Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Không thể nói có hay không có lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng"

13/11/2012 20:13
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Hiện nay, trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực. Nhưng về lĩnh vực tái cấu trúc ngân hàng thì từ khi tiến hành tái cấu trúc tới nay chưa yêu cầu tổ chức nào thực hiện tái cấu trúc mà chỉ yêu cầu họ vạch rõ những yếu kém để tự khắc phục. Vì vậy, không thể nói là có lợi ích nhóm hay không lợi ích nhóm ở đây”.

Nợ xấu – vấn đề vẫn “nóng”

Chiều 13/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục có buổi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Không ngoài dự đoán, phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước "nóng bỏng" ngay từ những phút đầu tiên. Trong phiên chất vấn buổi chiều, Tiến sĩ Trần Du Lịch được Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng mời phát biểu với tư cách là chuyên gia kinh tế, không chỉ vì vai trò thành viên của đoàn đại biểu TP HCM.

Vốn nổi tiếng thẳng thắn đến gai góc, vị đại biểu này không giấu cảm giác thất vọng với phần trả lời của Thống đốc Bình từ phiên buổi sáng. Theo ông, người đứng đầu ngành ngân hàng đang trình bày các vấn đề được cử tri quan tâm theo logic của riêng mình, không phải theo cuộc sống.

"Tôi là người rất lạc quan, luôn nghĩ rằng chúng ta làm sao lấy lại niềm tin thị trường. Nhưng qua trình bày của Thống đốc, niềm tin, lạc quan của tôi giảm đi... Thống đốc trả lời cho tôi cũng như các đại biểu khác thì dường như vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Vậy, tại sao chúng ta lại đặt vấn đề nghiêm trọng, đặt cả vấn đề lập công ty mua bán nợ, Thống đốc bảo chúng ta không giải quyết được mà cần cả hệ thống chính trị. Thống đốc nói rõ vấn đề có nghiêm trọng không? Có ảnh hưởng đến hệ thống không? Nó ảnh hưởng đến vấn đề hấp thụ vốn nền kinh tế không nếu ta chậm?", đại biểu Trần Du Lịch nói.

Vẫn với sự trầm tĩnh vốn có Thống đốc Bình trả lời, nợ xấu qua đánh giá của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 30/9 vừa qua là 8,82%. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 2,7 triệu nghìn tỷ đồng. 73% số dư nợ này có tài sản đảm bảo, trong đó, hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản.

"Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai", ông nói.

Do đó, Thống đốc cho rằng, để xử lý được nợ xấu cần phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường bất động sản. Theo ông Bình, cơ cấu xây dựng nhà đất như về mặt diện tích, giá cả… chưa phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, trong điều kiện kinh tế khó khăn nên thị trường bất động sản đóng băng dẫn đến khó giải bài toán nợ xấu. Đối với khách hàng muốn mua nhà, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng đủ vốn. Bây giờ, quan trọng là phải làm sao có được thị trường bất động sản ổn định với 1 mặt bằng giá hợp lý và thị trường đó phải lưu thông”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (ảnh: internet)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (ảnh: internet)

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra và thấy nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng có đơn vị báo cáo nợ xấu chỉ vài phần trăm nhưng thanh tra kiên quyết thì nợ xấu lại lên tới vài chục phần trăm. Để xảy ra nợ xấu, trách nhiệm trước hết là của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc cũng khẳng định: “Hiện nay, trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực. Nhưng về lĩnh vực tái cấu trúc ngân hàng thì từ khi tiến hành tái cấu trúc tới nay chưa yêu cầu tổ chức nào thực hiện tái cấu trúc mà chỉ yêu cầu họ vạch rõ những yếu kém để tự khắc phục. Vì vậy, không thể nói là có lợi ích nhóm hay không lợi ích nhóm ở đây”.

Các tổ chức tín dụng hiện nay cũng quan tâm tới chất lượng của hệ thống tín dụng. Có nhều bên vay không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng nên tình trạng tín dụng đen vẫn tràn lan ngoài thị trường. “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với công an nhằm phát hiện và xử lý triệt để sự việc này” – Thống đốc nêu rõ.

Liên quan tới câu hỏi về việc liên thông vàng trong nước với giá vàng thế giới, Thống đốc nêu rõ: “Nếu để giá vàng trong nước liên thông giá vàng thế giới, có nghĩa là chúng ta lại chấp nhận một thị trường đầu cơ về vàng – cái mà chúng ta đang chống, cái mà chúng ta đang vất vả bao nhiêu năm nay, mà đến nay chúng ta mới làm được. Cho nên, không có việc liên thông với vàng thế giới”.

Việc lấy thương hiệu SJC làm chuẩn, do thương hiệu này đang chiếm khoảng 90% vàng miếng trên thị trường. Thống đốc cũng khẳng định, trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý kinh doanh vàng không có nội dung nào bắt người dân phải chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang vàng miếng khác. Các loại vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu hành bình thường.

Thống đốc cho biết thêm, dự trữ bắt buộc là một công cụ quan trọng đối với nền kinh tế. Trong nhiều năm qua công cụ này mất tác dụng. Nếu nói nặng thì nó đang bị tê liệt, còn nói nhẹ thì chúng ta phải có biện pháp thanh khoản ngân hàng nhằm giúp công cụ này phát huy tác dụng.

Quốc hội giao nhiệm vụ tái cấu trúc ngân hàng cho Thống đốc Ngân hàng

Kết thúc những ý kiến chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là việc làm quan trọng và là mục tiêu tổng quát. Phải giải quyết đồng bộ cả việc giải quyết nợ xấu, tổ chức mô hình hoạt động và sao cho những ngân hàng yếu kém phải có sự sắp xếp, đồng thời giải quyết tốt tái cơ cấu cả vấn đề cho vay.

Trong đó, vấn đề nợ xấu là nghiêm trọng, có ở các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản vì liên quan tới đất đai, nhà xây dựng… làm cho lĩnh vực này khó đi lên trong thời gian qua. Năm 2013 phải cố gắng giảm nợ xấu. Đây là nhiệm vụ mà Quốc hội giao cho Thống đốc Ngân hàng phải thực hiện. Cần phân loại nợ xấu, nợ xấu khác nhau thì sẽ có những biện pháp khắc phục khác nhau.

Về thị trường vàng, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Thị trường vàng khi hội nhập có môi trường rất rộng, chúng ta cho phép sàn vàng phát triển nhưng quản lý lại lỏng lẻo. Vàng không phải 1 loại hàng hóa bình thường mà là 1 loại hàng hóa đặc biệt để cất trữ. Tuy vậy, chúng ta không cho phép dùng vàng làm phương tiện thanh toán.

Hiện nay có nhiều tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng như tổ chức tài chính tiền tệ nói chung liên qua tới lợi ích nhóm, kê giá lên làm tài sản thế chấp, nợ xấu phát sinh, nhiều tổ chức muốn thâu tóm ngân hàng làm tài sản phát triển bất động sản… Cần có phối hợp giữa các cơ quan chức năng điều tra, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các hiện tượng này.

Y tế nổi lên nhiều vấn đề sát sườn và cần sớm được tháo gỡ

Trong phiên họp chiều nay, một số câu hỏi liên quan tới giá thuốc, tài chính y tế, bảo hiểm, chất lượng thuốc, mất cân bằng giới tính, quá tải bệnh viện… cũng đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm rõ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh: internet)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh: internet)

Bộ trưởng không đi vào trả lời từng câu hỏi của các đại biểu Quốc hội mà khái quát thành các nhóm câu hỏi. “Đây là những vấn đề sát sườn và thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, cần sớm được tháo gỡ” – Bộ trưởng nêu rõ.

Về vấn đề giá thuốc nổi lên 4 thực trạng là: Chênh lệch giá thuốc giữa bệnh viện và các cơ sở y tế bên ngoài; giá thuốc bị đẩy lên do trung gian; các hãng dược bắt tay với thầy thuốc để kê đơn thuốc biệt dược, thuốc nhập ngoại để hưởng chênh lệch; kết quả đấu thầu của bệnh viện có thể cao hơn giá niêm yết và giá công khai.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế cũng ban hành thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế; thông tư liên tịch số 50/2012/TTLT-BYT-BTC-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc dùng cho người. Đồng thời đưa ra những quy chế kê đơn, lập diễn đàn vận động “người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”, thí điểm thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia gồm Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Y tế…

Liên quan tới câu hỏi về bảo hiểm xã hội, giá dịch vụ công, Bộ trưởng khẳng định: “Tăng giá dịch vụ công không ảnh hưởng tới những người thụ hưởng là người làm công ăn lương, người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số và gần đây thêm người cận nghèo”

Về vấn đề hiện nay Đông y có yếu tố nước ngoài, Bộ Y tế đã có những quy định kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, những phòng khám có người nước ngoài vì lợi nhuận đã không làm đúng pháp luật và lực lượng thanh tra các cơ sở này còn mỏng, tính chất răn đe chưa có; chưa làm rõ được khả  năng phiên dịch tại các phòng khám.

Hiện nay có tới 60% các cơ sở khám chữa bệnh Đông y không đạt chất lượng. Bộ trưởng khẳng định, đây là mảng trống và cần nâng cao năng lực của đội ngũ Đông y để y học cổ tuyền Việt Nam vẫn giữ được vị trí đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai Đề án giảm tải trong bệnh viện. Cùng với vấn đề quá tải bệnh viện, vấn đề chất lượng dịch vụ cũng được quan tâm nhưng để khắc phụ không phải là một sớm một chiều.

Trong phiên họp sáng mai, 14/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Huệ Nguyễn