Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Khu thể thao Mỹ Đình: Công trình triệu đô thành... quán cà phê

02/10/2012 17:52
Theo Tuổi Trẻ
Với chủ trương xã hội hóa, chỉ trong khoảng hai năm, hàng trăm dịch vụ cho thuê đã mọc lên tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (LHTTQG) như cà phê, cửa hàng nội, ngoại thất, nhà hàng, massage.
Cụm công trình thể thao hiện đại nhất VN này bị biến dạng toàn bộ quy hoạch, cảnh quan.
"Ẩm thực phố cổ" được xây dựng ngay sát khuôn viên của sân vận động quốc
 gia Mỹ Đình

Năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý để Khu LHTTQG thí điểm thực hiện liên danh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất để tăng nguồn thu. Năm 2012, Khu LHTTQG chính thức được Bộ

VH-TT&DL đồng ý là đơn vị tự chủ tài chính. Để kiếm tiền, từ đó đến nay ban quản lý khu liên hợp bằng mọi cách cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh phi thể thao.

Từ công trình triệu đô...

Khu LHTTQG được khởi công xây dựng ngày 6-12-2001 để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội. Khu LHTTQG có diện tích 247ha tại hai xã Mễ Trì, Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Trong giai đoạn 1 của dự án, khu liên hợp đã thực hiện triển khai hai công trình lớn là sân Mỹ Đình và cung thể thao dưới nước.

Chi phí xây dựng sân Mỹ Đình là gần 53 triệu USD, sức chứa 40.000 chỗ ngồi và là sân vận động hiện đại nhất VN hiện nay. Cung thể thao dưới nước có ba bể bơi với tổng vốn xây dựng khoảng 240 tỉ đồng. Sau SEA Games, Bệnh viện Thể thao VN được xây dựng và khánh thành năm 2007 với diện tích 15.000m2, tổng vốn đầu tư 52 tỉ đồng, gồm 15 khoa, 100 giường.

Một số công trình khác nằm trong giai đoạn 2 của Khu LHTTQG như hồ điều hòa, sân đua xe đạp lòng chảo, nhà thi đấu có mái che, khu thi đấu quần vợt, khu thể thao người khuyết tật... cho đến nay vẫn không thể triển khai.

Ông Hà Quang Dự, nguyên bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT, cho biết sau SEA Games 2003, Nhà nước cấp thêm 1.200 tỉ đồng để triển khai giai đoạn 2 của dự án. Tuy nhiên do Ủy ban TDTT không thực hiện được nên sau đó Nhà nước phải thu hồi. Đến thời điểm này do ngân sách nhà nước chưa cấp nên toàn bộ công trình thuộc giai đoạn 2 vẫn "đắp chiếu". Đồng thời, nhiều diện tích đất đã bị lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển cho đơn vị khác.

... Đến khu liên hợp dịch vụ

"Lộn xộn, mất mỹ quan..." là thực trạng đang diễn ra tại khu liên hợp nhiều tháng nay. Bụi đất mù mịt từ đầu đến cuối đường Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ - nơi Khu LHTTQG án ngữ - bởi các dự án cải tạo, xây dựng công trình đang ồ ạt diễn ra.

Có thể kể qua hàng tá dịch vụ, công trình đã và đang mọc lên tại sân Mỹ Đình như quán cà phê O2 án ngữ giữa khán đài B sân Mỹ Đình với thiết kế mặt tiền không khác gì một sàn nhảy cỡ lớn. Bên ngoài sân trước quảng trường Mỹ Đình được cho thuê làm rạp xiếc. Một khu ẩm thực với hàng loạt ngôi nhà được xây mới, mái ngói đỏ tươi mọc lên cuối sân với tên gọi "khu ẩm thực phố cổ".

Bên cạnh hai sân tập phụ của Mỹ Đình, một siêu thị nội thất cao cấp đang được gấp rút hoàn thiện trên diện tích rất lớn, cao hai tầng mang tên Dong Duong Home Interior. Toàn bộ cột nước cao vài chục mét của khu liên hợp được tận dụng làm biển quảng cáo cho siêu thị này. Và toàn bộ diện tích chân cột đèn của sân tập cũng nằm trong quy hoạch của siêu thị.

Không được thay đổi mục đích sử dụng đất

Theo công văn số 12692 của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí ký trả lời Bộ VH-TT&DL về việc thực hiện liên danh liên kết ở Khu LHTTQG, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương của Bộ VH-TT&DL đối với việc sử dụng ba khu đất thuộc Khu LHTTQG để thực hiện các dự án: quần thể giao lưu văn hóa Việt - Nhật với diện tích 6.000m2; trung tâm dịch vụ thương mại Mỹ Đình (2.700m2); trung tâm thương mại và dịch vụ thể thao tổng hợp (3.177m2) theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện dự án, khai thác cơ sở vật chất phải "đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Khu LHTTQG, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất".

Toàn bộ khu đất hàng ngàn mét vuông ngay cạnh quảng trường Mỹ Đình hiện nay được dùng làm chỗ bán cây cảnh, đá cảnh và treo biển Công ty TNHH tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hùng Anh cùng rất nhiều dịch vụ đan xen khác không liên quan gì đến thể thao.

Riêng cung thể thao dưới nước đối diện sân Mỹ Đình, những khoảng đất tạo tiểu cảnh xung quanh cung đã bị tận dụng toàn bộ không chừa chỗ nào.

Đầu tiên là nhà hàng mang tên Landscape, trung tâm vui chơi trẻ em, CLB patin Ben10, xưởng dịch vụ ôtô, cửa hàng chứa gas..., hàng núi gạch đá tiếp tục được đưa về trước cung để xây dựng một công trình đang được quảng cáo là thế giới thủy sinh.

Trong tòa nhà của cung, nhiều năm nay Khu LHTTQG đã cho Trường quốc tế Newton thuê làm địa điểm dạy học cho hàng trăm học sinh từ cấp I-III. Cung thể thao dưới nước từ đó kiêm luôn chức năng trường học cho học sinh.

Theo thông tin từ Tổng cục TDTT, dự kiến toàn bộ khu đất trống trước sân Mỹ Đình, nơi hiện nay được gọi là công viên thành tích và là vườn hoa tạo cảnh quan cho sân, cũng đang bị lăm le biến thành sân golf theo đề xuất của khu liên hợp.

Rất nhiều dịch vụ khác hứa hẹn tiếp tục mọc lên trong năm 2012 như báo cáo triển khai nhiệm vụ đầu năm của khu liên hợp để giải quyết bài toán tự chủ tài chính. Với việc các công trình, dịch vụ phi thể thao đang mọc lên như nấm tại khu liên hợp hiện nay đã gây ảnh hưởng không ít đến cảnh quan và thiết kế của khu liên hợp.

Mỹ Đình sẽ có khách sạn 5 sao, cao ốc 20 tầng, sân golf?

Thông báo số 281 năm 2010 của Bộ VH-TT&DL, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý để Khu LHTTQG điều chỉnh quy hoạch khu liên hợp. Với việc điều chỉnh này, vị trí một số công trình sẽ được thay đổi và nhiều công trình chưa từng có trong đề án quy hoạch cũ năm 2003 của Khu LHTTQG sẽ xuất hiện như: khách sạn thể thao 5 sao, sân tập golf, cao ốc văn phòng 20 tầng...

Theo đề án quy hoạch mới, Khu LHTTQG điều chỉnh báo cáo các cấp có thẩm quyền, bảo tàng Olympic nằm trong sân Mỹ Đình được sửa đổi để biến thành trụ sở làm việc. Các hiện vật của bảo tàng đã được gửi lên Tổng cục TDTT và hiện tòa nhà này được sửa để làm trụ sở của Khu LHTTQG hai tháng nay.

Tại khu thi đấu trong nhà thuộc giai đoạn 2 của Khu LHTTQG sẽ xây một nhà thi đấu 10.000 chỗ ngồi. Khu thi đấu ngoài trời sẽ xây ba sân quần vợt, sáu sân bên ngoài và đặc biệt là khu thương mại dịch vụ và khách sạn thể thao 5 sao sẽ mọc lên tại đường Lê Đức Thọ với 25 tầng.

Khu đua xe đạp lòng chảo cũng sẽ xây thêm một cao ốc văn phòng 17-20 tầng làm trụ sở của Ủy ban Olympic VN, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại. Đặc biệt khu vực công viên thành tích mà hiện nay đang là bãi cỏ rộng trước sân Mỹ Đình sẽ được điều chỉnh làm học viện golf với sân tập 4-5ha. Tất cả vùng đất tạo tiểu cảnh cho các cung thể thao, nhà thi đấu, sân vận động hay các dịch vụ bên trong đều được tận dụng làm trung tâm thương mại, dịch vụ thể thao. Nếu điều chỉnh quy hoạch này được các cấp có thẩm quyền thông qua, trong tương lai Khu LHTTQG Mỹ Đình không biết sẽ như thế nào.
Theo Tuổi Trẻ