Khu liên hợp Phước Đông-Bời Lời: Vì sao dân không đồng tình với dự án?

01/06/2014 06:48
Hải Ninh
(GDVN) - Mãi đến khi có sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh Tây Ninh mới “khiên cưỡng” thực hiện nhưng vẫn chưa đúng luật...

Hệ lụy từ việc đầu tư ngoài ngành

Theo đồ án quy hoạch chung, Khu Liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Phước Đông (Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời) có tổng diện tích hơn 2.800 ha, bao gồm 2 khu chính là: Khu công nghiệp (KCN) có diện tích khoảng 2.200 ha và khu đô thị - dịch vụ chiếm khoảng hơn 600 ha.

Hiện nhà đầu tư đang thực hiện giai đoạn 1 với hơn 1.200 ha. Dự án Phước Đông – Bời Lời do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn của dự án là Ngân hàng cổ phần đầu tư Sài Gòn (SVT) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay đợt 01 gần 1.200 tỷ đồng, phần vốn còn lại do VRG đầu tư.

Lâu nay, dư luận xã hội bất bình về việc các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước mang tiền vốn của Nhà nước đầu tư ngoài ngành tràn lan. Hiệu quả chưa thấy, nhưng nhiều dự án thất bại thì đã rõ. Đối với VRG, việc “lấn sân” đầu tư sang lĩnh vực khác ngoài cao su đã gặp phải phản ứng gay gắt của người dân, khi họ phải hy sinh đất trồng cao su để xây dựng khu công nghiệp - đô thị.

Sau hơn 2 năm triển khai, tình hình thu hút đầu tư vào Khu liên hợp Phước Đông – Bời Lời vẫn còn rất khiêm tốn, tỷ lệ lấp đầy còn quá thấp. Phần lớn diện tích trước đây là đất hai lúa, rừng cao su giờ đang bị bỏ hoang. Đến giữa năm 2012, chỉ mới có 6 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 490 triệu USD. Thời điểm đó, tổng diện tích đất mà các dự án thuê được 89 ha- chỉ hơn 13% tổng diện tích đất công nghiệp của Khu liên hợp trong giai đoạn 1.

Sau hơn 2 năm triển khai, tình hình thu hút đầu tư vào Khu liên hợp Phước Đông – Bời Lời vẫn còn rất khiêm tốn, tỷ lệ lấp đầy còn quá thấp.
Sau hơn 2 năm triển khai, tình hình thu hút đầu tư vào Khu liên hợp Phước Đông – Bời Lời vẫn còn rất khiêm tốn, tỷ lệ lấp đầy còn quá thấp.

Ngành công nghiệp dệt may có công đoạn nhuộm, đang gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng ở một số địa phương khác. Tuy nhiên, UBND tỉnh Tây Ninh vẫn chấp nhận cho phép Khu liên hợp thành lập phân khu CN dệt may. Tính đến tháng 09/2013, trong khu vực này đã thu hút thêm được 4 dự án đầu tư mới và 2 dự án đầu tư tăng thêm vốn với tổng vốn đăng ký là 262 triệu USD và 5 tỷ đồng.

Khi thu hồi dự án, có khoảng gần 600 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư từng “hứa” với lãnh đạo tỉnh và người dân là sẽ thu hút khoảng 100.000 lao động đến làm việc và giải quyết thêm khoảng 10.000 người ngoài hàng rào hoạt động các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người lao động. Dự báo khi Khu Liên hợp lấp đầy, toàn khu vực sẽ có khoảng 140.000 người ở và làm việc. Tuy nhiên, đến nay Khu Liên hợp Phước Đông - Bời Lời mới giải quyết được 2 nghìn lao động (chiếm 2%). Câu hỏi lớn đặt ra là, 98% số lao động bị thu hồi sạch “tư liệu sản xuất” thì họ đang làm gì để kiếm kế sinh nhai?

Quyền lợi của người dân bị bỏ qua?

Nghị Định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/10/2009, mãi đến ngày 28/12/2009 UBND tỉnh Tây Ninh mới ban hành Quyết định 2738/QĐ-UBND về phê duyệt phương án và dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án Khu liên hợp Phước Đông – Bời Lời. Do đó, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án phải thực hiện Nghị Định 69/2009/NĐ-CP.

Tuy nhiên, tại Văn bản số 3035/UBND-KTTC ngày 23/11/2009 do phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Hùng Việt ký và Văn bản số 278/UBND của UBND huyện Gò Dầu ngày 28/12/2009 do phó Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Dũng ký lại khẳng định: “Đối với Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị- Dịch vụ Phước Đông – Bời Lời giai đoạn 1 đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và đang thực hiện việc chi trả bồi thường cho các hộ dân nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị Định 69/2009/NĐ-CP”.

Người dân tiếp tục khiếu nại, ngày 22/07/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Văn bản số 1218/TTG-KTN chỉ đạo UBND tỉnh Tây Ninh: “Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo và thực hiện việc rà soát lại phương án bồi thường; hỗ trợ chi tiết, trường hợp hộ gia đình cá nhân đã nhận tiền hỗ trợ thấp hơn so với mức quy định tại Nghị Định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính Phủ và Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND ngày 19/08/2010 của UBND tỉnh Tây Ninh thì tiếp tục được chi trả nhưng không cao hơn mức quy định tại Nghị Định 69/NĐ/2009/NĐ-CP và quy định cụ thể của địa phương”.

Tuy nhiên, lúc này UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ một cách "chống chế" khi chi trả tiền hỗ trợ thấp hơn so với mức quy định trong Nghị Định 69.

Cụ thể, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22, Nghị Định 69/2009/NĐ-CP nêu: “Hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi; diện tích hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương”. Tuy nhiên, khi thu hồi đất, chính quyền địa phương lại đổi vị trí đất của hầu hết các hộ dân từ vì trí 1,2,3 sang vị trí 5 để chỉ phải chi trả hỗ trợ với mức thấp hơn.

Tại Quyết định 2738/QĐ/UBND ngày 28/12/2009 của UBND tỉnh Tây Ninh xác định hầu hết các diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân bị thu hồi là đất có vị trí 1,2,3 với với các mức giá bồi thường về đất là: 55.000 đồng/1m2; 47.000đồng/1m2;45.000 đồng/1m2. Tuy nhiên, khi chi trả hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo Nghị Định 69/2009/NĐ-CP thì lại xác định giá đất đối với các vị trí trên là 11.000 đồng/1m2 và tự áp đặt mức hỗ trợ thấp nhất là 1,5 lần để chỉ phải hỗ trợ (tức 16.500 đồng/1m2).

Theo quy định tại khoản 3, Điều 42, Luật Đất đai năm 2003: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương lập và thực hiện các dự án, tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Tuy nhiên, theo phản ánh, UBND tỉnh Tây Ninh đã lập khu tái định cư nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, không đáp ứng được yêu cầu sinh sống của những hộ dân.

Thông thường, việc áp dụng các quy định pháp luật phải mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, tuy nhiên cách thực hiện của UBND tỉnh Tây Ninh đang khiến cho quyền lợi của người dân bị "bóp nghẹt" tối đa (?!).

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hải Ninh