Kiện ngân hàng Vietcombank đòi... 5.500 đồng!

11/11/2013 10:31
Theo Thanh Niên
Cho rằng ngân hàng cố tình nạp tiền có mệnh giá thấp vào máy ATM để khách phải rút nhiều lần, dẫn đến mất phí nhiều, nên một công dân đã gửi đơn đến tòa án khởi kiện để đòi lại số tiền chỉ... 5.500 đồng!
Ngày 3/4/2013, ông Phạm Văn Quang (140/12 Lê Đức Thọ, P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đến ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) đặt ở 12-14 Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM để rút 15 triệu đồng. Như mọi khi, ông chỉ cần giao dịch 3 lần (mỗi lần được rút 5 triệu), tốn phí 3.300 đồng (bao gồm 10% VAT).
Minh họa: DAD.
Minh họa: DAD.
Tuy nhiên, thời điểm đó, trụ ATM ở đây chỉ còn tiền mệnh giá 50.000 đồng, buộc lòng ông phải rút 8 lần, mỗi lần được 1.750.000 đồng, mất 8.800 đồng tiền phí mà chưa đủ số tiền cần. Bực mình khi mất thêm 5.500 đồng so với mọi khi mà chưa đủ số tiền cần có, ông Quang vào phòng giao dịch của VCB ở địa chỉ trên khiếu nại.

Theo một thẩm phán ở TAND Q.1, tòa án quận này đã từng thụ lý vụ kiện có lẽ có giá trị cao nhất Việt Nam từ trước đến nay là vụ tuyên ông Ly Sam thắng kiện Công ty liên doanh Đại Dương (Câu lạc bộ Palazzo - khách sạn Sheraton Sài Gòn, bị đơn) hơn 55 triệu USD (gần 1.155 tỉ đồng) và nay là vụ kiện có giá trị có lẽ là thấp nhất, cũng trùng hợp ở con số 5 đó là 5.500 đồng.
VCB đã tiếp xúc cùng ông Quang, giải thích sự việc nhưng ông không hài lòng và đã gửi đơn khởi kiện VCB đến TAND Q.1, TP.HCM, yêu cầu VCB trả lại cho ông số tiền 5.500 đồng. Tòa án đã thụ lý vụ kiện, ông Quang cũng đã đóng án phí 200.000 đồng. Ngày 27/9 vừa qua, TAND Q.1 đã tiến hành hòa giải nhưng bất thành.
“Tôi tin sẽ thắng kiện”
Ông Phạm Văn Quang cho rằng: “Mỗi lần rút tiền từ máy ATM sẽ mất phí 1.100 đồng/giao dịch. Trên các trụ ATM của VCB đều ghi:“Chủ thẻ Vietcombank Connect-24 có thể rút tối đa 5.000.000 đồng/giao dịch...”. Khách cần rút nhiều tiền đều muốn rút 5 triệu đồng/lần, vừa đỡ tốn phí, đỡ tốn thời gian, công sức. Tuy vậy, trên thực tế rất ít người rút được 5 triệu đồng/lần. Tôi cho rằng, VCB luôn cố tình nạp vào máy một cách hạn chế tiền có mệnh giá 500.000 đồng và 100.000 đồng, chủ yếu nạp mệnh giá 50.000 đồng để khách hàng phải rút nhiều lần, để họ thu được nhiều phí. Với hàng triệu người sử dụng ATM của VCB thì số tiền VCB thu được từ việc này sẽ rất lớn”. Nói về ý chí của mình khi nộp đơn kiện ra tòa, ông Quang cho biết: “Tôi tin tôi sẽ thắng kiện, lấy được 5.500 đồng từ VCB. Và tôi mong, sau vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ ràng, đúng, đầy đủ liên quan đến vấn đề này để người dân khi trả phí phải được hưởng đầy đủ các dịch vụ từ ATM và không bị mất tiền oan như tôi”.Vietcombank nói gì? Liên quan đến khiếu nại của ông Phạm Văn Quang, ngày 21/5/2013, VCB đã có công văn trả lời ông với nội dung cho rằng ông đã hiểu nhầm về dịch vụ của VCB. Theo đó: VCB không thể chỉ nạp vào ATM một loại mệnh giá 500.000 đồng để đảm bảo luôn chi cho khách đủ 5 triệu đồng/giao dịch. Như thế là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phải nạp tiền vào ATM với nhiều mệnh giá khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhất là nhu cầu mệnh giá nhỏ để chi tiêu. Mặt khác, khe cửa trả tiền ở máy ATM chỉ cho phép đưa ra tối đa 35 tờ/lần. Do đó, nếu trong máy không còn loại mệnh giá 500.000 đồng thì khách chỉ được rút tối đa 3,5 triệu (mệnh giá 100.000 đồng) và 1.750.000 đồng (mệnh giá 50.000 đồng). Mỗi lần như vậy, trên màn hình ATM đều hiển thị dòng chữ thông báo và gợi ý, nếu khách ấn nút đồng ý thì máy mới hoạt động tiếp. Thời điểm ông Quang rút tiền, trụ ATM chỉ còn mệnh giá 50.000 đồng. Nếu không đồng ý, ông Quang có thể sang trụ ATM gần đó hoặc sang điểm ATM khác. Tuy nhiên, ông Quang vẫn chấp nhận thực hiện 8 giao dịch với thao tác gõ số tiền 1.750.000 đồng ở mục “số khác” trên màn hình rút tiền.
Ý kiến luật sư cũng khác nhau

Theo luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM), dưới góc độ pháp lý, muốn buộc VCB bồi thường thì ông Quang phải chứng minh VCB phải có lỗi, lỗi này có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra cho ông Quang.

Trong trường hợp cụ thể này thì chưa thấy rõ VCB có lỗi gây thiệt hại cho ông Quang. Trước hết, khi ông Quang giao dịch rút tiền ở máy ATM của VCB là ký kết tham gia vào một giao dịch dân sự. Ngân hàng đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết như lệ phí một lần rút tiền là 1.100 đồng và bội số của số tiền rút có thể biết mệnh giá tiền có trong máy là loại tiền nào. Thêm nữa tự tay ông Quang bấm enter 8 lần chấp nhận tham gia vào giao dịch nhận mệnh giá tiền là 50.000 đồng và chấp nhận bị trừ phí. Ông Quang có nhiều sự lựa chọn khác như bấm cancel để tìm máy ATM khác hoặc gặp trực tiếp giao dịch viên rút tiền. Từ đó, cho thấy ngân hàng không lừa dối, không có lỗi nên không gây thiệt hại cho ông Quang.

Trong khi đó, luật sư Lý Ngọc Hải (Đoàn luật sư Đồng Nai), cho rằng trong trường hợp này, VCB có lỗi vì không đảm bảo cho khách hàng được hưởng đúng quyền lợi rút tối đa 5 triệu đồng/lần và bị nộp phí nhiều hơn.

Có thể nguyên nhân là do cơ chế hoạt động của loại máy ATM của VCB hạn chế nên khách hàng bị thiệt hại. Quy định của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đa dạng mệnh giá tiền nhưng vẫn đảm bảo làm sao dân rút được tối đa 5 triệu đồng/lần. Trong trường hợp cụ thể của ông Quang quyền lợi được rút tối đa 5 triệu đồng/lần đã không được đảm bảo; cho thấy VCB đã có lỗi và phải hoàn trả lại cho khách hàng khoản phí bị thiệt hại nói trên.
Theo Thanh Niên