hợp giáo viên hợp đồng. 

Trong thời gian tới cần giải quyết dứt điểm. Có những trường hợp còn đang vướng mắc vì không được đóng bảo hiểm xã hội. 

Chúng tôi đang làm việc với bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội để giải quyết dứt điểm cho những trường hợp này”.

Chưa biết những điều Chủ tịch Chung nói có thành hiện thực trong tương lai hay không. 

Tuy nhiên điều giáo viên hợp đồng mong ngóng là một sự thừa nhận, xoa dịu trái tim bị tổn thương của họ.

Tài liệu tham khảo:

https://haiquanonline.com.vn/hang-tram-giao-vien-day-ca-chuc-nam-khong-duoc-dong-bao-hiem-lanh-dao-huyen-my-duc-ha-noi-noi-gi-108597.html

Vũ Ninh