Không nên tập trung hóa hay độc quyền trong đào tạo sư phạm

15/09/2019 07:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Dương Đức Hùng: “Hãy để cho hệ thống giáo dục sư phạm phát huy mạnh nhất năng lực hiện có mà không nên tập trung hóa, độc quyền cho một số trường".

Sắp xếp lại các trường sư phạm đang trở thành một vấn đề nóng của giáo dục nước ta. Thực trạng, nhiều trường tồn tại một cách “thoi thóp” phải mong đợi sự "hà hơi tiếp sức" từ chính sách đã cho thấy việc sắp xếp lại các trường sư phạm đã đến mức cấp thiết.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là sắp xếp như thế nào để phát huy được các thế mạnh hiện có của hệ thống các trường cao đẳng sư phạm là vấn đề cần phải thảo luận đa chiều.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng.

Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng (ảnh Trinh Phúc).
Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng (ảnh Trinh Phúc).

Theo ông Hùng, sắp xếp lại các trường sư phạm đào tạo giáo viên trong toàn quốc là vấn đề quan trọng và cần thiết nhưng phải đảm bảo cho các trường phát triển bền vững và tận dụng lợi thế của hệ thống đào tạo giáo viên hiện có.

Việc sắp xếp bắt buộc phải xuất phát từ thực tiễn và cơ sở khoa học chính xác chứ không thể xuất phát từ chủ quan duy ý chí từ cán bộ quản lý.

Nói về thực trạng các trường đào tạo sư phạm hiện nay, theo ông Hùng, khó khăn nhất là các trường cao đẳng sư phạm vì tuyển sinh hạn chế. Trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019  quy định, giáo viên phải có trình độ từ đại học trở lên nên tuyển sinh lại càng khó khăn.

Vì vậy ông Hùng cho rằng, để tồn tại các trường cao đẳng sư phạm phải chuyển đổi mô hình, trở thành đào tạo giai đoạn 1 cho các trường đại học sư phạm hoặc chuyển sang bồi dưỡng giáo viên cho địa phương...

Tình cảnh các trường cao đẳng sư phạm hiện nay rất ...đau lòng!
Tình cảnh các trường cao đẳng sư phạm hiện nay rất ...đau lòng!

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, việc sắp xếp các trường sư phạm hiện nay không nên gấp gáp mà cần có lộ trình.

Cần xây dựng được một hệ thống các trường sư phạm trọng điểm mang tính chất dẫn dắt, định hướng cho hệ thống giáo dục và tập trung đào tạo giáo viên bậc trung học phổ thông, nghiên cứu khoa học sư phạm và đào tạo sau đại học.

Còn đối với hệ thống sư phạm địa phương thì tập trung vào đào tạo giáo viên bậc trung học cơ sở, tiểu học và giáo viên mầm non. Các trường này tập trung vào bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên ở địa phương.

“Theo tôi nên có phân cấp, phân định rõ ràng thì hệ thống chúng ta mới tận dụng được các ưu thế, lợi thế sẵn có của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay” – ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, khi chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019 – 2020 đi liền với đó đội ngũ giáo dục cần phải đào tạo lại.

Trong việc đào tạo lại giáo viên mỗi năm phải đảm bảo trên 200 nghìn thầy cô. Trong 4 đến 5 năm tới mới đào tạo lại cho 1,3 triệu giáo viên trên toàn quốc để đáp ứng chương trình phổ thông mới.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Hải Phòng, trong giai đoạn từ năm 2019  đến 2024 việc tuyển mới sinh viên sư phạm cần hết sức hạn chế.

Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành là đào tạo lại giáo viên và xử lý hết toàn bộ giáo viên dôi dư, chưa biên chế và số sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm.

Sau năm 2024, sau khi đã xử lý xong số giáo viên dôi dư thì sẽ tiến hành đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng đào tạo từ nhu cầu thực tế và đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm, có thu nhập, có điều kiện làm việc.

“Ba yếu tố này nếu chúng ta giải quyết ổn thỏa thì tôi tin đầu vào các trường sư phạm sẽ thuộc tốp cao nhất trong hệ thống đại học Việt Nam” ông Hùng nhận định.

Cuối cùng vị này có ý kiến: “Hãy để cho hệ thống giáo dục sư phạm phát huy mạnh nhất năng lực hiện có mà không nên tập trung hóa, độc quyền cho một số trường đại học sư phạm trong việc đào tạo giáo viên mà hãy để cho thị trường giáo dục điều tiết”.

Trinh Phúc