Khủng hoảng con tin Nhật Bản và bài học về bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia

26/01/2015 18:37
Bình Nguyên
(GDVN) - Truyền thông là một trong những lĩnh vực nên được các chính quyền ưu tiên, tạo điều kiện hết khả năng có thể.

"Muốn bảo vệ được đất nước, Nhật Bản phải bắt đầu là một người truyền tin tốt” đó chính là nhận định của một nhà báo Nhật khi nói về một trong những bài học có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin mà người Nhật Bản đang trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan, khủng bố.

Truyền thông Nhật Bản và cuộc khủng hoảng con tin ở Trung Đông
Truyền thông Nhật Bản và cuộc khủng hoảng con tin ở Trung Đông

Báo chí Nhật Bản ngày 26/1/2015 có đăng tải bài bình luận của tác giả Yuzo Waki viết trên tờ Nikkei Asian Review rất uy tín ở châu Á với tiêu đề "Muốn bảo vệ được đất nước, Nhật Bản phải bắt đầu là một người truyền tin tốt".

Tác giả Yuzo Waki cho rằng vụ việc các tay súng cực đoan thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng/ISIS bắt cóc các con tin người Nhật để ra yêu sách, đòi tiền chuộc là một thực tế chứng minh rằng ngay cả Tokyo cũng không có khả năng miễn dịch với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế cho dù sự liên quan của Nhật Bản với các chiến dịch chống phong trào cực đoan ở Trung Đông không phải là nhiều và trực tiếp.

Trong khi nhà chức trách Nhật Bản đang cố gắng giải quyết tình thế thì một trong hai con tin người Nhật được cho là đã bị hành quyết bởi yêu cầu chuyển 200 triệu USD cho chúng đã không được thực hiện đúng thời hạn.

Truyền thông Nhật Bản đặt ra một vấn đề rất nghiêm túc đó là cần phải có những phân tích, góc nhìn rộng hơn về những biện pháp để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của Nhật Bản trong bối cảnh, tình hình mới.

Kể từ khi phong trào “Mùa xuân A Rập” nổ ra và lan rộng ở Trung Đông từ 2011, lực lượng phiến quân là những nhóm vũ trang đạo Hồi có tư tưởng cực đoan, phân biệt chủng tộc đã tận dụng cơ hội khi các chế độ lãnh đạo ở Trung Đông yếu kém đã nổi dậy tranh thủ cướp quyền kiểm soát, tấn công đẫm máu để tranh giành ảnh hưởng.

Thực tế này đã dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng là nội chiến xảy ra liên miên, xung đột sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo bùng phát không có dấu hiệu dừng lại trên nhiều khu vực, trong đó đặc biệt đáng chú ý là ở Trung Đông và Bắc Phi.

Hiện nay, lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS ở Trung Đông đã kiểm soát được nhiều khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Iraq và Syria. Tại Yemen, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cũng thiết lập được một số vị trí trọng yếu, được bảo vệ kiên cố.

Trung Đông và Bắc Phi cũng là một trong những khu vực có tỷ lệ người thất nghiệp cao nhất thế giới, đặc biệt là trong thế hệ lao động trẻ. Thực trạng này cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và phân biệt chủng tộc.

Thực trạng thất nghiệp tràn lan của người trẻ cũng là một trong những vấn đề đau đầu mà chính ngay tại các quốc gia phát triển ở châu Âu đang phải đối mặt.

Đương nhiên, nơi nào có tỷ lệ thất nghiệp cao, bất ổn chính trị cũng là nơi nảy sinh chủ nghĩa cực đoan, bất kể dù là ở đâu đi chăng nữa.

Hai con tin người Nhật Bản bị bắt cóc bởi ISIS
Hai con tin người Nhật Bản bị bắt cóc bởi ISIS

Cuộc khủng hoảng con tin xảy ra với Nhật Bản chỉ một thời gian rất ngắn sau khi nổ ra sự kiện thảm sát đẫm máu gây hoang mang toàn thế giới nhằm vào một tạp chí chuyên đăng tải thông tin, hình ảnh biếm họa có tên Charlie Hebdo cùng một vụ tấn công vào một siêu thị bán đồ ăn kiêng ở thủ đô Paris, Pháp.

Sau vụ các vụ tấn công đẫm máu này, xã hội châu Âu dường như đang bị chia cắt bởi các chiều hướng đối lập nhau.

Cụ thể, đối với nhiều gia đình nhập cư theo đạo Hồi, quá trình toàn cầu hóa đang cướp đi cơ hội việc làm, thu nhập khấm khá trước đây. Nay họ phải đối mặt với những khó khăn chí ít là áp lực kinh tế nên tôn giáo trở thành một trong những chỗ dựa, nơi an ủi tinh thần duy nhất.

Tương tự như vậy, kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố gây chấn động toàn cầu mang tên 11 tháng Chín ở Mỹ đã nảy sinh tâm lý nghi ngờ, chống lại cộng đồng người Hồi giáo ở Hoa Kỳ và cả ở châu Âu.

Cùng với thực tế là EU đang phải trải qua thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cộng với những biến động kinh tế không thể dự báo đã vô tình tạo điều kiện cho các tổ chức chống người nhập cư hình thành, phát triển và bành trướng các thể lực ủng hộ mình.

Người Hồi giáo cũng là một trong những thành phần chính của lực lượng người nhập cư ở châu Âu. Chính vì cảm thấy bị đối xử vô nhân đạo và bị bài xích khỏi cộng đồng mà từ họ đã nảy sinh những tư tưởng đối địch.

Đây cũng chính là lúc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nảy sinh. Nguy hiểm hơn, phong trào này thường đi liền với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.

Điều đáng quan ngại nhất hiện nay đó chính là sự xuất hiện của các mạng xã hội. Bên cạnh các giá trị tích cực không thể phủ nhận mà mạng xã hội đem lại thì đây cũng là môi trường để những thành viên có tư tưởng cực đoan liên kết, tập hợp, kêu gọi nhau tiến hành các vụ tấn công tiêu cực.

Thực tế cho thấy, nhiều kẻ cực đoan đã sử dụng mạng xã hội để truyền bá tư tưởng của mình trên phạm vi toàn cầu.

Từ đó, nhiều cá nhân từ các quốc gia Trung Đông có chung quan điểm đã liên kết lại với nhau thành các nhóm chiến binh, cá biệt có những trường hợp không chỉ học nhau các nhìn nhận về tôn giáo mà còn học nhau các thức, kỹ năng để tiến hành các vụ tấn công khủng bố và họ đều là những quả bom khó phát hiện, là những cơn ác mộng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.

Đối với chiều hướng đang nảy sinh và lan rộng này, theo tác giả Yuzo Waki, nó đặt ra yêu cầu cần phải có những phản ứng chiến lược đồng nhất từ cộng đồng quốc tế, trong đó, Nhật Bản là một trong những thành phần không thể đứng ngoài lề.

Ai cũng cho rằng ưu tiên hiện nay là phải loại bỏ các vị trí, căn cứ trọng yếu của chủ nghĩa cực đoan cũng như các trung tâm huấn luyện của chúng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều này nói bao giờ cũng dễ hơn làm.

Bởi vì, hiện nay, các cuộc không kích do quân đội Mỹ dẫn đầu về cơ bản chỉ giải quyết và cải thiện được tình hình trong một vài bối cảnh cụ thể, chiến tranh đau thương không phải là giải pháp nền tảng tối ưu.

Việc loại bỏ lực lượng Nhà nước Hồi giáo ra khỏi Syria là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nếu không có các các chiến dịch mặt đất đồng bộ.

Chính vì vậy, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài thì chắc chắn cuộc nội chiến, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chưa thể chấm dứt.

Saudi Arabia là một trong những quốc gia đã chính thức đứng trong liên minh quốc tế chống ISIS và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước được xem là một trong những quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong chiến lược ngăn chặn ISIS lan xuống toàn bộ Syria.

Theo tác giả: Cả hai nước này đều quan tâm đến việc lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đó chính là một trong những mấu chốt của vấn đề.

Theo nhà báo Nhật Bản, để giải quyết được cặn kẽ, hiệu quả vấn đề này bước đầu tiên là cộng đồng quốc tế phải xây dựng được một khối đồng lòng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Điều này vô cùng cần thiết bởi xây dựng được cơ chế đồng lòng sẽ khuyến khích các quốc gia sẵn sàng chia sẻ sớm nhất các thông tin tình báo qua đó có thể biết trước, ngăn chặn được các đối tượng, phe nhóm cực đoan có thể gây ra các vụ tấn công nghiêm trọng.

Bên cạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố cần cả các nỗ lực để giảm thiểu tối đa mâu thuẫn, bất công, phân biệt trong các xã hội.

Điều này cũng là biện pháp vô cùng cần thiết có vai trò ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan, khủng bố đội lốt tôn giáo được hình thành.

Như chúng ta đã biết, sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Paris cũng đã xuất hiện nhiều vụ đánh bom, đấu súng, ném lựu đạn ở các thánh đường của người Hồi giáo trên toàn bộ nước Pháp.

Đây cũng chính là lý do xuất hiện nhiều cuộc tuần hành, biểu tình phản đối vụ thảm sát nhằm vào báo Charlie Hebdo trên đất nước này.

Ngược lại, ở nhiều nước Hồi giáo cũng đã nổ ra các cuộc tuần hành phản đối việc xuất bản các bức tranh biếm họa khiến cộng đồng Hồi giáo căm phẫn vì họ cho rằng Nhà tiên tri Muhammad – đấng tối cao mình bị bôi nhọ.

Các cuộc tuần hành, phản đối của người Hồi giáo chắc chắn cũng là một trong những cản trở đối với việc đoàn kết chống chủ nghĩa khủng bố của cộng đồng quốc tế.

Tất nhiên, người Hồi giáo chính đáng cũng có lý do riêng, chính đáng của mình bởi tôn giao là chủ đề nhạy cảm, dễ nảy sinh mâu thuẫn bất đồng chỉ vì lý tưởng khác biệt.

Nhìn nhận khách quan mà nói, ngay bản thân các quốc gia theo đạo Hồi cũng cần lên án các hành động bạo lực do những kẻ cực đoan, quá khích lấy danh nghĩa đạo, giáo gây ra bằng những tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng để không gây hiểu nhầm, mâu thuẫn.

Ngược lại, các quốc gia phương Tây cũng phải tôn trọng nhu cầu và sự khác biệt trong quan điểm tôn giáo, giá trị văn hóa của các nước khác như Đức giáo hoàng Pope Francis đã từng truyền đi một thông điệp quan trọng rằng “không nên sỷ nhục vào sự thất bại của người khác” dưới danh nghĩa quyền tự do bày tỏ.

Một trong hai con tin người Nhật Bản được cho là đã bị ISIS hành quyết
Một trong hai con tin người Nhật Bản được cho là đã bị ISIS hành quyết

Thông điệp này có lẽ cũng chính là điều nên cân nhắc với giới truyền thông, những người dùng internet, mạng xã hội dù tự do nhưng phải có giới hạn của mình, không nên sỉ nhục, xúc phạm người khác trên danh nghĩa quyền tự do bày tỏ.

Nhật Bản phải làm gì?

Tác giả bài báo cho rằng đa số người Hồi giáo đều có cảm giác thân thiện đối với Nhật Bản, nhiều người trong số đó từng nói rằng họ cầu nguyện cho sự an toàn của các con tin bị bắt.

Hơn nữa, trong số những người Hồi giáo trẻ tuổi đều có những ấn tượng tốt đẹp về văn hóa Nhật.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các chính sách ngoại giao và lập trường quốc tế của Nhật Bản đều được hiểu chính xác và rộng rãi, đặc biệt là trong thế giới đạo Hồi.

Nhật Bản đã và đang cung cấp các khoản viện trợ kinh tế giành cho các quốc gia Hồi giáo, đa số các khoản viện trợ đó là nhằm cải thiện điều kiện sống ở các quốc gia này.

Nhà báo Nhật cho rằng, để có thể ngăn chặn được sự tuyên truyền tiêu cực của chủ nghĩa cực đoan với dư luận ở Trung Đông chính quyền Nhật Bản cần phải cải thiện nỗ lực trong quan hệ công chúng, tăng cường kết nối giữa người dân Nhật với các quốc gia này.

Trong sứ mệnh đó, truyền thông chắc chắn là một trong những cầu nối, đóng vai trò lan tỏa chính sách, quan điểm, lập trường vô cùng quan trọng.

Thiết nghĩ, đây không phải là bài học giành riêng cho Nhật Bản mà là bài học chung cho nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang trải qua xu thế toàn cầu hóa cộng với những biến động, điểm nóng nảy sinh khó dự đoán.

Chính vì vậy truyền thông là một trong những lĩnh vực nên được các chính quyền ưu tiên, tạo điều kiện hết khả năng có thể. Bên cạnh đó là việc phải giải quyết các bất đồng, bất bình đẳng, dẹp bỏ các tệ, nạn gây bức xúc trong xã hội một cách có hiệu quả từ đó xây dựng một xã hội ổn định, không phải là nơi chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố có cơ hội khởi phát, gây hỗn loạn.

Bình Nguyên