Không quân TQ vai trò có hạn, phải hóng theo phát triển của Nhật, Mỹ

23/07/2014 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Ở Biển Đông, Bắc Kinh đã lựa chọn sử dụng hạn chế tài sản hải quân mang tính sách lược, lựa chọn chiến thuật “cắt xúc xích” thận trọng.
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc

Trang mạng "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản ngày 22 tháng 7 đã đăng bài viết của phó chủ biên Ankit Panda. Bài viết đã tiến hành phân tích về mức chi tiêu ngân sách, chương trình máy bay J-20, thậm chí bộ máy cấp cao Quân đội Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc thực sự coi trọng lực lượng đường không (không quân) và có khả năng coi trọng hơn cùng với chi tiêu quân sự liên tục tăng lên, nhiệm vụ chủ yếu của Không quân Trung Quốc là tập trung vào tình hình căng thẳng leo thang ở đảo Senkaku và khu vực Biển Đông.

Theo bài viết, Quân đội Trung Quốc luôn là đội quân lấy lực lượng mặt đất làm trung tâm. Bài viết tự đặt câu hỏi: Tình hình này đang thay đổi?

Rebecca Grant đã liệt kê một danh sách tương đối có ích trên "Tạp chí Không quân" Mỹ: "Không quân Trung Quốc: 10 việc người Mỹ cần tìm hiểu". Xét đến những năm gần đây Trung Quốc bắt đầu "giám sát, quản lý những vùng biển xung quanh" (thực chất là bành trướng, xâm lược), tìm hiểu vai trò của lực lượng đường không trong kế hoạch quân sự của Trung Quốc là rất quan trọng. Đây là do Trung Quốc ngày càng hung hăng hiếu chiến ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 Hải quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 Hải quân Trung Quốc

Nhưng, các hành động này thường sử dụng tài sản trên biển không phải của hải quân, trong đó có tàu hải giám. Trong các hành động hung hăng hiếu chiến này, vai trò của Không quân Trung Quốc tương đối có hạn. Ngoài việc bay qua đảo Senkaku với khoảng cách gần gây lo ngại, Không quân Trung Quốc về cơ bản không đóng vai trò gì.

Sự kiện thứ tư trong 10 sự kiện do Rebecca Grant đưa ra là điều cần nhấn mạnh: Không quân là một bộ phận “không quan trọng” trong Quân đội Trung Quốc, chỉ chiếm 17% tổng binh lực của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đã kế thừa truyền thống từ tiền thân nó, ở mức độ rất lớn vẫn là đội quân mặt đất.

Vì vậy, Quân đội Trung Quốc vẫn có “văn hóa lấy lục quân làm chủ đạo” - sĩ quan nghỉ hưu Mỹ, chuyên gia nghiên cứu không quân Trung Quốc, Kenneth W.Allen khẳng định.

Một nguyên nhân quan trọng khác mà lực lượng không quân không thể đứng ở vị trí quan trọng hàng đầu trong các lực lượng theo kế hoạch sử dụng của Quân đội Trung Quốc là sự lệ thuộc vào đường lối của tầng lớp lãnh đạo Quân đội Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngoài ra, do tất cả trọng điểm áp đảo của Quân đội Trung Quốc là ở lực lượng mặt đất, tầng lớp lãnh đạo của Quân ủy Trung ương thường chủ yếu đến từ cựu sĩ quan Lục quân.

Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh

Điều có thể khẳng định là, Trung Quốc đang tích cực phát triển không quân thành một lực lượng tác chiến mạnh hơn. Chương trình máy bay J-20 đã phản ánh rất rõ sự coi trọng về chiến lược và ngân sách của Trung Quốc đối với lực lượng đường không. Thậm chí, trong cơ cấu ban lãnh đạo, phi công đều bắt đầu có vị thế nổi bật hơn.

Rebecca Grant đã dẫn bài viết của Oriana Skylar Mastro và Michael S. Chase trên tạp chí “Học giả Ngoại giao” cho rằng, năm 2012, 2 phi công Không quân Trung Quốc trở thành thành viên của Quân ủy Trung ương, bước vào nhóm hạt nhân. Một vị là Tư lệnh Không quân Mã Hiểu Thiên.

Theo cách nhìn của Mastro và đồng nghiệp Michael S. Chase ở Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, điều ý vị sâu xa hơn là, cựu Tư lệnh Không quân Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng đã đảm nhiệm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Mastro và Chase cho rằng, Hứa Kỳ Lượng là một “người mở đường”. Ông là phi công đầu tiên có vị trí “vinh quang” trong Quân ủy Trung ương, nơi chủ yếu sử dụng sĩ quan Lục quân.

Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 Phi Báo, Trung Quốc
Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 Phi Báo, Trung Quốc

Mặc dù có những xu thế này, không quân vẫn không phát huy vai trò chính trong chiến lược quân sự Trung Quốc, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các đối thủ cạnh tranh khu vực của Trung Quốc cân nhắc cách thức đối đầu tiềm tàng với thực lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhìn vào tình hình hiện nay, các nhà phân tích tập trung vào khả năng “chống can dự/ngăn chặn khu vực” liên tục tăng lên của Trung Quốc là đúng đắn, nhưng loại khả năng này liên quan không lớn tới lực lượng đường không.

Ở Biển Đông, Bắc Kinh đã lựa chọn sử dụng hạn chế tài sản hải quân mang tính sách lược, lựa chọn chiến thuật “cắt xúc xích” thận trọng.

Nhìn vào mức chi ngân sách, tỷ lệ giữa chi phí và hiệu quả về kỹ thuật của “chống can dự/ngăn chặn khu vực” của Trung Quốc đã vượt xa bất cứ công nghệ hàng không nào (trừ máy bay không người lái).

Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc

Có thể suy ra, nhiệm vụ chủ yếu của Không quân Trung Quốc là tập trung vào sự leo thang tình hình đảo Senkaku, Biển Đông. Trong bất cứ hoạt động tác chiến tấn công đổ bộ đảo đá nào của Lục quân và Hải quân Trung Quốc, ưu thế của Không quân sẽ được chứng minh là rất quan trọng. Nhật Bản duy trì triển khai máy bay chiến đấu ở Okinawa là chuẩn bị cho tình huống này.

Đối với vấn đề khả năng coi trọng lực lượng đường không của Trung Quốc, có thể khẳng định, Trung Quốc thực sự coi trọng lực lượng đường không và có khả năng coi trọng hơn nữa cùng với việc tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự. Các nhân tố bên ngoài như khả năng vật chất của Nhật Bản và Mỹ hầu như là động lực quan trọng để Quân đội Trung Quốc từ một đội quân lấy lực lượng mặt đất làm trung tâm chuyển sang lực lượng tác chiến đa dạng hóa hơn.

Chỉ cần có dấu hiệu cho thấy, Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì lực lượng đường không “đánh đòn phủ đầu” (bao gồm kế hoạch “tác chiến hợp nhất trên không, trên biển” gây tranh cãi của Mỹ), Trung Quốc sẽ phải coi trọng lực lượng đường không.

Máy bay chiến đấu J-20 đang được Trung Quốc phát triển
Máy bay chiến đấu J-20 đang được Trung Quốc phát triển
Đông Bình